7 sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua
Iran và nhóm P5 1 đạt được thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân Tehran và cuộc thảm sát khiến 148 người thiệt mạng tại trường đại học ở Kenya là hai trong số những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
1. Iran và nhóm P5 1 đạt thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân Tehran
Trưởng các phái đoàn đàm phán của Iran và nhóm P5 1 – Ảnh: Reuters
Sau những cuộc đàm phán cân não, Iran và nhóm P5 1 (Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Trung Quốc) đã đạt được một thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân của Tehran vào ngày 2.4 tại Thụy Sĩ. Việc các bên đạt được thỏa thuận này là một bước tiến đáng kể trong những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran đã gây tranh cãi suốt hơn 10 năm qua.
Ngay sau khi thỏa thuận đạt được, nhiều lãnh đạo thế giới đã lên tiếng chúc mừng và bày tỏ hy vọng về một thỏa thuận toàn diện cuối cùng cho hạn chót vào cuối tháng 6 năm nay. Tuy vậy, Israel đã phản đối mạnh mẽ thỏa thuận nói trên, nhấn mạnh đó là mối đe dọa đối với sự tồn vong của Israel.
2. Thảm sát tại trường đại học ở Kenya, ít nhất 148 người thiệt mạng
Một phụ nữ bị thương trong vụ thảm sát – Ảnh: AFP
Ít nhất 148 người thiệt mạng trong vụ thảm sát tại Trường đại học Garissa (Kenya) hôm 2.4 vừa qua. Nhóm vũ trang Hồi giáo al-Shabaab có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu này.
Video đang HOT
3. Kết thúc thời hạn, 42 nước nộp đơn gia nhập AIIB
42 nước nộp đơn xin gia nhập AIIB – Ảnh: Reuters
Ngày 31.3 là hạn chót để các quốc gia nộp đơn gia nhập để có thể trở thành thành viên sáng lập của Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á (AIIB), do Trung Quốc khởi xướng. Tổng cộng đã có 42 quốc gia nộp đơn xin gia nhập định chế tài chính này, trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ như Anh, Đức, Ý.
4. Rơi trực thăng ở Malaysia, 6 người thiệt mạng
Hiện trường nơi máy bay bốc cháy – Ảnh: chụp màn hình Straits Times
Ngày 4.4, một chiếc trực thăng dân dụng của Malaysia đã rơi và bốc cháy ở thành phố Semenyih thuộc Selangor (Malaysia) khiến 6 người trên trực thăng thiệt mạng. Trong số các nạn nhân, có một người là thành viên của Nghị viện Malaysia.
5. Chu Vĩnh Khang chính thức bị truy tố
Chu Vĩnh Khang bị truy tố – Ảnh: Reuters
Trung Quôc đã chính thức truy tố cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang với tội danh hối lộ, lạm quyền và cố tình làm lộ bí mật quốc gia. Tính đến nay, Chu Vĩnh Khang là quan chức cấp cao nhất bị “ngã ngựa” trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quôc Tập Cận Bình.
6. Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 thông qua tuyên bố Hà Nội
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng – Ảnh: TTXVN
Sau 5 ngày làm việc, chiều 1.4, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội đã chính thức kết thúc. Đại hội đồng IPU-132 đã nhất trí thông qua Tuyên bố Hà Nội, văn bản quan trọng phản ánh tầm nhìn, cam kết và hành động của các nghị viện thành viên IPU vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân, quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác toàn cầu.
7. Tổng thống Goodluck Jonathan thất bại trong cuộc bầu cử ở Nigeria
Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan thất bại trong cuộc tổng tuyển cử – Ảnh: AFP
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đương kim Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã thất bại trước đối thủ của mình là ứng cử viên đối lập Muhammadu Buhari thuộc Liên minh Tiến bộ (APC). Nếu được tuyên bố thắng cử, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Nigeria một đảng đối lập giành quyền kiểm soát đất nước theo một cách dân chủ từ tay đảng cầm quyền.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Thỏa thuận khung về hạt nhân Iran có lợi cho quan hệ Trung - Mỹ
Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định thỏa thuận khung mà Iran và nhóm P5 1 vừa đạt được về vấn đề hạt nhân của Tehran có lợi cho việc thúc đẩy quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, theo Reuters ngày 4.4.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: Reuters
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3.4 cho biết Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry. Ông Vương Nghị khẳng định thỏa thuận khung vừa đạt được giữa Iran và nhóm P5 1 (Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Trung Quốc) về vấn đề hạt nhân Tehran có lợi cho việc thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ.
Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh thỏa thuận khung nói trên đạt được là nhờ tất cả các bên đã nắm bắt thời cơ lịch sử thông qua những nỗ lực chung.
"Trung Quốc và Mỹ đều giữ trách nhiệm lớn trong việc bảo vệ cơ chế không phổ biến hạt nhân quốc tế vì vậy cả hai nước đã duy trì liên lạc tốt với nhau trong suốt các cuộc đàm phán, qua đó truyền năng lượng tích cực cho mối quan hệ song phương", Reuters dẫn lời ông Vương trích dẫn trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Mỹ đánh giá cao vai trò quan trọng và mang tính xây dựng của Trung Quốc trong những cuộc đàm phán gần đây về vấn đề hạt nhân Iran, theo Reuters.
Mặc dù có những bất đồng trong quan hệ song phương, nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ trong một số vấn đề quốc tế, trong đó có vấn đề hạt nhân của Iran. Ngày 2.4 vừa qua, Trung Quốc, Mỹ cùng các nước khác trong nhóm P5 1 và Iran đã đạt được một thỏa thuận khung về hạt nhân Tehran, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình giải quyết vấn đề đã gây tranh cãi suốt nhiều năm qua.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
(Đồ họa) Chi tiết thỏa thuận khung chương trình hạt nhân Iran Ngày 2/4, Iran và nhóm P5 1 (gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran, mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng có thể đạt được trong ba tháng tới (trước 30/6). Thỏa thuận khung chương trình hạt nhân Iran. Theo TTXVN/baotintuc.vn