7 tuổi đạt kỉ lục “dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam”, “thần đồng” Đỗ Nhật Nam hiện tại ra sao?
Luôn khiến người khác phải bất ngờ về những thành tích mình đạt được, tuy nhiên mẹ của Đỗ Nhật Nam từng phủ nhận con mình không phải là thần đồng.
Thành tích học tập “hơn người”
7 tuổi, Đỗ Nhật Nam đạt kỉ lục là “Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam” với hai cuốn sách Nạp điện và Câu chuyện của ngày và đêm. Sinh ra trong một gia đình có bố là Đỗ Xuân Thảo là tiến sĩ ngôn ngữ học, mẹ Phan Thị Hồ Điệp là giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt nên ngay từ nhỏ, Đỗ Nhật Nam đã đạt được nhiều kì tích trong học tập vì nhờ phương pháp giáo dục phát triển năng lực tư duy toàn diện cùng kỹ năng và kiến thức sư phạm của mẹ. Đồng thời, ở độ tuổi này, Nam cũng đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi Đại học của Cambridge như Starter, Movers, Flyers khiến nhiều người ngưỡng mộ và đặt cho cậu danh xưng “thần đồng”.
Sinh năm 2001 tại Nhật Bản, lên 4 tuổi, Nam cùng gia đình trở về Việt Nam sinh sống và học tập. Từ 8 – 10 tuổi, Nam thường xuyên đạt những điểm số “hơn người”, cụ thể 940/990 điểm Toeic, lớp 3 thi ITP đạt 617 điểm, lớp 4 thi Toeic iBT đạt 107 điểm. 11 tuổi, cậu đã viết tự truyện song ngữ Tớ đã học tiếng Anh như thế nào? và trở thành “Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất”. Ở độ tuổi còn nhỏ nhưng Nam đã có những bài phát biểu trên những sân khấu lớn của thế giới, cụ thể là đại diện châu Á tham dự Hội nghị Chủ đề “Khoa học về nụ cười” tại Mỹ và tại hội nghị Nha khoa khác do FDI tổ chức tại Ấn Độ.
13 tuổi, Nam du học tại trường Saint Paul (Mỹ), sau đó học tại trường THPT Church Farm School (Bang Pennsylvania). Đặc biệt điểm tổng kết học kỳ của Nhật Nam đều gần như đạt con số tuyệt đối là 99/100. Bên cạnh đó, Nam còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như: chơi bóng rổ, tham gia vào ban nhạc Thánh ca của trường. Trong quá trình học tại Mỹ, Nam liên tục đạt nhiều thành tích học tập và nhận được thư chúc mừng của cựu Tổng thống Barack Obama.
Năm 2015, mẹ của Đỗ Nhật Nam đã vui mừng thông báo trên trang cá nhân con trai đã lọt vào danh sách những học sinh có điểm cao nhất của trường Đại học Johns Hopkins, trong đó điểm Đọc được lọt vào top 5% học sinh chuẩn bị vào đại học có điểm cao nhất nước Mỹ của kì thi ACT (32 điểm). “Và điều quan trọng, em đủ điều kiện để được tham gia vào khóa học dành cho học sinh tài năng mà em hằng mơ ước bấy lâu nay”, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ. Năm 2016, bài thơ cậu viết tặng con gái đại tá Trần Quang Khải nhận được chú ý lớn.
Tháng 3/2017, Nam đạt giải Ba hạng mục “Nguyên tắc quản trị kinh doanh” trong kỳ thi DECA – sân chơi quy mô toàn quốc dành cho những học sinh, sinh viên đang sống và học tập tại Mỹ trong lĩnh vực tài chính kinh doanh, khách sạn, quản lý. Cuối năm 2018, cậu trúng tuyển Đại học Pomona (Mỹ) với mức hỗ trợ tài chính 71.900 USD/năm (khoảng 6,6 tỷ đồng) cho 4 năm học tại ngôi trường Top 5 tốt nhất tại nước Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nam theo đuổi ngành học Âm nhạc.
Những lùm xùm không đáng có
Đạt được nhiều thành tích học tập từ sớm như vậy nhưng bản thân bố mẹ Đỗ Nhật Nam đã nhận phải không ít những ý kiến tranh cãi khi có người cho rằng một cậu bé học nhiều như vậy, không có tuổi thơ, không được chơi đùa cùng bạn bè đúng lứa tuổi. Thậm chí, trong những buổi diễn thuyết, người ta cũng nhìn thấy sự chững chạc hơn tuổi của Nam khi cậu chỉ bàn luận và nói về những vấn đề to tát, mang tầm vĩ mô.
Vào tháng 4/2013, cậu từng tuyên bố “Không nên đọc truyện tranh nhiều, mặc dù truyện tranh có đôi lúc tác dụng, nhưng cũng như mẹ em nói là con sâu đục khoét tâm hồn” và tiết lộ chỉ thích đọc sách khoa học. Trước những ý kiến trái chiều, mẹ Đỗ Nhật Nam đã lên tiếng: “Nam không phải thần đồng như mọi người vẫn gọi. Thi cái gì cũng phải nhiều lần. Thi SAT lần một, Nam đạt 1.440 điểm, đến lần hai đạt 1.550 điểm. Việc học thực sự gian nan, nhất là môn không phải thế mạnh như Toán”.
Năm 2020, một hình ảnh chụp lại profile của Nam trên ứng dụng hẹn hò Tinder đã lan truyền trên MXH và các thông tin hoàn toàn trùng khớp. Vì ứng dụng này từng có những tai tiếng không hay nên nhiều người khuyên cậu không nên sử dụng; tuy nhiên, vẫn có những người tin rằng Nam đủ thông minh và tỉnh táo để không sa ngã vào những tệ nạn.
Hạnh phúc với “cuộc sống bình thường”
Những thông tin về Đỗ Nhật Nam hiện tại không nhiều nhưng bố mẹ cậu vẫn thường xuyên nhắc tới con trai trong những dịp quan trọng hoặc thông báo về tin vui của con. Trong mắt bố mẹ cậu, Đỗ Nhật Nam vẫn luôn là một chàng trai nhỏ bé, sống rất tình cảm, thường xuyên gọi điện hỏi thăm bố mẹ. Hơn hết, cậu vẫn luôn hạnh phúc với “cuộc sống bình thường” của mình. Ở độ tuổi 21, ngoại hình của Nam có phần cao lớn hơn nhưng trái tim của cậu vẫn luôn hướng về đam mê của mình.
Video đang HOT
Trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mẹ cậu đã chia sẻ một câu chuyện ấm áp về con trai: “Hôm qua đi làm về thì thấy cái màn hình máy tính cũ đã được thay bằng cái màn hình to đùng mà lại phun – hắt – đê. Ôi hóa ra hôm trước mình kêu với Nam là mẹ ngồi vào bàn máy thế là bị lóa, nên nó mua về thay cho mẹ. Đợt này Nam vừa đi làm thêm, xong lại còn được nhà trường cho thêm tiền, thành ra suốt ngày khoe: “Mẹ ơi, em giàu ú ụ”. Nhưng có bao tiền là mua đồ cho mẹ. Đi TP.HCM ra thấy xách một túi nặng toàn quần áo mẹ thích trong đó có mấy cái y hệt nhau. Hỏi vì sao mua trùng bảo vì thấy cái size áo của mẹ, em mừng quá nên mua luôn. Thôi cũng được!”
Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam: 'Tôi cũng có những lúc giận dữ, đến trào nước mắt'
Hành trình nuôi dạy Đỗ Nhật Nam của chị Phan Hồ Điệp không phải lúc nào cũng "êm đềm". Theo chị, khả năng kiểm soát cảm xúc của cha mẹ là vô cùng quan trọng để dạy con nên người.
Giận dữ: Cha mẹ gây Nhân con gánh hậu Quả, đây có lẽ là một vấn nạn khó giải trong xã hội ngày nay, khi các bậc cha mẹ đối diện vô số áp lực trong công việc, quan hệ và chính gia đình tôi. Vậy làm thế nào để các bậc cha mẹ kiểm soát cơn giận một cách hiệu quả?
Dưới đây là góc nhìn và kinh nghiệm của chị Phan Hồ Điệp, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam.
Khi cơn giận ập đến
PV: Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào? Chính cha mẹ với sự giận dữ không kiểm soát của tôi có phải là nguyên nhân gây ra nhiều tổn thương, bất ổn cho con trẻ?
Chị Phan Hồ Điệp: Những nguyên nhân gây ra tổn thương thời thơ ấu của trẻ có thể bao gồm: mối quan hệ xấu giữa cha mẹ và con (đánh mắng, bạo lực thể chất và tinh thần); cha mẹ bị trầm cảm; các yếu tố liên quan đến môi trường xung quanh (môi trường có tính đe doạ đến sự an toàn và ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần của trẻ)...
Như vậy, việc cha mẹ không kiểm soát được cơn giận khiến trẻ sợ hãi, co cụm, chạy trốn hoặc chống đối đều có thể dẫn đến những tổn thương của trẻ.
Có rất nhiều câu chuyện buồn, thậm chí đau lòng. Bản thân tôi từng chứng kiến một em bé có ý định tự tử khi bị mẹ liên tục cho rằng vì con mà chị này phải bỏ chồng. Vì khi sinh con, bố muốn là con trai, sau đó hai vợ chồng trục trặc rồi ly hôn. Bà mẹ yêu con gái, nhưng những lúc giận dữ thường hay chì chiết: "Không có mày thì tao đâu khổ thế này"!
PV: Bản thân cũng là một người mẹ, chị có từng rơi vào tình huống không kiểm soát được cơn giận dữ và làm ảnh hưởng đến Đỗ Nhật Nam?
Chị Phan Hồ Điệp: Nếu nói là không bao giờ thì không đúng. Tôi cũng có những lúc khó kiểm soát, cảm thấy giận dữ đến trào nước mắt.
Tôi nhớ hồi Nam 4 tuổi có khách đến chơi. Khi khách về, Nam không chào. Rồi Nam bị người họ hàng mắng: "Khiếp xấu hổ quá, sao lại không biết chào". Khi đó cơn giận tự nhiên ập đến. Tôi giằng cái đồ chơi ra khỏi tay con, quát lên, lấy tay phát vào mông con, vừa quát vừa hét: "Lần sau nhớ chào mọi người nghe chưa"!
Chị Phan Hồ Điệp cũng có những lúc không thể kiểm soát cơn giận với con
PV: Sau đó thì sao?
Chị Phan Hồ Điệp: Tôi định thần lại, và thực sự hối hận.
Việc tôi làm chỉ là để cho hả giận, là "giận cá chém thớt" và thiếu kiểm soát.
Lựa lúc, tôi nhẹ nhàng ngồi xuống, nói lời xin lỗi. Và giải thích: Mẹ biết là mẹ đã quát to một cách vô lý vì Nam không chào hỏi. Đáng lẽ mẹ cần có cách giải quyết tốt hơn. Mẹ xin lỗi em nhé. Nam ôm lấy mẹ và nức nở. Điều đó càng làm cho nỗi ân hận của tôi dâng lên. Và tự hứa với bản thân không lặp lại.
PV: Nhật Nam có kỹ năng kiểm soát cơn giận và cảm xúc tiêu cực của mình không?
Chị Phan Hồ Điệp: Nam là cậu bé với khí chất và tính cách khá hiền hoà. Nam ít những cáu gắt, giận hờn, gần như không có.
Nhưng cũng có những lần Nam muốn mua đồ chơi chẳng hạn. Mặc dù đã thống nhất và hiểu nguyên tắc nhưng Nam vẫn vùng vằng. Khi đó, tôi thường tách Nam ra khỏi môi trường hiện tại và tìm cách để Nam có thể điều hướng sự chú ý của bản thân và giải thích sau đó, khi Nam đã bình thường trở lại.
Bản lĩnh của cha mẹ
PV: Hẳn là chị đã tích lũy được rất nhiều tri thức về hậu quả cũng như kinh nghiệm xử lý trong vấn đề kiểm soát cảm xúc này, nên mới tự tin và dốc sức làm dự án "Đậu Ngọt"?
Chị Phan Hồ Điệp: Đúng vậy.
ĐẬU đối với tôi có nghĩa là một điều gì đó tốt đẹp ở lại, dừng lại với bạn. Như một cánh bướm đậu trên cánh hoa, như một chú ếch con đậu trên chiếc lá sen. Nó khẽ khàng và ngọt ngào. Và nó chính là điều đẹp đẽ như thể đứa con đậu lại trong ngôi nhà của bạn, trong lòng bạn, trong trái tim của bạn. Và vì thế nó NGỌT. Dù để đến được điều ngọt ngào cần cả một hành trình có cả đắng cay, nước mắt.
Nhưng nuôi con không thể mong chờ sự vượt cấp, bạn cần có thời gian chờ đợi để cây lớn, để trái từ xanh đến chín, chờ hạt đậu nảy mầm cho đến khi thành ngọt ngào.
Chị Phan Hồ Điệp dốc sức làm dự án "Đậu Ngọt"
Đậu Ngọt chính là Đậu lại những Ngọt ngào.
Trong các lớp học Đậu Ngọt và trong các khoá học hướng dẫn cha mẹ kiểm soát cảm xúc (cách khen, cách mắng, cách phạt trẻ), tôi thường đưa ra những cách thức, nguyên tắc thể hiện thông qua từng bước để kiểm soát cơn giận của con.
Ví dụ, cha mẹ cần có 6 ĐỪNG khi con giận dỗi, khóc lóc, ăn vạ, hờn lẫy:
1. Đừng thô bạo, đánh con: làm như vậy chỉ "làm gương" con thô bạo với người khác.
2. Đừng giữ chân tay chỉ để con bớt giãy giụa, trừ khi con định làm những hành động nguy hiểm tức thời. Việc bạn giữ chân tay khiến con cáu giận hơn.
3. Đừng dọa dẫm: Con sẽ càng thêm rối loạn cảm xúc. Cũng vì dọa dẫm, một số trẻ sẽ trở nên nhút nhát, thiếu tự tin hoặc lầm lì, ghét người được lấy ra để dọa (dọa công an, dọa ma, dọa ngáo ộp, dọa mách cô giáo, dọa nói với bố để bố đánh... là những thứ nên tránh).
4. Đừng tranh cãi và cũng đừng nhượng bộ: Bạn không thể nói lý lẽ vào thời điểm đó. Hãy vỗ con nhè nhẹ và sẵn sàng ôm ấp nếu con cần bình tĩnh hoặc làm con xao lãng bằng một trò chơi khác.
5. Đừng làm con bẽ mặt hoặc chế giễu hành động của con, làm như vậy vừa khiến con thấy xấu hổ, căm ghét mọi người hoặc con sẽ học theo hành động đó để áp dụng cho người khác.
6. Đừng cố gắng giải quyết vấn đề ở nơi đông người: Hãy đưa con đến nơi nào có thể nói chuyện riêng với con. Đó vừa là phép lịch sự vừa giúp bạn làm chủ tình huống dễ dàng, đỡ bị căng thẳng khi mọi người cứ cố gắng khuyên bạn phải làm thế này thế kia.
Tránh sai lầm thế hệ cũ
PV: Nói thì dễ, làm thì vô cùng khó đó chị. Không phải bố mẹ nào cũng có kỹ năng kiểm soát cơn giận, rồi, không phải lúc nào cũng kiểm soát được!
Chị Phan Hồ Điệp: Trong trường hợp lỡ gây ra tổn thương cho con vì sự giận dữ của tôi, những điều ba mẹ có thể làm để xoa diụ, thực hiện theo nguyên tắc: Lấy nước trong bù cho nước đục.
Sau khi lỡ có những hành vi thiếu kiểm soát, bố mẹ hãy chân thành nhận lỗi, chủ động kết nối lại với con thông qua các cuộc trò chuyện, các trò chơi... Những điều đó có ý nghĩa lớn lắm!
PV: Có một băn khoăn tôi nghĩ là của không ít người, rằng: con chị là "thần đồng" nhưng con của họ chưa chắc như vậy, hoặc họ không muốn như vậy. Nếu các bố mẹ làm theo chỉ dẫn về kiểm soát cảm xúc, nâng cao EQ ở "Đậu Ngọt", liệu con của họ sẽ thành "thần đồng" như con của chị, hay sẽ thành "người bình thường hạnh phúc", hoặc một mẫu hình nào đó khác v.v. Chị có nghĩ đến điều này chưa?
Chị Phan Hồ Điệp: Chưa có bất cứ một khoá học hay một tài liệu nào có thể khẳng định sẽ biến đứa trẻ thành thiên tài, hay thần đồng.
Tôi vẫn luôn nghĩ Nam bình thường như các bạn khác, và tôi luôn cố gắng cùng con tạo ra một tuổi thơ hạnh phúc, cho con khám phá, thỏa mãn sở thích được tự học và giúp con có khả năng tự học, có năng lực vượt qua thử thách và biết chọn lựa những điều phù hợp.
Tôi cũng cố gắng để giúp cho các bạn nhỏ khác, những gia đình khác cũng nuôi dạy con trong sự an vui, để mỗi em trở thành Em bé hạnh phúc nhất khu phố.
Dù ông bố bà mẹ nào cũng chỉ là "người trần mắt thịt" không hề hoàn hảo và không khỏi có những lúc tức điên lên. Nhưng các ông bố bà mẹ hẳn sẽ biết cách để tránh lặp lại những sai lầm (nếu có) của chính bố mẹ tôi ngày xưa khi nuôi dạy con; biết cách kiểm soát hành vi để tránh gây tổn thương cho con.
Tôi chỉ mong như vậy thôi.
PV: Xin cảm ơn chị về những chia sẻ này.
Quay clip nhạy cảm chiều "fan cứng" vì donate khủng, nữ streamer xinh đẹp bị chính người này phát tán clip nóng Một cư dân mạng đã đăng tải đoạn clip hai phút ghi lại hình ảnh nhạy cảm của nữ streamer. Mỗi nghề lại có một kiểu cạnh tranh riêng và trong giới streamer cũng không ngoại lệ. Nếu số đông streamer nổi tiếng dựa vào kỹ năng chơi game hay khiếu hài hước để hút fan từ những buổi trò chuyện thì cũng...