6 phim kinh dị đảm bảo “hack não” bạn không thua gì “Us”
Nếu cảm thấy chán những bộ phim đâm chém, hù dọa thông thường, sao bạn không thử đổi gió với thể loại kinh dị kèm “hack não” nhỉ?
Us ( Chúng Ta) của Jordan Peele đã trở thành một hiện tượng phòng vé với vô vàn ý nghĩa, nội dung ấn tượng và các tình tiết lật như… bánh tráng. Nhưng đây không phải tác phẩm duy nhất chơi trò “ú tim” với khán giả nhờ vào cái kết khó mà sốc hơn.
1. The Mist (Quái Vật Sương Mù, 2007)
Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Stephen King, The Mist xoay quanh một thị trấn nhỏ bỗng bị nuốt trọn bởi màn sương mù bí ẩn. Bi kịch bắt đầu xảy ra khi những con quái vật gớm ghiếc bắt đầu xuất hiện và nuốt chửng con người. Những người sống sót tụ họp lại trong một siêu thị địa phương để chống lại lũ quái vật, đồng thời đấu đá lẫn nhau để giành quyền lãnh đạo.
Cuối cùng, David Drayton (Thomas Jane) cùng người thân quyết tâm lao ra xe và cố gắng chạy trốn khỏi màn sương quái đản. May mắn không đến với họ khi chiếc xe bắt đầu hết nhiên liệu. Bị vây quanh bởi làn sương mù, cả nhóm quyết định tự sát thay vị trở thành “bữa tối” của lũ quái vật bí ẩn. Éo le thay khẩu súng chỉ có 4 viên đạn nhưng trong xe lại tới 5 người. Điều này dẫn đến cái kết bi thảm và đầy ám ảnh.
2. Shutter Island (Đảo Kinh Hoàng, 2010)
Phim lấy bối cảnh vào những năm 1950, đặc vụ Teddy Daniels (Leonardo Di Caprio) cùng cộng sự Chuck Aule (Mark Ruffalo) được cử tới một nhà tù biệt lập trên đảo, nơi giam những tù nhân nguy hiểm mắc chứng bệnh tâm thần để điều tra về một vụ trốn thoát của một nữ sát thủ. Với sự giúp đỡ của bác sĩ Cawley, Teddy dần nhận ra sự khác lạ nơi đây và cho thấy mục đích thực sự của anh tới đảo Shuter không phải chỉ đơn giản điều tra vụ mất tích.
Anh đã khám phá ra đây không chỉ là những phòng giam thông thường mà còn là nơi thực hiện thí nghiệm về não người trên các tù nhân xấu số. Càng đi sâu vào vụ án, Teddy càng cảm thấy bị rối trí và thường xuyên bị ác mộng ghê rợn về cái chết của người vợ yêu quý. Cao trào ngày càng được đẩy lên khi khán giả và chính Daniels không thể phân biệt được đâu mới là thật, đâu mới là giả.
3. Goodnight Mommy (Chúc Mẹ Ngủ Ngon, 2014)
Goodnight Mommy với chỉ 3 diễn viên và bối cảnh gói gọn trong một căn nhà của Đức đã nhận được vô số lời khen ngợi trong năm 2014. Trở về sau một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, mẹ của cặp sinh đôi Elias và Lukas quấn băng đầy mặt chỉ chừa mỗi đôi mắt và miệng. Kì lạ hơn, bà chỉ nói chuyện với một đứa con và hoàn toàn lờ đi sự hiện diện của đứa con lại.
Từ đây, bộ phim chiêu đãi người xem hàng loạt hình ảnh mập mờ, khó hiểu nhưng cũng không kém phần rùng rợn. Dưới suy nghĩ ngây thơ của lũ trẻ, người đàn bà kia dường như chẳng phải mẹ chúng. Những giả thuyết, âm mưu được Elias và Lucas vạch ra cùng dải băng trắng trên gương mặt không khác hồn ma của người phụ nữ khiến người xem phải ớn lạnh. Đến cuối cùng, cái kết một lần nữa gây bất ngờ và hoang mang đến tột độ khi những gì ta xem nãy giờ chưa chắc đã là sự thật.
4. Loạt phim Happy Death Day (Sinh Nhật Chết Chóc)
Phim kinh dị về vòng lặp thời gian không mới nhưng đến Happy Death Day thì đã được nâng lên một tầm cao khác. Cô nàng Tree (Jessica Rothe) bị một kẻ ác nhân đeo mặt nạ lấy mạng đúng đêm sinh nhật và bất ngờ tỉnh dậy vào sáng ngày hôm đó. Cứ thế, cô nàng rơi vào vòng lặp bất tận giữa sự sống và cái chết trong cùng một ngày.
Dựa vào số “mạng” dồi dào, Tree buộc phải khám phá ra kẻ thủ ác giữa vô số mối quan hệ chồng chéo của bản thân. Những tưởng vụ án đã giải quyết ổn thỏa, phần 2 của phim lại mở ra cả một “vũ trụ” mới cũng như đưa con nào Tree trở lại cái ngày định mệnh đó. Giờ đây, nội dung phim càng “hack não” người xem hơn vô số lý thuyết về du hành thời gian, vũ trụ song song bên cạnh danh tính của kẻ ác nhân bí ẩn mới.
5. Get Out (Trốn thoát, 2017)
Trước Us, vị đạo diễn tài ba Jordan Peele đã từng một lần “hack não” người xem với Get Out. Phim xoay quanh anh chàng da màu Chris (Daniel Kaluuya) trong lần đầu tiên ra mắt gia đình bạn gái da trắng ở một vùng ngoại ô yên bình. Những tưởng đây sẽ là chuyến đi vô cùng hạnh phúc, anh chàng không ngờ bản thân đã rơi vào một cái bẫy chết người.
Ngay khi vừa gặp “ nhạc phụ nhạc mẫu” tương lai, hàng loạt sự kiện bí ẩn xảy ra xung quanh Chris, từ hành động và thái độ kì lạ của hai người làm công da màu cho tới những vị hàng xóm khả nghi. Cuối cùng, phim mang tới cái kết gây “sốc tới óc” cho toàn bộ khán giả.
6. Escape Room (Căn Phòng Tử Thần, 2019)
Với kinh phí vỏn vẹn chỉ 9 triệu USD cùng dàn diễn viên chẳng tên tuổi, Escape Room đã bất ngờ tạo nên cơn sốt bởi kịch bản hấp dẫn và sáng tạo. Dựa trên trò chơi Escape Room quen thuộc của giới trẻ, bộ phim buộc người xem phải liên tục động não để tìm ra lời giải cho từng căn phòng một.
Chưa kịp thở phào nhẹ nhõm vì tìm được đáp án, tác phẩm lại mở ra vô số thử thách mới còn căng thẳng hơn trước. Không những thế, danh tính của những kẻ đứng sau trò chơi tử thần này hay ai sẽ là người sống sót là một câu hỏi khiến khán giả phải “đau não” cho đến cuối phim.
Vậy bạn còn bộ phim kinh dị “hack não” tâm đắc nào khác không?
Theo trí thức trẻ
Ngoài những khán giả cuồng "Us" đến ám ảnh, số còn lại chỉ thấy "xàm và nhạt"
Bên cạnh những khán giả cho rằng "Us" của Jordan Peele là một tuyệt tác kinh dị, nhiều người khác lại nghĩ phim khá nhạt.
Cuối tuần vừa qua, Us ( Chúng Ta) đã công chiếu và phá vỡ nhiều kỉ lục doanh thu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một phần không nhỏ trong số đó nhờ vào danh tiếng của Jordan Peele sau 4 đề cử Oscar với Get Out hồi năm ngoái. Ngoài những người phát cuồng vì các tầng ý nghĩa trong phim, một bộ phận không nhỏ khán giả còn lại chẳng mấy thích thú với tác phẩm này.
Trailer "Us"
Có thể thấy, đa phần những người không thích Us đều cho rằng phần hài hước do Jordan Peele thêm vào khiến bộ phim bị lạc tông trầm trọng. Vốn là thuộc dòng kinh dị nhưng tác phẩm lại mang đến nhiều tiếng cười hơn là sự sợ hãi. Cũng vì quá tham việc thêm thắt các biểu tượng hay tầng ý nghĩa, ông vô tình khiến nội dung phim trở nên rời rạc, thiếu liên kết. Tiếc thay, không phải khán giả nào cũng có thể hiểu được những ẩn ý về chủng tộc của xã hội Mỹ.
Tuy nhiên, khán giả Việt Nam không phải là những người duy nhất nằm ngoài "cơn sốt" Us. Nhiều nhà phê bình Hollywood cũng cảm thấy tương tự khi phim thiếu hẳn sự liên kết cũng như gây cười hơn là hù dọa người xem. Nhiều ý nghĩa chắc gì đã hay nếu phim nhạt?
"Nhiều cảnh phim riêng lẻ được thực hiện khá tốt. Vấn đề là khi nhập vào một tổng thể chung thì chúng chẳng mang lại ý nghĩa gì."
"Cái kết phim vừa đẫm máu vừa chẳng có máu một cách kì lạ, như một bài tập về nhà của giới làm phim kinh dị thì đúng hơn. Phim hài hơn là sợ hãi."
"Bộ phim bị nhồi nhét quá nhiều thứ với một câu chuyện vừa thiếu điểm nhấn vừa thừa nội dung. Peele đối xử với người xem như thể họ bị "thiếu muối" khi liên tục tung ra những biểu tượng và hàm ý."
"Bộ phim có nhiều yếu tố điện ảnh bậc thầy, nhưng khi bạn lùi về phía sau để nhìn tổng thể thì có quá nhiều thứ ngẫu nhiên được ghép nối nhưng chẳng phù hợp."
Tạm kết
Us là một bộ phim ấn tượng và đậm chất sáng tạo của Jordan Peele nhưng không hề hoàn hảo và vẫn có những điểm yếu nhất định. Do đó mà những ai "cuồng" Us cũng đừng nên chê trách những ý kiến trái chiều. Còn bạn, bạn thấy Us có điểm gì chưa tốt?
Theo ttvn.vn
"Get Out", "Us" và kiểu phim kinh dị của Jordan Peele: Khi ác ma sinh ra từ chính xã hội loài người Đạo diễn Jordan Peele từng tuyên bố rằng chúng ta chẳng cần tìm đâu xa ngoài chiếc gương nếu muốn nhìn thấy con ác quỷ xấu xa nhất. Cho những ai chưa biết thì Jordan Peele cũng chính là đạo diễn - biên kịch của Get Out với 4 đề cử và giành giải Kịch bản gốc xuất sắc tại Oscar 2018. Phim...