7 vụ tai nạn liên tiếp tại một “hố tử thần”
Đêm 27 rạng sáng 28/5, bảy vụ tai nạn giao thông liên tiếp đã xảy ra tại đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn giáp bến xe phía bắc TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vì một “hố tử thần”.
Nhiều người dân cho biết từ khoảng 20g ngày 27/5, liên tiếp bốn chiếc taxi khi đi qua đoạn đường này đã lọt xuống một hố sâu, tài xế phải nhờ người khiêng xe lên để tiếp tục đi. Khoảng 21g, anh Y Blê Ê Ban (huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) chạy xe gắn máy khi lưu thông qua khúc đường đã lao thẳng xuống hố và phải nhập viện với nhiều vết thương quanh mũi, miệng do bị va đập.
Sau khi biết con bị nạn, ông Y Brăm Niê, bố của anh Y Blê Ê Ban, chạy ôtô vào viện thăm con cũng bị lọt xuống hố này gây nên tình trạng ách tắc cục bộ. Lúc này phía bên cạnh có thêm một chiếc xe khách 45 chỗ bị lọt bánh sau xuống một hố khác khiến toàn bộ hành khách phải xuống xe ngồi trú mưa bên trong các ống cống công trình.
“Hố tử thần” lúc này đã được mở rộng ra gần hết bề ngang của mặt đường với độ sâu khoảng 1m. Hiện trường phía dưới cho thấy những lỗ hổng có chiều rộng gần nửa mét nằm tụt sâu vào hai bên mép đường.
Video đang HOT
Ông Lê Quý Phóng – tổ trưởng tổ thi công gói thầu số 3 Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh), đơn vị thi công đoạn đường nói trên – cho biết: “Đoạn đường này chúng tôi chưa bàn giao, mới đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chỉ trám sơ qua để xe cộ lưu thông chứ không phải chúng tôi thi công cẩu thả”(!?). Ông Phóng cũng cho biết thêm vì thiệt hại gây ra cũng “chưa có gì nghiêm trọng” nên phía đơn vị thi công vẫn chưa nghĩ tới chuyện đền bù.
Theo Dân Trí
Để sập dầm cầu giữa thủ đô, một kỹ sư lãnh án
Do thi công cẩu thả, cả 4 phiến dầm nặng hàng trăm tấn gác lên 2 trụ cầu tại công trường xây dựng tuyến cầu cạn Pháp Vân (Hà Nội) đổ sập, gây kinh hoàng. Kỹ sư Đỗ Công Hoan (SN 1969 -ở tập thể Kim Liên, phường Kim Liên, Đống Đa, HN) - Đội trưởng đội thi công hạng mục trên đã bị truy tố ra tòa vì sự cố trên.
Thi công cẩu thả
Vào một buổi trưa ngày 18.4.2010, người dân thủ đô bàng hoàng khi nghe tin sập dầm cầu tại công trường xây dựng tuyến cầu cạn Pháp Vân, Hà Nội. Tại hiện trường 4 phiến dầm chữ I bê tông dự ứng lực, mỗi phiến cao 1,65m, dài 33m, nặng 65 tấn gác lên 2 trụ cầu nhịp P73L -P74L bị đổ sập hoàn toàn.
Vụ tai nạn xảy ra vào buổi trưa, may mắn không có thiệt hại về người, tuy nhiên sự việc đã khiến dư luận tỏ ra hoang mang và bất bình khi nghĩ tới chất lượng thi công của công trình công cộng lớn như cầu cạn Pháp Vân.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã vào cuộc sau đó ra kết luận: Nguyên nhân gẫy các dầm trên không phải do chất lượng dầm, mà do sự cố nghiêng đổ dây chuyền. Do dầm không được giằng chống chắc chắn nên khi có một yếu tố bất lợi ngẫu nhiên nào đó tác động đã làm cho dầm rơi vào trạng thái tới hạn và nghiêng đổ.
Bị cáo Đỗ Công Hoan bị truy tố theo điều 229, khoản 2 điểm b - Bộ luật hình sự.
Kỹ sư Đỗ Công Hoan - Đội trưởng đội 734 - Công ty cầu 7 Thăng Long chỉ đạo tổ chức thi công hạng mục trên đã không thực hiện đầy đủ các hạng mục theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt. Cụ thể, sau khi lao lắp dầm đã không tổ chức thực hiện việc hàn theo chời liên kết dầm ngang giữa các đầu dầm theo tỷ lệ 20% để đảm bảo an toàn.
Điều đáng nói việc thi công mất an toàn trên đã được đơn vị tư vấn giám sát nhắc nhở và có nhiều văn bản cảnh báo. Tuy nhiên đơn vị thi công không chịu thực hiện dẫn tới hậu quả rơi gẫy 4 phiến dầm. Thiệt hại về tài sản của nhà nước là hơn 700 triệu đồng.
Bài học trong việc thi công các công trình xây dựng
Xét chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, kỹ sư Đỗ Công Hoan đội trưởng 734 đã bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", theo quy định điều 229 khoản 2 điểm b - Bộ luật hình sự.
Hiện trường vụ sập cầu cạn Pháp Vân ngày 18.4.2010.
Ngày 19.5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đỗ Công Hoan theo tội danh trên. Trước tòa bị cáo Hoan thành khẩn khai nhận việc chủ quan, cẩu thả đã vi phạm quy định về xây dựng dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. HĐXX xét thấy, sau khi sự cố xảy ra Đỗ Công Hoan đã tích cực khắc phục hậu quả. Bản thân bị cáo có nhân thân tốt. Đó là những tình tiết HĐXX xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo Đỗ Công Hoan bị phạt 36 tháng tù cho hưởng án treo và phạt bổ sung 10 triệu đồng.
Có thể thấy đây là vụ án khá hiếm hoi liên quan đến việc thi công các công trình xây dựng. Trong khi đó, thời gian qua đã có không ít số vụ tai nạn xảy ra tại các công trường xây dựng. Từ những tai nạn lao động gây chết người, đến những sự cố từ công trường xây dựng ảnh hưởng nghiêm trọng ra bên ngoài. Nhưng điều đáng nói là sau đó việc khắc phục sự cố an toàn lao động và bài học rút ra từ đó chưa được coi trọng đúng mức. Và tại nhiễu khu vực công trường xây dựng hiểm họa vẫn đang rình rập.
Điều 229. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
1.Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Là người có chức vụ, quyền hạn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3.Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm.
4.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo Lao Động