6 người đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine Covivac
Sáng 15/3, 6 người đầu tiên gồm 3 nam 3 nữ, được tiêm thử nghiệm Covivac tại Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội.
Họ được tiêm ngẫu nhiên vaccine hoặc giả dược, sau khi khám sức khỏe và lấy máu xét nghiệm. Sau khi tiêm, họ ở lại khu vực thử nghiệm lâm sàng trong vòng 24 giờ để theo dõi, ghi nhận và xử trí kịp thời các biến cố bất lợi nếu xảy ra.
Tình nguyện viên nữ giấu tên và tuổi, cho biết: “Tôi thấy đây là hoạt động có ích cho xã hội và cộng đồng, tôi cũng nhiều năm liền tham gia hiến máu, nên không có lý do gì mà không tham gia dù mình không phải sinh viên y. 30 phút sau tiêm, ngoài hơi đau chỗ tiêm thì cơ thể hoàn toàn bình thường, được bác sĩ dặn dò chu đáo và khoa học”.
Tình nguyện viên nữ, 46 tuổi, cho biết được con gái động viên tham gia thử nghiệm vaccine. “Cháu nói rằng đây là hoạt động rất ý nghĩa nên hai vợ chồng đồng ý đăng ký thử nghiệm”, chị cho biết.
Sau khi khám sàng lọc thì con gái và chồng không đủ điều kiện tham gia thử nghiệm. Vì vậy, ngày 15/3, một mình chị đến tiêm thử vaccine. 30 phút sau tiêm, cơ thể chị vẫn bình thường. Bác sĩ tư vấn nhiệt tình, chăm sóc chu đáo sau tiêm. Nhờ đó, chị cảm thấy an tâm hơn.
Người phụ nữ cho biết sẽ vận động mọi người xung quanh cùng tham gia thử nghiệm vaccine.
Video đang HOT
“Khi tôi nói sẽ đi thử nghiệm, mọi người tỏ ra rất e dè. Tôi cho rằng mình có tiêm thử, thì mới có vaccine đưa ra tiêm trong nước”, chị nói.
Trước nỗi lo lắng về vaccine mới, chị cho biết đã được chồng và con gái động viên tinh thần. “Chồng bảo cứ đi đi không sợ đâu, còn con gái động viên bảo mẹ rằng người tình nguyện cũng được khám kỹ càng rồi mới được tiêm, rất an toàn”.
Trong giai đoạn một thử nghiệm, 114 người còn lại sẽ được tiêm theo các đợt, mỗi đợt tiêm từ 12 đến 18 người. Các đợt cách nhau 8 ngày, dự kiến kết thúc vào ngày 20/4.
Mỗi tình nguyện viên được tiêm hai mũi, cách nhau 28 ngày. Họ được khám sức khỏe sau 8 ngày tiêm vaccine, lấy mẫu máu để xét nghiệm và đo chỉ số về men gan, chức năng thận. Nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi sức khỏe người tình nguyện thông qua điện thoại và mời đến thăm khám thêm 7 lần trong suốt quá trình nghiên cứu để đánh giá tính sinh miễn dịch của vaccine. Dự kiến, báo cáo giữa kỳ giai đoạn một thử nghiệm Covivac sẽ hoàn thành vào tháng 7.
Tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 Covivac, tại Hà Nội sáng 15/3. Ảnh: Giang Huy.
Giáo sư Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết đã mời hơn 120 người tình nguyện do có thể một số người muốn dừng thử nghiệm sau khi đã đăng ký.
Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết, cơ quan quản lý đã nhận hồ sơ về mức bảo hiểm cho các tình nguyện viên. Tổng quỹ bảo hiểm dành cho toàn bộ quá trình thử nghiệm lâm sàng lên tới 40 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn giám sát buổi tiêm thử nghiệm sáng nay.
“Tôi rất vui mừng khi được chứng kiến một sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của tiến trình nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19 ‘made in Vietnam’ do đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện”, Thứ trưởng Thuấn chia sẻ.
Ông yêu cầu các đơn vị triển khai cần đảm bảo tuyệt đối đúng quy trình, kỹ thuật tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine và theo dõi chặt chẽ sau tiêm đối với các tình nguyện viên. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo và tổ chức đoàn giám sát toàn bộ quy trình nghiên cứu, xem xét kết quả thử nghiệm giai đoạn một để phê duyệt việc triển khai giai đoạn hai, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các tình nguyện viên.
Vaccine Covivac giá 60.000 đồng mỗi liều
Một liều vaccine Covivac, được đánh giá có hiệu quả trên biến thể Anh và Nam Phi, dự kiến bán giá 60.000 đồng, theo Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC).
Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết giá Covivac được đưa ra dựa trên hạch toán của viện, thực tế quy trình công nghệ và nhu cầu của người dân. Trong đó, vaccine được phát triển trên công nghệ trứng gà có phôi. Công nghệ này đã được viện làm chủ và sản xuất nhiều sản phẩm khác như vaccine cúm mùa, H5N1.
Tạo vaccine trên trứng gà có phôi là công nghệ sản xuất vaccine truyền thống. Khi áp dụng để sản xuất vaccine Covid-19, các nhà khoa học sẽ tiêm chủng mẫu vaccine vào dịch niệu đệm trứng gà. Bước này giúp nuôi cấy virus. Khi chúng nhân bản, túi dịch chứa virus trong trứng gà được hút ra ngoài để tinh chế, lọc tách. Sau đó, dùng hóa chất bất hoạt virus khiến chúng không còn khả năng gây bệnh nhưng vẫn giữ nguyên đặc tính ban đầu, rồi đưa vào bào chế sản xuất vaccine.
Covivac là vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng, dự kiến tiêm mũi đầu tiên của giai đoạn một vào giữa tháng 3. Các bên đang gấp rút chuẩn bị cho thử nghiệm.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 27/2 cho biết các kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng chỉ ra vaccine có hiệu lực bảo vệ khá tốt, có tiềm năng đối phó với Covid-19. Ông Thái cũng cho biết các đánh giá hiện tại cho thấy Covivac có hiệu quả ngăn ngừa cả hai biến chủng Anh và Nam Phi.
IVAC có sẵn hệ thống dây chuyền công nghệ và nhà xưởng do ngân sách nhà nước và quốc tế đầu tư. Hiện công suất của IVAC đạt 6 triệu liều nhưng đến tháng 9 có thể nâng cấp lên quy mô 30 triệu liều một năm. Vì vậy, viện đủ khả năng cung cấp vaccine Covid-19 với giá 60.000 đồng một liều để phục vụ người dân.
Vaccine Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được thử nghiệm trên người là Nanocovax do Nanogen sản xuất, hiện đã bước sang thử nghiệm giai đoạn hai. Một đơn vị khác cũng đang nghiên cứu vaccine Covid-19 là Vabiotech, chuẩn bị nộp hồ sơ thử nghiệm lâm sàng.
Vaccine Covivac do Viện IVAC, Nha Trang nghiên cứu. Ảnh: Xuân Ngọc .
Việt Nam sẽ thử nghiệm vắc xin COVID-19 thứ 2 trên người trong tháng 1/2021 Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) đề nghị Bộ Y tế cho thử nghiệm vaccine COVID-19 Covivac trên người tình nguyện vào tháng 1/2021, sớm 2 tháng so với kế hoạch. TS Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết vaccine COVID-19 của IVAC đã được thử nghiệm trên động vật như chuột...