60 triệu người Việt Nam nhiễm giun
Khoảng 60 triệu người Việt Nam đang nhiễm giun đũa, giun tóc và giun móc. Ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nhiễm giun ở mức báo động.
Rau sống là 1 trong những món ăn dễ nhiễm giun sán nhất
Ăn rau sống = ăn trứng giun
Tại hội thảo “ Nguy cơ từ các bệnh do giun sán” diễn ra tại TPHCM hôm qua (21/8), BS Trần Thị Khánh Tường, Bộ môn Nội ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết, giun sán là sinh vật đa bào sống tự do hay ký sinh trên cơ thể người, động vật. Đa số giun sán sống trong ống tiêu hóa như dạ dày, ruột nhưng cũng có thể di chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể như gan, phổi, cơ, não…
“Chúng sống ở cơ quan nào sẽ gây ra bệnh lý ở cơ quan đó và dễ chẩn đoán nhầm, điều trị khó khăn và có thể có biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Tường cho biết.
TS Đặng Thị Cẩm Thạch, Viện Sốt rét- Ký sinh trùng và Côn trùng TƯ, cho biết: “Ước tính cả nước có 60 triệu người nhiễm giun đũa, chiếm 3/4 dân số, 40 triệu người nhiễm giun tóc và 20 triệu người nhiễm giun móc”.
Video đang HOT
Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm giun còn cao hơn ở trẻ em với 70-92% trẻ miền Nam và 100% trẻ miền Bắc. Trong số đó các loại giun thường mắc là: giun đũa, giun tóc, giun móc qua hai đường xâm nhập chính vào cơ thể là đường tiêu hóa và đường da.
Theo nghiên cứu của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2007, hơn 97% mẫu rau sống bán ở các chợ tại TPHCM nhiễm trứng giun. “Vì vậy khi ăn rau sống là chấp nhận ăn cả trứng giun”, bác sĩ Tường cho biết.
Cùng với thói quen ăn tái, sống thì ô nhiễm môi trường nước, môi trường sống do phóng uế bừa bãi; thực phẩm không đảm bảo vệ sinh như trồng ở những nơi ô nhiễm, tưới nước bẩn, bón phân tươi; vệ sinh cá nhân chưa tốt gây nguy cơ nhiễm giun sán rất cao.
28,5 triệu lít máu để… nuôi giun
Nhiễm giun sán thường gây ra các triệu chứng nguy hiểm như dị ứng da (nổi mề đay, phát ban), dị ứng thức ăn… Những triệu chứng này khiến các bệnh nhân nhầm tưởng đang mắc các bệnh về da liễu. Khi nhiễm giun móc hay giun tóc kéo dài, bệnh nhân sẽ bị chứng thiếu máu gây mệt mỏi, hồi hộp, chóng mặt, nhức đầu, da xanh xao, thiếu máu kéo dài có thể đưa đến suy tim. Theo các chuyên gia y tế, mỗi năm người Việt Nam mất 28,5 triệu lít máu để nuôi giun tóc và giun móc.
Các loại giun sán gây bệnh ngoài đường tiêu hóa là ấu trùng giun đũa chó, giun đầu gai, sán dải heo, bò… Các bệnh lý này thường xảy ra ở các cơ quan như não gây u não, liệt, động kinh; ở mắt gây giảm thị lực, thậm chí mù; ở gan mật sẽ gây áp xe, tạo khối u ở gan, tắc ống mật chủ dẫn đến nhiễm trùng đường mật có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được bác sĩ can thiệp kịp thời.
“Giun là nguyên nhân hàng đầu gây sỏi mật ở nước ta trong khi ở nước ngoài là do cholesterol”, bác sĩ Tường chia sẻ. Ở trẻ em sẽ có các triệu chứng đặc trưng như: khóc đêm, nghiến răng, chậm lớn, bụng to, suy dinh dưỡng, ngứa hậu môn, mất tập trung, học kém…
Nhiễm giun, sán sẽ nguy hiểm một khi ấu trùng chui vào não, mắt, đường mật… gây ra những biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Vì vậy, cần phải tẩy xổ giun định kỳ 6 tháng/lần cho cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, với những loại giun sán khác như giun lươn, giun đũa chó, giun đầu gai, sán lá gan cần có sự can thiệp của bác sĩ.
Nếu người bệnh sau khi uống thuốc tẩy giun vẫn không thuyên giảm các triệu chứng thì cần đến bệnh viện để tầm soát giun sán, tránh uống thuốc tẩy giun quá liều dẫn đến viêm gan.
Theo bác sĩ Trần Thị Khánh Tường, cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, cắt ngắn móng tay, hạn chế cho trẻ em mút, ngậm đồ chơi, mang giày dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm. Cần thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa rau dưới vòi nước phun mạnh.
Theo Dân Trí
Gầy quá có phải do bệnh?
Tôi 22 tuổi mà người gầy quá, ăn uống tẩm bổ cũng không cải thiện là bao. Tôi hay chóng mặt, nhanh mệt mỏi, nói chung là yếu. Thưa bác sĩ, tôi nên khám chữa bệnh như thế nào? Nguyễn Kim Loan (Thanh Hóa)
Gầy yếu có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn bạn bị sơ nhiễm lao từ khi còn nhỏ nhưng không được điều trị, dẫn đến cơ thể bị gầy yếu. Do mặc cảm gầy yếu nên ở vào một trạng thái tâm lý bi quan, luôn bị stress do ức chế thần kinh nên khả năng ăn uống và đồng hóa thức ăn kém mà không lên cân được.
Trước mắt bạn nên thực hiện chế độ ăn uống đủ chất, ngày ít nhất 3 bữa (sáng, trưa, tối) gồm các chất đạm như: thịt, cá, trứng, sữa; chất đường: cơm cháo; các loại đậu đen, đậu nành, đậu xanh; chất béo như dầu thực vật, mỡ động vật; vitamin và khoáng chất có trong rau, củ, quả các loại...
Người gầy yếu cần tạo cho mình niềm lạc quan, yêu đời và thực hiện chế độ ăn uống đủ chất (ảnh minh họa)
Cần tạo cho mình niềm lạc quan, yêu đời. Tập thể dục đều đặn. Đảm bảo ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày; ngủ trưa thật đều từ 30 phút đến 1 tiếng. Không uống cà phê, nước chè để tránh mất ngủ. Sau một thời gian đã thực hiện như trên mà thể trạng không khá hơn thì cần đi khám để tìm nguyên nhân.
Một số bệnh làm cho cơ thể bị gầy yếu như: lao, bệnh tuyến giáp, bệnh tim, giun móc, thiếu máu nặng... Tùy theo bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể.
(Theo Sức khỏe & Đời sống)
Trẻ em và mối nguy hiểm từ giun sán Nhiễm giun, sán thường không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không phát hiện và điều trị sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt... Đó là chưa kể tình trạng sức đề kháng của cơ thể trẻ bị giảm, tạo điều kiện cho bệnh khác phát triển hay tình trạng tắc ruột, tắc ống mật do giun. Ai...