6 thập kỷ săn lùng Căn phòng hổ phách của Sa hoàng
Có những người Đức ngày nay vẫn miệt mài truy tìm dấu vết Căn phòng hổ phách bị Đức Quốc xã trộm từ cung điện của Sa hoàng trong cuộc xâm lược Liên Xô năm 1941. Được làm thủ công hoàn toàn từ hổ phách, vàng và đá quý, căn phòng chứa đựng những tác phẩm kinh điển nhất của nghệ thuật Ba-rốc, có thể xem là một kì quan của thế giới hiện đại.
Tháng 3/2011, cuộc săn tìm suốt 60 năm Căn phòng hổ phách của Sa hoàng đã có những khám phá mới tại một thị trấn nhỏ ở Đông Đức, khi những người săn tìm kho báu phát hiện một hầm cát mà họ tin rằng đang chứa đựng một trong những kì quan của thế giới hiện đại.
Hình ảnh về Căn phòng Hổ phách nguyên thủy (Ảnh: Daily Mail)
Matthias Gluba, một kiến trúc sư và là người đam mê sử học có vẻ đã lần ra dấu vết của báu vật này sau khi nghiên cứu những tài liệu thời chiến của thị trấn Auerswalde, gần thành phố Chemnitz của Đức.
Auerswalde là nơi Hitler cho chế tạo hai khẩu pháo lớn nhất trong lịch sử – Dora và Gustav – hai con quái vật khổng lồ đặt trên đường xe lửa có khả năng thổi bay những đầu pháo nặng hàng tấn. Khi tìm hiểu lịch sử của những khẩu thần công này, Gluba tình cờ phát hiện tài liệu về công trường bí mật dưới lòng đất.
Sau đó Gluba tìm thấy thông tin chi tiết về việc vận chuyển bí mật từ thành phố Koenigsberg (nay là Kaliningrad và một phần của Nga nhưng vào năm 1945 vẫn là thành phố chính của Đông Phổ thuộc Đức) – nơi lưu giữ cuối cùng được biết đến của Căn phòng hổ phách huyền thoại trước khi nó về tay Hồng quân Liên Xô.
Căn phòng Hổ phách bị Đức Quốc xã trộm từ cung điện của Sa hoàng trong cuộc xâm lược Liên Xô năm 1941. Được làm thủ công hoàn toàn từ hổ phách, vàng và đá quý, căn phòng chứa đựng những tác phẩm kinh điển nhất của nghệ thuật Ba-rốc và được công nhận rộng rãi là một trong những kho báu nghệ thuật quan trọng bậc nhất thế giới.
Khi tất cả 565 ngọn nến của nó được đốt lên, Căn phòng hổ phách được miêu tả là “bừng sáng như vàng ròng”. Căn phòng được định giá khoảng 150 triệu Bảng (khoảng 5.000 tỷ đồng), nhưng nhiều người cho rằng nó vô giá.
Video đang HOT
Đây là món quà của Vua Phổ tặng Sa hoàng Nga Pie Đại đế năm 1716. Sau đó, Catherine Đại đế giao cho một đội thợ thủ công tô điểm thêm cho căn phòng và dời nó từ Cung điện Mùa đông ở Petersburg tới nơi ở mới mùa hè của bà ở vùng ngoại ô Tsarskoye. Đến tháng 1/1945, căn phòng biến mất sau nhiều chiến dịch tấn công trên mặt đất và trên không.
Cung điện Catherine gần thành phố Saint Peterburg, Nga, từng là nơi đặt Căn phòng Hổ phách (Ảnh: Daily Mail)
Căn phòng ban đầu phần nào được khôi phục năm 1979 nhưng vẫn thiếu sự huy hoàng nguyên bản. Từ khi biến mất, nó trở nên bí ẩn như thành phố vàng El Dorado trong truyền thuyết, và trở thành nỗi khát khao tìm kiếm của kẻ giầu lẫn người nghèo.
Viên chức của Đức phụ trách việc vận chuyển căn phòng cho biết nó được đặt trong một lâu đài và đã cháy rụi sau một cuộc không kích. Nhưng gần đây, ông Gluba, 57 tuổi, tái khởi động một cuộc săn lùng căn phòng kì ảo.
Ông tìm được những tài liệu về một cuộc không kích xuống Breslau (từng thuộc Đức, nay là một thành phố của Ba Lan) vào ngày 4/2/1945. Quân đội cho biết 40 toa tàu từ Koneigsberg, nơi đã bị mất nhiều ngày trước vào tay Hồng quân, không hề bị tổn hại trong cuộc tấn công và đang trên đường tới Auerswalde “một cách bí mật nhất.”
“Sau đó tôi tìm thấy tài liệu nói rằng hàng trăm tù binh Liên Xô được chỉ đạo tháo dỡ những thùng hàng từ xe lửa và đưa tới một căn cứ dưới lòng đất ở trong rừng bên ngoài thị trấn, sau đó tôi tìm thấy ghi chép về việc cử một phân đội S.S để bảo vệ hoạt động này”, báo Anh Guardian dẫn lời ông Gluba.
Ông cho rằng chiến dịch này được thực hiện rất muộn, trong bối cảnh chiến tranh và hệ thống giao thông hỗn loạn như vậy chứng tỏ những thùng hàng bí mật đó phải chứa thứ cực kỳ giá trị.
Gunter Richter, một người dân địa phương đã hơn 80 tuổi, sống ở Auerswalde, kể với Gluba rằng, ông nhớ ở rừng Muna ngoài thị trấn có một khu hầm khổng lồ được xây dựng với mục đích quân sự mà ông từng tới đó khi còn nhỏ.
Ông nhớ căn hầm đó rất rộng, đủ để cho xe tải chạy bên trong. Nhưng nó biến mất khỏi các bản đồ sau chiến tranh. Năm 2011, ông và Gluba tìm thấy một đường thông khí dẫn tới một cấu trúc ngầm bí mật mà họ tin đó chính là căn hầm ngày xưa.
“Nếu chuyến hàng từ Koenigsberg và được đặc vụ S.S. bảo vệ được dỡ xuống ở đây thì chúng ta có trách nhiệm với lịch sử là phải mở chúng ra và xem có gì bên trong,” ông chia sẻ.
Tháng 3/2011, nhóm tìm kiếm cho biết họ đang xin giấy phép để khai quật báu vật. Nhưng từ đó đến nay chưa có thêm tin tức gì.
Đến tháng 9/2015, những người săn kho báu tuyên bố tìm thấy đoàn tàu chở vàng của Đức Quốc xã, và có thể Căn phòng hổ phách nằm trong đó. Bộ trưởng Văn hóa Ba Lan Piotr Zuchowski nói rằng ông đã thấy hình ảnh radar thăm dò lòng đất về một đoàn tàu dài hơn 100m.
3 tháng sau đó, giới chức Ba Lan thông báo họ tìm thấy một đường hầm, nhưng không phải đoàn tàu chở vàng của Đức Quốc xã như thông tin dự đoán trước đó. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc bí mật về Căn phòng hổ phách vẫn chưa được giải, báo Anh Daily Mail đưa tin.
Theo Danviet
Mở lại vụ sát hại cả gia đình sa hoàng cuối cùng của Nga
Nga quyết định khai quật di hài của sa hoàng cuối cùng Nicholas II và hoàng hậu Alexandra trong nỗ lực lật lại vụ thảm sát đẫm máu hoàng tộc Romanov vào năm 1918.
Toàn bộ gia đình của sa hoàng cuối cùng của Nga đều bị xử tử trong cùng một căn phòng - Ảnh: Viện Lưu trữ Quốc gia Nga
Phát biểu trên Đài phát thanh Echo of Moscow, nhà điều tra hàng đầu của Nga Vladimir Solovyov cho hay nhóm của ông đã lấy mẫu ADN từ hài cốt của hai vợ chồng sa hoàng cuối cùng của nước này, cũng như mẫu vật liệu di truyền từ người ông là sa hoàng Alexander II, bản thân cũng bị ám sát chết vào năm 1881.
"Chúng tôi quyết định triển khai cuộc điều tra lại từ đầu", theo ông Solovyov. Theo AFP, Ủy ban Điều tra liên bang Nga đã xác nhận một số hài cốt của gia đình sa hoàng được tái thẩm định nhằm đưa ra kết luận mới nhất về "những tình huống xung quanh cái chết cũng như việc chôn cất gia đình hoàng gia".
Sa hoàng Nicholas II, hoàng hậu, 5 người con và những người hầu cận đều bị xử bắn đồng loạt khi phong trào Bolshevik tại Nga lên đến đỉnh điểm. Xác của họ bị quẳng xuống một đường hầm dẫn đến mỏ trước khi bị đốt và lấp vội vã. Phải đợi đến năm 1991, chính quyền Moscow mới bắt đầu mở lại vụ án này sau khi một ngôi mộ tập thể đã được tìm thấy gần Yekaterinburg ở vùng núi Ural, nơi đôi vợ chồng hoàng gia và 5 con sống lưu vong trước khi bị xử tử. Các nhà khoa học cho hay lúc đó đã thu thập đủ chứng cứ về ADN để kết luận rằng đây là mồ chôn hài cốt của sa hoàng, hoàng hậu cùng với 3 công chúa. Đến năm 1998, Nga chính thức trả lại tên cho họ, và tổ chức lễ chôn cất long trọng ở Saint Petersburg.
Gần 10 năm sau, một ngôi mộ thứ hai được khai quật ở một vị trí khác, chứa 2 bộ hài cốt, được cho là thuộc về thái tử Alexei và nữ đại công tước Maria, lần lượt mới 13 và 19 tuổi khi bị giết hại. Tuy nhiên, những bộ hài cốt này cho đến nay vẫn được bảo quản tại Viện Lưu trữ quốc gia Nga, do những nghi ngờ về danh tính thực sự của chúng.
Trong khi các nhà điều tra vào năm 2008 đã đi đến kết luận xác nhận hai di hài trên thuộc về Alexei và Maria, nhưng Giáo hội Chính thống giáo Nga và một số hậu duệ của gia đình Romanov vẫn không công nhận quyết định trên. Đến tháng 7 năm nay, Giáo hội Nga gây sức ép buộc Điện Kremlin phải mở lại cuộc điều tra. Đồng thời, đây cũng là nhu cầu cấp thiết do lễ tưởng niệm 100 năm cái chết của sa hoàng và sự chấm dứt của vương triều Romanov đang đến gần. Vào năm 2018, Nga muốn đoàn tụ cả 7 người trong gia đình Sa hoàng Nicholas II vào cùng một chỗ.
Bên cạnh việc khai quật hài cốt của sa hoàng và hoàng hậu, ủy ban điều tra cho hay cũng tiến hành lấy mẫu mô từ các thành viên gia đình Romanov được chôn ở Jerusalem, cũng như mẫu máu dính trên y phục của người ông là sa hoàng Alexander II, qua đời trong vụ ám sát bằng bom vào năm 1881. Thông tấn xã Tass đã dẫn lời một luật sư đại diện cho thành viên hoàng tộc còn sống sót, nữ đại công tước Maria Vladimirovna ủng hộ cuộc điều tra mới.
Được biết, triều đại Romanov đã trị vì nước Nga trong khoảng 200 năm trước khi Nga hoàng Nicholas II bị truất phế vào năm 1917. Sau cái chết tức tưởi của cả gia đình sa hoàng, đến năm 2000, Giáo hội Chính thống giáo Nga đã tiến hành phong thánh cho vị sa hoàng cuối cùng của nước này, gọi ông là Thánh Nicholas người chịu nỗi thống khổ. Nếu danh tính của Alexei và Maria được công nhận, họ cũng có thể được phong thánh như cha của mình, theo Tass.
Hạo Nhiên
Theo Thanhnien
Nga khai quật hài cốt sa hoàng Nicholas II sau gần 100 năm Người Nga đã lật lại cái chết của sa hoàng Nicholas II và gia đình, khai quật hài cốt của họ sau gần 100 năm vụ ám sát cả 7 thành viên gia đình sa hoàng. Toàn bộ 7 thành viên gia đình Sa hoàng Nicholas II bị giết chết vào năm 1918, một năm sau khi ông buộc phải thoái vị -...