7 “quan” xã thích “ăn” đất
Liên quan đến vụ lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, giao đất trái thẩm quyền, vi phạm quy định về thu chi tài chính xảy ra tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm 7 cán bộ ở xã trên vào ngày 29-3, tại Hải Phòng.
Các bị cáo tại phiên tòa
Theo bản án sơ thẩm, để có tiền chi phí cho các hoạt động thường xuyên và xây dựng các công trình công ích của địa phương, ngày 6-9-2005, cuộc họp mở rộng các thành phần của xã Tú Sơn gồm Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Hữu, Phó Chủ tịch UBND Phạm Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Trần Văn Nhân, Phó Chủ tịch HĐND Bùi Văn Thiết, cán bộ địa chính xây dựng Nguyễn Đức Cường, cán bộ tài chính Phạm Văn Nghi cùng một số cán bộ xã khác dưới sự chủ trì của Bí thư Đảng ủy xã Tú Sơn Bùi Văn Tông đã đi đến thống nhất: Sẽ tạo nguồn vốn cho xã bằng cách cấp đất làm nhà ở và thu sinh lời từ việc giao đất chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Tiếp đó, Bùi Văn Tông lại triệu tập cuộc họp với các thành phần như trên để giao cho UBND xã thành lập hội đồng cấp đất và định giá bán đất tại một số tuyến đường với giá bán từ 70 – 130 triệu đồng/lô.
Để xúc tiến những phần việc tiếp theo, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn Nguyễn Đức Hữu đã chỉ đạo Phạm Văn Thanh, Nguyễn Đức Cường, Phạm Văn Nghi tiến hành khảo sát khu vực đất thu hồi của 190 hộ dân đang canh tác, khảo sát giá thị trường rồi lập danh sách giao đất, định giá đất. Sau đó, Hữu đã ký các quyết định về phê duyệt phương án hỗ trợ bồi hoàn thu hồi đất nông nghiệp, các quyết định phê duyệt phương án tạm thu tiền sử dụng đất. Phạm Văn Thanh ký tờ trình đề nghị phê duyệt phương án bồi thường tiền đất, thu hồi thực hiện kế hoạch giao đất cho công dân làm nhà và cùng với Nguyễn Đức Cường lập phương án thu tiền cấp quyền sử dụng đất ở. Ngoài ra, Thanh, Cường còn cùng Phạm Văn Nghi thực hiện việc lập phương án tính toán đền bù trưng dụng đất nông nghiệp làm quy hoạch đất ở.
Từ năm 2006 đến tháng 5-2008, 183 lô đất với diện tích 19.927m2 đã được các “quan xã” ở Tú Sơn giao cho các hộ dân, thu về số tiền là 13.597.546.000đ. Đến cuối năm 2008, những “quan xã” này cùng các ban, ngành, đoàn thể của xã họp bàn, thống nhất tiếp tục giao đất cho các hộ dân làm nhà ở tại khu vực đường 401 của làng Hồi Xuân (giáp đê Bàng La), thu tiền với giá 1 triệu đồng/m2 và thu 1,6 triệu đồng/m2 tại khu vực đường sau sân vận động xã. Tiếp đó, trong thời gian từ cuối năm 2008 đến tháng 10-2010, Bùi Văn Tông đã chỉ đạo Thanh, Cường, Nghi tiến hành khảo sát, thu hồi đất canh tác của 28 hộ dân rồi tiến hành lập hồ sơ phân lô, khảo sát giá thị trường để định giá đất. Bùi Văn Tông đã ký các quyết định về phê duyệt phương án tạm thu tiền sử dụng đất còn Thanh, Cường, Nghi trực tiếp ký các quyết định, biên bản, trích đo như thời kỳ trước. Cũng trong thời gian từ tháng 6-2008 đến 10-2010, UBND xã Tú Sơn đã giao 66 lô đất cho các hộ dân với tổng diện tích là 6.804m2 và thu được số tiền 5.678.600.000đồng.
Video đang HOT
Sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân về những việc làm sai trái trên của lãnh đạo xã Tú Sơn, Cơ quan CSĐT – CATP Hải Phòng đã vào cuộc điều tra, làm rõ: Từ năm 2006 – 10-2009, UBND xã Tú Sơn đã thực hiện việc giao đất làm nhà trái phép 249 lô đất với diện tích 26.731m2 là đất nông nghiệp thu hồi của 218 hộ dân đang canh tác. Những người được UBND xã Tú Sơn giao đất trái phép là các cán bộ UBND xã Tú Sơn và người nhà của các “quan xã” như gia đình và người nhà của Nguyễn Đức Hữu được giao 8 lô đất gia đình và người nhà Bùi Văn Tông được giao 4 lô… Cũng từ năm 2006 đến tháng 4-2011, UBND xã Tú Sơn đã thu tổng số tiền do giao đất trái phép là 19.258.546.000đồng, đã tự chi không qua kho bạc 15.640.313.200đồng trong đó có các khoản chi cho giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tham quan, chi phí khác cho UBND xã Tú Sơn tạm ứng hoạt động cho các ban, ngành, đoàn thể… Mặc dù UBND huyện Kiến Thuỵ đã ra Quyết định số 236 ngày 10-3-2011 thu hồi đất giao trái thẩm quyền, nhưng cho đến nay không thể thu được vì các hộ dân đã san lấp 232 lô làm nhà ở 72 lô và đã có 81 hộ sang tên đổi chủ cho các hộ khác.
Quá trình điều tra cơ quan Công an còn làm rõ, toàn bộ phiếu thu tiền giao đất trái pháp luật, các chứng từ chi, tạm ứng đều được Hữu, Tông, Thanh, Nghi ký duyệt, nhưng trong các báo cáo quyết toán ngân sách xã hàng năm không báo cáo thu chi. Đến nay, số tiền đã sử dụng vào việc xây dựng công trình và chi hoạt động khác của UBND xã Tú Sơn đã không thể thu hồi lại được. Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Tông, Nguyễn Đức Hữu mức án 5 năm tù giam, bị cáo Phạm Văn Thanh 4 năm tù giam, Nguyễn Đức Cường 3 năm 6 tháng tù giam. Ba bị cáo còn lại là Phạm Văn Nghi, Trần Văn Nhân và Bùi Văn Thiết cùng nhận mức án 3 năm tù giam. Ngay sau phiên tòa Sơ thẩm, 5 bị cáo gồm Hữu, Cường, Nghi, Nhân, Thiết đã đồng loạt làm đơn kháng cáo, nhưng sau đó lại thay đổi nội dung xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa Phúc thẩm, 2 bị cáo Cường, Nghi xin rút kháng cáo. Với lý do đều là cán bộ, có nhiều thành tích đóng góp cho địa phương nên HĐXX đã sửa bản án sơ thẩm cho nguyên Bí thư xã Bùi Văn Tông được hưởng án treo nguyên Chủ tịch xã Nguyễn Đức Hữu từ 5 năm xuống còn 3 năm 6 tháng nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã Bùi Văn Thiết từ 3 năm xuống còn 2 năm.
Theo ANTD
CA chỉ được nổ súng khi bị uy hiếp tính mạng
"Hiểu dự thảo Nghị định theo hướng cho phép CSGT được nổ súng khi người tham gia giao thông vi phạm là hoàn toàn sai".
Ngày 22/3, tại hội nghị sơ kết tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT), PCCC..., Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định như trên khi nói về Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ (THCV).
Nổ súng ngăn chặn là cần thiết
Trung tướng Ngọ nói nổ súng để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ là cần thiết. Đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết và phải làm. Trong tình hình tội phạm gia tăng như hiện nay, cần thiết phải trao quyền phòng vệ chính đáng cho người đang THCV.
"Khi nào người THCV được nổ súng vào đối tượng chống người THCV? Dự thảo đơn thuần chỉ dùng để áp dụng cho tội phạm chứ không áp dụng đối với mọi tầng lớp nhân dân. Người THCV chỉ được rút súng khi tội phạm dùng súng, mã tấu uy hiếp trực tiếp tính mạng người THCV hoặc người dân cùng tham gia vây bắt tội phạm. Nhiều trường hợp tội phạm rất manh động, nhất là tội phạm về ma túy, họ dùng hung khí hoặc rút súng ra bắn thẳng vào lực lượng công an, chẳng lẽ công an chỉ được bắn chỉ thiên mà không thể nổ súng trực tiếp vào đối tượng đang uy hiếp tính mạng mình?" - ông Ngọ nói.
Trung tướng Phạm Quý Ngọ tại hội nghị. Ảnh: LÊ XUÂN
Theo ông Ngọ, nếu hiểu theo cách cứ có hành vi chống người THCV là có quyền rút súng ra bắn hoặc lập luận rằng một cảnh sát vừa ra trường, học trung cấp không được dùng súng bắn vào tội phạm nguy hiểm là hoàn toàn sai vì họ đã đủ 18 tuổi, được đào tạo bài bản. "Cái quan trọng là phải quy định rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể, không thể nổ súng tràn lan được. Khi có nghị định của Chính phủ rồi, chúng tôi sẽ cụ thể hóa bằng các thông tư đối với từng trường hợp cụ thể khi áp dụng. Ngoài ra, người THCV cũng là một công dân và cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu khi thi hành nhiệm vụ anh làm sai. Một điểm quan trọng khác đó là lựa chọn ai được nổ súng, nếu là lực lượng công an thì phải được tập huấn đầy đủ từ tình huống, hoàn cảnh đến loại đối tượng tội phạm được nổ súng" - Trung tướng Ngọ cho biết.
Đưa xe khách vào diện kinh doanh có điều kiện
Cũng tại hội nghị, đề cập đến vấn đề bảo đảm ATGT đường bộ, nhất là đối với xe khách hiện nay, Trung tướng Ngọ nói: Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT phải tuần tra kiểm soát chặt chẽ các phương tiện tham gia giao thông, tập trung vào các tuyến trọng điểm và phương tiện trọng điểm, trong đó có xe khách. "Theo tôi, nên đưa xe khách vào diện quản lý có điều kiện, đưa những người kinh doanh xe khách vào diện kinh doanh có điều kiện. Không thể chấp nhận pháp luật chỉ xử lý người đi lái thuê trong khi chủ phương tiện không có trách nhiệm gì khi xảy ra tai nạn.
Ngoài ra, để giảm thiểu tai nạn giao thông phải có một sự đồng bộ ngay từ các ngành ra các nghị định, nó phải sát với tình hình thực tế, chú trọng từ những khâu nhỏ nhất. Phải xem xét từ khâu đào tạo lái xe, xem có đảm bảo chất lượng hay không. Lực lượng CSGT phải kiểm tra có bao nhiêu phần trăm những người điều khiển phương tiện điều khiển phương tiện không nắm rõ luật, tay lái non hoặc không học mà vẫn được cấp bằng lái. Chúng tôi sẽ kiến nghị lên Ủy ban ATGT Quốc gia, các địa phương, những trung tâm đào tạo lái xe nào để xảy ra tai nạn nhiều mà lỗi do người điều khiển giao thông thì cần thiết phải đình chỉ hoạt động của trung tâm đó" - Trung tướng Ngọ nói.
Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc làm 12 người chết tại Khánh Hòa ngày 8-3, Trung tướng Ngọ cho biết: "Qua báo cáo sơ bộ, hiện đã giải mã được hộp đen của xe Quảng Ngãi, ghi nhận xe này chạy quá tốc độ khi xảy ra tai nạn (90/70 km/giờ) nhưng cơ quan điều tra phải làm rõ hết tất cả tác nhân có thể dẫn đến vụ tai nạn trên. Trong vụ tai nạn này còn có nguyên nhân gián tiếp là chất thải bùn mía rơi vãi và phải làm rõ nguyên nhân gián tiếp này để xử lý chứ không thể đổ lỗi cho người chết được (tài xế xe Quảng Ngãi đã tử vong - PV)".
Trong dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, lực lượng CSGT và cảnh sát đường thủy công an các địa phương đã kiểm tra, xử lý 987.482 trường hợp, tạm giữ 4.416 ô tô, 102.860 xe máy, xử lý 138.208 trường hợp vi phạm. Công an các địa phương đã phát hiện 233 vụ phạm pháp hình sự, 282 vụ vận chuyển hàng cấm, trốn thuế, bắt giữ 482 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật và hàng hóa. Trong chín ngày tết đã xảy ra 373 vụ tai nạn giao thông làm chết 314 người, bị thương 387 người...
Theo 24h
Đến lúc cần cho phép công an được "nổ súng trực tiếp"? Công an được "nổ súng trực tiếp", một đề xuất đã được đề cập trong dự thảo Nghị định về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ (THCV), đang được dư luận rất quan tâm... Công an được "nổ súng trực tiếp", một đề xuất đã được đề cập trong dự thảo Nghị định về xử lý hành vi chống...