60 năm sống biệt lập giữa đồng
Gần 60 năm nay, ông Lê Lập Đức (81 tuổi) sống biệt lập như “ người rừng” trong ngôi nhà xập xệ, nằm giữa một “ốc đảo” trên cánh đồng của xã Hưng Lợi ( H.Hưng Nguyên, Nghệ An).
Ông Đức sống trong căn nhà tạm bợ, biệt lập giữa cánh đồng, đã 60 năm – Ảnh: K.Hoan
Khi chúng tôi đến, ngôi nhà của người đàn ông này bốn bề ngập nước. “Dị nhân” Lê Lập Đức đang nằm còng queo trên giường trong căn nhà xiêu vẹo, không điện thoại, không ti vi, không đài, không điện đóm, không có sự hiện diện của bất cứ vật dụng nào mang “hơi thở” của cuộc sống hiện đại.
Trời đang buổi ban trưa, một phụ nữ vừa cầm quạt giấy quạt phần phật, cố “đuổi” cái nóng như thiêu như đốt, vừa nói với khách: “Tui là Trương Thị Quy, vợ ông Đức. Ông ấy năm ni đã 81 tuổi rồi. 4 năm trước, ông nhà tui bị ngã, bàn tay phải bị co rút lại thành tật, trí nhớ cũng giảm rõ rệt, đôi khi trở nên nghễnh ngãng và bây giờ đi lại khó khăn lắm!”.
Ông Đức ngồi trên giường nói câu được câu mất. Có những chuyện ông nhớ rõ, nhưng nhiều chuyện về cuộc đời, ông phải nhờ bà Quy đỡ lời. Bà Quy kể, quê bà ở xã Hưng Thịnh (H.Hưng Nguyên, Nghệ An), về làm vợ ông Đức và sống cùng ông ở nơi hoang địa này đã hơn 20 năm nay. Nguyên cớ khiến bà “phiêu dạt” ra đây, là do…duyên số.
“Ngoài 30 tuổi, tui được người ta mai mối đến với ông ấy. Khi đó, ông Đức sống một mình ở lùm tre ni, trong cái nhà nhỏ như cái lều. Tui đến, nhìn thấy mà phát hãi. Nhưng rồi khi nói chuyện, nghe ông ấy kể về cuộc sống lẻ loi, cô quạnh ở chốn hoang vu ni, nên tui thương, rồi tui đồng ý về làm vợ ông”, bà Quy chia sẻ.
Cuộc sống… 4 không
Sau khi về ở với ông Đức, bà Quy nghe ông kể nhiều chuyện về quá khứ rất đáng thương của ông. Bố ông Đức là địa chủ ở xã Hưng Thủy (nay là P.Bến Thủy, TP.Vinh, Nghệ An) có rất nhiều ruộng. Năm 1956, trong cải cách ruộng đất, bố ông bị mang ra đấu tố rồi chết, nhà bị tịch thu hết ruộng nương, của cải. Các con của ông chạy tứ xứ. Ông Đức và người chị gái lớn hơn ông 12 tuổi chạy ra cánh đồng, tìm mô đất dựng chòi để ở và khai hoang để sinh sống.
Lúc đó, khu đất này còn rất hoang vu, cách xóm làng khá xa. Ông Đức trồng tre quanh mô đất để làm thành lũy bao bọc, che chở cho nơi cư ngụ của hai chị em.
Cuộc sống của họ cứ lầm lũi trong khóm tre nơi hoang địa, không hàng xóm, không điện – nước, không hộ khẩu và gần như không giao du với thế giới bên ngoài. Đến khoảng năm 1990 thì người chị mất, ông Đức lúc đó đã gần 60 tuổi, sống đơn độc cho đến khi lấy bà Quy làm vợ.
Video đang HOT
4 năm sau khi nên duyên, vợ chồng bà có con. Sau sinh nở, không thể nuôi con trong cảnh hoang dã, bà bồng con về quê. Khi con gái gần 5 tuổi, bà mới đưa con quay về tiếp tục sống với chồng trong cái lều nằm giữa những gốc tre già này. Sau đó, cô con gái cũng được gửi về Hưng Thịnh quê bà để đi học. “Giờ con gái đã nghỉ học, mấy năm nay đang đi làm ở trên TP.Vinh, lâu lâu mới về thăm vợ chồng tui”, bà Quy cho biết.
Không hộ khẩu, hàng chục năm nay, gia đình bà Quy không thuộc địa phương nào quản lý. Cuộc sống của đôi vợ chồng “người rừng” này, theo bà Quy, bao năm qua, chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng khai hoang và hoàn toàn không có nước sinh hoạt. Họ phải đến xin ở đền Hoàng Mười cách đó chừng nửa cây số.
Bà Quy nói, nhà nuôi được ít gà, vịt nhưng ban đêm, toàn bị mấy thằng nghiện ma túy đến bắt trộm.
“Chúng nó lì lợm đến mức xông vào tận nơi để bắt gà vịt ngay trước mặt chúng tôi. Ở chốn hoang vu không hàng xóm này, không thể nhờ cậy ai bảo vệ mình nên vợ chồng tui đành ngồi bó gối nhìn chúng lộng hành”, bà Quy bức xúc. Đặc biệt, ở đây, hễ có lũ là nước ngập băng đồng. Đợt lũ nào nước cũng dồn lên tận nền nhà, có năm nước ngập giường, vợ chồng bà phải leo lên chiếc thuyền đã đóng sẵn để tránh lũ.
“Bao năm qua, thấy nơi này quá bất tiện và cô độc, tui nhiều lần khuyên chồng về quê, dựng nhà hoặc tìm một nơi khác để sống, nhưng ông ấy không chịu. Ông ấy nói, bà đi thì cứ đi, tui chỉ thích sống ở đây”, bà Quy kể.
Theo bà Quy, cả đời, ông Đức chỉ quanh quẩn trong lùm tre này và ngoài cánh đồng. Khi có việc thực sự quan trọng, ông Đức mới ra nơi đông người.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Kiện, Trưởng Công an xã Hưng Lợi cho biết, thấy vợ chồng Đức sống ở nơi cô quạnh ngoài đồng, ông đã nhiều lần đến thăm, thuyết phục họ rời hoang địa này để chuyển về xã Hưng Lợi sinh sống, nhưng bất thành. Do vợ chồng ông Đức sống không hộ khẩu, không chứng minh thư nên họ đều không được hưởng các quyền lợi liên quan.
“Có thể do ông ấy sống xa lánh cộng đồng đã quá lâu nên sinh ra mặc cảm và không còn muốn tiếp xúc với người khác”, ông Kiện lý giải.
Khánh Hoan
Theo Thanhnien
"Người rừng" Hồ Văn Lang cố gắng học chữ để... tìm vợ
"Buổi trưa đi làm về anh Lang lấy vở ra học chữ. Anh ấy học được bảng chữ cái rồi. Lúc tâm sự, anh Lang nói muốn lấy vợ, sinh con nên anh ấy cố gắng học chữ để tìm vợ"- em trai "người rừng" cho biết.
Sau hơn 2 năm được đưa về sống với cộng đồng cùng với cha là Hồ Văn Thanh, đến nay anh Hồ Văn Lang (SN 1968) hòa nhập khá tốt với cuộc sống mới, anh đã biết xem ti vi, lên rẫy trồng cây, cấy lúa... giúp bà con trong làng khi họ nhờ. Đặc biệt, anh Lang còn biết để ý con gái và muốn có vợ, có con.
PV báo Người đưa tin ghé thăm căn nhà của cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang (thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) vào rạng sáng 21/7, một buổi sáng mờ ảo trong làn sương trắng buốt sau cơn mưa rừng. Trong căn nhà cấp 4 được các đoàn thể, tổ chức xây tặng, "người rừng" Hồ Văn Thanh đang ngồi co ro trên chiếc giường xem ti vi... vì đứa con gắn bó trong rừng hơn 40 năm của mình, anh Hồ Văn Lang, cùng những người hàng xóm đi làm ruộng từ sáng sớm.
Theo chân anh Hồ Văn Tri (em trai anh Hồ Văn Lang), PV đến tìm anh Lang ở cánh đồng đầu thôn. Đôi tay thoăn thoắt, anh Lang cuốc đất làm ruộng như một người nông dân thực thụ. Nhìn thấy PV, anh Lang nhoẻn miệng cười. Dường như sau 2 năm, một "người rừng" sợ sệt mỗi khi thấy người lạ đã biến mất.
Điều đó phần nào chứng minh cho lời kể của anh Tri: "Lúc trước anh Lang chỉ thích đi núi không dám xuống ruộng vì anh ấy bảo xuống ruộng dơ lắm còn bây giờ thì làm rất giỏi. Vụ vừa rồi sào ruộng của anh ấy gặt được mấy tạ lúa đó. Anh ấy còn biết đến nhà hàng xóm chơi và trò chuyện nữa".
Tranh thủ thời gian nghỉ giải lao, anh Lang cùng những người hàng xóm lên bờ uống nước, nhai trầu. Anh Lang vui vẻ trò chuyện cùng bạn làm, lâu lâu, anh còn đọc thầm "a, o, ô, ơ..."- những chữ cái mà anh học được. Khi được PV hỏi có còn thích ở trong rừng không, anh Hồ Văn Lang cười cười rồi lắc đầu, hỏi lý do thì được anh nói lí nhí trong miệng.
Anh Lang chưa nói được tiếng Kinh, nên PV nhờ anh Tri "phiên dịch": "Thôi, không thích sống trong rừng nữa đâu. Không thích nữa. Ở đây rất vui, rất hạnh phúc. Có cơm ăn còn được nói chuyện với mọi người".
Cũng theo anh Tri, anh Lang đã biết để ý con gái. Thời gian gần đây, anh Lang còn nhờ cháu gái (con gái anh Tri) dạy cho mình tiếng Kinh. "Buổi trưa đi làm về anh Lang lấy vở, viết ra học chữ. Anh ấy học được bảng chữ cái rồi. Trong những lúc anh em tâm sự, thì anh Lang nói muốn lấy vợ, rồi sinh con. Nên anh ấy cố gắng học chữ để tìm vợ", anh Tri nói.
Trong khi anh Hồ Văn Lang hòa nhập rất tốt với cuộc sống mới thì ông Hồ Văn Thanh nhất quyết không chịu ra ngoài, cứ ở mãi trong nhà và không nói chuyện với ai. Những vật dụng từ lúc làm "người rừng" được ông cất gọn gàng ở đầu giường nơi mình ngủ - có lẽ đó là những ký ức không thể nào quên với cha con ông Thanh, vốn đã sống biền biệt hơn 40 năm trong rừng sâu...
"Người rừng" đã dần dần hòa nhập với cộng đồng
Anh Hồ Văn Lang đã quen với công việc đồng áng
"Người rừng" ăn trầu lúc nghỉ giải lao
Vui vẻ trò chuyện cùng hàng xóm bên giếng nước công cộng
Tranh thủ buổi trưa anh Lang học chữ Kinh
Anh Hồ Văn Tri (em trai của anh Lang) cho biết, anh Lang rất thích xem tivi
Ông Hồ Văn Thanh ngồi co ro bên con trai
Dương Kha
Theo_Người Đưa Tin
Bé gái mắc bệnh lạ mọc lông chi chít trên cơ thể Không chỉ mọc lông rậm rì từ bẹn đến ngực, khắp người bé Hà Thị Mai cũng nổi cũng đám da màu đen và có xu hướng ngày càng nhiều. Bộ phận sinh dục của bé cũng dị dạng nhưng bố mẹ quá nghèo không thể đưa em xuống tỉnh để khám và chữa trị. 5 tuổi, bé Hà Thị Mai (bản Bắc...