7 tựa JRPG quay ngoắt 180 độ so với người tiền nhiệm
Hậu bản không nhất thiết lúc nào cũng phải giống người đi trước. 7 tựa JRPG dưới đây là ví dụ.
Với mỗi trò chơi hấp dẫn ra mắt, chúng ta lại trông đợi vào một hậu bản sẽ mở rộng thêm cốt truyện cũ đồng thời tiếp tục mang đến trải nghiệm gameplay tương tự. Nhưng trong một số ít trường hợp, những sản phẩm như vậy lại tỏ ra rất khác biệt rất nhiều so với tựa game đi trước, đến nỗi không ai nhận ra chúng nếu như không vì dòng tiêu đề có liên quan tới người tiền nhiệm. Thể loại JRPG là một ví dụ. Sự sáng tạo của các nhà làm game Nhật đã không ít lần khiến cho các fan hâm mộ cảm thấy ngạc nhiên vì những gì họ mang đến.
Ultima IV: Quest of the Avatar
Hầu hết các tựa JRPG đều đi theo mô típ anh hùng lên đường giải cứu công chúa, tiêu diệt ác quỷ, mang lại hòa bình cho thế giới… Ngay cả 3 phiên bản đầu tiên của series Ultima cũng vậy, nhưng với Ultima IV mục tiêu cuối cùng mà người chơi cần đạt tới đó là trở thành một con người tốt. Những lựa chọn mà người chơi đưa ra trên đường đi giúp đỡ người nghèo khó, kiềm chế không ăn cắp đồ đạc từ NPC, chiến đấu chính trực, không nói dối… sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới số phận của nhân vật. Nhiều tựa game thể hiện yếu tố thiện/ác, đúng/sai rõ ràng như giấy trắng mực đen, tuy nhiên với Ultima IV game thủ sẽ phải đau đầu vì hầu hết lựa chọn nào cũng có cái lý của nó.
Final Fantasy X là một câu chuyện cảm động về tình yêu, tình bạn vượt qua rào cản giữa hai thế giới, với một kết thúc khiến không ít fan hâm mộ phải ngẩn ngơ vì tiếc nuối và buồn rầu. Đó cũng là một trong những lý do buộc Square Soft phải tung ra Final Fantasy X-2 để “chữa cháy” cho tựa game trước, nhưng khi mới đặt chân vào tựa game này chắc hẳn bất kì ai cũng đã từng cảm thấy ngạc nhiên vì bầu không khí trong game đã trở nên sôi động, vui nhộn sau khi bị “J-Pop hóa” thay vì phong cách thần tiên của Final Fantasy X.
Được chia thành 5 chương nhưng thế giới của Final Fantasy X-2 mang lại cho người chơi cảm giác tự do hơn bao giờ hết với rất nhiều nhiệm vụ phụ, mini game, boss ẩn để khám phá. Khi bắt đầu Final Fantasy X, ít ai ngờ đến việc nữ pháp sư với vẻ đẹp thánh thiện Yuna lại có ngày trở nên nhắng nhít khi khoác lên mình bộ đồ Moogle để trình diễn trên sân khấu.
Phantasy Star III: Generations of Doom
Phantasy Star là series JRPG gần như đầu tiên rời khỏi những xứ sở thần tiên để chuyển sang đề tài khoa học viễn tưởng và gặt hái thành công nhờ sự đột phá ấy, vì thế mà khung cảnh thời trung cổ khởi đầu của phiên bản thứ ba đã khiến cho nhiều game thủ cảm thấy giật mình. May mắn là không lâu sau đó trò chơi đã đưa ra lời giải thích thỏa đáng và quay trở lại với những vì sao và tàu vũ trụ hiện đại.
Video đang HOT
Một cơ chế gameplay khiến cho Phantasy Star III trở nên nổi bật so với hai người tiền nhiệm là việc nhân vật có thể làm đám cưới và sinh con với các NPC, đồng thời điều khiển thế hệ sau để tiếp nối cốt truyện. Diễn biến của kịch bản sẽ thay đổi tùy thuộc vào việc bạn lựa chọn cưới ai. Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng thực tế tính năng này phải sang đến phiên bản Phantasy Star IV mới được hoàn chỉnh thực sự.
Breath of Fire: Dragon Quarter
Từ bỏ thế giới fantasy ở 4 phiên bản trước đó, Breath of Fire: Dragon Quarter là câu chuyện về một thế giới đen tối nơi con người phải sinh sống sâu bên dưới lòng đất, và hành trình của người chơi là tìm lại ánh sáng Mặt Trời bằng cách chiến đấu từ điểm xuất phát lên cao dần. Cho đến thời điểm mà bạn gặp phải những kẻ thù quá mạnh không thể đánh bại, hoặc thanh chỉ số D-Counter đạt đến 100, thay vì cho phép quay trở lại rèn luyện nâng cao cấp độ ở các tầng bên dưới game buộc người chơi phải bắt đầu… từ đầu.
Với mỗi lần “restart” như vậy, một số tình tiết mới trong cốt truyện lại được hé lộ. Việc phải nhai đi nhai lại cùng một chặng đường liên tục có thể sẽ khiến nhiều người cảm thấy bực mình, nhưng không thể phủ nhận đây cũng là một cách thiết kế khá sáng tạo của hãng phát triển Capcom. Ngoài ra, đây cũng là phiên bản đầu tiên trong series chuyển sang phong cách đồ họa 3D.
Chrono Cross thường được nhắc đến như một trong những tựa game JRPG kinh điển của mọi thời đại, một phần có lẽ cũng vì sự khác biệt của nó với người tiền nhiệm Chrono Trigger. Nếu chủ đề của tựa game đầu tiên là về thời gian thì bước sang Chrono Cross, người chơi sẽ được tìm hiểu về những lựa chọn và ảnh hưởng của chúng trong việc tạo ra các thế giới song song – một học thuyết khá phổ biến liên quan tới vấn đề du hành thời gian.
Với 45 nhân vật có thể điều khiển được cùng một cốt truyện rối rắm phức tạp, Chrono Cross sở hữu giá trị chơi lại cao hơn hẳn so với Chrono Trigger. May mắn là sự khéo léo trong việc lồng ghép các chi tiết của kịch bản trong từng lần chơi lại kết hợp cùng âm nhạc tuyệt vời, người chơi ít khi nào cảm thấy nhàm chán khi phiêu lưu trong thế giới game.
Zelda II: The Adventure of Link
Zelda II: The Adventure of Link là tựa game đầu tiên trong series được thiết kế theo phong cách cuộn màn hình ngang (side scrolling) giống với các sản phẩm hành động cùng thời. Nhà thiết kế Shigeru Miyamoto từng phát biểu rằng ông muốn Zelda II phải thật khác biệt so với phiên bản đầu tiên và quả đúng là như vậy, cách chiến đấu trong game tỏ ra phức tạp hơn hẳn so với kiểu camera từ trên cao của Legend of Zelda, thậm chí đội ngũ thực hiện cũng là những thành viên hoàn toàn khác.
Ngoài ra, việc phiên bản thứ ba sau đó – Legend of Zelda: A Link to the Past loại bỏ hoàn toàn kiểu chiến đấu màn hình ngang để trở lại với phong cách cũ càng khiến cho The Adventure of Link trở nên đặc biệt hơn.
Hydlide là một trong những tựa game dở nhất từng được phát triển. Super Hydlide thì ngược lại, giới thiệu nhiều yếu tố mới lạ ở thời điểm nó ra mắt như: Nhân vật cần phải ăn ngủ; Làm điều xấu, NPC sẽ không nói chuyện với bạn nữa; Mua quá nhiều đồ và bạn sẽ bị quá cân và không thể di chuyển; Chu kì ngày đêm thời gian thực. Có vẻ như trò chơi chính là nguồn cảm hứng cho thể loại game sinh tồn hiện đại ngày nay?
Theo Kotaku/Gamek
Disgaea: JRPG ăn khách sau... 12 năm mới có bản PC
Disgaea: Hour of Darkness đang chuẩn bị được chuyển thể lên Steam trong năm sau.
Disgaea: Hour of Darkness phát hành lần đầu tiên trên PS2 vào năm 2003 đã khởi đầu cho một series game nhập vai nổi tiếng và ăn khách sau này, với phiên bản mới nhất Disgaea 5: Alliance of Vengeance ra mắt hồi tháng 3 năm nay dành cho PS4. Nay theo chân nhiều dòng game JRPG khác như Grandia, Tales, Valkyria, Disgaea đang rục rịch chuẩn bị đặt bước chân đầu tiên lên hệ máy PC vào năm sau - thông tin mới được hãng phát hành Nippon Ichi công bố ngày hôm nay.
Đã từng được chuyển thể sang PSP và Nintendo DS, phiên bản Steam lần này của Disgaea: Hour of Darkness sẽ bao gồm tất cả các nội dung phụ thêm từng được phát hành cho trò chơi. Đồng thời hãng Nippon Ichi hứa hẹn sẽ chăm chút hết sức cẩn thận cho bản port, hỗ trợ nhiều độ phân giải, nhiều kích cỡ màn hình, nâng cấp chất lượng texture đồng thời bổ sung thêm cơ chế điều khiển dành cho chuột và bàn phím. Với một tựa game đã 12 năm tuổi như Disgaea: Hour of Darkness, cấu hình yêu cầu của nó tất nhiên cũng rất nhẹ nhàng. Chi tiết các bạn có thể xem phía dưới.
Cấu hình tối thiểu
Hệ điều hành: Windows 10/8/7/Vista
Processor: Intel Core2 Duo 2.60 GHz
Memory: 1 GB RAM
VGA: nVidia GeForce 9500 GT, ATI/AMD Radeon HD 5450 (hỗ trợ OpenGL 3.0)
HDD: 2GB
Cấu hình yêu cầu
Hệ điều hành: Windows 10/8/7/Vista Processor: Intel Core i5-2500 3.30 GHz
Memory: 2 GB RAM
VGA Nvidia GeForce GTS 450, ATI/AMD Radeon HD 5750
HDD: 2GB
Vào thời điểm mới ra mắt, Disgaea: Hour of Darkness được nhiều tạp chí game dành tặng cho những điểm số cao nhờ lối chơi chiến thuật có chiều sâu kết hợp với dàn nhân vật vui nhộn. Dù vậy ở thời kì PS2, nhiều series JRPG lớn khác, đặc biệt là Final Fantasy vẫn đang thu hút hầu hết sự chú ý của cộng đồng game thủ nên Disgaea không thực sự thành công về mặt tài chính.
Nhiều game thủ hy vọng rằng Disgaea: Hour of Darkness sẽ mở đường cho nhiều phiên bản trong series khác tiếp tục được chuyển thể lên PC, dù vậy hiện tại hãng phát hành Nippon Ichi chưa có bình luận gì về vấn đề này, nhiều khả năng họ muốn chờ xem liệu tựa game đầu tiên có gặt hái được thành công hay không trước đã.
Theo Gamek
Đẹp trời, nhân vật Final Fantasy XV rủ nhau đi câu cá Một số thông tin mới về Final Fantasy XV được đạo diễn Hajime Tabata tiết lộ trong cuộc phỏng vấn tại sự kiện Tokyo Game Show 2015. Tại ngày thứ 3 diễn ra sự kiện Tokyo Game Show 2015, phụ trách dự án Final Fantasy XV - ông Hajime Tabata đã tham gia một cuộc trò chuyện trực tuyến về bom tấn JRPG...