6 năm mất tích bí ẩn, thiếu nữ bất ngờ tìm được gia đình
Thông qua mạng xã hội, một cô gái trẻ ở huyện miền núi Kỳ Sơn ( Nghệ An) bất ngờ tìm lại được người thân sau 6 năm mất tích bí ẩn.
Cụt Thị Na liên lạc với người nhà sau 6 năm bị lừa bán sang Trung Quốc
Tối 25/4, ông Vi Văn Duy – Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) xác nhận Cụt Thị Na (SN 1998) chính là con gái của ông Cụt Phò Lập (SN 1974, trú ở bản Nam Tiến 1, xã Bảo Nam), hiện đã liên hệ được với gia đình sau nhiều năm xa cách.
“Sau khi nắm được thông tin về sự việc, phía Công an xã đã phối hợp với cán bộ Công an huyện Kỳ Sơn tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin. Vì em ấy đang ở nước ngoài nên địa phương cũng đang chờ ý kiến từ phía công an và các cơ quan chức năng để xử lý”, ông Duy cho biết thêm.
Trước đó, ngày 22/4, một tài khoản Facebook ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) chia sẻ thông tin về một cô gái tên là Cụt Thị Na (quê ở Nghệ An) bị lừa bán sang Trung Quốc. Thời điểm Na bị bán là lúc 13 tuổi, đến nay cô gái này đã 19 tuổi. Do không được dùng điện thoại nên Na mất liên lạc với gia đình ở Việt Nam từ lâu. Khi gặp được người này, Na nhờ đăng thông tin và hình ảnh của mình lên Facebook để tìm gia đình.
Anh Nguyễn Hùng Cường liên lạc với Cụt Thị Na để làm cầu nối giúp em tìm người thân
Thông tin này được chia sẻ trên mạng xã hội và nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Biết tin, anh Nguyễn Hùng Cường (trú ở xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, Nghệ An) đã đứng ra kết nối với người đăng thông tin để giúp N. tìm người thân.
“Khi tôi thấy một người tên D. (người đồng bào dân tộc Thái) đang sinh sống ở Trung Quốc gửi ảnh, thông tin ban đầu nói có cô gái cần tìm người thân, tôi đã liên hệ nói D. quay lại video Na tự giới thiệu về bản thân. D. đã quay lại hình ảnh N. nói tiếng dân tộc Thái. Phán đoán Na là người Kỳ Sơn nên tôi đăng lên Facebook “Người Kỳ Sơn” và nhận được một số ý kiến phản hồi từ người thân Na”, anh Cường cho biết.
Có được một số thông tin ban đầu, anh Cường đã liên hệ với anh trai của Na là Cụt Văn Lập qua Facebook rồi xin số điện thoại liên lạc. “Để tiện cho việc liên lạc, tôi đã lập nhóm trên Zalo với mọi người để gửi hình ảnh, video xác minh cụ thể, nhờ vậy gia đình họ đã kết nối và nhận ra được nhau sau bao năm trời xa cách”, anh Cường nói.
Anh Cụt Phò Lập liên lạc được với con gái sau 6 năm
Theo lời kể của anh Cụt Văn Lập thì năm 2013, anh đi làm vàng ở Quảng Nam, em gái anh là Na đi làm ở Sài Gòn, nhiều năm cũng không gọi về cho gia đình. Thời gian trôi qua, mọi người trong gia đình đều không biết Na đang ở đâu, làm gì. Sau khi được kết nối, anh Lập mới biết em gái đang ở Trung Quốc.
Được biết, Cụt Thị Na (SN 1998) là con thứ 2 trong gia đình thuộc diện nghèo khó ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Năm 2008, mẹ mất, ông Cụt Phò Lập (bố Na) không đủ sức nuôi 3 người con nên phải đi ở nhờ nhà người trong bản. Sau 6 năm mất tích, Cụt Thị Na cho biết hiện đã lập gia đình ở Trung Quốc và có một con trai 2 tuổi.
THU HIỀN
Video đang HOT
Những khoản thu chồng chéo tại trường Na Ngoi
Ngay cả một số giáo viên trong trường còn không thể lý giải nổi khái niệm của những khoản như tiền xã hội hóa, tiền bán trú, tiền quỹ hội...
Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Thái, H'Mông, Khơ mú...Nhìn chung, đời sống của họ còn gặp khá nhiều khó khăn.
Danh sách thu tiền học sinh của Trường dân tộc bán trú- Trung học cơ sở Na Ngoi huyện Kỳ Sơn (Ảnh phụ huynh cung cấp).
Để nâng cao dân trí, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường đầy đủ.
Thế nhưng, theo phản ánh của phụ huynh và giáo viên nơi này, một số trường học trong đó có Trường dân tộc bán trú- Trung học cơ sở Na Ngoi đã tự đề ra nhiều khoản thu vô lý buộc phụ huynh phải đóng góp với mức phí khá cao.
Không chỉ tạo ra bất bình mà còn đổ trực tiếp gánh nặng vật chất lên vai nhiều phụ huynh mà đặc biệt là những phụ huynh nghèo.
Đơn cử mức thu của năm học 2017-2018:
Tiền xã hội hóa : 250.000đ/học sinh/năm học.
Tiền bán trú Quỹ hội : 250.000đ/học sinh/năm học.
Tiền bể nước : 80.000đ/học sinh/năm học.
Tiền lao động : 150.000đ/học sinh/năm học.
Tiền GT lần 1 : 10.000đ/học sinh.
Tổng cộng : 740.000đ/học sinh/năm học.
Đó chỉ là ví dụ việc thu tiền phụ huynh của năm học 2017-2018, được biết nhiều năm về trước, nhà trường cũng đã thu nhiều khoản tiền như thế.
Riêng năm học 2018-2019 thu tiền bể nước có giảm xuống còn 50.000đ/học sinh bán trú (thay vì trước đó thu 80.000đ).
Nhiều khoản tiền chồng chéo
Nhìn vào quy định thu tiền của Trường dân tộc bán trú- Trung học cơ sở Na Ngoi thấy rõ khá nhiều khoản tiền được thu chồng chéo.
Ngay cả một số giáo viên trong trường còn không thể lý giải nổi khái niệm của những khoản như tiền xã hội hóa, tiền bán trú, tiền quỹ hội...
Bởi đã thu tiền xã hội hóa lại thu luôn cả tiền quỹ hội. Học sinh bán trú còn phải nộp thêm tiền bán trú (không phải tiền ăn, ở mà là tiền để xây dựng cơ sở bán trú như làm hàng rào, mua bát đũa, nồi niêu...).
Đã thế, những học sinh này tiếp tục phải nộp thêm tiền xây bể nước.
Một số giáo viên cho rằng tất cả đều là tiền từ túi của phụ huynh. Câu hỏi làm nhiều người thắc mắc: "Sao phải phân ra từng khoản như vậy? Tiền xã hội hóa, quỹ hội hay tiền xây dựng cơ sở bán trú thì có gì khác nhau?".
Khi nói chuyện với chúng tôi, một số thầy cô cũng mơ hồ vì không biết nhà trường dùng những khoản tiền thu được để làm những việc gì.
Trò chuyện với ông Xồng Chia Xa, Hội trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường cho biết:
"Năm nào học sinh cũng nộp tiền cho trường. Thầy thu bao nhiêu, chi bao nhiêu không cho chúng tôi biết, cũng không có chứng từ thu chi rõ ràng.
Hôm trước thầy (ý nói thầy hiệu trưởng) làm chứng từ kêu tôi ký nhưng tôi không ký vì đó là chứng từ khống. Tôi nói để cho đoàn thanh tra làm việc...".
Lãnh đạo nói gì?
Để xác nhận thông tin phản ánh, chúng tôi tiếp tục liên hệ với thầy Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường nhưng thầy Hùng cho biết mình không làm việc trên điện thoại.
Liên hệ với lãnh đạo xã Na Ngoi được biết:
"Lãnh đạo trường có hỏi xin ý kiến của lãnh đạo xã về các khoản thu, chúng tôi nói để họp phụ huynh nhất trí thu thì chúng tôi mới ký".
Rõ ràng nhà trường tự "đẻ" ra nhiều khoản thu là không đúng. Nhưng trách nhiệm của lãnh đạo xã trong chuyện này cũng không hề nhỏ, sự buông lơi quản lý đã tạo điều kiện cho lạm thu trong nhà trường phát triển.
Giá như khi nhận được tờ trình xin thu tiền từ nhà trường, xã phải cân nhắc, thẩm tra lại các khoản thu ấy có thật sự hợp lý, có đúng quy định của pháp luật hay không?
Đặc biệt, những khoản thu ấy có phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân trong vùng hay không rồi mới nên ký.
Đằng này, lãnh đạo xã chỉ căn cứ vào việc phụ huynh đồng ý là chính quyền đồng ý nên mới dẫn đến việc trường thu chi vô tội vạ còn dân cứ phải è cổ đóng góp gây nên nhiều bức xúc.
Theo một số giáo viên nơi đây cho biết, phần đông phụ huynh dân tộc thiểu số hiểu biết còn hạn chế, nhiều người họ thường rất tin tưởng nhà trường.
Bất kể kế hoạch thu chi như thế nào họ cũng đều nghe và thực hiện đầy đủ dù gia cảnh còn rất khó khăn vất vả, ít người dám có ý kiến phản đối.
Phải chăng lợi dụng điều này, một số hiệu trưởng đã áp những khoản thu vô lý lên đầu những học sinh vô tội của mình?
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Nghệ An: Mưa đá và lốc xoáy khiến nhiều nhà bị hư hỏng Trận mưa đá có những hạt đường kính hơn 1cm kèm theo lốc xoáy dữ dội xuất hiện ở huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An khiến nhà cửa và hoa màu bị hư hại nhiều. Mới đây, lãnh đạo xã Đọoc Mạy, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) xác nhận trên địa bàn xảy ra mưa đá kèm theo lốc xoáy, khiến một...