60 phút khẩn cấp cứu máy bay Vietnam Airlines bị xịt lốp
Nhận tin sự cố, ngành hàng không lập tức kích hoạt phương án khẩn nguy, không cho 10 máy bay gần Nội Bài hạ cánh; dưới mặt đất các máy bay chuẩn bị cất cánh được sơ tán, xe cứu thương, cứu hỏa túc trực đề phòng nguy cơ cháy nổ.
“Chúng tôi rất căng thẳng khi được thông báo máy bay bị xịt lốp. Nếu xử lý sai, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng nhớ lại thời điểm nhận tin về sự cố sáng 8/1 với máy bay Airbus A321 từ Đà Nẵng ra Hà Nội.
Chuyến bay thường lệ của Vietnam Airlines khởi hành từ Đà Nẵng lúc 8h59, trên máy bay Airbus A321 có 173 người, gồm 162 khách và phi hành đoàn, dự định hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc 9h57. Tổ lái gồm cơ trưởng người nước ngoài và hai phi công người Việt.
Bay được 30 phút tới địa phận Nghệ An, khi đang ở độ cao 8.850 m thì tổ bay phát hiện lốp ngoài bên trái bị xịt và yêu cầu trợ giúp khẩn nguy từ mặt đất.
“Các phương án khẩn nguy được kích hoạt. Toàn bộ lực lượng tại sân bay Nội Bài cũng như tại Đài kiểm soát không lưu được huy động. Xe cứu thương, cứu hỏa, lực lượng trải bọt trên đường hạ cất cánh sẵn sàng để phòng cháy nổ”, Cục trưởng Hàng không kể lại.
Kiểm tra lốp máy bay sau khi hạ cánh. Ảnh: Người Lao Động.
Lãnh đạo ngành hàng không đã tính đến việc máy bay tiếp đất bằng bụng và chuẩn bị phun bọt phòng cháy nổ. Song phương án này có thể gây trơn trượt khiến máy bay bị văng ra ngoài đường băng. Sau khi theo dõi, phi công cho biết, lốp gặp sự cố không bị nổ, vẫn còn hơi nên có thể tiếp đất được.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Đinh Việt Thắng nhận định, nếu mất một lốp máy bay vẫn có thể hạ cánh, nhưng phải xem xét vì có thể lốp hỏng tác động tới lốp còn lại.
Video đang HOT
Kiểm soát không lưu sau đó yêu cầu tổ bay bay vòng đến Hà Nam khoảng 15 phút để tiêu hao nhiên liệu và xả bớt dầu, giảm nguy cơ cháy nổ. Phi công được chỉ đạo hạ cánh thử trên đường bằng (không tiếp đất) để kiểm tra hệ thống càng trước khi quyết định phương án an toàn nhất.
Cùng lúc đó, 10 máy bay trong vùng tiếp cận sân bay Nội Bài để chuẩn bị hạ cánh, đã được chỉ đạo không tiếp đất. Các máy bay chuẩn bị cất cánh đều được đưa vào khu chờ để dành diện tích ưu tiên cho máy bay khẩn nguy.
Sau khi hạ cánh thử, hệ thống càng tàu bay được ghi nhận vẫn hoạt động tốt nên tổ điều hành quyết định cho máy bay tự hạ cánh. Kết quả, máy bay hạ xuống đường băng an toàn lúc 10h24, chậm 27 phút so với lịch trình.
“Chúng tôi ghi nhận cách xử lý của tổ lái rất bình tĩnh, chứng tỏ tâm lý rất vững. Các kiểm soát viên không lưu và tổ bay đã nhận định đúng tình huống”, ông Đinh Việt Thắng nhận xét.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chúc mừng phi hành đoàn điều khiển máy bay hạ cánh an toàn. Ảnh: Báo Giao thông.
Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Phan Xuân Đức chia sẻ, tùy từng trường hợp, hành khách trên máy bay được thông báo về sự cố để chuẩn bị tinh thần. Với trường hợp khẩn nguy, để tránh hoảng loạn phi hành đoàn chỉ thông tin máy bay phải bay vòng do sự cố không lưu. Sau khi hạ cánh an toàn, hành khách mới được thông tin đầy đủ về sự cố.
Đánh giá sự cố đe dọa an toàn bay mức C (mức A là cao nhất), Cục Hàng không đã thành lập tổ điều tra nguyên nhân. Nhận định ban đầu là máy bay bị xịt lốp do vật bên ngoài va chạm trên đường cất cánh tại sân bay Đà Nẵng.
Sáng 8/1, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã hủy cuộc họp tại Bộ để tới hiện trường chỉ đạo xử lý sự cố máy bay xịt lốp. Sau cuộc họp ngắn rút kinh nghiệm tại hiện trường, Bộ trưởng chúc mừng và cảm ơn kíp điều hành không lưu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho chuyến bay.
Đoàn Loan
Theo VNE
Lập tổ điều tra vụ máy bay của Vietnam Airlines bị rách lốp
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã cho biết như vậy vào chiều hôm nay, ngày 8/1.
Thông tin thêm về chuyến bay của Vietnam Airlines bị rách lốp, giảm áp suất lốp trên chuyến bay Đà Nẵng- Hà Nội vào sáng 8/1, ông Lại Xuân Thanh cho biết, chuyến bay cất cánh lúc 8h59 phút, đến 9h29 phút thì tổ bay thông báo bị mất áp suất lốp 1 của cụm càng bên trái tàu bay. Vì vậy, tổ lái đã yêu cầu phương án khẩn nguy.
Theo đó, toàn bộ hệ thống khẩn nguy của hàng không đã được kích hoạt như tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội (ACC Hà Nội), Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và hãng hàng không.
Ngoài ra, lực lược cứu hộ, cứu nạn, y tế của huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn và Sư đoàn 371 Bộ Quốc Phòng cũng đã được huy động.
Trong lịch sử ngành hàng không dân dụng đã ghi nhận nhiều trường hợp máy bay bị rơi lốp, hỏng lốp trong lúc bay (ảnh minh họa)
Nhóm kiểm soát viên không lưu tại ACC Nội Bài đã đánh giá, yêu cầu tổ bay cho bay thông trường (bay tầm thấp) và thực hiện xả dầu ở Hà Nam để có thể quan sát toàn bộ máy bay. Qua quan sát cho thấy, máy bay chỉ bị xì hơi ở bánh trái, cụm càng phía sau, không có hiện tượng vỡ lốp nên đã quyết định cho máy bay hạ cánh bình thường mà không cần phải phun bọt trên đường lăn (phương án khẩn nguy).
Đến 01h24 phút, máy bay đã hạ cánh, tiếp đất an toàn. Toàn bộ 162 hành khách trên máy bay đều an toàn.
"Cục Hàng không đã thành lập tổ điều tra nguyên nhân sự cố nói trên", ông Thanh thông tin.
Theo đánh giá của Cục Hàng không, hệ thống khẩn nguy đã được triển khai kịp thời theo đúng kế hoạch khẩn nguy của tất cả các lực lượng, đặc biệt công tác phối hợp giữa quản lý bay, nhà khai thác, sân bay và cơ trưởng của chuyến bay hết sức nhịp nhàng, giúp đưa ra những quyết định chính xác.
Theo nhận định sơ bộ ban đầu, Cục Hàng không cho rằng, có thể xuất hiện 2 tình huống dẫn đến lốp sau của máy bay A321 Vietnam Airlines bị rách. Thứ nhất, có thể do vật ngoại lai tác động trong lúc máy bay chạy đà trên đường lăn; thứ 2 có thể do lốp.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, Cục Hàng không cũng đã yêu cầu sân bay Đà Nẵng rà soát, kiểm tra lại toàn bộ đường lăn nhưng chưa phát hiện dấu hiệu bất thường. Máy móc của chiếc máy bay A321 cũng bình thường. Đến đầu giờ chiều, Vietnam Airlines cho biết, sau khi thay càng sau, chiếc máy bay có thể đưa vào khai thác trở lại bình thường. Còn tổ lái trên chuyến bay ngay sau đó cũng đã tiếp tục thực hiện 1 chuyến bay khác có hành trình Hà Nội - Đà Nẵng.
Ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết thêm, vào lúc chiếc máy bay A321 của Vietnam Airlines gặp sự cố, tại sân bay Nội Bài có khoảng 10 chiếc đang chờ. Tuy nhiên, tất cả đã được điều hành vào khu chờ, ưu tiên cho việc hạ cánh của chiếc máy bay gặp sự cố. "Xử lý của kiểm soát viên không lưu, của tổ lái rất tốt, mọi thao tác đều chuẩn chỉnh nên đã không xảy ra bất kỳ sai sót, sự cố nào", ông Thắng nhìn nhận.
Trong lịch sử hàng không dân dụng cũng đã từng ghi nhận nhiều trường hợp máy bay bị rơi lốp, máy bay bị hư hỏng lốp trong lúc bay phải tiếp đất bằng bụng hoặc bằng 1 bên.
Vào 6h sáng 8/1, VATM đã chính thức thực hiện thành công việc chuyển đổi khai thác giai đoạn 3 ACC Hà Nội, Trung tâm điều hành bay hiện đại bậc nhất tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Và, chuyến bay gặp sự cố của Vietnam Airlines sáng cùng ngày chính là chuyến bay "mở hàng" cho việc điều hành không lưu giai đoạn 3 của ACC Hà Nội. Theo VATM, với việc đưa vào khai thác giai đoạn 3, ACC Hà Nội có thể điều hành được 1 triệu chuyến bay/năm.
Theo_An ninh thủ đô
Máy bay Vietnam Airlines gặp sự cố vừa hạ cánh an toàn 10 giờ sáng nay, chuyến bay VN 162 của Vietnam Airlines từ Đà Nẵng đến Hà Nội gặp sự cố giảm áp đột ngột Ngay khi phi công nhận được thông báo có sự cố giảm áp suất đột ngột từ hệ thống máy bay A321, tất cả các thao tác xử lý được tuân theo quy trình một cách cực kỳ chuẩn...