7 người Việt xin “định cư vĩnh viễn” trên sao Hỏa
Hành trình “một đi không trở lại” đến sao Hỏa của tố chức Mars One hiện nhận đơn tình nguyện tham gia khắp thế giới. Trong số hơn 165,000 hồ sơ từ 140 quốc gia gửi vào, có ít nhất bảy thanh thiếu niên Việt Nam, sáu nam và một nữ.
Bỏ hết tất cả, từ các món ăn yêu thích, thói quen hằng ngày đến giã biệt người thân, gia đình và bạn bè, những người được chọn cho hành trình này sẽ sống hết cuộc đời còn lại ở sao Hỏa, nhằm thiết lập một nhóm dân cư cho loài người trên hành tinh này. Những người trẻ tuổi có tên Việt trong danh sách thí sinh đều rất trẻ, nhỏ nhất là 19 tuổi, lớn nhất là 23 tuổi
Tổ chức Mars One “là một tổ chức phi lợi nhuận, sẽ thành lập một khu định cư cho loài người trên sao Hoả từ 2023,” theo thông cáo của nhóm. Tổ chức do công ty truyền thông Interplanetary Media Group, Hòa Lan, sáng lập. Mars One gây quỹ hoạt động bằng các chương trình khác nhau như xin bảo trợ hay làm chương trình truyền hình.
Bắt đầu từ ngày khai mạc vào tháng Tư tại New York và Bắc Kinh, hàng trăm ngàn hồ sơ nộp vào với tiền phí tham dự từ $5 đến $70, tùy địa phương. Một cư dân Hoa Kỳ muốn tham dự phải đóng $38. Cư dân Việt Nam đóng $7, là khoảng 150,000 VND.
“Nếu bạn muốn là người khai phá sao Hỏa, mặc kệ các hiểm nguy và thử thách trong công việc này, bạn đã đủ tiêu chuẩn tham dự hơn hầu hết những người khác trên Trái Đất. Quan trọng là bạn phải khỏe mạnh và có cái đầu vững vàng”. Norbert Kraft, trưởng ban y tế của Mars One, cho biết bất kỳ ai cũng có thể nộp đơn.
Ngày hết hạn nhận hồ sơ là 31 Tháng Tám. Sau ngày này, Mars One sẽ chọn ra ứng cử viên cho vòng hai, số lượng tùy theo số hồ sơ mỗi vùng. Các ứng cử viên khi đến phỏng vấn bởi đại diện của Mars One tại địa phương phải chứng minh có đủ sức khỏe. Vòng ba giới hạn từ 20 đến 40 ứng cử viên mỗi địa phương. Họ sẽ tham dự các chương trình thi tài, “reality-show,” đọ sức trong các thử thách phác họa hoàn cảnh sống khó khăn trên Sao Hỏa. Tại mỗi vùng, hai người sẽ được chọn cho vòng chung kết, gồm một ứng cử viên được khán giả yêu thích nhất, và một do các chuyên gia – phi hành gia của Mars One chọn.
Vòng bốn- vòng chung kết gom tất cả các thí sinh thắng vòng ba từ khắp nơi trên thế giới lại tranh tài tại “trạm không gian”, được xây theo mô hình thiết kế cho khu định cư tương lai trên Sao Hỏa, tại Utah, Hawaii của Mỹ và tai cực Bắc lạnh giá của Canada. Hai mươi bốn người thắng cuộc, chia thành sáu đội, sẽ có tên trong danh sách chính thức, để được huấn luyện từ 2015 đến 2022, và lần lượt bay đến sống tại sao Hỏa vào 2023.
Video đang HOT
Câu hỏi “Bạn có muốn lên Sao Hỏa” trong cuộc khảo sát của NBC với hơn 22,000 người tham dự nhận được hầu hết câu trả lời nói là “Tôi không ngại nếu đi hai chiều”và “Tôi muốn… gửi một người khác đến sống ở Sao Hỏa.”
Sau đây là sơ lược về bảy thanh niên, thiếu nữ Việt Nam gửi đơn, băng hình, xin đi “chuyến bay một chiều” đến Sao Hỏa.
- Thái Tài, nam, 20 tuổi, sinh viên ngành quản lý doanh nghiệp trường Northampton Community College, Mỹ. “Thứ nhất, mình tham gia vì muốn là người đầu tiên sống trên sao Hỏa. Thứ hai, sao Hỏa là một nơi đẹp, mà mình thì thích khám phá những vùng đất đẹp. Mình ao ước được leo lên ngọn núi Olympus của sao Hỏa”.
- Trang, nữ, 21 tuổi, vừa tốt nghiệp cử nhân ngành kinh tế học. Cô nói: “Thực ra mình không giỏi về khoa học, kỹ sư hay thiên văn học, nhưng mình bị lôi cuốn bởi ý tưởng sẽ được sống trên sao Hỏa. Mình không muốn bỏ lỡ cơ hội có một không hai để được tham gia vào đề án này”.
- Đỗ Văn Tùng, nam, 22 tuổi, một nông dân làm việc cho trang trại gà ở Việt Nam. “Mình không giỏi Tiếng Anh, mình viết những dòng này và nhờ Google chuyển ngữ. Bạn mình giúp mình gửi và đóng tiền nộp hồ sơ”. Anh cũng nói về sở thích bắt cá, nấu ăn, cũng như vượt qua khó khăn của một nông dân để được lên sao Hỏa để khám phá.
- Nguyễn Anh Thắng, nam, 21 tuổi, theo nghề quản lý nhà hàng. “Thật là tuyệt vời khi nghĩ đến chuyện sống trên Sao Hỏa với những người đến từ các quốc gia khác”. Anh nói sức khoẻ và khả năng vật lý, kỹ thuật, thiên văn cũng như nói được ba thứ tiếng có thể giúp anh là một ứng cử viên sáng.
- Hoàng Thọ, nam, 19 tuổi, một học sinh ở Sài Gòn đang luyện thi vào trường Y.”Sao Hỏa là một hành tinh không có bất kỳ nền văn hóa, khoa học nào, chúng ta phải làm từ đầu, và mình muốn là người làm điều đó. Mình sẽ làm mọi điều để trở thành một ứng cử viên hoàn hảo”.
- Hoàng Hải, nam, 21 tuổi, sinh viên ngành quản lý doanh nghiệp trường Keele University, Anh Quốc. “Lần đầu tiên nghe về dự án của Mars One, mình kinh ngạc với khả năng của con người. Tôi luôn muốn làm được điều gì đó cho xã hội, và được nhớ đến”. Anh cũng nói là đến 2023, anh sẽ là 31 tuổi, “okay” để làm phi hành gia.
- Hung, nam, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp cử nhân trường Texas Tech University, Mỹ. Hồ sơ của anh được cộng đồng ghé xem nhiều nhất so với các bạn trẻ Việt Nam khác. Anh kể về các sở thích đua xe, trượt băng, du lịch khắp thế giới và âm nhạc như thí dụ cho tính cố gằng của bản thân, và “mình tin loài người đã sẵn sàng cho bước tiến tiếp theo vào vũ trụ”.
Theo Người đưa tin
100.000 người đăng ký định cư trên sao Hỏa
Các cư dân chinh phục sao Hỏa sẽ không được cung cấp nước hoặc dưỡng khí mà họ phải tự làm ra
Hiện nay, trên thế giới có hơn 100.000 người tha thiết muốn cư ngụ trên sao Hỏa, trong đó có khoảng 30.000 người Mỹ. Họ sốt sắng đăng ký vé cho chuyến du hành một chiều lên hành tinh đỏ với hy vọng sống nốt quãng đời còn lại ở nơi chưa từng có dấu chân người này
Một đi không trở lại
Bất cứ những ai trên 18 tuổi đều có thể đăng ký lên sao Hỏa cho đến hết ngày 31/8. Phí đăng ký phụ thuộc vào quốc tịch. Công ty Mars One, đơn vị hoạch định những chuyến bay đưa người lên sao Hỏa, cho biết mức phí dựa trên tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của từng quốc gia. Chẳng hạn, đối với người Mỹ, phí đăng ký là 38 USD, còn người Mexico chỉ phải nộp 15 USD. Tuy nhiên, ông Bas Lansdorp, giám đốc điều hành và cũng là nhà sáng lập Mars One, chưa tiết lộ đã có bao nhiêu người nộp phí đăng ký.
Mô hình một khu dân cư trên sao Hỏa trong tương lai. Ảnh: SPACE.COM
Ông Lansdorp xác nhận chuyến bay đầu tiên của Mars One sẽ tốn khoảng 6 tỉ USD. Trong năm nay, công ty sẽ chọn lựa khoảng 40 nhà du hành trong số những người đăng ký từ khắp mọi châu lục trên trái đất. Bốn người trong số họ gồm 2 nam, 2 nữ sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên lên sao Hỏa vào tháng 9/2022 và đáp xuống bề mặt hành tinh đỏ vào tháng 4-2023. Theo kế hoạch của Mars One, nhóm 4 người khác sẽ "cất cánh" 2 năm sau đó. Điều đáng lưu ý ở đây là sẽ không một ai quay về trái đất!
Các nhà du hành tương lai sẽ trải qua khóa huấn luyện 8 tháng bắt buộc ở một địa điểm ít người qua lại. Họ được học cách sửa chữa các cấu trúc nhà cửa, trồng rau trong các khoảng không gian hạn chế và các vấn đề y khoa từ nghiêm trọng đến thông thường như bảo vệ răng miệng, rách cơ và gãy xương.
Trái đất mới
"Chúng tôi muốn nói với thế giới rằng khi con người lên sao Hỏa và cư ngụ trên đó, họ sẽ xây dựng một trái đất mới, một hành tinh mới. Đây là một trong những điều lý thú nhất từng xảy ra và chúng tôi muốn chia sẻ câu chuyện này với cả thế giới" - ông Lansdorp nhấn mạnh.
Mỗi người được Mars One đưa lên sao Hỏa sẽ mang theo khoảng 2.500 kg hàng hóa hữu dụng. Sau 8 chuyến bay, dự kiến sẽ có hơn 20.000 kg hàng tiếp tế được gửi lên hành tinh đỏ, trong đó không thể thiếu thực phẩm và các thanh năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, các cư dân chinh phục sao Hỏa sẽ không được cung cấp nước hoặc dưỡng khí mà họ phải tự làm ra trên trái đất mới. Họ sẽ lọc lấy nước sao Hỏa từ đất sao Hỏa. Từ nước, người ta có thể tạo ra hydro và ôxy rồi sử dụng lượng ôxy đó để thở. Ông Lansdorp xác nhận: "Chúng ta sẽ tạo ra một bầu khí quyển giống như bầu khí quyển trên trái đất".
Mars One không phải là tổ chức duy nhất hy vọng làm nên lịch sử bằng cách đưa người lên sao Hỏa. Quỹ Cảm hứng sao Hỏa cũng muốn đưa 2 người - 1 nam, 1 nữ - lên sao Hỏa trong chuyến du hành 501 ngày.
Không phải chuyện đùa
Một số chuyên gia du hành không gian nhận định nguy cơ đối với tham vọng đưa người lên sao Hỏa sẽ rất lớn. Trong hành trình chinh phục một khoảng cách mà con người chưa bao giờ vượt qua thì bức xạ là mối lo lớn nhất. Chuyến bay lên sao Hỏa có thể khiến các nhà du hành rơi vào tình trạng bức xạ tối đa theo tiêu chuẩn của NASA. Và khi ở trên sao Hỏa, mức độ bức xạ sẽ còn cao hơn, gây tổn hại cấu trúc gien của các tế bào, làm cho tế bào chết đi hoặc bị biến đổi thường xuyên dẫn đến ung thư.
Theo Ngô Sinh (Người Lao Động)
Khí quyển sao Hỏa từng nhiều ôxy hơn Trái đất Bầu khí quyển trên sao Hỏa từng dày hơn, ấm hơn và ẩm ướt hơn ngày nay cho tới khi nó va chạm với một hành tích có kích cỡ tương đương với sao Diêm Vương. Những dữ liệu do tàu thăm dò Curiosity của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập được cho thấy bầu khí quyển của sao Hỏa từng...