7 phim ấn tượng sắp cập bến Netflix, mọt phim còn chờ gì mà không thưởng thức!
Kho phim khổng lồ luôn cập nhật của Netflix chưa bao giờ khiến các “mọt phim” phải thất vọng.
Điều khiến Netflix trở thành một thế lực của nền điện ảnh chính là kho phim luôn cập nhật liên tục. Bên cạnh những bộ phim mới cứng do hãng tự sản xuất sẽ là vô số tác phẩm tự cổ chí kim, trên trời dưới đất. Tháng 2 năm nay, Netflix cho ra mắt thêm nhiều bộ phim cũ có, mới có nhưng điểm chung là cực kì hấp dẫn.
1. High Flying Bird (2019)
Vị đạo diễn đứng sau thành công của nhiều phim như “Ocean’s Eleven”, “Magic Mike”,…
Là sự hợp tác của đạo diễn Steven Soderbergh của Ocean’s Eleven (2001) và biên kịch Tarell Alvin McCraney của Moonlight (2016), High Flying Bird hứa hẹn sẽ là một tác phẩm thành công khác của Netflix. Đặc biệt ở chỗ, toàn bộ quá trình quay phim được thực hiện trên chiếc iPhone 7 bởi chính đạo diễn Steven Soderbergh (Trước đó ông cũng từng quay Unsane bằng iPhone 7 Plus).
Bộ phim nói về đợt “đóng băng” toàn mùa giải của giải NBA. Cho những ai còn xa lạ thì đây là tình trạng xảy ra khi chủ sở hữu những đội bóng bầu dục và các cầu thủ bất đồng về thỏa thuận tiền lương. Các chủ sở hữu sẽ ngừng các hoạt động thi đấu lại cho đến khi bất đồng này được giải quyết.
André Holland vào vai Ray, một người quản lý thể thao đang bước vào tuần thứ 25 của đợt đóng băng giải và cố gắng hết sức để giữ lấy công việc. Theo lý thuyết, đây có thể là cơ hội để Ray tỏa sáng và giải quyết mâu thuẫn giữa cầu thủ da đen và các ông lớn da trắng. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy, McCraney là một nhà biên kịch rất nhanh nhẹn và tinh ranh, còn Soderbergh thì không quan tâm liệu nhân vật mình đúng hay sai. Ông muốn nhìn ngắm nhân vật phải vật lộn để khẳng định giá trị của mình, trước một thế lực không thiên vị, như một tập đoàn hay một chính phủ, ngay cả khi cuối cùng nhân vật ấy phải trả cái giá rất đắt.
2. Personal Shopper (Trợ Lí Thời Trang, 2016)
Bộ phim giật gân mang hơi hướng tâm lý siêu nhiên của đạo diễn Olivier Assayas đã tái hiện một câu chuyện ma mị với những yếu tố hiện đại. Nhân vật chính là Maureen Cartwright (Kristen Stewart) là trợ lý thời trang cho nữ diễn viên nổi tiếng Kyra (Nora Waldsttten). Bên cạnh công việc chính, cô cũng cố liên lạc với linh hồn người anh trai đã chết vì đau tim. Maureen và anh trai có rất nhiều điểm chung, như vấn đề tim bẩm sinh và đều tin vào thế giới tâm linh. Họ đã thề rằng nếu một trong hai người chết trước, thì người kia phải gửi “tín hiệu” cho người còn lại.
Dưới bàn tay của đạo diễn Assayas, người từng được đề cử và thắng nhiều giải thưởng danh giá của Hội đồng điện ảnh Pháp, Personal Shopper không chỉ là về một cô gái cố gắng kết nối với thế giới bên kia, mà nó còn là về cách mà chúng ta lưu giữ những ký ức của người đã khuất và đối mặt với sự thật rằng họ không còn trên đời nữa. Phim nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình, đặc biệt là diễn xuất của Kristen Stewart, nhiều người còn cho rằng đây là một trong những phim tốt nhất của cô đến hiện tại.
3. The Edge of Seventeen (Khi Em 17, 2016)
The Edge of Seventeen đánh dấu lần đầu tiên biên kịch Kelly Fremon Craig bước lên ghế đạo diễn thành công. Tuy có vay mượn nguyên liệu từ nhiều tác phẩm dành cho lứa tuổi dậy thì khác, bộ phim vẫn được đánh giá là rất hài hước và chân thực, giữ số điểm 7.4 trên trang IMDb và nhận được 95% đánh giá tích cực từ các nhà phê bình của Rotten Tomatoes. Có một điều thú vị nữa là đạo diễn của As Good As It Gets, James L. Brooks là nhà sản xuất của The Edge of Seventeen.
Video đang HOT
Cô bạn thân Krista và anh trai Darian.
Khả năng diễn xuất của Hailee Steinfield lại được ca ngợi khi hóa thân vào cô bé tuổi teen Nadine Byrd cảm thấy bị ra rìa khi biết được anh trai (Blake Jenner) và cô bạn thân nối khố (Haley Lu Richardson) cặp bồ với nhau. Nếu đang hoặc đã từng trải qua lứa tuổi này, khán giả đều sẽ thấy phim có gì đó rất quen thuộc với bản thân: tổn thương, giận hờn, xấu hổ, lo sợ, và nổi loạn. Như nhân vật chính Nadine phát biểu trong phim: “Trên thế giới có hai loại người: Loại thứ nhất là những người vốn sinh ra đã tự tin và làm việc gì cũng giỏi; loại thứ hai là những người mong loại thứ nhất chết đi cho hả dạ.”
4. The 40-Year-Old Virgin (40 Tuổi Vẫn Còn Zin, 2005)
Steve Carell cũng góp một tay vào viết kịch bản.
Nhìn tên phim chắc hẳn bạn cũng đoán ra được cốt truyện: Andy Stitzer (Steve Carell) là một người đàn ông 40 tuổi nhưng vẫn còn chưa biết đến mùi phụ nữ. Nhóm bạn thân sau khi biết được đã tìm cách giúp anh thoát khỏi “kiếp nạn trinh trắng” này. Tuy cốt truyện đơn giản là vậy, The 40-Year-Old Virgin lại thành công ở chỗ cho phép diễn viên có những lời thoại ngẫu hứng (không nằm trong kịch bản), cho ra đời nhiều phân đoạn rất sáng tạo và hài hước.
Trang Rotten Tomatoes đánh giá đây là “phim hài hay nhất năm 2015″, với nội dung tránh xa những chuẩn mực độc hại về sự nam tính (toxic masculinity), và khuyến khích đàn ông nên trưởng thành và thành thật hơn với cảm xúc của chính mình. Trước đó chỉ sản xuất một số phim truyền hình nhỏ lẻ, lần đầu tiên Judd Apatow được cầm trịch ở vai trò đạo diễn một phim chiếu rạp là với The 40-Year-Old Virgin.
Bộ phim đã chắp cánh cho sự nghiệp của ông và của nhiều diễn viên khác ở thể loại hài kịch như Steve Carell, Seth Rogen, Jonah Hill, Elizabeth Banks và Paul Rudd. Sau này ông tiếp tục đạo diễn nhiều phim khác được đánh giá cao bởi giới phê bình và thành công về mặt doanh thu, trong đó có Knocked Up (2007) và Trainwreck(2015).
5. About a Boy (Trở Về Tuổi Thơ, 2002)
About a Boy được đạo diễn bởi hai anh em Chris Weitz và Paul Weitz – những người từng cầm trịch American Pie, một phim hài-bẩn-bựa rất thành công mà chủ đề là về đám học sinh cấp ba đến tuổi dậy thì luôn muốn khám phá mọi thứ những năm 2000. Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Nick Hornby, phim đã chứng tỏ rằng chỉ qua 3 năm, hai anh em nhà Weitz đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Tác phẩm xoay quanh hai nhân vật chính Will Freeman (Hugh Grant) – một anh chàng độc thân 36 tuổi sống cuộc đời sung túc nhờ thừa hưởng thành quả của cha mình – và cậu bé Marcus Brewer (Nicholas Hoult), vốn bị coi là xa cách dù luôn cố gắng hòa đồng. Dần dần, một tình bạn kỳ lạ hình thành giữa Will và Marcus, hai con người rất “khác người” nhưng lại tìm được tiếng nói chung.
Bộ phim được đánh giá cao bởi khán giả lẫn giới chuyên môn, nhất là về diễn xuất của Hugh Grant và màn debut ấn tượng của Nicholas Hoult, lúc đó chỉ mới 12 tuổi, cùng hai diễn viên phụ là Toni Collette và Rachel Weisz. Phim nhận được đề cử Oscar Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, còn Hugh Grant và Toni Collette lần lượt nhận được đề cử Quả cầu vàng và BAFTA Award (Giải thưởng của Hội điện ảnh nước Anh).
6. As Good As It Gets (Không Thể Tốt Hơn, 1997)
Ít ai biết được rằng thời điểm cuối thế kỉ 20 đầu 21 thì hài-tình cảm (rom-com) chính là dòng phim thống trị điện ảnh. Một trong những đạo diễn, nhà sản xuất nổi tiếng thời bấy giờ là James L. Brooks, với nhiều tác phẩm để đời như Terms of Endearment (1983) và Broadcast News (1987) thành công về mặt doanh thu và nghệ thuật. As Good As It Gets đánh dấu thêm một cột mốc nữa trong sự nghiệp của ông, khi thắng giải Oscar ở hai hạng mục Nam chính xuất sắc nhất và Nữ chính xuất sắc nhất (Jack Nicholson và Helen Hunt).
Diễn viên gạo cội Jack Nicholson vào vai nhà văn Melvin Udall bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, lúc nào cũng nhăn nhó và sẵn sàng bắt nạt những ai mà lão không thích, mà nạn nhân là chàng nghệ sĩ Simon Bishop (Greg Kinear) hàng xóm. Theo cốt truyện thường thấy thì cả hai bằng cách nào đó sẽ làm hòa nhau ở cuối phim. Và “cách nào đó” ở đây là Carol Connelly (Helen Hunt), một người mẹ đơn thân có đứa con trai bị bệnh nặng. Cô chính là linh hồn của phim khi giúp Melvin trở thành con người tốt hơn trước bội phần.
7. Jaws (Hàm Cá Mập, 1975)
Ở Hoa Kỳ trung bình mỗi năm chỉ có 16 vụ cá mập tấn công và trong số đó chỉ có 2 trường hợp tử vong. Có nghĩa rằng khả năng một người bị cá mập cắn còn thấp hơn khả năng người đó bị thiên thạch rơi trúng người. Tuy vậy, điều này cũng không ngăn được Jaws” gây ra nỗi khiếp đảm cho hàng triệu người không chỉ ở Hoa Kỳ mà khắp nơi trên thế giới.
Ảnh bìa sách và poster của “Jaws”.
Chắc chắn không cần phải nói nhiều về Jaws khi mà phim đã đi vào hàng kinh điển của lịch sử điện ảnh, được xem là một trong những tác phẩm hay nhất mọi thời đại, phim cũng thắng nhiều giải thưởng quan trọng nhờ phần âm nhạc và biên tập. Có được thành công này cũng một phần nhờ vào việc Jaws được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Peter Benchley, xuất bản vào tháng 2 năm 1974 và trụ trong danh sách sách bán chạy suốt 44 tuần liền.
Hàm răng gây khiếp đảm cho bao thế hệ.
Bộ phim trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, trước khi bị Star Warssoán ngôi vào năm 1977. Có thể nói phim là bệ phóng cho sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn Steven Spielberg, giúp ông trở thành một trong những nhà làm phim kì cựu của Hollywood, mở đường cho một kỷ nguyên phim về cá mập sau này. Nếu đã từng xem qua Jaws thì đừng ngần ngại xem lại để thưởng thức bom tấn kinh điển này lần nữa nhé.
Tết chán không có gì xem? Mở ngay 5 loạt phim ý nghĩa và hài hước trên Netflix để chia sẻ với người thân thôi nào!
Tết đến còn gì thảnh thơi hơn việc được nằm dài xem những bộ phim hài hước rồi cười lăn lộn cả ngày. Thay vì chen chúc ngoài rạp phim đông người thì hãy cùng lên Netflix chọn một series thật hay rồi nhâm nhi xuyên tết thôi nào.
Tiêu chí chọn phim Tết thì phải: vừa hài, vừa sâu sắc, vừa phù hợp với cả gia đình đúng không nào cả nhà? Năm mới năm me ai lại ngồi khóc tu tu bao giờ, phải cười thật tươi thì mời có một năm Kỷ Hợi ngập tràn may mắn này. Đã thế dịp Tết trong nhà ai ai cũng tấp nập, người ra người vào, nếu xem phim mà nhiều cảnh nóng bỏng lắm thì e chừng cũng không ổn. Thế nên, hãy giới thiệu cho gia đình những loạt phim hài hước trên Netflix, biết đâu phụ huynh sau này sẽ mượn tài khoản của bạn để cày phim cùng đấy!
1. Modern Family (Gia Đình Hiện Đại)
Modern Family là một bộ sitcom được chạy bền từ năm 2009 đến nay vẫn thu hút như thuở ban đầu. 8 mùa của phim kể về 3 gia đình nhỏ. Jay (Ed O'Neill) và Gloria (Sofia Vergara) rất giàu có nhưng người chồng lại đáng tuổi cha chú của vợ, vì vậy cặp đôi này khiến nhiều người tưởng lầm rằng họ là kiều nữ - đại gia lấy nhau chỉ vì tài sản. Phil (Ty Burrell) và Claire (Julie Bowen) tưởng chừng như hạnh phúc với một căn nhà đầm ấm và 3 người con nhưng giữa họ cũng có rất nhiều hiểu nhầm, khó khăn.
Mitchell (Jesse Tyler Ferguson) và Cameron (Eric Stonestreet) là cặp đôi đồng tính nam với một cô con gái nuôi người Việt Nam cũng rất được yêu quý nhờ độ chân thực của mình. Mỗi một tập phim là một tình huống dở khóc dở cười xoay quanh những gia đình ấy. Sau cùng, chắc chắn mỗi người sẽ học được một bài học vừa đáng giá vừa ấm áp về cách ứng xử trân trọng, có trách nhiệm đối với những người thân sát bên chúng ta.
2. Brooklyn Nine-nine (Cảnh Sát Brooklyn)
Không phải là cái tên quen thuộc với khán giả Việt Nam nhưng ở Mỹ, Brooklyn Nine-nine từng làm mưa làm gió đến độ sau khi bị cha đẻ của mình là kênh Fox bỏ rơi thì ngay lập tức đài NBC đã nhận tiếp tục trình chiếu thêm các phần mới. 20 phút ngắn ngủi của mỗi tập phim đảm bảo sẽ làm bạn xả stress cực hiệu quả cùng hàng loạt trò lố "bá đạo", những mối quan hệ tình bạn-tình yêu-gia đình ngọt ngào giữa những đồng nghiệp cùng làm việc ở sở cảnh sát phố Brooklyn.
3. Atypical (Lập Dị)
Sam Gardner (Keir Gilchrist), một cậu thiếu niên mắc chứng tự kỉ, là nhân vật chính của Atypical. Thông qua việc giúp đỡ Sam tìm bạn gái và được yêu đương như bao cô cậu học sinh bình thường khác, từng thành viên trong gia đình Gardner không chỉ thể hiện mối gắn kết bền chặt với nhau mà họ cũng khám phá giá trị riêng của bản thân. Nhờ sự động viên của gia đình mà qua từng tập phim, ta thấy Sam càng lúc càng trưởng thành, tự lập và tự tin hơn. Bộ phim có thể vô tình khiến bạn bật khóc lúc nào không hay, nhưng hãy yên tâm, đó chắc chắn sẽ là giọt nước mắt hạnh phúc vì cảm động đấy nhé.
4. Kim's Convenience (Cửa Hàng Tạp Hóa Nhà Kim)
Một trong những series truyền hình về gia đình có rating cao nhất ở Canada đã được Netflix thâu tóm và giới thiệu với khán giả toàn thế giới. Kim's Convenience có gì hay ho nhỉ? Những khó khăn, thách thức cũng như niềm vui, cơ hội của người châu Á định cư, sinh sống ở các nước phương Tây được kể lại một cách chân thực thông qua câu chuyện của gia đình nhà Kim - một gia đình gốc Hàn kinh doanh cửa hàng tạp hóa ở Toronto, Canada.
Khoảng cách thế hệ hay câu chuyện về việc theo đuổi đam mê hay đi theo mong muốn của cha mẹ cũng đều được đề cập đến trong Kim's Convenience. Biết đâu sau khi xem xong 2 phần của series này, các bậc phụ huynh sẽ tìm được tiếng nó chung với con mình và sẽ thật sự hòa hợp, thân thiết với con hơn trong năm mới 2019?
5. Jane The Virgin (Jane Trong Trắng)
Những bà mẹ đơn thân chắc hẳn sẽ tìm thấy mình trong Jane The Virgin. Tình huống trớ trêu xảy ra khi Jane (Gina Rodriguez), một cô gái luôn thề nguyện sẽ giữ gìn trinh tiết cho đến khi lấy chồng, lại lỡ dính bầu sau khi vô tình thụ tinh nhân tạo. Từ đây, cuộc sống của Jane bị đảo lộn, cô phải học cách làm mẹ, học cách gánh vác nhiều trách nhiệm hơn nhưng cũng đồng thời học được cách yêu thương bản thân nhiều hơn. Jane The Virgin giống như một món quà dành tặng những cô gái trẻ đang loay hoay với cuộc đời. Sâu lắng, ý nghĩa nhưng cũng cực kì hài hước là những tính từ để miêu tả series truyền hình này.
Cả 5 loạt phim hiện đang trình chiếu trên Netflix.
Theo Helino
Russian Doll (Netflix) Giải trí, thú vị, và ý nghĩa Russian Doll không phải là bộ phim quá nổi bật với phong cách hành động, tình cảm teen hay kinh dị như nhiều phim Netflix gần đây mà khán giả được thưởng thức, nhưng đây lại là phim mà cá nhân người viết đánh giá là thú vị nhất. Đề tài về vòng lặp thời gian dẫu không mới nhưng phim có cách...