65% người suy giãn tĩnh mạch không biết mình mắc bệnh
Theo khảo sát tại một số bệnh viện trong nước, 65% bệnh nhân không biết mình bị bệnh tĩnh mạch cho đến khi đi đến khám bác sĩ.
Đây là khảo sát mang tên Vein Consult Program – Vietnam 2011, vừa được công bố. Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Phong, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, suy tĩnh mạch mạn tính là bệnh thường gặp. Những nghiên cứu quy mô lớn trên thế giới cho thấy khoảng 30-40% dân số trưởng thành bị suy giãn tĩnh mạch ở nhiều mức độ. Hàng năm, các nước phát triển tiêu tốn hàng tỷ USD cho việc điều trị căn bệnh này.
Việt Nam chưa có nghiên cứu quy mô lớn nào về bệnh suy giãn tĩnh mạch. Một số nghiên cứu quy mô nhỏ được tiến hành trong vài năm gần đây cho thấy tỷ lệ mắc bệnh không thấp hơn so với các nước phát triển. Phần lớn người bệnh Việt Nam không biết mình bị suy tĩnh mạch nên không đi khám và điều trị sớm đúng cách.
Ảnh minh họa: Y.edu.
Cuộc khảo sát năm 2011 tại một số bệnh viện trong nước cho thấy có đến 65% bệnh nhân không biết mình bị bệnh tĩnh mạch cho đến khi khám bác sĩ (báo cáo nghiên cứu Vein Consult Program- Vietnam 2011). Trên thực tế, nhiều trường hợp bệnh suy tĩnh mạch mạn tính rất khó chẩn đoán, không chỉ đối với bác sĩ đa khoa mà cả bác sĩ chuyên khoa.
Chị Thu, một nhà báo tại TP HCM, mấy năm qua cảm thấy đau và khó chịu ở chân, vừa đến bệnh viện khám. Không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh suy giãn tĩnh mạch ở cẳng chân, nhưng với kinh nghiệm của mình, bác sĩ chuyên khoa mạch máu chẩn đoán bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới. Chị Thu được chỉ định siêu âm Doppler mạch máu ở tư thế nằm, kết quả bình thường, không phát hiện có tĩnh mạch giãn hay dòng chảy ngược. Sự khác biệt giữa kết luận của bác sĩ chẩn đoán và kết quả siêu âm khiến chị Thu hoang mang. “Bác sĩ khám bệnh hay là bác sĩ siêu âm đúng, tôi không biết tin vào ai?”, chị Thu băn khoăn.
Lý giải vấn đề này, bác sĩ Lê Thanh Phong cho biết, thông thường bệnh suy giãn tĩnh mạch biểu hiện ở 2 khía cạnh: triệu chứng cơ năng (là những dấu hiệu chỉ có người bệnh cảm nhận được) và triệu chứng thực thể (là những dấu hiệu có thể nhìn thấy).
Video đang HOT
Trong y học, thuật ngữ “triệu chứng cơ năng” đề cập đến những than phiền, cảm giác khó chịu của bệnh nhân do một căn bệnh nào đó gây nên. Triệu chứng cơ năng của bệnh giãn tĩnh mạch thường là cảm giác đau nhức, nặng chân, mỏi chân, cảm giác nóng, ngứa, co cứng hay chuột rút về đêm. Có những bệnh nhân mô tả khi đứng cảm thấy tê như máu chảy dồn xuống chân, cảm giác châm chích rất khó chịu.
Triệu chứng cơ năng thường nặng hơn khi người bệnh đứng lâu hay ngồi lâu, sẽ giảm nhẹ khi người đó gác chân lên cao hay đi bộ. Nó có thể trở nên tồi tệ hơn với phụ nữ đến chu kỳ hành kinh. Đa số bệnh nhân sẽ cảm thấy bớt đau và dễ chịu khi mang tất dài, băng thun hoặc khi giảm cân và tuân thủ một chế độ tập luyện thể dục thường xuyên.
Các triệu chứng cơ năng của bệnh tĩnh mạch dễ bị chẩn đoán nhầm là bệnh của xương khớp hay thần kinh ngoại biên. Điểm khác nhau quan trọng nhất là là cảm giác đau và khó chịu do suy tĩnh mạch có liên quan đến tư thế của bệnh nhân và việc băng ép chân.
Thông thường, nếu những than phiền của bệnh nhân gợi ý bệnh suy tĩnh mạch mạn tính, các bác sĩ sẽ cho làm siêu âm Doppler mạch máu để biết bệnh nhân có bị suy tĩnh mạch hay không. Song theo bác sĩ Thanh Phong, trường hợp siêu âm Doppler mạch máu không phát hiện bất thường cũng không thể kết luận người đó không bị suy tĩnh mạch. “Khi ấy, bác sĩ cần yêu cầu bệnh nhân làm lại siêu âm Doppler mạch máu tại một thời điểm khác khi mà các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn, có thể sẽ phát hiện các bất thường của hệ tĩnh mạch chi dưới”.
Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, đối với bệnh suy tĩnh mạch mạn tính, triệu chứng cơ năng ở chân thường không tương quan với dấu hiệu lâm sàng. Chẳng hạn một số bệnh nhân cảm thấy đau ở chân rất nhiều nhưng khám lại không phát hiện gì. Hoặc ngược lại, bệnh nhân có giãn tĩnh mạch ngoằn ngoèo dưới da nhưng nhưng không hề cảm thấy đau nhức hay triệu chứng cơ năng nào.
Nghiên cứu về tĩnh mạch Ediburgh ở Anh tiến hành trên 1.500 bệnh nhân tuổi từ 18 đến 64, cho thấy khoảng 40% có tĩnh mạch giãn to khi khám bệnh nhưng gần như không thấy đau hay khó chịu ở chân. Trái lại, 45% bệnh nhân than phiền có triệu chứng đau ở chân phù hợp với bệnh tĩnh mạch nhưng không bị giãn tĩnh mạch. Bên cạnh đó, cũng không có sự liên quan giữa triệu chứng đau và dòng chảy ngược trên siêu âm Doppler mạch máu. Điều này có nghĩa là kết quả siêu âm Doppler tĩnh mạch bình thường không cho phép loại trừ bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới.
Một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh làm việc lâu năm tại TP HCM cho biết, siêu âm là phương pháp chẩn đoán mà sự chính xác của nó tùy thuộc rất lớn vào trình độ và kinh nghiệm của người thực hiện. Không phải bác sĩ nào cũng có thể làm tốt các siêu âm mạch máu.
“Để siêu âm một ca bệnh tĩnh mạch chuẩn mực, bác sĩ phải rất tỉ mỉ, xem xét từng nhánh tĩnh mạch sâu, nông hay những nhánh xuyên. Đồng thời làm nhiều nghiệm pháp khác khác nhau ở tư thế đứng và nằm mới có thể kết luận tương đối chính xác các bất thường ở dòng chảy tĩnh mạch”. Vị bác sĩ này cho rằng trong điều kiện Việt Nam hiện nay rất khó để làm được như vậy, bởi thực tế có bệnh viện ít bệnh nhân nhưng không có điều kiện cơ sở vật chất và bác sĩ ít kinh nghiệm, còn nơi quá nhiều bệnh nhân thì bác sĩ không có thời gian để siêu âm kỹ càng.
Trở lại trường hợp bệnh nhân Thu ở trên, bác sĩ Phong cho rằng, có thể cả hai bác sĩ đã cùng làm tốt công việc của mình. Bác sĩ lâm sàng chẩn đoán đúng bệnh và bác sĩ siêu âm làm tốt công việc siêu âm. Nhưng do tính chất đặc biệt của triệu chứng đau trong suy tĩnh mạch, nó có thể xuất hiện trong giai đoạn sớm, trong khi lúc này chưa có những thay đổi đáng kể của cấu trúc tĩnh mạch. Do đó siêu âm không phát hiện bất thường.
Bệnh suy hay giãn tĩnh mạch rất thường gặp. Việc chẩn đoán bệnh rất dễ nếu thấy các tĩnh mạch giãn to ngoằn ngoèo. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khó, chẩn đoán không ra bệnh hay chẩn đoán không chính xác có thể khiến tình trạng ngày càng nặng thêm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Một trong những phương tiện chẩn đoán hình ảnh quan trọng để phát hiện suy tĩnh mạch chính là siêu âm Doppler mạch máu với điều kiện được thực hiện tỉ mỉ bởi bác sĩ siêu âm chuyên về mạch máu. “Dù vậy, trong nhiều trường hợp chính kinh nghiệm của thầy thuốc kết hợp với việc khai thác tính chất đau ở chân của người bệnh một cách cẩn thận vẫn là yếu tố then chốt trong chẩn đoán và quyết định điều trị bệnh”, bác sĩ Phong cho biết thêm.
Theo VNE
Thuốc ngừa thai có gây giãn tĩnh mạch?
Khoảng một năm nay tôi giãn tĩnh mạch ở chân rất nhiều và nghe nói do tác dụng phụ của thuốc ngừa thai. Tôi định chuyển sang đặt vòng thì được khuyên sinh mổ không được đặt vòng.
Tôi 34 tuổi, sinh mổ 2 lần, cháu đầu 9 tuổi và cháu sau 6 tuổi. Sau khi sinh cháu thứ hai, tôi dùng thuốc ngừa thai vỉ 28 viên và uống liên tục gần 6 năm không dừng. Xin hỏi bác sĩ cách ngừa thai nào an toàn và có thể áp dụng lâu dài được, giá cả ra sao? (Nguyễn Thu Vân)
Trả lời:
Bạn Thu Vân thân mến,
Rất tiếc là lần mổ thứ hai của bạn, nếu hai vợ chồng không muốn sinh con thêm thì đoạn sản là phương pháp tránh thai hiệu quả, an toàn và lâu dài nhất vì là phương pháp tránh thai vĩnh viễn. Hiện tại, chồng bạn có thể chọn phương pháp đoạn sản (thắt ống dẫn tinh). Để an toàn hai vợ chồng bạn cần áp dụng biện pháp tránh thai liên tục 3 tháng (dùng bao cao su, xuất tinh ngoài) sau khi thực hiện thủ thuật này vì vẫn còn một ít tinh trùng ở túi tinh và có thể thụ thai thời gian ngắn sau thủ thuật.
Nguyên nhân của bệnh giãn tĩnh mạch chân mạn tính chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, đã xác định bệnh liên quan đến một số yếu tố nguy cơ giãn tĩnh mạch chân gây ra do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên. Các van này bị tổn thương là do quá trình thoái hóa do tuổi tác (thường gặp ở người già). Tuổi thọ con người ngày càng cao sẽ kéo theo những bệnh của quá trình tích tuổi trong đó có suy tĩnh mạch...
Ngoài ra còn do tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng... tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân. Các yếu tố nguy cơ khác như chế độ làm việc (phải đứng nhiều, làm việc trong môi trường ẩm thấp), béo phì, táo bón, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin...
Như vậy, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng thuốc tránh thai vỉ làm giãn tĩnh mạch chân. Những người đã giãn tĩnh mạch chân thì không nên dùng thuốc tránh thai vỉ vì có nguy cơ huyết khối và tắc mạch.
Dụng cụ tử cung là biện pháp tránh thai hiệu quả cao, tiện lợi và có thể kéo dài nhiều năm. Đặt dụng cụ tử cung ở người đã 2 lần mổ lấy thai vẫn có thể được nhưng có nguy cơ thủng tử cung cao hơn so với những người chưa từng có sẹo mổ trên tử cung. Nếu bạn chọn phương pháp tránh thai này, tốt nhất nên đến bệnh viện có chuyên khoa sản với các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm. Thân ái chào bạn.
Theo VNE
Phụ nữ mang thai nhiều lần dễ bị giãn tĩnh mạch Nhiều nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng tần suất mắc bệnh giãn tĩnh mạch ở nhóm phụ nữ mang thai nhiều lần. Điều này cũng có nghĩa là phụ nữ càng sinh nhiều con khả năng bị suy giãn tĩnh mạch càng cao. Từ khi mang thai đứa con thứ hai, chị Ngọc Điệp (27 tuổi, quê Lâm Đồng) thấy hai...