7 năm nội chiến và một Syria “hoang tàn đổ nát”
Cuộc nội chiến ở Syria sắp bước sang năm thứ 8 nhưng vẫn chưa có hồi kết khi các cuộc giao tranh vẫn không ngừng diễn ra ở quốc gia Trung Đông này.
Cuộc nội chiến ở Syria sắp bước sang năm thứ 8 nhưng vẫn chưa có hồi kết khi các cuộc giao tranh vẫn không ngừng diễn ra ở quốc gia Trung Đông này. Ảnh: New York Times
Ngày 15/3/2018 sẽ đánh dấu tròn 7 năm nổ ra cuộc nội chiến ở Syria, cuộc xung đột chưa có hồi kết này đã lấy đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, khiến hàng triệu người mất nhà ở, tàn phá quốc gia Trung Đông này trên nhiều phương diện. Ngay cả khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) gần như đã bị đánh bại, các cuộc giao tranh vẫn còn diễn ra ở một số khu vực.
Theo hãng tin Reuters của Anh, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ngày 12/3 công bố báo cáo cho biết cuộc xung đột bùng phát tại Syria từ ngày 15/3/2011 đến nay đã cướp đi sinh mạng của 511.000 người.
Báo cáo của SOHR có trụ sở ở London (Anh) được tập hợp dựa trên một mạng lưới thống kê cho biết trong khoảng 511.000 người thiệt mạng, có hơn 350.000 người đã được xác định danh tính, trong đó có hơn 106.000 dân thường. Cũng theo báo cáo số trẻ em thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài tại Syria là hơn 19.800 trẻ em.
Báo cáo công bố ngày 10/7/2017 của Ngân hàng Thế giới (WB) cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria đã tàn phá hệ thống cơ sở hạ tầng tại nước này và gây thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 226 tỷ USD.
Báo cáo nêu rõ xung đột tại Syria đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế ước tính lên đến 226 tỷ USD, gấp 4 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong năm 2010 – thời điểm chưa xảy ra cuộc nội chiến. Ngoài ra, cuộc xung đột cũng đã phá hủy và làm hư hại khoảng 27% các tòa nhà và khoảng một nửa công trình giáo dục và y tế. Thống kê dựa vào những hình ảnh vệ tinh tại một số thành phố và khu vực đang diễn ra giao tranh ác liệt tại Syria.
Một Syria “hoang tàn đổ nát”
Phát biểu với Sputnik, bà Jana Nakhal, thành viên Đảng Cộng sản Lebanon, đồng thời là trợ giảng tại Đại học Mỹ ở Beirut, người vừa kết thúc chuyến đi tới một số vùng chiến ở Syria cho biết, phải tới tận nơi mới thấy Syria đã bị tàn phá như thế nào sau 7 năm nội chiến.
“Chúng tôi đã đi dọc từ Bắc xuống Nam, qua miền Tây Syria. Tôi đã sống trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm của Lebanon và những gì diễn ra ở Syria rất giống những gì chúng tôi đã trải qua: sự tàn phá và sự hoang tàn. Những dặm đường mà chúng tôi đi qua là những dặm đường hoang vắng do người dân vẫn chưa trở lại vì chiến tranh vẫn còn tiếp diễn”, bà Nakhal cho biết.
Bà Nakhal nói rằng, không chỉ có những vùng đất bị phá hủy, mà còn cả những mối quan hệ xã hội, các mối quan hệ giữa con người với con người. Một trong những điều quan trọng nhất là quan hệ của người Kurd với Arab, có một sự thiếu niềm tin lớn giữa các cộng đồng người khác nhau.
“Lái xe xuyên qua Syria, bạn sẽ còn thấy thiếu cả niềm hy vọng. Mọi người không thể nói về ngày mai ở Syria, vì ngay cả khi khu vực mà họ đang sống không còn các cuộc giao tranh, thì nó vẫn có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Nếu không phải là hòa bình thực sự ở Syria, thì sẽ không có bất cứ giải pháp nào, dù là giải pháp chính trị, xã hội hay kinh tế cho mảnh đất này”, bà Nakhal nói.
Cuộc chiến không có người chiến thắng
Video đang HOT
Ông Massoud Shadjareh, người sáng lập Ủy ban Nhân quyền Hồi giáo – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở London, Anh, cho rằng, cuộc nội chiến ở Syria thực tế là do phương Tây làm dấy lên để đạt được mục đích của họ.
“Tôi nghĩ cuộc nội chiến này là công cụ để phá hủy và xóa bỏ toàn bộ đất nước Syria. Không chỉ là các tòa nhà, không chỉ cuộc sống con người, kết cấu xã hội, các mối quan hệ giữa con người hay các thành phần khác nhau của cộng đồng, mà nó là sự hủy hoại tổng thể”, ông Shadjareh nói.
Ông nhận định: “Bắt đầu là Iraq. Các nước phương Tây phá hủy kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq, và sau đó họ hủy hoại toàn bộ đất nước này. Cho tới nay, vẫn có hàng nghìn người vô tội phải thiệt mạng. Sau đó kịch bản tương tự này lại được sử dụng ở Libya”.
Phương Tây luôn lấy cớ để can thiệp vào các nước Trung Đông, Bắc Phi. Họ muốn “thủ tiêu” một số thành phần nhất định ở Trung Đông và những nước kiên quyết không muốn cùng phe với phương Tây. Họ muốn tàn phá tới chừng nào “không còn gì”. Tất nhiên, “chiêu bài” này cũng được sử dụng ở Syria. Nhưng tình hình ở Syria không giống như Iraq và Libya, cho tới nay, Syria vẫn còn một chính phủ độc lập.
Cuộc nội chiến ở Syria trở thành cuộc chiến ủy nhiệm với nhiều bên từ nước ngoài. Không ai trả lời được cuộc nội chiến sẽ kéo dài bao lâu, nhưng nó càng kéo dài, thì sẽ không có ai là người thắng cuộc và bên phải chịu tổn thất nặng nề nhất chính là người dân Syria, đặc biệt là các thế hệ tương lai của quốc gia Trung Đông này.
Theo Thùy Linh
VOV
Ám ảnh nỗi đau chiến tranh tại "địa ngục trần gian" ở Syria
Những cuộc tấn công của lực lượng chính phủ Syria tại khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Đông Ghouta đã cướp đi sinh mạng của hơn 500 dân thường trong một tuần. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc mô tả nơi này là "địa ngục trần gian".
Gần một tuần sau khi các lực lượng chính phủ tiến hành một trong những đợt tấn công khốc liệt nhất trong cuộc nội chiến tại Syria tại các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Đông Ghouta, hơn 520 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương. (Ảnh: AFP)
Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria, ít nhất 121 trẻ em đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Đông Ghouta - vùng ngoại ô thủ đô Damascus. Nhiều em nhỏ đã may mắn được đưa tới bệnh viện để cấp cứu kịp thời. (Ảnh: AFP)
Những quả bom được ném liên tiếp vào các cơ sở y tế, khiến các bác sĩ làm việc bên trong các cơ sở còn sót lại phải "vật lộn" với thời gian để có thể điều trị cho rất đông những bệnh nhân bị thương. (Ảnh: AFP)
Lực lượng cứu hộ Mũ bảo hiểm trắng ước tính ít nhất 350 thi thể đã được tìm thấy trong 4 ngày đầu tiên của đợt tấn công. Việc sử dụng các loại bom, đạn pháo và tên lửa khiến việc tìm kiếm và thống kê thi thể nạn nhân gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: AFP)
"Có lẽ sẽ còn nhiều người chết nữa. Chúng tôi không thể đếm hết các thi thể vì máy bay chiến đấu vẫn đang oanh tạc trên bầu trời", Siraj Mahmoud, phát ngôn viên của lực lượng Mũ bảo hiểm trắng, nói với Reuters. (Ảnh: AP)
Nhiều người may mắn thoát chết hoặc chỉ bị thương vẫn đang ẩn nấp bên dưới các boong-ke ngầm, song phải đối mặt với tình trạng không có điện nước sinh hoạt và thực phẩm cạn kiệt. (Ảnh: AP)
"Tình hình thực sự thảm họa, lũ trẻ không có gì để ăn trong 2 ngày. Các hội đồng địa phương thậm chí không thể mang đồ ăn tới cho chúng. Người lớn còn có thể chịu được nhưng lũ trẻ thì không. Chúng tôi vẫn còn rất nhiều đứa trẻ dưới 6 tháng tuổi không có sữa bột trong khi các bà mẹ không thể cung cấp sữa cho con họ. Chúng tôi cũng có nhiều đứa trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi không có gì để ăn", một nhà hoạt động cho biết. (Ảnh: Alamy)
Chỉ tính riêng trong ngày 24/2, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria ước tính có ít nhất 29 dân thường thiệt mạng ở Đông Ghouta, trong đó có 17 người ở Douma. Các lực lượng liên tục trút bom xuống khu vực với 393.000 người dân đang bị mắc kẹt. (Ảnh: EPA)
Các bác sĩ làm việc gần như cả ngày lẫn đêm để điều trị cho các bệnh nhân. Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho biết ít nhất 13 cơ sở y tế của tổ chức này đã bị tàn phá trong các cuộc tấn công từ ngày 18/2, gây ra không ít khó khăn cho công tác cứu hộ. Nhiều người đã thiệt mạng vì không được cứu chữa kịp thời. (Ảnh: EPA)
"Mỗi phút lại có 10 đến 20 vụ không kích. Tôi điều trị cho một người nhưng chỉ 1-2 ngày sau họ trở lại với một vết thương khác. Liên Hợp Quốc đang ở đâu?", Bác sĩ Bassam làm việc tại Đông Ghouta nói. (Ảnh: EPA)
"Tôi đang chờ cái chết đến với con tôi. Ít nhất sau khi chết cháu sẽ không còn đau đớn nữa. Cháu sẽ được lên thiên đường. Ít nhất ở thiên đường cháu vẫn có cái để ăn!", một bà mẹ Syria đau đớn nói bên cạnh đứa con trai được điều trị trong bệnh viện. (Ảnh: EPA)
Trong khi các lực lượng cứu trợ nhân đạo gặp khó khăn trong việc tiếp cận khu vực giao tranh ở Đông Ghouta, nguồn thuốc men điều trị cho những người bị thương ngày càng cạn kiệt và lương thực trở thành mặt hàng đắt đỏ với đa số người dân. (Ảnh: Getty)
Chính phủ Syria tuyên bố không nhắm mục tiêu tới dân thường, mà chỉ đang tìm cách giải phóng Đông Ghouta khỏi những "kẻ khủng bố" - cụm từ được sử dụng để mô tả những phiến quân thánh chiến và các nhóm nổi dậy chiếm giữ Đông Ghouta. (Ảnh: Getty)
Các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng cảnh báo về tình cảnh sống trong "mưa bom bão đạn" của dân thường Syria. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mô tả các cuộc tấn công của lực lượng chính phủ Syria vào Đông Ghouta đã biến nơi này thành "địa ngục trần gian" và kêu gọi lập tức chấm dứt chiến sự. (Ảnh: Reuters)
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc mô tả tình hình tại Đông Ghouta là "thảm họa nhân đạo" và cộng đồng quốc tế "không thể để mọi thứ xảy ra theo cách khủng khiếp vậy". (Ảnh: Reuters)
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 24/2 đã nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn kéo dài 30 ngày trên toàn lãnh thổ Syria để mở đường cho viện trợ nhân đạo và sơ tán y tế. Lệnh ngừng bắn không áp dụng đối với các hoạt động chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tổ chức Al-Qaeda, Mặt trận al-Nusra và các nhóm khủng bố khác. (Ảnh: Reuters)
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Kịch bản nào sẽ xảy ra ở Syria sau khi Nga chính thức rút quân? Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rút quân khỏi Syria, kết thúc chiến dịch chống khủng bố kéo dài 2 năm trong thành công rực rỡ, truyền thông Nga đã đưa ra các dự báo về tình hình Syria trong thời gian tới cũng như tiến trình hòa bình ở quốc gia Trung Đông. Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng...