6 vòm đá trăm tuổi ở Hà Nội sẽ được đục thông làm không gian đi bộ
Quận Hoàn Kiếm dự kiến đến tháng 9.2018, sẽ cải tạo thí điểm 6 vòm cầu/131 vòm đường sắt từ đầu phố Phùng Hưng đến ga Long Biên để làm không gian đi bộ.
Chiều 6.6, trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long thông tin, dự kiến trong tháng 9.2018 cơ quan chức năng sẽ tiến hành cải tạo thí điểm 6/131 vòm đá (đoạn từ phố Hàng Cót đến phố Hàng Giấy) dựa trên cơ sở kết quả khảo sát đánh giá hiện trạng ban đầu sau khi UBND quận phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị tư vấn.
Quận Hoàn Kiếm dự kiến đến tháng 9.2018, sẽ cải tạo thí điểm 6 vòm cầu/131 vòm đường sắt từ đầu phố Phùng Hưng đến ga Long Biên. Ảnh: Việt Linh/Dân Việt
Ông Long cho biết, hiện cơ quan chức năng đang lên các phương án tính toán và chờ phê duyệt chốt kinh phí. 131 vòm đá dưới cầu đường sắt dưới cầu Long Biên là những di sản đô thị cần phải được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch của thành phố.
Việc đục thông vòm cầu sẽ không ảnh hưởng đến các bức bích họa bởi dự án Bích họa trên phố Phùng Hưng là một phần của không gian nghệ thuật sau khi đoạn vỉa hè vòm cầu được chỉnh trang, sửa chữa
Được biết, sau khi đục thông, các vòm cầu sẽ biến thành không gian phố sách, quán cà phê sách, khu vực phục vụ các hoạt động nghệ thuật, hội họa…
Trước đó, trong tháng 8 và 9.2017, TP.Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thống nhất chủ trương nghiên cứu phát huy giá trị đô thị các vòm đá dẫn lên cầu Long Biên.
Đến tháng 10.2017, Bộ GTVT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản thống nhất với chủ trương nghiên cứu phát huy giá trị di sản đô thị cầu Long Biên và các vòm đá dưới cầu dẫn lên cầu Long Biên mà UBND TP Hà Nội đề xuất.
Sau đó, UBND TP.Hà Nội giao nhiệm vụ cho quận Hoàn Kiếm tổ chức phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai theo quy định.
Đến nay, quận Hoàn Kiếm đang chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị tư vấn khảo sát đánh giá hiện trạng 131 vòm cầu dẫn lên cầu Long Biên.
Trong thời gian chưa cải tạo các vòm cầu, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Quỹ giao lưu văn hóa quốc tế Hàn Quốc và Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc vẽ tranh bích họa tại bề mặt 19 vòm cầu, đoạn từ ngã ba Lê Văn Linh – Phùng Hưng đến hàng Cót.
Video đang HOT
Theo Danviet
Nhịp sống quanh cây cầu đường sắt trăm tuổi ở Hà Nội
Nhịp sống quen thuộc quanh cầu đường sắt nối phố Phùng Hưng với ga Long Biên sẽ có nhiều thay đổi khi thành phố Hà Nội cho đục thông các ô vòm bịt kín tồn tại đã nhiều năm.
Cầu đường sắt nối từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên được người Pháp xây dựng hơn một trăm năm trước tạo thành đoạn đường tàu hoả cao ngang một tầng nhà, chạy len lỏi trong khu phố cổ Hà Nội.
Ban đầu, dưới cầu là 131 ô vòm giữa các cột đá. Nhiều người đánh giá các ô vòm vừa tạo kiến trúc đẹp mắt cho cây cầu, vừa thuận tiện đi lại.
Hơn 10 năm trước, thành phố xây bịt hầu hết các ô vòm do gầm cầu trở thành điểm tụ tập của nhiều thành phần gây mất an ninh, trật tự, cũng để hạn chế rung lắc ,tiếng ồn mỗi khi tàu đi qua.
Sau nhiều năm tồn tại, tới đây, thành phố sẽ cho đục thông các ô vòm đã xây bịt, dẫn tới những thay đổi cuộc sống của nhiều cư dân xung quanh.
Trong ảnh là nhà chị Thanh Hương ở ngõ Hàng Hương, ngay dưới cầu đường sắt. Phần tường nhà chính là cột trụ và ô vòm của cầu. Chị Hương cho biết gia đình sinh sống ở đây đã nhiều năm, nhà chật chội, ẩm thấp, nhiều chỗ phải kê dọn tạm bợ.
Nhà luôn trong tình trạng ẩm mốc, thậm chí phải bố trí máng nước trong nhà để hứng nước mưa từ trên mặt cầu đường sắt chảy xuống. Chị Hương cho biết, sống trong ngôi nhà tạm bợ đã nhiều năm nhưng không thể sửa vì liên quan đến hành lang an toàn đường sắt.
Tương tự, ngôi nhà hàng xóm của chị Hương cũng trong tình trạng chật chội, chắp vá.
Môi trường ẩm thấp khiến rắn rết, chuột bọ xuất hiện nhiều trong khu nhà.
Không những vậy, khu nhà chị Hương còn phải canh cánh nỗi lo an ninh trật tự do các thành phần bất hảo hay xuất hiện phía trên mặt cầu đường sắt. Gia đình chị Hương phải làm lưới sắt để hạn chế khả năng các đối tượng xấu đột nhập xuống nhà.
Ở đoạn cầu từ phố Hàng Lược đến ga Long Biên, dưới các ô vòm bịt kín là các ki-ốt kinh doanh tồn tại cũng đã nhiều năm.
Đường tàu hoả phía trên, bên dưới là các ki-ốt buôn bán nhộn nhịp. Tới đây, điện mạo những đoạn ki-ốt này sẽ thay đổi khi các ô vòm được đục thông.
Góc nhìn cho thấy dãy ki-ốt áp sát gầm cầu đường sắt, đối diện là nhà cửa khu phố cổ Hà Nội.
Đoạn đầu phố Phùng Hưng, các dãy nhà hai bên đường tàu hoả cũng tạo cảnh sống đặc biệt.
Nhịp sống ở khu dân cư sát đường tàu hoả khá nổi tiếng ở Hà Nội.
Lối ra vào khu dân cư phải băng qua đường tàu hoả.
Nhà cửa sát đường tàu, thậm chí nhà một bên, công trình phụ một bên khiến nhiều ý kiến cho rằng nơi đây không an toàn. Tuy nhiên, do không thuộc đoạn cầu đường sắt có các ô vòm bịt thông, không rõ đoạn khu dân cư sát đường tàu này có được điều chỉnh, cải tạo trong thời gian tới hay không.
Quý Đoàn
Theo Dantri
Cuộc sống ở 'phố gầm cầu trăm tuổi' Hà Nội Hà Nội dự kiến đục thông 127 vòm cầu bị bịt kín và điều này sẽ khiến nhịp sống nơi đây thay đổi. Các ô gầm cầu đường sắt bắt đầu từ phố Phùng Hưng đến hết phố Gầm Cầu (giáp với ga Long Biên) dài khoảng một km, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trên tuyến giao thông này, hơn 10 năm...