7 năm triển khai, giải ngân 80 tỷ, dự án mới xong… 1km đường
Dự án đường ứng cứu phòng hộ vườn quốc gia Cúc Phương ( Ninh Bình) dài hơn 12km, được quyết định đầu tư trên 372 tỷ đồng. Sau hơn 7 năm xây dựng, dự án giao thông cấp bách này đang “dậm chân tại chỗ” vì… đói vốn.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, năm 2011, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định phê duyệt dự án “Đầu tư xây dựng công trình đường ứng cứu phòng hộ Vườn quốc gia Cúc Phương”. Dự án do UBND huyện Nho Quan làm chủ đầu tư, dài hơn 12km (bắt đầu từ điểm giao với QL12B, điểm cuối là cổng vườn quốc gia Cúc Phương) với tổng mức đầu tư hơn 372 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn hợp pháp khác.
Đường ứng cứu phòng hộ vườn quốc gia Cúc Phương được quyết định đầu tư xây dựng hơn 372 tỷ đồng.
Đây là công trình đường giao thông cấp II, với mục tiêu cấp bách chính là ứng cứu phòng hộ vườn quốc gia Cúc Phương; ổn định dân cư, phát triển kinh tế vùng núi đặc biệt khó khăn phía Tây tỉnh Ninh Bình. Toàn tuyến đường đi qua 4 xã của huyện Nho Quan gồm: Đồng Phong, Văn Phương, Văn Phong và Cúc Phương.
Đến nay, sau hơn 7 năm triển khai dự án, công trình đường giao thông cấp bách này vẫn đang dở dang, ngổn ngang, chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành. Nguyên nhân được chủ đầu tư cho biết là do thiếu vốn.
Toàn tuyến đường 12km này nhiều năm qua lúc nào cũng trong tình trạng “đang thi công”. Đoạn được thi công xong tạm thời, bắt đầu xuống cấp. Những nơi chưa được đầu tư xây dựng thì mặt đường hư hỏng nặng, ổ voi, ổ gà khắp nơi. Người dân địa phương mỗi khi đi trên con đường trăm tỷ này không khỏi ngao ngán, chưa biết đến bao giờ mới hết cảnh “mưa thì ngập, lầy lội, nắng thì bụi mù mịt”.
Sau hơn 7 năm triển khai, đến nay dự án trăm tỷ cấp bách vẫn đang còn ngổn ngang, dang dở vì “đói vốn”.
Đại diện Chủ đầu tư cho biết, do thiếu vốn nên đến nay dự án mới chỉ làm xong cơ bản được… 1km đường, đoạn qua xã Đồng Phong. Đoạn qua các xã Văn Phong, Văn Phương mới chỉ thực hiện kiểm đếm, chưa đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân, qua xã Cúc Phương cũng mới chỉ dải đá cấp phối…
Đây là con đường huyết mạch quan trọng của các xã khó khăn của huyện Nho Quan, hàng ngày người dân chủ yếu đi lại trên con đường này để giao thương. Do đường chưa thi công xong, nên mỗi khi đi trên con đường là nỗi ám ảnh đối với mọi người, đặc biệt là các cháu học sinh. Mưa thì đường lầy lội, nắng thì bụi mù mịt, quần áo đến lớp luôn ám một màu bụi đường.
Một người dân cho biết, khi biết dự án được đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp tuyến đường, người dân rất vui mừng phấn khởi, vì có đường lớn giao thông sẽ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, chờ mãi đường vẫn chưa xong, giờ thì chỉ biết chờ đợi và sống chung với con đường… “nát bét”.
Video đang HOT
“Đường chậm tiến độ khiến cuộc sống người dân hai bên đường chúng tôi bị đảo lộn, lúc nào trong nhà cũng bụi như ngoài sân. Việc sinh hoạt đã khó chứ nói gì đến việc phát triển kinh tế. Khổ nhất là các cháu học sinh, ngày nào cũng phải đi trên “con đường đau khổ” này” – người dân nói.
Được biết, sau trận lũ lịch sử vào tháng 10/2017, UBND tỉnh Ninh Bình đã cấp thêm vốn để xây dựng đường, hệ thống kè ngăn lũ tại dốc Quèn Thạch. Hiện nay, đơn vị thi công vẫn đang phá đá, mở đường. Mặt đường một số đoạn đã được đổ bê tông, kè ngăn lũ cũng đang được xây nhưng vẫn đang còn rất ngổn ngang.
Ổ voi, ổ gà xuất hiện khắp nơi trên tuyến đường khiến cuộc sống người dân địa phương bị đảo lộn.
Một lãnh đạo huyện Nho Quan cho biết, tổng số vốn theo quyết định là như vậy nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 80 tỷ đồng. Vì thế mà dự án bị thiếu vốn, thi công chậm nhiều năm qua. Huyện cũng rất mong dự án được bố trí nguồn vốn sớm để triển khai xây dựng lại vì đây là công trình cấp bách, trọng điểm không chỉ của địa phương mà của cả tỉnh và quốc gia vì ảnh hưởng lớn đến công tác ứng cứu phòng hộ vườn quốc gia Cúc Phương.
Nhiều hộ dân đang sống, có đất hai bên đường bị giải tỏa lo lắng, việc kiểm đếm đã được thực hiện nhiều năm qua nhưng đến nay công tác đền bù vẫn chưa được thực hiện. Người dân sống trong thấp thỏm lo âu, ruộng vườn để không, đời sống và sản xuất bị ảnh hưởng rất nhiều.
Mỗi ngày các em học sinh phải đi học trên “con đường đau khổ” này, chưa biết bao giờ mới hết ngao ngán.
Dốc quèn mới được cấp thêm vốn để phá đá mở đường, xây kè ngăn lũ vẫn đang được thi công.
Nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi đi trên con đường được quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng rồi thi công dang dở.
Thái Bá
Theo Danrti
Công trình "khủng" xâm hại Tràng An: Kiểm điểm 67 cá nhân và tập thể
Để công trình "khủng" xây dựng trái phép, xâm hại nghiêm trọng di sản Tràng An, 51 cá nhân và 11 tập thể tại Ninh Bình phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Nhiều cá nhân, tập thể chỉ nhận "rút kinh nghiệm" đã bị UBND tỉnh yêu cầu kiểm điểm lại.
Liên quan đến vụ việc "Công trình "khủng" xâm hại di sản Tràng An" tại núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), mới đây theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Ninh Bình đã có kết quả kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân theo Kết luận Thanh tra số 27/KL-UBND ngày 7/6/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, có 14 tập thể phải kiểm điểm vì có liên quan đến vụ việc. Trong đó, "Khiển trách" 3 tập thể gồm: Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An và Phòng Quản lý du lịch thuộc Sở Du lịch Ninh Bình; UBND xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. 11 tập thể kiểm điểm "Rút kinh nghiệm".
Có 53 cá nhân phải kiểm điểm, trong đó 2 cá nhân gồm: ông Bùi Việt Thắng - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An và ông Nguyễn Đức Lợi - Chủ tịch UBND xã Trường Yên (Hoa Lư) nhận hình thức kiểm điểm "Khiển trách"; Kiểm điểm "Rút kinh nghiệm" 51 cá nhân.
67 cá nhân và tập thể tại Ninh Bình phải nhận trách nhiệm vì để công trình "khủng" xâm hại di sản Tràng An.
Trước việc các cá nhân và tập thể nhận hình thức kiểm điểm, trách nhiệm có liên quan đến sai phạm nghiêm trọng... quá nhẹ, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản "hỏa tốc" yêu cầu các tập thể, cá nhân phải nhận lại hình thức điểm điểm, đúng với trách nhiệm.
Công văn hỏa tốc nêu rõ, một số đơn vị chưa kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm của Công ty CP Du lịch Tràng An gồm:
UBND huyện Hoa Lư thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn, chưa làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo UBND huyện, các đơn vị liên quan; Trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách và các cá nhân có liên quan.
UBND xã Trường Yên thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn, chưa làm rõ trách nhiệm tập thể của UBND xã, cá nhân Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách; trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.
Sở Du lịch cơ quan quản lý chuyên ngành, thực hiện chức năng quản lý Di sản Quần thể danh thắng Tràng An đã kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Tuy nhiên, chưa làm rõ trách nhiệm của cá nhân Phó Giám đốc phụ trách, tập thể, cá nhân có liên quan.
Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (Sở Du lịch Ninh Bình) chưa làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan.
Vùng lõi di sản Tràng An khó trở về nguyên trạng khi nhiều khối bê tông cốt thép vẫn còn "án ngữ" cheo leo trên lưng chừng núi Cái Hạ.
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu: Tập thể và cá nhân nêu trên nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm, mức độ vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật. UBND huyện Hoa Lư khi tổ chức kiểm điểm phải mời lãnh đạo tỉnh và Thanh tra tỉnh đến dự.
Thanh tra tỉnh Ninh Bình trên cơ sở kết quả kiểm điểm của các tập thể, cá nhân nêu trên, xem xét, xác định cụ thể trách nhiệm và mức độ vi phạm, đề xuất hình thức kỷ luật đối với từng tập thể, cá nhân có liên quan theo quy định hiện hành báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/8/2018.
Trước đó, như Dân trí đưa tin, theo Kết luận Thanh tra của UBND tỉnh Ninh Bình về những sai phạm của Công ty CP Du lịch Tràng An, hàng loạt Giám đốc Sở tại Ninh Bình cũng như nhiều tập thể và cá nhân "dính tràm" vì có liên quan đến vụ việc. Theo báo cáo thì các cá nhân Giám đốc Sở cũng như tập thể các Sở này đa số chỉ nhận hình thức kiểm điểm "Rút kinh nghiệm".
Việc xử lý kỷ luật các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại núi Cái Hạ, xâm hại, phá vỡ cảnh quan vùng lõi di sản nhân loại Tràng An kiểu "Rút kinh nghiệp toàn tập" khiến dư luận bất bình, cho rằng đó là mức xử lý quá nhẹ, không thể chấp nhận được!
Chưa tháo dỡ xong công trình sai phạm, mới đây Công ty CP Du lịch Tràng An đã có tờ trình xin hoạt động lại điểm du lịch trái phép "Tràng An cổ" với tên gọi mới "Du lịch làng Tràng An cổ".
Thái Bá
Theo Danviet
Ninh Bình: Có một "thành phố mù sương" nhưng không hề mơ mộng Đó là cách gọi ví von của nhiều người khi đến làng đá Ninh Vân (Hoa Lư - Ninh Bình) bởi nơi này luôn "được" bao phủ bởi lớp bụi mờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Cách thành phố Ninh Bình chừng 5 km về phía Nam, làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân trên 400 năm tuổi...