7 năm qua ở ven sông Gianh, ngày tất niên là ngày giỗ tập thể của làng
Ngày 30 Tết cách đây 7 năm về trước, dòng sông Gianh hung dữ đã lạnh lùng nhấn chìm con đò, cướp đi sinh mạng 42 con người ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch (nay là T.X Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình khi họ trên đường đi sắm Tết. 7 năm trôi qua, ngày cuối cùng của năm đã trở thành ngày giỗ tập thể của làng…
Thời gian trôi qua, bến đò đau thương ngày nào bây giờ đã được thay thế bằng cây cầu bê tông kiên cố nối hai bờ sông Gianh, cuộc sống người dân nơi đây nhờ thế cũng đã bớt đi nỗi đau, mở ra nhiều đổi thay. Nhưng có lẽ với người dân xã Quảng Hải, ngày cuối năm đau thương đó mãi mãi chẳng thể nguôi ngoai đối với người dân nơi đây.
Cầu Quảng Hải nối đôi bờ Sông Gianh đã giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, không phải lụy những chuyến đò.
Video đang HOT
Người dân Quảng Hải vẫn còn nhớ như in cái thời khắc sáng 30 Tết năm 2009. Trời vừa sáng, người dân sống hai bên bờ sông Gianh của xã Quảng Thanh và Quảng Hải bàng hoàng bị đánh thức bởi những tiếng kêu cứu, tiếng la hét thất thanh vọng lên từ mặt sông.
Khi những bước chân trần chạy nhanh ra bến sông thì phía xa, nơi dòng sông lạnh ngắt, con đò chìm dần cùng những cánh tay yếu ớt đang cố gắng vẫy vùng trong tuyệt vọng. Trên bờ, người dân cuống cuồng tìm cách cứu vớt. Nhưng mọi nỗ lực cũng chỉ cứu được hơn 40 người còn 42 người đã chìm sâu xuống dòng nước lạnh buốt và chảy siết…
7 năm qua, những ngày cuối năm này, cùng với việc chuẩn bị Tết, chuẩn bị bữa cơm tất niên, người dân Quảng Hải lại cùng tổ chức cúng giỗ cho 42 linh hồn xấu số nằm lại dưới sông sâu. Có một điều khác biệt, nếu như trước đây vào những ngày áp Tết, người dân Quảng Hải (vốn là một xã đảo nằm giữa sông Gianh) phải vượt sông Gianh trên những chiếc đò lúc nào cùng đầy ắp người rất nguy hiểm thì những năm gần đây, một cây cầu đã được khánh thành đưa vào sử dụng đáp ứng mong mỏi của hàng nghìn người dân.
Cũng kể từ ngày ấy, cuộc sống người dân nơi đây đã trở nên sung túc hơn, những mái nhà “mồ côi”, “gà trống nuôi con” ở Quảng Hải giờ đây cũng dần đổi thay bởi những màu ngói đỏ ngày một nhiều…
Chiều những ngày cuối năm trên cầu Quảng Hải, tôi gặp anh Phạm Xuân Quý ở làng Vân Lôi khi anh đang chở đứa con gái 3 đứa con gái trên chiếc xe máy mới đi săm Tết. Anh Quý kể, từ ngày vợ mất trong chuyến đò cuối năm định mệnh đó, anh Quý đã không lấy thêm vợ nữa mà một mình gà trống nuôi 3 đứa con khôn lớn.
“Hôm nay cha con tui tranh thủ về Ba Đồn sắm Tết, cũng là mua đồ để làm bữa cơm tất niên tưởng nhớ ông bà tổ tiên và mẹ chúng nó. Mới đó mà đã 7 năm trôi qua rồi, nhưng chúng tôi và những người dân Quảng Hải thì mãi mãi không thể nguôi ngoai bởi cái ngày cuối năm quá đau thương đó…”, anh Quý nói.
Người dân Quảng Hải phát triển nuôi trồng thủy sản, đem lại nguồn thu nhập khá.
Trao đổi với PV, ông Đoàn Xuân Thiện – Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hải cho biết: “Từ lúc có cầu Quảng Hải, cuộc sống của người dân 9 xã vùng Nam T.X Ba Đồn nói chung và người dân Quảng Hải nói riêng thay đổi từng ngày. Không còn cảnh đò ngang cách trở, giao thông đi lại thuận lợi an toàn nên đời sống xã hội, dân sinh phát triển mạnh. Cuối năm 2016, Quảng Hải cũng đã cán đích mục tiêu xây dựng Nông thôn mới”.
“Có một điều đáng mừng, tất cả những hộ dân có người dân mất trong vụ chìm đó, hiện không còn ai nằm trong diện hộ nghèo nữa…”- ông Thiện nói.
“Những thay đổi của xã Quảng Hải hôm nay đều nhờ vào cây cầu Quảng Hải. Công trình mà trước đây có nằm mơ cũng không ai nghĩ đến này đã xóa đi tất cả những bến đò ngang đầy bất trắc ngàn đời ám ảnh người dân. Nhờ đó mà đường sá, nhà cửa được xây dựng nhiều. Hàng hóa, nông sản được người dân vận tải bằng ô tô, mất hơn 10 phút là đến chợ huyện. Trâu bò cũng được thương lái về hỏi mua tận nơi với giá cao…” – ông Đoàn Xuân Thiện nói.
Theo Danviet