7 khu lăng tẩm ở Huế ai cũng muốn ghé thăm
Triều Nguyễn có 13 vua, nhưng vì nhiều lý do nên chỉ có 7 khu lăng tẩm được xây dựng. Tất cả đều còn lại đến ngày nay với các lối kiến trúc riêng.
Các lăng tẩm Huế được xây dựng từ khi vua còn tại vị nên đây không phải là chốn mộ địa u buồn mà có phong cảnh hữu tình với những chạm khắc tinh xảo, hài hòa với thiên nhiên.
Bề thế lăng Gia Long
Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn yên nghỉ trong một không gian tĩnh lặng và đầy chất thơ. Ảnh: Huexuavanay.
Lăng Gia Long (hay Thiên Thọ Lăng) được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820, nằm giữa quần thể núi Thiên Thọ thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là nơi yên nghỉ của vua Gia Long (1762 – 1820), vị vua đầu tiên trong số 13 đời vua nhà Nguyễn.
Lăng Gia Long có chu vi hơn 11 nghìn mét, trước mặt có núi Đại Thiên Thọ làm tiền án, mỗi bên có 14 ngọn núi chầu vào tạo thành thế “tả thanh long” và “hữu bạch hổ”. Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiện Cao Hoàng hậu.
Lăng nằm xuôi theo dòng sông Hương, quanh năm trong không khí mát lành. Lăng Gia Long là một bức tranh tuyệt tác về sự phối trí giữa thiên nhiên kiến trúc.
Thâm nghiêm lăng Minh Mạng
Sự uy nghiêm kiến trúc và khung cảnh gợi tình của thiên nhiên thể hiện tâm hồn lãng mạn của các nhà vua. Ảnh: Huexuavanay.
Cách trung tâm thành phố Huế 12 km, nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng, lăng Minh Mạng (hay Hiếu Lăng) là nơi yên nghỉ của vị vua thứ hai nhà Nguyễn.
Được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 thì hoàn thành, lăng rộng 26 ha, là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm 40 công trình lớn nhỏ nằm trên một khu đồi núi, sông, hồ thoáng mát. Trước lăng có 3 cửa, chính giữa là Đại Hồng Môn (chỉ mở một lần duy nhất khi rước di thể của vua Minh Mạng nhập lăng), hai bên là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Bên trong Đại Hồng Môn có sân chầu, hai bên có hai dãy tượng đá tạc hình bá quan văn võ và voi, ngựa đứng chầu.
Thanh thoát lăng Thiệu Trị
Lăng Thiệu Trị đơn giản với cánh đồng và những vườn cây trái làm hàng rào bao quanh. Ảnh: TTVN.
Lăng Thiệu Trị nằm dựa lưng vào núi Thuận Đạo, thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách thành phố Huế chừng 8 km. Đây là lăng có thời gian xây dựng ngắn nhất (hoàn tất trong 10 tháng).
Lăng không có La thành (tường bảo vệ quanh lăng) bao bọc. Sau khi vua Thiệu Trị qua đời, người con trai kế vị là Tự Đức đã chọn đất xây. Kiến trúc của lăng Thiệu Trị (hay Xương lăng) là sự kết hợp và chọn lọc từ mô thức kiến trúc của lăng Gia Long và lăng Minh Mạng trong khung cảnh thanh bình của đồng quê với những cánh đồng, ruộng lúa và vườn cây ăn trái quây quanh.
Thơ mộng lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Ảnh: Huexuavanay.
Video đang HOT
Toạ lạc trong một thung lũng hẹp thuộc thôn Thượng Ba, xã Thuỷ Xuân, thành phố Huế, lăng Tự Đức (hay Khiêm Lăng) được xây dựng từ năm 1864 đến năm 1867 trên diện tích 475 ha. Gần 50 công trình trong lăng ở hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Lăng mang yếu tố khoáng đạt, đường nét mềm mại phản ánh tâm hồn lãng mãn của vị vua thi sĩ này.
Ngoài mục đích là nơi chôn cất khi qua đời, đây còn là nơi vua đến nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ… nên cảnh quan của lăng tựa như một công viên rộng lớn với hồ nước thơ mộng, hàng thông xanh ngát. Đặc biệt phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn bảo lưu.
Đơn giản lăng Dục Đức
Ngoài là nơi an nghỉ của 3 vị vua, lăng còn có hơn 39 tẩm mộ ông hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc ệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc (hệ phái của vua Dục ức). Ảnh: Huexuavanay.
Lăng Dục Đức (hay An Lăng) tọa lạc ở phường An Cựu, thành phố Huế. Lăng xây dựng vào năm 1889 và là nơi an tang các vua Dục Đức, vua Thành Thái và vua Duy Tân.
So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn. Khu lăng mộ có hình chữ nhật, diện tích 3.445 m2, bên trong không có Bi Đình và tượng đá như các lăng vua khác. Lăng lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm và dòng khe chảy vòng qua trước mặt làm minh đường tụ thủy.
Hài hòa lăng Đồng Khánh
Mặt chính lăng Đồng Khánh. Ảnh: Huexuavanay.
Lăng ồng Khánh (hay Tư lăng) là nơi an táng vua Đồng Khánh thuộc thôn Thượng Hai, xã Thuỷ Xuân, thành phố Huế, nằm giữa khu lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức. Lăng được xây dựng qua 4 đời vua, kéo dài từ năm 1888 đến năm 1923, mang lối kiến trúc phong kiến truyền thống và chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Âu.
Điện Ngưng Hy được coi là nơi bảo lưu bật nhất nghệ thuật sơn mài nổi tiếng của Viêt Nam hài hòa cùng hệ thống cửa kính nhiều màu. Kiến trúc lăng mộ hầu như Âu hoá hoàn toàn, từ đặc trưng kiến trúc, mô típ trang trí đến vật kiệu xây dựng nhưng vẫn hoà hợp với phong cảnh thôn dã trong vùng.
Tinh xảo lăng Khải Định
Lăng Khải Định là công trình có giá trị về mặt kiến trúc và nghệ thuật với sự kết hợp kiến trúc giữa Đông và Tây. Ảnh: Panoramio.
Là nơi yên nghỉ của vua Khải Định, vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn, lăng Khải Định (hay Ứng lăng) tọa lạc trên núi Châu Chữ, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách thành phố Huế khoảng 10km về phía tây nam. Đây là công trình duy nhất có lối kiến trúc pha trộn giữa Đông và Tây.
Tuy có kích thước khiêm tốn nhưng tỉ mỉ, kỳ công nên tốn nhiều thời gian cũng như kinh phí hơn các lăng khác. Lăng được xây trong 10 năm, từ 1920 đến 1930.
Đặc biệt, lăng Khải Định nổi tiếng với 3 bức bích họa “cửu long ẩn vân” được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định, được coi là hoành tráng và có giá trị nhất tại Việt Nam.
Theo ngôi sao
Du lịch Huế: đến với đất mẹ Thần Kinh
Điều du khách thắc mắc đầu tiên khi đến với xứ Huế có lẽ không phải là những câu hỏi thực tế như đến Huế ăn gì, ở đâu hay đi đâu chơi.
Có lẽ họ muốn biết là vì sao Huế lại được gọi là đất Thần Kinh, vì sao nhắc đến Huế là nhắc đến xứ mộng mơ, xứ của những khoảng trầm mặc, của sự nhẹ nhàng pha chút gì đó ướt át nhưng rất đỗi thân thương...
Một góc cảnh đẹp ở xứ Thần Kinh.
Trời dần cuối thu, Huế đón khách bằng những cơn mưa bất chợt qua nhanh rồi để lại một khoảng trời xanh vắt. Hít một hơi thật sâu mới cảm nhận hết vẻ thanh mát của khí trời. Với tay gọi một chiếc xích lô, dành ít phút ngã giá rồi lan man đi, lan man nhìn, lan man thấm...
- Thưa anh! Vì sao đất Huế gọi là đất mẹ Thần Kinh?
- Vì Huế là đất Kinh Thành và nhiều điều Thần Bí ghép lại mà thành xứ Thần Kinh.
- Huế có gì gọi là thần bí?
- Từ từ anh sẽ biết.
- Vì sao gọi là Huế mộng mơ? Tôi có thấy nó mơ mộng lắm đâu?
- Từ từ anh sẽ biết. Tui chở anh qua mấy địa dạnh ni, đảm bảo anh sẽ thấy mơ mộng, ở luôn không muốn về...
Đi đâu?
Xích lô chở dọc Đại Nội, ngắm vẻ uy nghi pha chút trầm mặc được giới thiệu là dinh thự của vua chúa thời xưa. Trong cái quang cảnh rộng bao la với bao điều cần khám phá khi nhìn từ ngoài vào, lòng thấp thỏm sợ ngày mai sẽ không còn... nơi để thăm phá nên tự dặn lòng đành để dành cho hôm sau.
Chạy thêm chừng 5 cây số nữa để đến với chùa Thiên Mụ - ngôi chùa tọa lạc bên dòng Hương thơ mộng. Ghé chùa Thiên Mụ để nghe sự tích lời nguyền lứa đôi, để hiểu được nỗi sợ 'me mé' trong lòng những đôi yêu nhau lại không dám đến. Nhưng đâu đó trong cái lo âu ấy, trong khung cảnh thanh tịnh của ngôi chùa vẫn có những đôi bạn nắm tay nhau cầu xin trời phật ban phước lành và nỗi mừng vui khi lời nguyền được xóa bỏ...
Thắng cảnh không thể bỏ qua khi du lịch Huế - Chùa Thiên Mụ.
Tiếp tục chạy dọc sông Hương, đến làng Hải Cát, trên một ngọn núi thấp cây cối xanh rì soi bóng xuống mặt nước phẳng lặng thấp thoáng màu ngói nâu rêu phong của những đền thờ cổ. Đó là chính là Hòn Chén - một thắng cảnh nổi tiếng du khách không thể bỏ qua khi du lịch Huế. Leo lên những bậc tam cấp, lên trên đỉnh cao nhất để chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy ngập tràn sắc xanh với nhiều cấp độ.
Đến với Hòn Chén tháng 3, tháng 7 âm lịch mới cảm nhận được không khí lễ hội từ lễ hội dân gian thờ và rước Thánh Y Ana. Lễ hội được mệnh danh như một Festival trên dòng Hương...
Lên đỉnh cao mới thấy vẻ uy nghi của Hòn Chén. Ảnh: Wiki
Kết thúc hành trình trên một cung đường với lăng Tự Đức. Công trình được biết đến với danh hiệu kiến trúc đẹp nhất thời Nguyễn quả không ngoa chút nào. Tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế.
Trong khung cảnh thơ mộng và quyến rũ của sắc nước hương hoa, khách hành hương ngỡ mình như đang lạc vào tiên cảnh, khiến họ quên đi rằng đó là lăng tẩm của một người quá cố. Dặn lòng bớt mơ mộng chút để trở về thực tại, để dâng nén hương tâm linh cho vị vua quá cố tài hoa...
Vẻ thơ mộng của lăng Tự Đức khiến không ít du khách như bị "thôi miên'.
Ăn gì?
Đến Huế còn nhiều nơi để chơi, nhiều cảnh đẹp để ngắm, nhưng đi một buổi chiều rồi nên cũng cần chốn ăn uống, nghỉ ngơi. Trong cái thanh mát của chiều thu, người phu xe quệt mồ hôi vật vả vì nửa ngày lội đường xa xôi, người khách bụng cũng cồn cào đói:
- Thưa anh. Chúng ta dừng ở đâu ăn cơm là ngon nhất?
- Rứa anh nghe câu: "Ăn cơm Âm Phủ ngủ khách sạn Thiên Đường chưa?"
Dứt câu, người lái xe nhiệt tình lăn bánh. Chiều Huế chốc đó đã tim tím, buồn buồn cái điệu buồn khó tả. Mơ hồ nghĩ, chợt lòng lắng đọng những cảm xúc khi ngắm những cô nữ sinh tan trường với tà áo trắng tinh khôi, thi thoảng nghe đôi câu "răng tê mô rứa" thiệt nhẹ nhàng, dễ mến. Chốc phút mơ hồ, xe đã đến nơi. "Huế coi bộ mà nhỏ hỉ" - Giỡn đôi câu giọng Huế cho người lái xe vui cười, bớt mệt.
Cơm âm phủ hóa ra là tên của một loại cơm ở quán Âm Phủ. Dĩa cơm coi vậy mà cầu kỳ đến lạ! Từ màu sắc đến cách trang trí thức ăn trên dĩa phảng phất nét gì đó rất tinh tế, sang trọng. Bên cạnh dĩa cơm đầy hương sắc là chén nước mắm đặc trưng của Huế. Đúng là dân Huế ăn cay, để khách phương Nam vừa ăn vừa hít hà... Có lẽ chén nước mắm cay ấy chỉ thích hợp cho con người nơi đây, bởi hằng ngày vẫn thấy nó hiện diện trên mâm cơm của những người bạn quê ở Huế...
Món cơm âm phủ khá cầu kỳ với nhiều nguyên liệu.
Ở đâu?
Kết thúc bữa cơm, người khách bông đùa: "Vậy giờ anh dẫn tôi đi ngủ khách sạn Thiên Đường sao?". Người lái xe im lặng, lái xe chừng 3 phút đến khu vực trung tâm thành phố, nơi những ánh điện đã lên đèn. Thành phố Huế bỗng dưng khác lạ, nhộn nhịp và sôi động đúng chất một thành phố. Trong phút ngỡ ngàng, người lái xe chỉ chỏ: "Đấy! Những tòa nhà cao chót vót quanh đây, những khách sạn giá bình dân có, sang trọng có, tùy anh chọn đấy. Còn nếu muốn ở khách sạn Thiên Đường, tôi sẵn sàng chở anh đi".
Chào tạm biệt người lái xích lô nhiệt tình vui tính, làm thủ tục chọn phòng nhanh gọn, nhấc máy gọi mấy đứa bạn ở Huế vừa đi làm về lai rai. Sau những giờ vui vẻ, dạo bờ cỏ dọc cầu Tràng Tiền, dừng chân ngắm vẻ thơ mộng của dòng Hương. Đang mải mê ngắm cảnh đẹp, bạn bè đứa nói một câu mà lòng đầy hứng khởi:
- Mi đi nơi mô rồi? Mai tau chở mi đi phá Tam Giang, đi biển Thuận An, biển Lăng Cô... Mi muốn đi mô cứ nói. Huế thiếu chi nơi để đi.
Phá Tam Giang mang tính "biểu tượng" về môi trường sinh thái của Thừa Thiên - Huế xưa và nay.
- Mi ăn chè hẻm ở Huế chưa? Bún bò Huế, cơm hến, bún hến, bánh canh cá lóc... mi muốn ăn thứ gì trước?
Hóa ra Huế còn lắm nơi để đi, lắm thứ để ăn và lắm điều để nói, để nhớ, để chờ... Hơn 2 ngày ở lại Huế, sao có thể cảm nhận được tất cả những nét đẹp của Cố đô. Đành hẹn Huế vào một dịp khác vậy!
Thành phố Huế.
Theo Zing