6 tội danh mới thay thế tội “cố ý làm trái” không có án tử hình
Thống nhất quan điểm bỏ tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi trình UB Thường vụ Quốc hội sáng nay, 16/10, đã thay bằng 6 tội danh mới, đều giới hạn khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù.
UB Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội phương án bỏ tội “cố ý làm trái” trong BLHS.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật sau khi lấy ý kiến nhân dân, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, để cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng, việc bỏ Điều 165 (quy định tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và thay thế tội danh này bằng các tội cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý kinh tế là cần thiết.
Cụ thể Điều 165 được thay thế bằng 6 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; kế toán; quản lý thuế; xây dựng.
Video đang HOT
Với các tội danh mới này, khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm với các hành vi phạm tội gây thiệt hại về tài sản của nhà nước có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.
Về vấn đề “miễn” án tử hình với người cao tuổi, cơ quan thẩm tra, chỉnh lý dự thảo Bộ luật vẫn chưa thống nhất quan điểm, tiếp tục đưa ra 2 phương án trình Quốc hội kỳ họp tới quyết định vấn đề này.
Phương án 1, dự thảo Bộ luật sửa đổi quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên. Phương án 2 là không quy định vấn đề này.
Nhận xét UB Tư pháp quá thận trọng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ luật sửa đổi) phân tích: “Đến giờ vẫn đưa phương án, chỉnh lý rất khó trong khi quan điểm không áp dụng tử hình với người 75 tuổi tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình rồi vì tuổi cao như thế, có sống thọ lắm cũng chỉ hơn 100 tuổi, mà không tử hình thì cũng ngồi tù chung thân, ngần ấy thời gian cuối đời là đủ trừng phạt, răn đe”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ quan điểm, nội dung nào đã lấy ý kiến nhân dân thì cố gắng chỉnh lại theo ý kiến đa số nhân dân và chỉ để một phương án khi trình ra Quốc hội.
Giảm phạt tử hình càng nhiều càng tốt
Đại diện TAND tối cao đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận lần chót trước khi trình Bộ luật sửa đổi để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Vấn đề bỏ án tử hình ở nhiều tội danh, kết quả lấy ý kiến nhân dân cho thấy đa số người dân tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh như dự thảo trình Quốc hội.
Một số ý kiến đề nghị bỏ hình phạt tử hình thêm 3 tội khác: tham ô; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
UB Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng, bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh: cướp tài sản; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây vận chuyển ma túy hoặc vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Góp ý về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khuyến cáo “giảm tử hình càng nhiều càng tốt” vì không tử hình thì phạt tù chung thân không giảm án hoặc 30 năm mới giảm án cũng là nghiêm rồi.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị có thể bỏ án tử hình thêm một số tội danh khác nữa. Tuy nhiên với các tội chống loài người và tội phạm chiến tranh thì không nên bỏ.
Nhưng tội tham ô thì vẫn giữ hình phạt tử hình kèm điều kiện, nếu người tham ô mà hoàn trả lại số tiền đó mà có hành vi tích cực khai báo, lập công lớn thì có thể không áp dụng hình phạt tử hình.
P.Thảo
Theo Dantri