6 triệu hay 70 triệu, chi tiêu bao nhiêu cho dịp Tết Nguyên đán là đủ?
Tết Nguyên đán 2020 đã cận kề, trên những diễn đàn, hội nhóm của phụ nữ, các chị em lại xôn xao bàn tán về chi tiêu, mua sắm Tết thế nào cho hợp lý.
Tùy điều kiện từng gia đình, có thể chi tiêu từ 2 – 5 triệu, thậm chí cả vài chục đến hàng trăm triệu cho một gia đình trong những ngày Tết.
Thực tế cho thấy, không có một con số cụ thể nào cho việc chi tiêu Tết được xem là hợp lý mà tuỳ vào điều kiện kinh tế và nhu cầu của từng gia đình cụ thể. Thế nên, việc một bà mẹ đơn thân chia sẻ dự tính chi tiêu đến hơn 70 triệu đồng cho dịp Tết cũng không gây “sốc” cho cộng đồng mạng.
Theo mẹ đơn thân này, các khoản chị sẽ chi tiêu cho dịp Tết bao gồm: 20 triệu tiền mua đồ gia dụng trong nhà 20 triệu tiền mua thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả, đồ ăn trong những ngày Tết 10 triệu quà biếu Tết 5 triệu tiền mừng tuổi 20 triệu tiền mua cây đào, quất, hoa và các đồ trang trí nhà cửa. Tính ra, tiền chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán của chị vào khoảng 75 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo đa số chị em chia sẻ thì mức chi tiêu ngày Tết vào khoảng 10 – 20 triệu đồng. Ngoài chi phí đi lại về quê nội ngoại, chi phí mua sắm quần áo, vật dụng, trang trí nhà cửa vào khoảng 5 triệu, chi phí mua thực phẩm, đồ ăn 5 triệu, và chi phí mua quà biếu/tặng, mừng tuổi khoảng 5 triệu.
Chi tiêu bao nhiêu cho dịp Tết Nguyên đán là đủ?
Mặt khác, cũng có nhiều chị em chia sẻ chỉ dự tính tiêu từ 2 – 5 triệu cho những ngày Tết, đã bao gồm cả việc sắm sửa đồ trang trí nhà cửa, mua thực phẩm dự trữ, quà biếu hai bên nội ngoại và tiền lì xì trẻ con, người lớn tuổi.
Theo tính toán của chị Nguyễn Lan (Đê La Thành, Hà Nội), chi phí dành cho Tết Nguyên đán của gia đình 2 người lớn 1 trẻ em nhà chị chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng. Về thực phẩm, chị mua 200 ngàn đồng bánh chưng (50 ngàn/cái x 4 cái); 500 ngàn đồng/2 con gà (1 con cúng giao thừa, 1 con cúng ngày hóa vàng); 300 ngàn đồng thịt, xương lợn; 150 ngàn đồng 1 kg giò; 200 ngàn đồng măng miến; 250 ngàn đồng tiền mộc nhĩ, hành, rau thơm, rau nấu canh, dầu ăn, nước mắm, mì chính, bột canh; 200 ngàn đồng tiền hoa quả bày biện bàn thờ. Tổng chi phí mục này là 1,8 triệu đồng.
Theo chị Lan, nhà chị diện tích khá bé nên chỉ mua một cành đào và một cây quất cảnh khoảng 150 – 200 ngàn mỗi loại. Chi phí mua đào, quất trang trí nhà cửa cao nhất là 400 ngàn đồng. Ngoài ra, chị dành 500 ngàn đồng mua quần áo mới cho con và 500 ngàn đồng mua bánh kẹo, hướng dương, ô mai đãi khách đến chơi nhà. Như vậy, tổng số tiền phải chi cho các khoản trong gia đình vào khoảng 3,2 triệu đồng.
Video đang HOT
Về quà biếu hai bên nội ngoại, chị Lan cho biết: “Nếu có điều kiện kinh tế khá giả thì việc mua đồ gì, biếu bao nhiêu tiền cho bố mẹ hai bên rất dễ dàng. Nhưng với những người kinh tế không dư dả thì lại khác, bắt buộc phải tính toán trong khả năng của mình”. Theo đó, chị Lan dự tính dành 1 triệu đồng mua quà biếu ông bà hai bên, mỗi bên 1 giỏ quà gồm 1 chai rượu, 2 hộp bánh, 1 hộp mứt và 1 hộp trà.
Về tiền mừng tuổi, chị Lan dự tính mừng tuổi bố mẹ 2 bên 400 ngàn đồng (100 ngàn đồng x 4 người), tiền mừng tuổi các cháu nhỏ 800 ngàn đồng (đổi ra các tờ 10 ngàn, 20 ngàn và một ít tờ 50 ngàn). Nếu có phát sinh thì chị “mượn tạm” tiền mừng tuổi của con để “luân phiên”. Ngoài ra, tiền đi lễ chùa đầu năm khoảng 200 ngàn đồng. Như vậy, tổng chi phí tiêu Tết gia đình 3 người nhà chị Lan khoảng 5,6 triệu đồng.
Chị Lan chia sẻ: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mức lương của tôi là 5 triệu đồng/tháng, thưởng Tết cao nhất cũng chỉ được thêm một tháng lương, nên tôi phải chọn cách chi tiêu hợp lý nhất để Tết vẫn đủ, vẫn đầy, vẫn vui mà không tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình”.
Theo danviet.vn
Hà Tĩnh: Đào Tết bung nở rực rỡ, người trồng lo sốt vó
Còn nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng những ngày gần đây, thời tiết tại Hà Tĩnh nắng nóng đột ngột khiến nụ đào phát triển nhanh, có vườn hoa đã bung nở rực rỡ.
Trời càng nắng ấm, người trồng đào càng lo lắng đứng ngồi không yên, tìm mọi cách để hãm không cho đào nở sớm.
Còn gần nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2020 nhưng thời điểm này, tại các làng đào có tiếng ở Hà Tĩnh như Bắc Sơn, Thạch Vĩnh (huyện Thạch Hà), Cẩm Hưng (huyện Cẩm Xuyên) hay Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân), Thạch Quý (TP Hà Tĩnh), Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh)..., khách đã ra vào nhộn nhịp. Khách buôn đã đặt hàng chỉ còn chờ những ngày giáp tết là đưa xuống phố bán.
Nắng ấm, nhiều gốc đào đã bung nở. Ảnh: N. Duyên.
Nhưng những ngày này thời tiết nắng ấm khiến hoa đào phát triển nhanh và nhiều cây đã bung nở gần hết khiến người trồng đào không khỏi lo âu. Nhà vườn đang bằng mọi cách hãm để đào nở chậm lại.
Theo kinh nghiệm của những hộ trồng đào lâu năm tại Hà Tĩnh, khoảng cuối tháng 11 (âm lịch), những vườn đào bắt đầu được tuốt lá để cây đào đơm nụ. Sau khi cây có nụ, thời tiết chuyển rét, giúp kìm hãm sự phát triển nụ hoa. Nếu cận tết có nắng, hoa sẽ nở đúng thời điểm tết, sẽ bán được giá tốt hơn. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thất thường, những ngày này nhiều cây đào đã nở hoa, có những cây đã nở rộ.
Người trồng đào lo lắng khi tết chưa đến mà hoa đào đã bung nở, nguy cơ thất thu. Ảnh: N. Duyên.
Ông Hà Văn Bình, trú tại thôn Bắc Xuân, xã Lưu Vĩnh Sơn là hộ trồng nhiều đào nhất tại địa phương. Năm nay, gia đình ông có 300 gốc đào dự định xuất bán vào dịp tết. Nhưng những ngày này, một số cây đào của gia đình đã bung nở nên gia đình ông phải tìm cách hãm cho hoa nở chậm lại.
Từ đầu tháng 12 âm lịch, nhiều vườn đào hoa đã bung nở khiến bà con lo lắng. Ảnh: N. Duyên.
Ông Bình chia sẻ với PV Dân việt: Còn 15 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng cả tuần nay nắng nóng liên tục nên hoa nở khá nhiều, có những cây hoa đã bung nở hết. Những ngày này gia đình tôi đang đào chắn rễ để hãm không cho hoa nở rộ. Hiện vườn nhà tôi đã có 40 cây nở hoa sớm, coi như thất thu. Nếu thời tiết còn tiếp tục nắng ấm thì nhiều cây cũng sẽ tiếp tục nở.
Người trồng đào lo lắng khi đào nở sớm do thời tiết nắng ấm. Ảnh: N. Duyên.
"Năm ngoái, gia đình tôi bán 200 gốc đào thu về 240 triệu đồng. Năm nay, giá đào có cao hơn năm ngoái, nhưng với kiểu thời tiết như thế này thì tôi rất lo, nguy cơ thất thu rất lớn. Mấy hôm nay, chúng tôi đang tập trung đào gốc, xẵn rễ để hãm hoa nở chậm lại" - ông Bình lo lắng chia sẻ.
Những gốc đào to, thế đẹp có giá trị nhất vườn đã nở hoa từ đầu tháng 12 âm lịch. Ảnh: N. Duyên.
Còn ông Phan Xuân Thủy, thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên cho hay: Như thường năm, thời điểm này là mưa rét nên sau khi tuốt lá, cây đào sẽ đâm chồi, nụ. Đến gần tết, nắng ấm sẽ thúc những nụ hoa phát triển và nở đúng dịp tết. Nhưng năm nay, thời tiết nắng ấm hơn nên đào nở sớm hơn. Nếu trời tiếp tục nắng nóng thì năm nay người trồng đào chúng tôi sẽ không có đào bán tết.
Những nhà vườn trồng đào đang bó cây, xắn rễ để hãm hoa đào nở rộ Ảnh: N. Duyên.
Những ngày này, tại các nhà vườn, khách đã đến xem và chọn cây khá đông. Khách hàng thích cây nào sẽ được chủ vườn đánh dấu và đặt tiền cọc, khách hẹn ngày đến lấy. Có những vườn đào khách buôn lấy hơn một nửa vườn để bán.
Để hãm hoa nở rộ trước tết, người trồng đào phải đào đất xung quang gốc cây, xắn rễ. Ảnh: N. Duyên.
"Trồng đào phải canh thời tiết để có cách chăm sóc phù hợp để hoa nở rộ đúng dịp tết. Những năm trước thời tiết các năm tương đối giống nhau nên làm dễ ăn hơn. Mấy năm trở lại đây, thời tiết thất thường nên trời cho ăn thì được ăn mà không thì cả năm coi như làm công không" - ông Bình than thở.
Theo Danviet
Niềm vui trên những chuyến xe đoàn viên Những ngày này, các cơ sở GD, trường học ngoài gấp rút cho hoạt động tổng kết học kỳ I còn bận rộn với kế hoạch tổ chức Tết cho sinh viên xa nhà, đưa sinh viên về quê ăn Tết. Những chuyến xe đoàn viên lăn bánh đem theo niềm vui, ước vọng trên khắp mọi miền Tổ quốc. Chương trình Chuyến...