7 bộ phim bộc lộ dấu ấn kể chuyện rõ nhất của Bong Joon Ho.
Phim của Bong Joon Ho, khiến bạn bị cuốn bởi những khung hình đầy máu, ghê rợn rồi lại bật cười như địa chủ được mùa với những khung cảnh tếu táo, tình huống hết sức ngớ ngẩn nhưng đọng lại một vị đắng, một tiếng thở dài đầy chua xót trong từng tác phẩm.
“Tôi làm phim như một con người tự do; không bó buộc trong những mô típ cũ. Phim của tôi không chọn sự dễ dãi, tránh né thực tại cuộc sống nhưng cũng không đánh đố khán giả. Nói chung là ai cũng có thể xem và hiểu dù sự cảm thụ có thể khác nhau.”
Bong Joon Ho là người có khả năng xóa nhòa mọi ranh giới về thể loại trong tác phẩm của mình. Ông biến bi kịch thành hài kịch và luôn biết cách dung hoà giữa dòng phim thương mại và nghệ thuật. Nhiều người nói phim của đạo diễn Bong rất khó xem, chứa nhiều ẩn dụ nhưng thực sự những cốt truyện của ông cực kỳ dân dã, dễ hiểu. Đơn thuần, ông lồng những vấn đề vĩ mô vào trong cốt truyện gần gũi, tận dụng những tình huống gai góc nhưng không hề xem nhẹ tính khôi hài, rất đời thường đáp ứng được thị hiếu của cả khán giả đại chúng và giới phê bình phim.
Đạo diễn Bong Joon Ho – bậc thầy điện ảnh của xứ sở Kim Chi (Nguồn: The Hollywood Reporter)
Chỉ với vỏn vẹn 8 phim chính thức trong sự nghiệp 19 năm theo đuổi nghệ thuật của mình thế nhưng mỗi một bộ phim là một nấc thang để Bong Joon Ho hoàn thiện thêm phong cách kể chuyện độc đáo, đồng thời mang tới cho khán giả những cú sốc khiến ta phải bàng hoàng, ngỡ ngàng rồi chỉ biết thở dài. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi vị đạo diễn 49 tuổi đoạt giải Cành cọ Vàng Liên hoan phim Cannes lần thứ 72 là Bong Detail (Bong Chi tiết).
Từng khung hình trong các tác phẩm của ông luôn được tô điểm một cách nghệ thuật, tạo hiệu ứng thị giác tuyệt vời. Nếu đã xem ít nhất 3 phim của Bong Detail, bạn sẽ nhận ra những thứ nhỏ nhặt, gần gũi trong cuộc sống hàng ngày như chiếc xe đạp, cửa sổ, cái bánh hay điện thoại… đều được khắc hoạ rất tỉ mỉ, nhất quán như đang trực tiếp kể câu chuyện cho khán giả. Thế mới thấy, phim đâu phải cứ nhiều thoại là hay, thay vào đó, hãy để những sự vật xung quanh, những hành động nhỏ nhặt nhất sẽ tự dẫn dắt, lôi cuốn khán giả đến thế giới riêng của nhân vật.
Bong Joon Ho nhận giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2019 (Nguồn: France 24)
Nếu bạn không tin, chỉ cần thưởng thức 1 trong top 7 tác phẩm xuất sắc nhất của đạo diễn Bong mà Moveek liệt kê dưới đây sẽ thấy ngay liệu ban giám khảo của Cannes có trao nhầm giải không nhé. Nếu xem hết được hết cả list này, chắc bạn cũng phải tự hỏi mình: Bong Joon Ho rốt cuộc là một thiên tài hay là một kẻ bệnh hoạn siêu thông minh?
7. Barking Dog Never Bite (2000): 7/10 (IMDb), 78%(Rotten Tomatoes)
Bỏ qua những hạn chế về mặt kỹ thuật, góc quay chưa mang được tính điện ảnh, có thể khẳng định: phong cách dark comedy (hài bi kịch) của Bong Joon Ho được định hình rất rõ trong tác phẩm đầu tay này. Cốt truyện xoay quanh một giảng viên đại học phải chạy một số tiền lớn để lo lót cho vị trí giảng viên trong trường đại học. Áp lực với cuộc sống căng thẳng, vợ mang bầu và tiếng chó sủa trong khu chung cư, anh ta tìm cách thủ tiêu những con chó và bao nhiêu câu chuyện oái oăm, nghịch dị cứ thế xuất hiện. Nếu đây chỉ là câu chuyện giải cứu chú chó thì đã chẳng có gì để nói, cái mà ta thấy chính là sự đạo đức giả trong mỗi người.
1 tiếng 25 phút của bộ phim khiến ta phải khâm phục khía cạnh mỉa mai, châm biếm cực kỳ khôn khéo và tinh tế của Bong Joon Ho. Ông cho khán giả thấy sự mâu thuẫn ở một chung cư với những con người chân chất, bình thường sống ở tầng trên và thế giới hào nhoáng thượng lưu của những cư dân tầng dưới. Nó khoáy sâu những góc cạnh tối tăm của xã hội Hàn Quốc, đơn cử như chuyện muốn được tiến thân thì phải đút lót. Với thủ pháp kể chuyện vừa bi vừa hài, bộ phim nằm ở ranh giới giữa dòng phim nghệ thuật độc lập (arthouse) và phim chính thống, dễ tiếp cận (mainstream movies)
Lee Seung Jae và Bae Dona trong Barking Dog Never Bite (Nguồn: Kênh 14)
6. Okja (2017): 7,3/10 (IMDb), 87% (Rotten Tomatoes)
Okja chưa mang được những gì mà người ta kỳ vọng ở Bong Detail nhưng tác phẩm vẫn gây tiếng vang lớn trong giới phê bình nước ngoài. Đây là dự án quốc tế lớn nhất từ trước đến nay của Bong Joon Ho. Được ghi hình bằng hai ngôn ngữ và tại 3 quốc gia (Hàn Quốc, Mỹ, Canada), bộ phim được đầu tư đến $50 triệu từ ông hoàng phim trực tuyến Netflix. Không quá ngạc nhiên khi kỹ xảo trong từng khung hình của bộ phim đẹp đến ná thở bởi đích thân chủ nhân giải Oscar Erik-Jan De Boer đảm nhiệm vị trí này. Okja là tác phẩm đầu tiên của Bong Joon Ho được tham gia tranh giải LHP Cannes.
trailer phim Okja (Nguồn:netflix)
Phim kể về Mija (Ahn Seo Hyun) – một cô gái trẻ sống trong vùng rừng núi thuộc tỉnh Gangwon, Hàn Quốc, cùng với một con quái vật khổng lồ có tên Okja (loài vật tròn ủng nặng tới 6 tấn mang dáng dấp lai giữa lợn và hà mã). Sau khi Okja biến mất, cô gái dùng mọi cách để tìm lại người bạn thân nhất. Mang đậm chất phong cách đặc trưng của Bong Joon Ho, Okja pha trộn giữa hài, hành động thêm chút gia vị của cổ tích hiện đại nhằm phê phán đạo đức kinh doanh cũng như thói chuộng vật chất. Bỏ qua những câu thoại thiếu nhấn nhá, khán giả vẫn sẽ bị lay động bởi tình yêu trong sáng, thuần khiết và chân thành của Mija dành cho Okja.
Cô bé Ahn Seo Hyun trong vai Mija và chú lợn/hà mã Okja (Nguồn: Berfrois)
Giống như loài động vật lai tạo quá khổ, Okja không xinh đẹp, trọn vẹn nhưng vẫn là một tác phẩm nguyên gốc đầy ấn tượng về mặt kỹ xảo, hình ảnh. Quan trọng hơn cả, ta thấy được được một lời tuyên bố hùng hồn cũng như hoài bão, tham vọng lớn lao của Bong Joon Ho muốn chinh phục kinh đô điện ảnh Hollywood.
5. Snowpiercer (Chuyến Tàu Băng Giá – 2012): 7,1/10 (IMDb), 95% (Rotten Tomatoes)
Snowpiercer đánh dấu một bước chuyển biến lớn trong sự nghiệp của Bong Joon Ho khi lần tiên ông bước chân vào thế giới Hollywood, mang cuốn tiểu thuyết cùng tên của Le Transperceneige lên trên màn ảnh. Lấy bối cảnh năm 2031, bộ phim miêu tả một câu chuyện trong thời kì sau tận thế, khi băng tuyết bao phủ khắp trái đất do sự thất bại của một cuộc thử nghiệm. Những người may mắn sống sót cùng đồng hành trên chuyến tàu mang tên Snowpiercer đi tới khắp nơi trên trái đất. Tuy nhiên, trên con tàu này lại ẩn chứa vô số những mâu thuẫn và sự phân biệt giàu nghèo giữa chính những con người đang phải cùng nhau đương đầu với cái chết.
Xã hội cứ thế được phân cách theo từng toa, từ nghèo đói bần tiện cho đến xa hoa truỵ lạc. Chính sự tương phản rõ nét này biểu trưng cho sự cân bằng của xã hội, khi mà cái thiện, cái ác, sự sống và cái chết luôn tồn tại song hành không thể tách rời. Ở bộ phim này, Bong Joon Ho thoả sức vùng vẫy thế mạnh khi pha trộn khéo léo giữa bầu không khí lạnh lẽo, ngột ngạt với những chi tiết hài hước, gần gũi. Có một nhận xét rất thú vị về bộ phim trên Rotten Tomatoes như thế này:
“Vào thời điểm kết thúc, những cú twist bắt đầu lộ ra như những quân cờ domino sụp đổ. Cũng như chuyến tàu vậy, phim đến cảm giác ngột ngạt và nghẹt thở nhưng bạn lại không thể thoát ra khỏi nó”.
Ai mà yêu thích Captain America Chris Evan thì không thể bỏ qua phim này (Nguồn: Vanity Fair)
4. The Host (2006): 7/10 (IMDb), 93% (Rotten Tomatoes)
Với hơn 13 triệu lượt khán giả khán giả nội địa, thu về $17,2 triệu, chính thức nằm trong top phim điện ảnh ăn khách nhất Hàn Quốc, The Host đã đưa tên tuổi của Bong Joon Ho vượt ra biên giới, lọt vào tầm ngắm của các nhà phê bình phim quốc tế. Bộ phim xoay quanh một gia đình nghèo bên bờ sông Hàn bỗng nhiên bị xáo trộn bởi một sinh vật lạ trồi lên từ dưới mặt nước và bắt đi đứa con gái nhỏ của họ.
trailer The Host (Nguồn:Shudder)
The Host không đơn thuần là một bộ phim về sci-fi kể về quái vật. Hành trình đi tìm kiếm người thân của nhóm nhân vật chính làm lộ ra những ung nhọt của xã hội Hàn Quốc (lúc nào cũng vậy, ông ấy rất thích nói xấu, vạch ra những gì đen tối nhất về xã hội nước mình cho người khác xem). Không những vậy, bộ phim còn chạm đến một vấn đề khá nhạy cảm: tầm ảnh hưởng của Mỹ đến Hàn Quốc cũng như mối quan hệ chính trị phức tạp, gây nhiều tranh cãi giữa hai nước.
Ông vua phòng vé Song Kang Ho – át chủ bài của đạo diễn Bong (Nguồn: Cineaste Magazine)
Lấy cảm hứng từ hệ quả của một tai nạn chất độc tràn ra môi trường tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Seoul, bộ phim đã đẩy lên cao trào nỗi lo sợ về thảm hoạ môi trường, cũng như tôn vinh sự dũng cảm của những con người dám nói lên sự thật và đấu tranh cho cộng đồng của mình. Tuy nhiên, phim không thiếu những tình huống hài hước giúp khán giả thư giãn và thoải mái khi xem phim. Chính The Host đã đưa Bong Joon Ho đến với liên hoan phim Cannes lần đầu tiên, được công chiếu tại khu vực Directors’ Fortnight và thông điệp của nó đã được cả thế giới lắng nghe.
3. Parasite (Ký Sinh Trùng – 2019): 8,6/10 (IMDb), 98%(Rotten Tomatoes)
Thu về $15 tỉ chỉ sau 3 ngày khởi chiếu, cán mốc 9 triệu vé tại quê nhà & tiếp tục trở thành phim Hàn có doanh thu chiếu sớm cao nhất tại nhiều quốc gia – chính thức phá mọi kỷ lục của Train To Busan, lần đầu tiên mang vinh quang về cho Hàn Quốc với chiếc cúp Cành Cọ Vàng LHP Cannes lần thứ 72 nữa! Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đích thân gửi lời chúc mừng đến đoàn làm phim và gọi chiến thắng này là quà tặng cho tất cả người dân Hàn Quốc. Từng ấy đã đủ thuyết phục bạn xách mông ra rạp và xem ngay Ký Sinh Trùng?
Một lần nữa, Bong Joon Ho lại chơi đùa với cảm xúc của khán giả: vẫn là câu chuyện về thói chuộng vật chất và phân chia giai cấp nhưng lần này, bộ phim mang đến một cảm giác ngỡ ngàng và ám ảnh hơn rất nhiều khi đào sâu vào những định kiến giữa giàu và nghèo. Nó là tiếng than đầy ai oán, chua xót và đắng cay đến tận cùng của những người dưới đáy xã hội. Bong Joon Ho mô tả Ký Sinh Trùngnhư một bi hài kịch gia đình, phim hài hước nhưng không có người gây hài, một bi kịch nhưng không có kẻ thủ ác
Gia đình nhà Ki Taek đại diện những số phận dưới đáy xã hội (Nguồn: Pollygon)
Cốt truyện xoay quanh gia đình Ki Taek (Song Kang Ho) sống một căn hộ chật hẹp tù túng đang tìm mọi cách ăn bám một gia đình giàu có, sống trong biệt thự nguy nga tráng lệ sau khi cậu con trai Ki Woo (Choi Woo Sik) nhận làm gia sư cho cô con gái nhà đó. Những tình tiết phim đan xen hài hoá cuốn hút khán giả cộng thêm lối kể chuyện độc đáo với các nút thắt được đóng ra mở vào nhịp nhàng và khéo léo.
Thực sự khái niệm ký sinh trùng và vật chủ trong phim được hoán đổi cho nhau, mang hàm nghĩa rất rộng: Ký sinh trùng không thể sống thiếu vật chủ (lấy đâu ra tiền để ăn, để sống?) nhưng vật chủ cũng không thể sống thiếu ký sinh trùng (lấy ai dọn dẹp nhà cửa, dạy học, cơm nước chợ búa cho cả gia đình?). Vậy thì ai mới là vật chủ? Ai mới là ký sinh trùng? Như Bong Joon Ho có chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn:
“Trong thế giới buồn bã này, có những lúc người với người không thể giữ được mối quan hệ cùng tồn tại hoặc cộng sinh và một nhóm yếu thế bị đẩy vào mối quan hệ ký sinh”.
2. Mother (2009): 7,8/10 (IMDb), 96% (Rotten Tomatoes)
Tình mẫu tử chưa bao giờ mãnh liệt và trần trụi trên màn ảnh lớn đến thế! Khác với tất cả các bộ phim của Bong Joon Ho, Mother là đỉnh điểm của sự táo bạo, dữ dội khiến ta bị mê hoặc, phấn khích và rùng mình đến khiếp sợ. Sợ vì nỗi ám ảnh, bao bọc quá mức của người mẹ dành cho cậu con trai đã hoàn toàn che lấp đi lý trí, sự tỉnh táo của bà. Nó giống như một vòng tròn lặp đi lặp lại: tội lỗi của người con chuyển sang mẹ rồi lại quay về với chính anh ta.
trailer phim Mother (Nguồn:Magnolia Pictures & Magnet Releasing)
Yoon Do-joon (Won Bin) là một anh chàng 28 tuổi, im lặng, trầm tính và lại có trí não chậm phát triển. Góa phụ từ lâu, mẹ của Do-joon (Kim Hye Ja) đã một mình tần tảo nuôi nấng cậu con trai bệnh tật. Trong một sự tình cờ, Do-joon bị cảnh sát kết tội đã thực hiện một vụ giết học sinh. Dẫu không có chứng cứ nào thật sự chống lại Do-joon nhưng mọi nghi ngờ đều đổ dồn về anh. Bằng tình mẫu tử đến mù quáng, người mẹ đáng thương của Do-joon đã gắng sức gạt bỏ những sự thật, theo bà đó chỉ là dối trá, để chứng minh con trai mình vô tội. Bộ phim không có tồn tại ranh giới giữa đúng – sai, thiện – ác bởi người xem bị cuốn vào dòng suy nghĩ, nỗi lo lắng đau đớn của người mẹ. Kim Hye Ja – nữ diễn viên kỳ cựu của Hàn Quốc đem tới một màn trình diễn quá xuất sắc đến mức người ta gọi bà là người mẹ quốc dân.
Do Yoon và mẹ – mối quan hệ vô cùng phức tạp (Nguồn: IMDb)
Mother liên tiếp gặt hái các giải thưởng quốc tế năm 2009. Từ giải Phim xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Châu Á đến giải Nữ chính tại LHP Kim Kê – Bách Hoa. Khi công chiếu trong LHP Cannes và LHP Quốc tế Santa Barbara, phim nhận được đánh giá cao từ các nhà phê bình. Suy cho cùng, ai mà chẳng rung động khi xem một bộ phim về mẹ:
“Tình mẹ là một khoảng trời không giới hạn, là một đòn bẫy để mẹ tựa vào và nâng bước con đi. Đâu là điểm thăng bằng khi chiếc đòn bẫy được nâng một bên lên? Đâu là sự thật? Đâu mới là tình thương?”
1. Memories Of Murder (Ký Ức Kẻ Sát Nhân – 2003) 8,1/10 (IMDb)
Đối với rất nhiều fan, vị trí ngôi vương – xứng danh tuyệt tác của Bong Joon Ho không phải là Parasite mà là Memories Of Murder. Thậm chí nhiều người cảm thấy hơi thất vọng với tác phẩm mới nhất của ông bởi nó không mang lại được cái cảm giác như lần đầu tiên họ xem tác phẩm hình sự kinh điển này. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn tốn không biết bao giấy mực để phân tích nghệ thuật sử dụng hình ảnh kể chuyện (visual storytelling) cũng như kỹ thuật quay phim trong tác phẩm. Quentin Tarantino – một đạo diễn huyền thoại người Mỹ với những tác phẩm kinh điển như Kill Bill, Pulp Fiction, Reservoir Dogs không hết ngời ca ngợi Memories Of Murder và gọi Bong Joon Ho là Steven Spielberg của thời hoàng kim.
Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về vụ giết người hàng loạt đầu tiên tại Hàn Quốc ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi. Theo chân hai thanh tra Park Doo Man (Song Kang Ho) và Seo Tae-yoon (Kim Sang-kyung), khán giả được trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc: từ vui vẻ sợ hãi đến giận dữ, bế tắc và bất lực với chính hệ thống pháp luật của Hàn Quốc thời bấy giờ. Mỗi một nhân vật từ cảnh sát đến tội phạm tình nghi đều là tấm gương phản chiếu về sự suy đồi đạo đức được tạo ra bởi một thể chế, chính quyền mục nát. Một cốt truyện chặt chẽ cùng thủ pháp show don’t tell (ít thoại, thể hiện câu chuyện bằng hình ảnh, hành động) hoà lẫn với cách xây dựng nhân vật đặc sắc đầy châm biếm, giễu nhại xã hội tạo nên một tuyệt phẩm dark comedy độc đáo nhất.
Song Kangho trong vai thám tử Park & Kim Sang Kyung trong vai thám tử Seo (Nguồn: IMDb)
Tại một cuộc bầu chọn do Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) tổ chức, tác phẩm nằm trong top 10 danh sách 100 phim Hàn hay nhất lịch sử. Tại thời điểm ra mắt, hơn 5 triệu vé được bán ra giúp hãng sản xuất phim thoát ra khỏi cảnh phá sản. Người ta cho rằng Bong Joon Ho thực sự đã bước vào ký ức, tâm trí của kẻ sát nhân.
Bản thân ông cũng khiến nhiều người nổi da gà khi chia sẻ những suy nghĩ của mình tại cuộc họp báo kỷ niệm 10 năm công chiếu bộ phim:
“Tôi đã mường tượng rất nhiều viễn cảnh nếu gặp gỡ hung thủ. Tôi thậm chí còn lập 1 danh sách các câu hỏi dành cho hung thủ nếu chạm mặt nhau. Tôi từng nghĩ mình có khả năng bắt được hung thủ. Lý do mà tôi tổ chức sự kiện ngày hôm nay là vì tôi nghĩ rằng kẻ giết người sẽ tham gia”
Bong Joon Ho gây shock trong một cuộc họp báo (Nguồn: Lost Bird)
Rùng mình? Kinh dị? Hài hước, châm biếm hay hành động đổ máu ? Không gì có thể làm khó bậc thầy kể chuyện số 1 của xứ sở Kim Chi. Vậy còn bạn? Hãy cùng chia sẻ với Moveek: bạn yêu thích tác phẩm nào nhất của đạo diễn Bong?
Theo moveek.com
'Ký sinh trùng' đứng đầu phòng vé Hàn Quốc ngay tuần đầu tiên ra mắt, vượt mốc 3 triệu khán giả chỉ sau 4 ngày
Sau khi giành được giải thưởng danh giá Cành cọ vàng tại LHP Canes 2019 vừa qua, Ký sinh trùng (Parasite) của của đạo diễn Bong Joon Ho và nam diễn viên Song Kang Ho đã có màn ra mắt cực kỳ thành công khi trở thành phim ăn khách nhất tại phòng vé Hàn Quốc tuần qua.
Theo dữ liệu của Hội đồng phim Hàn Quốc (KOFIC), ngay ngày đầu tiên ra mắt vào 30/05, Ký sinh trùng đã nhanh chóng trở thành phim ăn khách nhất trong ngày, khi thu hút 568,095 khán giả tới rạp, vượt qua đối thủ đứng đầu phòng vé tuần trước là Aladdin với 74,962 lượt khán giả. Thừa thắng xông lên, Ký sinh trùng tiếp tục dẫn đầu phòng vé 4 ngày liên tiếp và chính thức vượt qua cột mốc quan trọng 3 triệu lượt khán giả vào ngày 02/06, chỉ sau 4 ngày ra mắt.
Riêng trong 3 ngày cuối tuần (31/05-02/06), Ký sinh trùng đã có tổng cộng 2,775,721 lượt khán giả tới rạp, thu về 20,460,907 USD, tại 1,946 phòng chiếu và chiếm 69.28% tổng doanh thu.
Ký sinh trùng là bộ phim mới nhất của đạo diễn Bong Joon Ho, sau những siêu phẩm làm mưa làm gió phòng vé như Memories Of Murder (2003), Quái vật sông Hàn (2006), Chuyến tàu băng giá (2013) và gần đây nhất là Okja (2017). Nội dung bộ phim xoay quanh hai gia đình kiểu mẫu của xã hội Hàn Quốc, một là gia đình giàu có của Dong Ik (Lee Sun Kyun) và gia đình nghèo khó thất nghiệp của Kim Ki Taek (Song Kang Ho). Chuyện phim bắt đầu khi con trai của Kim Ki Taek là Ki Woo làm giả bằng cấp để xin được dạy kèm tại gia đình giàu có của Dong Ik với mức lương cao ngất ngưởng. Ki Woo sau đó đã có được công việc dạy kèm và được gia đình Dong Ik chào đón nhưng mọi thứ đã không giống như những gì Ki Woo đã tưởng tượng.
"Ký sinh trùng" Trailer
Với sự xuất hiện của Ký sinh trùng tuần này Aladdin rơi xuống vị trí thứ 2 với 735,260 lượt khán giả và 5,270,059 USD, tại 993 phòng chiếu và chiếm 17.84% tổng doanh thu trong 3 ngày cuối tuần vừa qua (31/05-02/06).
Ra mắt từ ngày 29/05, Godzilla: King of the Monsters đang ở vị trí thứ 3 tuần này với 180,429 lượt khán giả, thu về 1,421,801 USD, tại 620 phòng chiếu và chiếm 4.81% tổng doanh thu.
Từ vị trí thứ 2 tuần trước, tuần này Trùm, Cớm và Ác Quỷ (The Gangster, The Cop and The Devil) đã rớt xuống 2 hạng để có mặt ở vị trí thứ 4 khi có 158,158 lượt khán giả, thu về 1,187,141 USD.
Vị trí thứ 5 tuần này thuộc về 0.0MHz khi có 61,697 khán giả và 446,795 USD.
Dưới đây là danh sách 10 bộ phim ăn khách nhất tại phòng vé Hàn Quốc ba ngày cuối tuần (31/05-02/06), theo dữ liệu của KOFIC:
Parasite - 20,460,907 USD
Aladdin - 5,270,059 USD
Godzilla: King of the Monsters - 1,421,801 USD
The Gangster, The Cop, The Devil - 1,187,141 USD
0.0MHz - 446,795 USD
Avengers: Endgame - 243,228 USD
Miss & Mrs. Cops - 83,282 USD
Peter Pan: The Quest for the Never Book - 59,128 USD
A Job Who Is near Us - 53,227 USD
My First Client - 48,909 USD
Theo saostar
Ký Sinh Trùng làm mưa làm gió tại quê nhà Hàn Quốc sau khi chiến thắng tại LHP Cannes Chỉ sau 5 ngày công chiếu Ký Sinh Trùng đã lập thành tích ấn tượng với 3,7 triệu lượt xem và hơn 3 tỉ Won doanh thu. Sau khi nhận giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes, bộ phim Ký Sinh Trùng (Parasite)của đạo diễn Bong Joon-ho đã chính thức công chiếu tại Hàn Quốc vào ngày 30.05 vừa qua. Chỉ sau 5...