6 thách thức chờ Obama
Ngay trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc diễn văn mừng chiến thắng, các nhà phân tích đã chỉ ra 6 vấn đề sẽ khiến ông phải đau đầu nghĩ ngợi trong 7 tuần còn lại của nhiệm kỳ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đối mặt với 6 thách thức trong 7 tuần còn lại của năm nay. Ảnh: AP.
Một bài phân tích của NBC đã vạch ra 6 thách thức mà ông Obama sẽ đương đầu lâu dài, nhưng cần có phương án giải đáp từ nay đến khi nhậm chức nhiệm kỳ hai, bao gồm giảm chi tiêu công, bổ nhiệm các thành viên mới trong chính phủ và thực thi luật bảo hiểm y tế bắt buộc.
Giảm chi tiêu công
Hạ viện Mỹ đã thông qua Luật Kiểm soát Thâm hụt ngân sách 2011. Theo đạo luật này, chi tiêu của chính phủ sẽ giảm hơn 100 tỷ USD trong năm 2013. Nhưng vào năm sau, có lẽ mức giảm chi tiêu sẽ lớn hơn cả mức mà hạ viện và tổng thống mong đợi. Douglas Elmendorf, giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội, từng nói hồi tháng 8 rằng mức giảm chi tiêu, cùng với việc tăng thuế, có thể đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy suy thoái mới trong năm 2013.
Nợ công tăng tới mức cao nhất
Video đang HOT
Theo Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, vào một ngày nào đó trong tháng 2, khoản nợ của chính phủ liên bang sẽ tới mức giới hạn. Điều đó vẫn xảy ra ngay cả khi Bộ Tài chính áp dụng những biện pháp kiểm toán tạm thời để đẩy lùi ngày ấy. Những nghị sĩ Cộng hòa trong hạ viện từng tỏ ra lưỡng lự khi bỏ phiếu để nâng mức trần nợ công vào năm 2011, sau khi thế giằng co trong cuộc đối đầu giữa Obama và phe Cộng hòa trong hạ viện khiến lòng tin của giới đầu tư trong các thị trường tài chính Mỹ giảm mạnh. Có thể Hạ viện mới, với đa số thuộc về Cộng hòa, sẽ lừng khừng hơn trong việc nâng trần nợ công sau khi Obama tiếp tục ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa.
Mức thuế thu nhập hiện nay sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12. Nếu quốc hội và tổng thống không hành động, mức giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và khoản khấu trừ thuế dành cho công dân dưới 18 tuổi (1.000 USD/người) sẽ bị giảm một nửa. Chính sách giảm thuế tạm thời cho trợ cấp An sinh Xã hội cũng sắp hết hiệu lực. Hậu quả của những sự kiện đó, theo Trung tâm Chính sách Thuế, là gánh nặng thuế mà mỗi người đóng thuế phải chịu sẽ tăng thêm 3.500 USD vào năm 2013. Ngoài ra, Đạo luật Bảo hiểm Y tế với mức phí phải chăng (Affordable Care Act), có hiệu lực từ ngày 1/1 năm sau, áp đặt mức tăng thuế tới 20 tỷ USD trong năm 2013 đối với những người có thu nhập năm trên 200.000 USD.
Bổ nhiệm các thành viên mới trong chính phủ
Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, Obama sẽ phải tìm người thay thế Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner và Ngoại trưởng Hillary Clinton. Việc đề cử người cho hai vị trí này có thể sẽ trở thành quá trình căng thẳng và kéo dài nếu tâm trạng của các thành viên Thượng viện không thoải mái. Obama cũng cần Thượng viện phê chuẩn 82 vị trí mới trong hệ thống tòa án.
Thực thi Đạo luật Bảo hiểm Y tế gây tranh cãi
Chính quyền mới của Mỹ sẽ phải thiết lập, điều chỉnh rồi vận hành cơ chế thực thi Đạo luật Bảo hiểm Y tế với mức phí phải chăng, thường được gọi là “Obamacare”. Từ khi phe Cộng hòa giành thế đa số tại Hạ viện vào năm 2010, họ đã bỏ phiếu nhiều lần nhằm hủy đạo luật. 27 bang cũng kiện đạo luật này lên Tòa án Tối cao. Bên nguyên đơn tập trung vào một điều khoản trong luật, theo đó việc mua bảo hiểm y tế là nghĩa vụ bắt buộc và những người không mua sẽ bị phạt. Nhiều người cho rằng chính phủ không nên buộc họ phải trả tiền cho việc chăm sóc sức khỏe của người khác.
Syria, vũ khí hóa học và Iran
Cụm từ “vũ khí hủy diệt hàng loạt” đã lùi sâu vào dĩ vãng sau khi quân đội Mỹ không tìm thấy bất kỳ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào tại Iraq khi họ chiếm nước này vào năm 2003. Nhưng hiện nay cộng đồng quốc tế đều biết chính quyền Syria sở hữu một số lượng vũ khí hóa học lớn, bao gồm khí độc gây tê liệt thần kinh. Có thể một phần vũ khí hóa học của Syria sẽ thất thoát trong quá trình xung đột. Trong khi đó, Iran, đồng minh của Syria, dường như đang thực hiện chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân và không hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Theo VNE
Ai thay bà Clinton làm ngoại trưởng Mỹ?
Thượng nghị sỹ John Kerry tham gia phỏng vấn trong chiến dịch tranh cử 2012 của Tổng thống Obama
Ghế ngoại trưởng Mỹ nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama hiện đang là sự cạnh tranh giữa Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện John Kerry và Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice.
Việc bà Hillary Clinton rời ghế ngoại trưởng Mỹ sẽ tạo ra một khoảng trống cho vị trí cao cấp nhất trong nội các của Tổng thống Obama. Sự cạnh tranh có vẻ khá yên tĩnh nhưng lại rất mãnh liệt.
Hai gương mặt sáng giá hiện nay là Thượng nghị sỹ John Kerry và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice. Từng là một nhà ngoại giao và một học giả về chính sách đối ngoại, bà Rice được xem là sự lựa chọn ưa thích hơn nhưng lại bị coi là đã vấp ngã ở chặng đường cuối nhiệm kỳ 1 của Obama qua sự kiện Lãnh sự quán Mỹ bị tấn công tại Benghazi, Libya hồi tháng 9/2012 khiến đại sứ nước này thiệt mạng.
Bà Rice phủ nhận vụ tấn công đã được tính toán trước nhưng quan điểm này sau đó bị tình báo Mỹ bác bỏ, cho đây là một cuộc tấn công khủng bố. Bà Rice đã trở thành tâm điểm công kích của phe Mitt Romney trong chiến dịch tranh cử thổng thống vừa qua. Những người Cộng hòa cáo buộc chính quyền Obama đã cố gắng che đậy bản chất thực sự của vụ việc nhằm che giấu sai sót an ninh của mình. Ngoại trưởng Hillary Clinton và ông Kerry ra sức bảo vệ bà Rice và Nhà Trắng kiên quyết với lập trường rằng bà Rice đơn giản chỉ nói ra những sự thực biết được rõ nhất thời ở điểm đó. Tuy nhiên, vụ việc chắc chắn sẽ đeo bám bà Rice tại phiên điều trần bổ nhiệm ở Thượng viện nếu bà tiếp quản chức danh ngoại trưởng Mỹ.
Trong khi đó, ông Kerry vừa nhận được sự đồng tình, vừa chịu sự phản đối. Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện, một cựu ứng cử viên tổng thống, ông Kerry tích lũy được cho mình bản thành tích khá tốt. Bên cạnh đó, vai trò đóng thế Mitt Romney trong những buổi tập luyện tranh luận của Obama đã mang lại cho ông cơ hội sát cánh cùng tổng thống Mỹ ở những tuần tranh cử cuối cùng.
Tuy nhiên, do đảng Dân chủ chỉ chiếm đa số ghế mong mạnh ở Thượng viện nên có lẽ ông Obama không thể rút ông Kery trở về. Yêu cầu ông Kerry rời ghế Thượng nghị sỹ Massachusetts để nhậm chức trong nội các mới sẽ cần tới một cuộc bầu cử đặc biệt tìm người thay thế chỗ của ông. Việc làm này lại mở ra cơ hội cho đảng viên Cộng hòa Scott Brown bước vào Thượng viện, vị trí từng bị đảng viên Dân chủ Elizabeth Warren đánh bại hôm thứ Ba.
Tất nhiên, ngoài các nhân vật trên, vẫn còn những lựa chọn khác cho chính quyền Obama mới như Cố vấn an ninh Quốc gia Thomas Donilon hay William Burns, Thứ trưởng Ngoại giao và là cựu Đại sứ Mỹ tại Nga.
Theo 24h
10 nền kinh tế tồi tệ nhất thế giới Danh sách các quốc gia lọt top những nền kinh tế tồi tệ có cả Ý, Tây Ban Nha và Nhật Bản. Dựa trên 5 tiêu chí, bao gồm khả năng đối mặt với khủng hoảng tài chính, sự phụ phuộc vào xuất khẩu và ngành du lịch, vấn nạn tham nhũng và tỷ lệ nợ dài hạn. Danh sách gồm 10 quốc...