6 thủy điện trên sông Hồng nằm ngoài quy hoạch!
Trong khi Bộ Xây dựng và một bố bộ ngành khác khẳng định, đề xuất xây dựng 6 nhà máy thủy điện quy mô nhỏ trên sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện, Ninh Bình chưa có trong quy hoạch. Một số chuyên gia hàng đầu về thủy lợi cũng lo ngại việc này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến lưu vực sông này.
Bày tỏ quan điểm về chủ trương Dự giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức Hợp đồng BOO của Công ty TNHH Xuân Thiện, Bộ NN&PTNT cho rằng, phải làm rõ tác động của dự án đến ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, bồi lắng trước công trình, xói sau công trình, an toàn hệ thống đê điều, tiêu thoát nước, lấy nước của hệ thống công trình thủy lợi hai bên bờ sông; tác động đến mất cân bằng bùn cát vùng hạ du do lượng bùn cát giữ lại khi có công trình; tác động đến mất đất nông nghiệp, đất rừng, di dân tái định cư khi xây dựng công trình. Ngoài ra, dự án còn phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông, quy hoạch phát triển điện lực.
Còn đại diện Bộ Xây dựng cho biết, các nhà máy thủy điện thuộc Dự án dự kiến đầu tư chưa có trong Quy hoạch phát triển diện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủy điện trên sông Hồng không có trong quy hoạch
Bên cạnh đó, việc xây đựng đập dâng nước và âu tàu kết họp nhà máy thủy điện có nhiều tác động đến môi trường, dòng chảy, hệ sinh thái bên bờ sông Hồng, ảnh hưởng trực tiếp đến thủy lợi, tiêu thoát lũ… Vì vậy, cần đề ra các phương án giải quyết những phát sinh thực tế, đảm bảo quyền lọi cho địa phương trong phạm vi dự án và quyền lợi của nhà đầu tư.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá, phạm vi và quy mô dự án rất lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và các địa phương. Tuy nhiên, do dự án chưa có trong các quy hoạch chuyên ngành liên quan như: điều chỉnh bổ sung quy hoạch giao thông vận tải đường thủy nội địa, quy hoạch thủy lợi, tiêu thoát lũ, sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng, quy hoạch phòng chống lũ và đê điều, nhu cầu sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất, các dự án thủy điện chưa được phê duyệt quy hoạch bậc thang phát triến thủy điện trên sông Hồng.
Vì vậy, đề nghị chủ đầu tư cần hoàn thiện hồ sơ bổ sung, hiệu chỉnh quy hoạch ngành có liên quan và trình cấp có thẩm quyền xem xét khả năng bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành theo quy định.
Trong khi đó, các chuyên gia thủy lợi hàng đầu Việt Nam cũng cho rằng, cần thật cẩn trọng và không nên “động” vào sông Hồng.
Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, GS. TS Vũ Trọng Hồng bày tỏ, tôi cho rằng nếu động vào sông Hồng, nhiều vấn đề quan trọng chưa chắc các nhà khoa học đã tính được. Trước đây, để tính những diễn biến của dòng sông cổ này khi làm thủy điện Hòa Bình, người ta đã phải lập chương trình để chạy, xem thử việc làm thủy điện Hòa Bình thì dòng sông Hồng có bị thay đổi độ dốc không.
Video đang HOT
Đến khi có kết luận độ dốc không thay đổi mới làm nhưng bây giờ thì sông Hồng đã dốc rồi. Bộ NN&PTNT đã lên tiếng lòng sông tụt xuống 1m .
Như vậy, nếu chúng ta làm tiếp mấy cái đập nữa, lòng sông sẽ tụt xuống bao nhiêu? Khi lòng sông tụt xuống, hai bên bờ bị phá, cửa sông bị phá, nước biển xâm lấn vào thì xâm nhập mặn sẽ tác động tới cả vùng đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định, hậu quả là khôn lường.
“Tôi cho rằng đừng đặt câu hỏi về cái lợi hôm nay mà phải đặt những câu hỏi về cái mất để tính cho cả trăm năm sau.
Bài học đã có rồi, đó là khi Trung Quốc làm thủy điện ở thượng nguồn thì chúng ta đã khổ vì phụ thuộc nguồn nước rồi. Nếu bây giờ chính chúng ta lại làm thủy điện, chắc khó lường được các hậu quả xảy ra”, GS Vũ Trọng Hồng cho biết.
Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam Phạm Hồng Giang cũng cho rằng, việc làm các đập thủy điện trên sông Hồng sẽ gây ngập lụt diện rộng, bài toán này cần được tính đến. Đặc biệt, nếu xây đến 6 nhà máy thủy điện thì lượng phù sa về đồng bằng sông Hồng sẽ cạn kiệt.
Theo_An ninh thủ đô
Thủy điện giữ nước, hạ du khát: Làm sai lệnh Thủ tướng
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk My thừa nhận Thủy điện ĐăkMy 4 đã ăn gian, không xả nước đúng quy trình
Theo dự báo, đầu mùa khô năm nay, mực nước các hồ thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đều thấp hơn mực nước dâng tối thiểu được quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa. Đặc biệt, đối với Thủy điện A Vương từ cuối năm 2015, thiếu hơn 18 m nước so với mực nước dâng bình thường.
Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã phải tách Thủy điện A Vương ra khỏi thị trường bán điện để tích nước từ ngày 8.12.2015.
Tuy nhiên đến thời điểm này, Thủy điện A Vương vẫn còn thiếu cả trăm triệu m3 nước. Lưu lượng dòng chảy trung bình về các hồ thủy điện Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Đắk Mi 4 cũng suy giảm nghiêm trọng.
Trong khi nguồn nước khan hiếm thì Thủy điện Đăk My 4 chỉ biết lo cho lợi ích của mình mà không trả nước về hạ du đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn khiến hạ du thiếu nước.
Thân đập Thủy điện Đăk My 4.
Như VOV đã nhiều lần phản ánh, Nhà máy thủy điện ĐăkMi4 được thiết kế chuyển toàn bộ nước từ sông ĐăkMi qua sông Thu Bồn để tối ưu hóa lợi ích phát điện mà không trả nước về sông Vu Gia đúng với dòng chảy tự nhiên. Từ đây làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của hơn 1,7 triệu dân vùng hạ du sông Vu Gia, đặc biệt là nước sinh hoạt cho gần 1 triệu dân thành phố Đà Nẵng.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, xâm nhập mặn... ngày càng nghiêm trọng, nhất là trong mùa khô.
Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Đà Nẵng cho biết: từ đầu năm đến nay tất cả các sông của Đà Nẵng đều bị nhiễm mặn: "Đến nay đã có 24 ngày nhiễm mặn. Làm ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt và ảnh hưởng đến gần 800 ha đất nông nghiệp của thành phố Đà Nẵng. Qua kiểm tra quy trình vận hành chúng tôi thấy một số thủy điện trên thượng nguồn chưa vận hành theo đúng quy trình vận hành. Trong đó đặc biệt là thủy điện Đăk My 4 một số tháng vừa qua, lượng nước xả về qua cống xả sau về phía sông Vu Gia, về phía Đà Nẵng chưa đáp ứng được theo quy trình".
Ông Đinh Hữu Tấn - TGĐ Công ty Thủy điện Đăk My thừa nhận có ăn gian khi xả nước về hạ du.
Những năm trước đây, chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nhiều lần phản đối, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ giải quyết tình trạng này.
Tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Theo đó, yêu cầu Thủy điện Đăk My 4 phải vận hành xả nước về hạ lưu sông Vu Gia. Quy trình này cũng quy định cụ thể, khi mực nước tại trạm Thủy văn Ái Nghĩa ở mức bao nhiêu thì thủy điện Đăk My4 phải xả nước với lưu lượng tương ứng. Tuy nhiên, Thủy điện Đăk My 4 đã vi phạm quy trình này khiến thành phố Đà Nẵng ở hạ du sông Vu Gia liên tục nhiễm mặn.
Ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk My thừa nhận Thủy điện ĐăkMy 4 đã ăn gian, không xả nước đúng quy trình. Bởi theo ông Tấn, xả nước trả lại sông Vu Gia đồng nghĩa với nhà máy xả nước ra biển mà không lấy được tiền!!!. Ông Đinh Hữu Tấn cho biết, Nhà máy Thủy điện Đăk My 4 xả nước theo mực nước tại trạm Thủy văn Ái Nghĩa mà mực nước ở đó lên xuống bất thường, nên Đà Nẵng phải thông cảm là việc trả nước về cho thành phố rất khó khăn.
Ông Đinh Hữu Tấn cho biết, khi Thủy điện A Vương và Sông Bung 4 dừng chạy máy thì Đăk My 4 vẫn phải trả nên phải cân đối ở mức độ tương đối: "Chúng tôi tuân thủ hàng ngày nhưng rõ ràng là có ăn gian một tý. Ví dụ như là đáng lý xả 5m3/s thì chỉ xả 3m3/s hay như là đáng lý xả 8 thì chúng tôi chỉ xả 5. Bởi vì A Vương với Sông Bung mà không chạy máy thì rõ ràng chúng tôi phải dốc hết nước về cho Ái Nghĩa. Thế cho nên rõ ràng đối với nhánh Vu Gia về Đà Nẵng thì phải thông cảm một phần cho chúng tôi. Bởi vì chúng tôi xả là xả nước ra là nước ra biển, không lấy được tiền".
Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn quy định lấy mực nước ở Ái Nghĩa lúc 7 giờ làm chuẩn, nếu mực nước ở trạm Thủy văn Ái Nghĩa mà nhỏ hơn 2,67m thì Thủy điện Đăk My 4 phải xả nước liên tục với lưu lượng 25m3/s; từ 2,67m đến hơn 2,80m thì xả ít hơn. Ông Hoàng Xuân Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các Nhà máy Thủy điện tuân thủ nghiêm Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: "Anh bảo anh khó, không khó gì cả, dao động đấy nhưng 7 giờ sáng thì có một giá trị. Và anh cứ vận hành đúng như thế.
Đối với Đăk My, quan điểm đầu tiên và tính toán ở đây là ưu tiên xả nước về sông Vu Gia cho Đà Nẵng là chính, chứ có quy định phải xả về sông Thu Bồn bao nhiêu đâu?. Sông Thu Bồn thì thủy điện Sông Tranh lãnh trách nhiệm chính. Đăk My 4 căn cứ tình hình lượng nước còn lại để chủ động tính toán xả về sông Thu Bồn, còn với sông Vu Gia thì phải theo quy tắc. Quy định xả 3 mà xả 2,99 thì còn châm chước, chứ chỉ xả 2,1 thì không được".
Ông HOàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công thương.
Với tỉnh Quảng Nam, nhu cầu chủ yếu là phục vụ tưới tiêu. Vì thế, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị, từ ngày 15/4 đến 15/5, các hồ thủy điện chỉ phát điện vừa phải, không có sự chênh lệch lớn để đảm bảo nước tưới cho hạ du trong mùa cao điểm nắng hạn: "Từ những năm 1975- 1976, hiện tượng nhiễm mặn đã có rồi nhưng từ khi có thủy điện thì tần suất và thời gian nhiều hơn.
"Thời điểm này, tôi đề nghị 2 nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 và Đăk My 4 có kế hoạch phối hợp xả nước qua phát điện để khống chế mực nước tại trạm thủy văn Giao Thủy không nhỏ hơn cao trình 1 mét để đảm bảo không có tình trạng nhiễm mặn".
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm Quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất vùng hạ du.
Tuy nhiên, Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn do Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành có lẽ đã bộc lộ một số điểm bất hợp lý, cần xem xét điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay./.
Thanh Hà
Theo_VOV
"Lật tẩy" các thủy điện né lắp đặt camera giám sát xả nước Thủ tướng đã có quy định các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải lắp đặt camera giám sát việc xả nước về hạ du, nhưng tại cuộc họp ngày 3/3 do Bộ Công thương chủ trì ở Đà Nẵng đã hé lộ một số thủy điện đang tìm cách tránh né! Như tin đã đưa,...