7 triệu đồng một lần “chọc” trứng… nữ sinh?
Sau hai ngày trời lang thang tại đây mà không thu được gì, chúng tôi phải giả làm sinh viên nghèo với gương mặt đầy nước mắt để lay động lòng “trắc ẩn” của những người hành nghề nơi đây.
“Ngày trước thì bán trứng còn được giá cao, chứ độ này nhiều người đi bán lắm, người mua lại ít nên không còn được như trước đâu. Em cũng chẳng được cao ráo cho lắm, khuôn mặt thì tàm tạm, được mỗi cái mác sinh viên, 7 triệu là ok rồi. Đồng ý thì đưa số điện thoại cho chị, có khách chị gọi liền…”
Một, hai năm trở lại đây, thị trường “bán trứng” cho những người hiếm muộn bỗng trở nên sôi động. Ban đầu chỉ là hình thức hiến trứng cho những người phụ nữ có buồng trứng không có noãn, nhưng số lượng người chịu hiến là cực kỳ ít ỏi, bởi vậy mới “phát triển” một hình thức “kiếm tiền” mới là đi bán noãn trứng.
Những người chịu đi bán noãn trứng thông thường là những người phụ nữ nghèo khổ, rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần tiền và số tiền họ nhận được từ những lần đi bán trứng không phải là một con số nhỏ, từ 15 đến 35 triệu đồng. Thế nhưng, dường như hình thức kiếm tiền này quá “dễ dàng” nên theo tìm hiểu của PV tại thời điểm hiện nay, số lượng người đi bán trứng và đối tượng đi bán đã tăng đột biến.
Một minh chứng cụ thể nhất để chứng minh cho điều đó là thị trường bán noãn trứng rớt giá “thê thảm”, và xu hướng sinh viên đi bán noãn trứng để có tiền phục vụ nhu cầu cá nhân là khá phổ biến.
Trứng sinh viên rớt giá, từ 10 – 15 triệu xuống còn 6 – 8 triệu.
Trong vai một sinh viên đang cần tiền “đóng học phí”, PV đã lang thang khắp các bệnh viện Phụ sản, bệnh viện K cho đến các phòng khám tư nhân mấy ngày liền để tìm cách móc nối với các “cò trứng” đang hoạt động tại khu vực này.
Thế nhưng, để có được số điện thoại và liên hệ được với những “cò” tại đây không phải là việc đơn giản. Mỗi khi chúng tôi nói đang cần tiền, muốn đi bán trứng và hỏi những cô hàng nước, những anh đánh giày, những người đi bán hàng rong… thì đều nhận được những cái lắc đầu không biết.
Sau hai ngày trời lang thang tại đây mà không thu được gì, chúng tôi phải giả làm sinh viên nghèo với gương mặt đầy nước mắt để lay động lòng “trắc ẩn” của những người hành nghề nơi đây.
“Nhà cháu nghèo lắm, lại đông anh chị em. Thi đỗ đại học rồi nhưng phải van nài mãi bố mẹ cháu mới đồng ý cho cháu đi học đại học. Giờ đến kỳ đóng học phí rồi mà cháu không biết lấy đâu ra tiền, cứ thế này cháu phải bỏ học giữa chừng mất. Cô có cách nào giúp cháu không cô?” – Tôi nói với giọng sụt sùi và như van nài người phụ nữ đang bán nước trước cổng viện K.
Bà bán hàng nước trước cổng Bệnh viện K cũng là một trong những mắt xích trong đường dây môi giới bán trứng.
Nhìn tôi từ đầu đến chân và nhận ra mấy ngày nay tôi vẫn lang thang trước cổng bệnh viện này, người phụ nữ mới cởi mở và nói với tôi bằng giọng đầy thương cảm:
Video đang HOT
“Khổ thân, nhìn thế này thì chỉ có đi bán trứng là có nhiều tiền thôi chứ biết làm cái gì để kiếm tiền bây giờ?”"Cháu cũng nghĩ chỉ còn cách đấy. Nhưng lang thang ở đây mấy ngày rồi mà không tìm được người cần mua trứng cô ạ” – Vừa nói mà trong bụng tôi vừa mừng thầm vì cuối cùng cũng sắp tiếp cận được đối tượng.
“Tìm được người mua đâu phải là chuyện dễ. Người bán thì đầy rẫy, còn đâu phải ai cũng có vấn đề về buồng trứng, cũng có tiền để mua đâu. Phải có đường dây cả đấy.” – Bà bán hàng nước ghé vào tai tôi nói nhỏ.”Thế cô có biết ai môi giới chuyện này không cô? Cháu sắp phải đóng học phí rồi, đang cần tiền lắm.”
“Thôi được rồi, thấy cháu tội nghiệp quá nên cô mới chỉ cho đấy, chứ thông thường khó liên lạc được với chị này lắm. Nhiều người đi bán quá nên đánh động rồi, họ kiểm tra gắt gao hơn trước nhiều, mà vớ vẩn bị phát hiện còn đi tù cả lút đấy.” – Bà bán nước nói với vẻ mặt nghiêm trọng rồi móc trong túi ra chiếc điện thoại, tìm số và gọi cho một người nào đấy.
Alô, Vân à, chị có đứa cháu gái đang học đại học, mà nhà nghèo quá, giờ còn chẳng có tiền đóng học nữa. Nó đang sợ phải bỏ học giữa chừng. Trông xinh xắn, trắng trẻo, khoẻ mạnh lắm. Em giúp cháu nó được không?” – Bà hàng nước xởi lởi nói qua điện thoại rồi ậm ừ vài ba câu sau đó cúp máy.
“Được rồi, cháu là may mắn lắm đấy. Không phải là người quen của cô là nó không dám nhận đâu. Nó cũng đang bị “soi” rồi. Bây giờ thế này nhé, cháu ngồi đây đợi một tí, khoảng 30 phút nữa nó sẽ qua đây gặp và nói chuyện với cháu.” Tôi tỏ ra mừng rỡ, gật đầu và rối rít cảm ơn bà bán nước.
Đúng 30 phút sau, một phụ nữ còn khá trẻ hớt hải chạy đến. Vừa nhìn thấy tôi ngồi đó, người phụ nữ nháy mắt hỏi cô hàng nước: “Cháu chị đây hả?” “Ừ, cháu chị ở quê mới lên đây học đấy. Em yên tâm, chị đảm bảo cho, không vấn đề gì đâu. Nó nghèo quá nên mới phải tính đến nước này, chứ còn trẻ vậy, ai muốn.”
Người phụ nữ quay sang tôi nhìn một lượt từ đầu đến chân rồi mỉm cười, nhẹ nhàng nói: “Em bao nhiêu tuổi? Có con chưa?” Tôi vừa mở miệng trả lời là 23 tuổi thì tiếp đó, bà bán nước vội nói chen vào: “Nó chưa có con, nhưng đang sống cùng bạn trai, phá thai 2 lần rồi”. Tôi đang tròn mắt ngạc nhiên trước câu khẳng định của bà hàng nước thì bà đã quay sang nháy mắt với tôi.
“Thế thì được, chứ nếu chưa quan hệ hay chưa có con thì khó, sợ chỉ mất công đi kiểm tra rồi chẳng được gì. Tin tưởng cô đây, chị nói giá luôn, 7 triệu 1 lần “chọc” nhé.”
“ Sao ít thế chị? Em thấy người ta đi bán được ít nhất là 10 triệu 1 lần mà?”
“Xưa thôi em. Ngày trước thì bán còn được giá cao, chứ độ này nhiều người đi bán lắm, người mua lại ít nên không còn được như trước đâu. Em cũng chẳng được cao ráo cho lắm, khuôn mặt thì tàm tạm, được mỗi cái mác sinh viên, 7 triệu là ok rồi. Đồng ý thì đưa số điện thoại cho chị, có khách chị gọi liền”.
Tôi giả bộ đắn đo, suy nghĩ một lát rồi ra vẻ miễn cưỡng đồng ý. Đọc số điện thoại của mình, sau đó tôi hỏi xin số điện thoại của người phụ nữ này.
“Em không cần biết đâu, có khách chị chủ động gọi cho em. Chị tên Vân, biết vậy là được rồi.” Nói rồi người phụ nữ đeo lại mắt kính, đứng dậy gật đầu chào tôi và bà bán nước rồi quay xe phóng đi.
“Nó phải kín thế đấy, không dám khinh xuất đâu, giờ người ta làm dữ lắm. Sinh viên đi bán đầy ra đấy nhưng chẳng mấy khi dám nhận, biết được thế nào. Thế nên cô mới bảo số cháu may. Nhìn cháu thế này, 7 triệu là được rồi. Thường thì chỉ những người cao trên 1m60, trắng trẻo, xinh xắn, khoẻ mạnh mới được giá 8 triệu thôi. Nhờ có cô nên được giá đấy. Giờ cháu cứ về đi, có khách nó gọi…”.
Sinh viên đi “bán trứng”
Sau khi cảm ơn và chào bà hàng nước ra về, tôi mong ngóng điện thoại của “cò” Vân. Trái với suy nghĩ của tôi, ngay buổi tối hôm đấy “cò” Vân đã gọi điện từ số máy 0978231xxx. Qua cuộc nói chuyện ngắn ngủi, cò Vân bảo tôi đúng 9h sáng ngày mai phải có mặt tại bệnh viện Phụ sản TW để làm xét nghiệm, mang theo bản photo chứng minh nhân dân để làm thủ tục.
Theo đúng lời hẹn, 9h sáng tôi có mặt tại cổng bệnh viện Phụ sản TW. Đứng chờ khoảng 10 phút thì thấy cò Vân xuất hiện, đi bên cạnh là một người phụ nữ khác độ tuổi 30.
“Sinh viên đấy chị ạ, trường Đại học Bách Khoa nữa cơ, thông minh và học giỏi cực kỳ. Nhưng nhà nghèo quá nên phải làm thế này để đóng tiền học phí. Khoẻ mạnh lắm, nên chị cứ yên tâm” – Cò Vân vừa chỉ vào tôi vừa cười nói.
Người phụ nữ nhìn tôi rồi mỉm cười lịch sự. Sau màn chào hỏi xong, cò Vân quay sang nói với tôi: “Bây giờ em đi cùng chị này vào bệnh viện gặp bác sỹ. Đưa bản photo chứng minh thư cho họ rồi làm thủ tục hiến trứng nhé. Sau đó đi làm các xét nghiệm, ok rồi thì cứ theo hướng dẫn của bác sỹ. Lúc nào xong thì ra đây, chị đợi sẵn ngoài này.”
“Cò Vân” sau khi dặn dò tôi xong lại hối hả chạy đi chỗ khác.
Tôi ngoan ngoãn gật đầu đồng ý và đi theo người phụ nữ kia vào trong bệnh viện. Vừa đi, chị này vừa tâm sự tên là Hương, ở Ba Vì, Hà Nội. Vợ chồng chị cưới nhau được 5 năm rồi nhưng mãi không có con, uống đủ loại thuốc đông tây y mà cũng không thấy dấu hiệu gì. Cách đây 3 năm đi kiểm tra mới biết là buồng trứng của chị không có noãn, muốn có con thì phải tìm được người hiến trứng sau đó thụ tinh trong ống nghiệm.
“Tính sơ sơ thụ tinh trong ống nghiệm không thôi cũng đã mất hàng chục triệu rồi, còn chưa chắc đã thành công. Chị tìm người hiến trứng từ cách đây 2 năm rồi, nhưng có ai lại đem trứng của mình đi cho người khác. Mày mò tìm hiểu mãi mới biết là muốn có trứng thì phải bỏ tiền ra mua. Rồi cũng mất bao nhiêu thời gian và công sức mới gặp được chị Vân để nhờ chị ấy giúp.” – Chị Hương, người mua trứng tâm sự.
Câu chuyện tạm dừng lại ở đó vì chúng tôi đã đến trước cửa Trung tâm hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Phụ sản TW. Sau khi chị Hương trình bày mọi việc, nữ bác sỹ hỏi tên, tuổi, ngày có kinh và hỏi tôi có mấy con rồi. Đúng theo lời dặn của cò Vân, tôi nói đã phá thai 2 lần, sau đó bác sỹ viết giấy cho tôi sang các khoa khác để xét nghiệm máu, khám phụ khoa, xét nghiệm nội tiết… để xem có mắc bệnh gì không, và dặn chúng tôi quay trở lại sau khi đã khám xong.
Cầm tờ giấy hướng dẫn phải xét nghiệm đủ thứ: HbsAg, HIV, BW, xét nghiệm nội tiết đánh giá chức năng buồng trứng, khám tổng thể, khám phụ khoa… mà đầu óc tôi choáng váng. Như hiểu được tâm trạng của tôi, chị Hương đi bên cạnh khích lệ: “Không sao đâu em, chỉ mất một buổi thôi, coi như là mình đi kiểm tra sức khoẻ ấy mà” rồi chị mỉm cười.
Sau khi đến từng phòng và làm xong các xét nghiệm, tôi cùng chị Hương quay trở lại Trung tâm hỗ trợ sinh sản. Tại đây, bác sỹ tiếp tục giải thích và hướng dẫn những việc chúng tôi phải làm nếu như kết quả kiểm tra của tôi không có vấn đề gì.
“Đến chiều là sẽ có kết quả kiểm tra của em. Nếu như thể trạng và buồng trứng của em phù hợp để hiến noãn trứng thì cả hai em phải viết đơn xin cho và xin nhập để hoàn tất thủ tục. Mọi thông tin của các em sẽ được bảo mật tuyệt đối, và người hiến phải chuẩn bị sẵn bản photo chứng minh thư để nộp kèm. Bây giờ các em có thể về, chiều có kết quả chị sẽ gọi điện thông báo.” – Bác sỹ ân cần nói.
“Nếu như làm xong tất cả các thủ tục thì tiếp theo em sẽ phải làm những gì nữa ạ?” – Tôi hỏi thêm.
“Sau khi hoàn tất thủ tục, hàng ngày em sẽ phải đến đây để tiêm một loại hooc môn nữ, có tác dụng kích thích quá trình rụng trứng. Nghĩa là, phải làm cho trứng của em rụng gấp nhiều lần số trứng rụng trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Em phải đến đều đặn và đúng giờ, vì chỉ tiêm vào một giờ nhất định. Tùy trứng của em tăng trưởng nhanh hay chậm, có thể tiêm từ 8-20 ngày, khi nào trứng rụng sẽ tiến hành gắp trứng. Thông thường là sẽ mất khoảng 2 tháng sẽ hoàn tất.” – Bác sỹ giải thích.
Sau khi đã hiểu được toàn bộ các khâu cần phải làm tại bệnh viện, tôi và chị Hương cảm ơn rồi chào bác sỹ ra về. Vừa bước ra đến cổng đã thấy cò Vân ngồi đợi ở đó. Sau khi thông báo sơ qua tình hình, cò Vân bĩu môi nói: “Gì mà phải đợi đến chiều mới có kết quả. Mọi khi khám xong cái là có kết quả ngay rồi làm thủ tục luôn. Tự nhiên hôm nay lại dở chứng. Thôi em cứ về đi, chị sẽ ở đây cùng chị Hương, chiều có kết quả chị sẽ gọi em lên làm thủ tục luôn nhé”.
Tôi gật đầu đồng ý rồi chào tạm biệt ra về, đồng thời cũng vứt luôn sim số điện thoại mà tôi đã cho cò Vân…
Theo Phunutoday
Học bổng Thắp sáng ước mơ học đường
Đã trao 190 triệu đồng tới 110 sinh viên nghèo vượt khó
Học bổng "Thắp sáng ước mơ học đường" đã được trao đến 6 trường đại học trong cả nước với tổng số 110 suất học bổng trị giá 190 triệu đồng. Theo kế hoạch, ngày 15/10, học bổng này sẽ được trao tiếp ở ĐH Bách khoa Hà Nội và Đại học Nông lâm TP.HCM
Bà Hoàng Kim Ánh, đại diện của Trung tâm thông tin mạng di động Vietnamobile cho biết, để giúp các sinh viên chuẩn bị bước vào năm học mới 2011-2012, Trung tâm thông tin di động Vietnamobile đã thành lập học bổng "Thắp sáng ước mơ học đường", với dự tính năm 2011-2012 sẽ hỗ trợ 500 suất học bổng dành riêng cho sinh viên của 35 trường đại học trên cả nước với trị giá mỗi suất 2 triệu đồng.
Tính đến ngày 14/10, học bổng Thắp sáng ước mơ học đường đã trao 110 suất học bổng với trị giá 190 triệu đồng, cụ thể gồm: ĐH Trà Vinh 15 suất học bổng trị giá 30 triệu đồng; ĐH Thương mại 15 suất trị giá 30 triệu đồng; ĐH Quốc gia Hà Nội 25 suất trị giá 50 triệu đồng; ĐH An Giang 10 suất trị giá 20 triệu đồng; ĐH Cần Thơ 15 suất trị giá 30 triệu đồng; ĐH Nông nghiệp Hà Nội 30 suất trị giá 30 triệu đồng.
Ngày mai 15/10, học bổng Thắp sáng ước mơ học đường sẽ tiếp tục trao đến sinh viên của 2 trường đại học: ĐH Bách khoa Hà Nội với 25 suất học bổng trị giá 50 triệu đồng và ĐH Nông lâm TP.HCM 15 suất trị giá 30 triệu đồng.
Theo DT
Hai tân sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi ở ĐH Cần Thơ Nhà đông anh chị em, dù gia cảnh khó khăn nhưng các em đều cố gắng học tốt trong những năm phổ thông. Để sau đó các em giành tấm vé vào giảng đường ĐH với ước mong có một tương lai tươi sáng. Trong một buổi trao học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho các tân sinh viên nghèo ĐBSCL mới...