6.200 tỷ đồng mở rộng hầm Hải Vân
Khi dự án được khởi công, trên quãng đường 50 km sẽ có tới ba trạm thu phí.
Hầm Hải Vân đang được đề xuất mở rộng
“Sau 10 năm khai thác, việc lưu thông với một ống hầm Hải Vân hai làn xe như hiện nay dễ gây mất an toàn giao thông. Để đáp ứng nhu cầu vận tải trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất mở rộng hầm lánh nạn thành hầm lưu thông chính” – chiều 31/3, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả trình bày tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng.
Đây vốn là hầm chạy song song với hầm chính của hầm đường bộ Hải Vân, đang được Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) khai thác.
Vốn đầu tư trên 6.200 tỷ đồng
Theo Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, dự án sẽ mở rộng đường hầm lánh nạn (dài 6,2 km) thêm 3,5 m với hai làn xe. Cùng đó, xây dựng đường dẫn phía bắc thuộc thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế (dài 2,1 km) và đường dẫn phía nam thuộc TP. Đà Nẵng (dài 4,3 km).
Video đang HOT
Dự án thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng. Dự kiến trong quá trình triển khai sẽ thu hồi 52,2 ha đất, trong đó TP. Đà Nẵng là 30,9 ha và TP. Huế 21,3 ha.
Nếu được Bộ GTVT phê duyệt thì quý I/2016 sẽ khởi công dự án và hoàn thành vào quý I/2019. Để hoàn vốn, công ty kiến nghị tiếp tục sử dụng trạm thu phí phía nam hầm đường bộ Hải Vân ngay khi bắt đầu triển khai dự án.
Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đề xuất mở rộng hầm lánh nạn hầm Hải Vân thành hầm lưu thông với tổng mức đầu tư 6.234 tỷ đồng. Ảnh: LÊ PHI
Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, cho biết đơn vị sẽ thi công theo phương pháp xây hầm mới của Áo với kết cấu chống đỡ chủ yếu bằng bê tông phun, neo và bê tông vỏ hầm. “Quá trình nổ mìn, đào mở rộng hầm lánh nạn sẽ không làm ảnh hưởng đến hầm chính đang khai thác. Trong quá trình thi công, hầm lánh nạn vẫn đảm bảo chức năng thoát hiểm cho hầm chính trong trường hợp xảy ra sự cố” – ông Hoàng cho hay.
Ông Hoàng đề xuất TP. Đà Nẵng có văn bản kiến nghị Bộ GTVT sớm phê duyệt dự án; thống nhất phương án giữ lại trạm thu phí phía nam của hầm để làm cơ sở hoàn vốn. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình khảo sát, tham vấn cộng đồng và giải phóng mặt bằng.
Chỉ 50 km có tới ba trạm thu phí
Tại cuộc làm việc, ông Hồ Nghĩa Dũng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, được cho là cố vấn của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả) cho hay: “Nguồn vốn sẽ do chủ đầu tư tự huy động chứ không vay ODA hay dùng vốn của Nhà nước. Vì vậy chủ đầu tư rất mong TP. Đà Nẵng đồng ý về chủ trương đầu tư, sau đó báo cáo Bộ GTVT và Thủ tướng cho phép thực hiện dự án”.
Ông Nguyễn Đình Bách (Tổng Giám đốc HAMADECO) cho biết đơn vị ủng hộ mở rộng hầm lánh nạn để phục vụ xe cộ lưu thông. Ông Bách thông tin thêm, đã có ít nhất bốn đoàn đến làm việc với đơn vị để xin đầu tư mở rộng hầm lánh nạn. Thậm chí có cả doanh nghiệp nước ngoài cam kết bỏ 100% vốn ra để làm. Tuy nhiên, nếu đồng ý thì phía Việt Nam phải xin ý kiến của Nhật vì đây là dự án sử dụng vốn ODA của họ.
Ông Bách cũng đề nghị cần nghiên cứu kỹ phương án mở rộng hầm lánh nạn, vì hầm này vốn là hầm cứu nạn khi xảy ra sự cố. “Mặt khác, phải tính toán tới việc chỉ hơn 50 km mà có tới ba trạm thu phí (trạm Phú Gia, trạm Nam Hải Vân, trạm Hòa Phước). Với ba trạm thu phí như vậy thì luật có cho phép không? Người dân có chịu không?” – ông Bách đặt câu hỏi.
Cùng quan điểm, lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) khẳng định: “Phải tính toán lại phương án thu hồi vốn, bởi đến năm 2016 trạm thu phí Nam Hải Vân sẽ phải giải tán. Nếu giữ lại thì khoảng cách giữa trạm này với trạm Hòa Phước quá gần, gây bức xúc xã hội”.
Lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ III cũng băn khoăn về việc tổ chức thi công dự án mở rộng hầm lánh nạn. “Nhà đầu tư đưa ra các phương án khá phù hợp nhưng phải bàn bạc kỹ vì thực tế thi công sẽ khác. Do vậy trước khi làm cần phải tham vấn xã hội, thậm chí tổ chức hội thảo để lấy ý kiến” – lãnh đạo cục này góp ý.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng) cho biết cần phải có nhiều phiên họp bàn về kỹ thuật thực hiện dự án, kể cả việc xin ý kiến chuyên gia Nhật. “Về nguyên tắc thì Bộ GTVT đã đồng ý rồi. TP cũng đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, đề nghị chủ đầu tư cần giải trình cụ thể là tại sao lại mở rộng dự án hầm lánh nạn mà không có các giải pháp khác” – ông Tuấn nói.
Theo Pháp Luật TPHCM
Tuyến đường sắt đô thị TP.HCM bị vướng ở Bình Dương
Tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn 2 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Vĩnh Phát và Công ty TNHH Đại Thành thuộc phạm vi Dự án Bến xe Miền Đông mới vẫn chưa hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công gói thầu số 2 của dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
Trước đó hàng cây cổ thụ đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM cũng bị đốn hạ bàn giao mặt bằng thi công tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên
Việc chậm trễ bàn giao mặt bằng của 2 doanh nghiệp nêu trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện gói thầu số 2 của dự án (đã chậm trễ 26 tháng tính từ ngày khởi công của gói thầu số 2), làm ảnh hưởng đến công tác khảo sát thiết kế, kế hoạch thi công và gia tăng chi phí bồi thường hợp đồng cho nhà thầu.
Với tình hình chậm trễ nêu trên, Ủy ban nhân dân TP.HCM quan ngại về thời gian hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đi qua địa phận Bình Dương có thể tiếp tục bị kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện chung của toàn dự án cũng như phát sinh nguy cơ gia tăng thêm chi phí bồi thường Hợp đồng cho nhà thầu.
Ủy ban nhân dân TP.HCM đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục hỗ trợ, quan tâm và chỉ đạo quyết liệt các đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm việc bàn giao mặt bằng của 2 doanh nghiệp còn lại nêu trên cho chủ đầu tư và nhà thầu của dự án.
Trước đó, tại cuộc họp kiểm tra về tình hình thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên vào ngày 6 tháng 8 năm 2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương nhanh chóng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho Nhà thầu thi công gói thầu số 2 của Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên trước ngày 31 tháng 10 năm 2014.
Theo Một Thế Giới
Họ muốn gì khi lấp sông Đồng Nai? Hiện dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về dự án lấp sông Đồng Nai nhưng việc lấn, lấp một phần sông Đồng Nai với diện tích lên đến 8,4ha để làm gì? Tuyến kè được "đẩy" ra xa bờ. Cách nay hơn 10 năm, Đồng Nai đã thai nghén dự án chống sạt lở, ổn định hai bên bờ sông Đồng...