7 sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua
Cuộc bầu cử Quốc hội Israel khóa 20, Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu là hai trong số các sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần qua.
Thủ tướng Israel Netanyahu – Ảnh: Reuters
1. Bầu cử Quốc hội Israel, đảng của ông Netanyahu chiến thắng
Cuộc bầu cử Quốc hội Israel khóa 20 diễn ra ngày 17.3 vừa qua với kết quả khả quan đối với Thủ tướng Netanyahu. Đảng Likud của ông giành chiến thắng và đang ra sức kêu gọi các đảng khác tham gia vào liên minh của mình để có đa số ghế trong quốc hội.
Nếu thành lập được liên minh đa số, ông Netanyahu sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng của Israel. Các nhà phân tích cho rằng, với kết quả đó, chính sách của Israel đối với Palestine sẽ không có nhiều thay đổi. Bản thân ông Netanyahu cũng tuyên bố ngay trước thềm bầu cử rằng nếu ông tiếp tục là Thủ tướng Israel, sẽ không có một nhà nước Palestine độc lập.
2. Philippines trình thêm tài liệu kiện Trung Quốc
Tàu của Trung Quốc tuần tra tại bãi cạn Scarborough. Trung Quốc được cho là chiếm bãi cạn này từ Philippines vào năm 2012 – Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Philippines hôm 16.3 đã đệ trình thêm tài liệu 3.000 trang lên Tòa trọng tài thường trực nhằm cung cấp thêm bằng chứng cho đơn kiện của Manila chống lại tuyên bố “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc trên biển Đông.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, trong số những tài liệu mới trình lên, Philippines có đề cập đến việc Trung Quốc tiếp tục những hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông.
3. Sự vươn vòi của IS
IS tiếp tục khiến dư luận lo lắng – Ảnh: Reuters
Tuần qua, thế giới tiếp tục đón nhận những tin buồn từ các cuộc tấn công và thảm sát mà Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Ngày 20.3, IS nhận trách nhiệm các vụ đánh bom liều chết liên hoàn nhằm vào 2 đền thờ Hồi giáo dòng Shiite ở thủ đô Sanaa (Yemen), khiến ít nhất 142 người thiệt mạng.
Không chỉ vậy, IS cũng tự nhận đứng sau hàng loạt vụ tấn công đẫm máu ở Syria, làm ít nhất 45 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương, đồng thời cũng tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công ở Tunisia. Đáng lo ngại hơn, IS đã chào đón sự gia nhập của nhóm Boko Haram ở Nigeria và mở rộng hoạt động khắp Libya. Ngoài ra, theo báo cáo của cơ quan hỗ trợ Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan, IS đã bắt đầu hiện diện ở phía bắc Afghanistan.
4. EU muốn thành lập liên minh năng lượng
Liên minh châu Âu muốn thành lập liên minh năng lượng của khối – Ảnh: Reuters
Ngày 19.3 vừa qua, tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu, các lãnh đạo khối Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận những bước đi đầu tiên hướng tới việc thành lập liên minh năng lượng châu Âu. Đây được xem là chương trình quan trọng và quy mô nhất trong lĩnh vực năng lượng của khối kể từ kế hoạch xây dựng Cộng đồng than thép châu Âu năm 1950.
Kế hoạch này không những xuất phát từ nhu cầu hợp tác nội khối, mà còn nhằm giải quyết vấn đề về tính cạnh tranh của doanh nghiêp và sự phụ thuộc năng lượng bên ngoài.
5. Ngoại trưởng Hàn – Trung – Nhật nhóm họp lần đầu tiên sau 3 năm
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Ngoại trưởng Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tại Seoul – Ảnh: Reuters
Kể từ tháng 4.2012, đây là lần đầu tiên ngoại trưởng 3 nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản nhóm họp 3 bên. Những mâu thuẫn xung quanh vấn đề thừa nhận lịch sử trong chiến tranh thế giới thứ 2 và đặc biệt là các tranh chấp về lãnh thổ trên biển khiến mối quan hệ 3 bên thời gian qua “lạnh nhạt”.
Ngay trước thềm cuộc gặp này, Trung Quốc và Nhật Bản còn “đôi co” với nhau về bằng chứng chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bộ Ngoại giao Nhật Bản đưa ra hôm 16.3.
6. EU quyết định duy trì các biện pháp trừng phạt Nga
EU quyết định duy trì các biện pháp trừng phạt Nga – Ảnh: Reuters
Tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 19.3, EU đã quyết định duy trì những biện pháp trừng phạt Nga cho tới khi thấy rằng những nội dung quan trọng nhất trong thỏa thuận Minsk về vấn đề Ukraine đã được thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc EU tiếp tục ràng buộc lệnh trừng phạt vào những điều kiện đặt ra cho Nga từ lâu nay. EU tán dương quyết định này là biểu hiện sự thống nhất và kiên quyết đối với Nga.
7. Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck ra tòa
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra sẽ được đưa ra xét xử – Ảnh: AFP
Theo thông báo của Tòa án tối cao Thái Lan ngày 19.3, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ được đưa ra xét xử từ ngày 19.5 vì tội thiếu trách nhiệm dẫn đến thất thoát tiền bạc trong chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi khi còn đương chức.
Cụ thể, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) và Văn phòng Tổng chưởng lý đã cáo buộc bà Yingluck xao nhãng trách nhiệm, dẫn đến xảy ra tham nhũng, gây thất thoát 600 tỉ baht (khoảng 18,5 tỉ USD), vi phạm mục 157 bộ luật hình sự, và luật NACC năm 1999. Ngoài ra, bà còn bị buộc tội cố ý làm trái quyền hành theo điều 178 của hiến pháp. Bà Yingluck sẽ phải đối mặt với mức án lên đến 10 năm tù giam sau khi tòa án chính thức thụ lý vụ án chống lại bà.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien