68 người chết trong thảm họa mưa lũ “trăm năm có một” ở châu Âu
Khu vực Tây Âu trải qua trận lũ lụt nghiêm trọng làm 68 người chết do đợt mưa lớn được các chuyên gia mô tả là “lớn nhất trong một thế kỷ”.
68 người chết trong thảm họa mưa lũ “trăm năm có một” ở châu Âu
Nhiều ngôi làng ở Đức bị tàn phá nghiêm trọng bởi mưa lũ (Ảnh: Reuters).
Ít nhất 68 người đã thiệt mạng vì lũ lụt nghiêm trọng ở Tây Âu những ngày qua. Khoảng 70 người đã mất tích ở Đức sau khi lũ quét tấn công khắp khu vực phía tây và phía nam đất nước, khiến nhiều tòa nhà bị sập. Đức là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của trận lũ với 60 người chết, trong khi Bỉ ghi nhận 8 người thiệt mạng vì thảm họa tự nhiên. Luxembourg và Hà Lan cũng bị ảnh hưởng bởi trận lụt.
“Tại một số khu vực, chúng tôi chưa từng chứng kiến lượng mưa lớn như vậy trong một trăm năm. Một số nơi có lượng mưa gấp đôi gây nên lũ lụt và thật không may mắn là một số ngôi nhà đã bị sập”, Andreas Friedrich, phát ngôn viên của Dịch vụ thời tiết Đức cho hay.
Khung cảnh đổ nát ở Schuld, Đức sau trận lũ (Ảnh: EPA).
Nhiều ngôi nhà bị phá hủy, cuốn trôi (Ảnh: EPA).
Các khu vực North Rhine-Westphalia, Rhineland-Palatinate và Saarland của Đức bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo chuyên gia khí tượng Brandon Miller, lượng mưa trong 24 giờ tại một số khu vực ở Đức thậm chí còn nhiều hơn lượng mưa trung bình trong một tháng tại khu vực này.
Liên minh châu Âu EU đã kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp dân sự để giúp đỡ một số khu vực của Bỉ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, Ủy ban EU ngày 15/7 cho hay. EU cam kết sẽ hỗ trợ cả Luxembourg, Hà Lan và Đức trong các nỗ lực cứu hộ và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Các phương tiện nằm ngổn ngang sau khi nước lũ quét qua tại Schuld, Đức (Ảnh: Reuters).
Quan chức khí tượng Đức Friedrich cho biết những trận mưa như trút nước là do sự pha trộn giữa lượng mưa lạnh và ấm hơn và tình hình tồi tệ nhất hiện đã qua. Các chuyên gia thời tiết cảnh báo khí hậu nóng lên có thể dẫn tới hiện tượng không khí chứa nhiều hơi nước và chúng có thể rơi xuống dưới dạng mưa, dẫn tới tỷ lệ những đợt mưa lớn ngày càng có xu hướng cao hơn.
Khí hậu nóng lên được xem là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn tới hình thái thời tiết cực đoan này (Ảnh: Reuters).
Đường phố ở Liege, Bỉ ngập trong nước (Ảnh: AFP).
Lũ lụt kinh hoàng cuốn trôi nhà cửa ở châu Âu, 42 người chết
Trận lũ lụt kinh hoàng được báo chí Anh mô tả như "ngày tận thế" đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại một phần châu Âu, cuốn trôi xe cộ, làm sập nhà cửa và làm 42 người thiệt mạng.
Lũ lụt kinh hoàng cuốn trôi nhà cửa ở châu Âu, 42 người chết
Theo Telegraph, ít nhất 42 người chết và hàng chục người khác mất tích sau khi các trận bão gây ra các đợt lũ quét cuốn trôi nhà cửa, gây tàn phá nghiêm trọng các phần ở phía tây Đức và Bỉ.
Tối muộn ngày 14/7, có 6 ngôi nhà ở thị trấn Schuld bei Adenau, huyện Eifel, gần biên giới phía tây của Đức bị sập, làm 4 người bị chết. Chính quyền Eifel sáng 15/7 cho biết, họ chưa rõ bao nhiêu người đã mất tích ở khu vực này, nhưng ước tính khoảng 50 người.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà bị "sốc" vì trận lũ lụt. Bà gọi hiện tượng thời tiết này là "thảm họa".
Nhiều ngôi làng và thị trấn ở khu vực bị cô lập hoàn toàn sau khi đê sông bị vỡ. Telegraph mô tả đây là trận lũ lớn nhất trong nhiều năm qua và gây ra cảnh tượng tan hoang như "ngày tận thế". Cảnh sát cho biết, rất nhiều người mất tích trong khi những người khác phải trèo lên mái nhà để chờ đợi được cứu.
Lũ lụt nghiêm trọng khiến chính quyền địa phương Đức phát đi cảnh báo rằng đập ở khu vực Reinbach có thể có nguy cơ bị vỡ. Các ngôi làng ở Oberdrees và Niederdrees đã được sơ tán.
Các chuyên gia thời tiết cảnh báo những trận bão "cực đoan hơn" có thể diễn ra ở khu vực miền trung và phía tây Đức, với lượng mưa có thể lên tới 200 lít nước/m2.
Ngoài ra, Bỉ cũng ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì trận lũ lụt kinh hoàng. Bỉ đã tuyên bố báo động đỏ về mưa lũ sau khi nhiều bờ sông bị vỡ và xe hơi bị cuốn trôi dọc các tuyến phố.
Khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là tỉnh phía đông Limburg và thành phố Liege nằm gần Hà Lan và Đức. Quân đội Bỉ và lực lượng dân phòng đã được huy động để bơm nước, cứu người, và gia cố lại đê điều.
Tại Séc và Hà Lan, một số khu vực đang đối mặt với lũ quét. Tại Thụy Sĩ, chính quyền nâng cảnh báo lũ tại hồ Lucerne lên mức cao nhất.
Tây Ban Nha cho phép 'quyền được chết' Tây Ban Nha thông qua luật cho phép an tử, còn gọi là cái chết nhân đạo, hỗ trợ người bệnh hiểm nghèo muốn kết thúc cuộc đời. Hạ viện biểu quyết thông qua luật này ngày 18/3 với 202 phiếu thuận, 141 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Trước đó, hành vi trợ tử cho người khác bị phạt tù đến hơn...