6 lực lượng lục quân hùng mạnh nhất thế giới qua mọi thời đại
Hai nhà báo Mỹ xếp lục quân La Mã, Mông Cổ, Ottoman, Đức Quốc xã, Liên Xô, và Mỹ vào nhóm quân đội hàng đầu thế giới từ cổ chí kim.
Trong quan hệ thế giới nhiều rủi ro và bất định, sức mạnh quân sự là một dạng công cụ quan trọng. Một quốc gia có thể có một nền văn hóa, nghệ thuật và triết học hoành tráng, cũng những vinh quang khác, nhưng tất cả những điều đó sẽ ít ý nghĩa nếu đất nước đó thiếu một quân đội hùng mạnh để tự bảo vệ. Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc thậm chí còn từng phát biểu không úp mở rằng “Súng đẻ ra chính quyền”.
Trong các loại sức mạnh quân sự, lục quân dễ được coi là quan trọng nhất bởi một lẽ đơn giản, con người ta sống trên cạn và nhiều khả năng sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai. Như nhà khoa học chính trị nổi tiếng J. Mearsheimer từng nhận xét: “Với các lực lượng không quân và hải quân đóng vai trò hỗ trợ, lục quân chính là dạng sức mạnh quân sự ở mức cao nhất của thế giới hiện đại”.
Trên thực tế, theo Mearsheimer, cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương chống lại Nhật Bản là “cuộc chiến duy nhất của cường quốc trong thế giới hiện đại mà trong đó lục quân không chịu trách nhiệm chính về việc phân định thắng thua, còn sức mạnh không quân và hải quân đóng vai trò cao hơn vai trò phụ trợ”. Tuy nhiên, Mearsheimer cũng giải thích luôn, “sức mạnh lục quân vẫn đóng vai trò quyết định trong việc đánh bại nước Nhật” (xét trong toàn bộ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2).
Và do vậy, lục quân là nhân tố quan trọng nhất phải tính tới khi đánh giá sức mạnh tương đối của một quốc gia. Nhưng làm thế nào mà chúng ta xác định được các lực lượng lục quân nào là hùng mạnh nhất trong thời của họ? Câu trả lời là dựa vào khả năng giành chiến thắng một cách quyết định và nhất quán, và mức độ mà các đội quân đó cho phép các nước tương ứng của chúng khống chế được các quốc gia khác – chức năng này chỉ có ở lực lượng trên bộ, vì chỉ lục quân mới có thể kiểm soát và chinh phục. Dưới đây là một vài lục quân hùng mạnh nhất trong lịch sử:
Lục quân La Mã
Tranh về lục quân La Mã.
Quân đội La Mã nổi tiếng về việc chinh phục cả thế giới phương Tây trong một thời kỳ kéo dài tới mấy trăm năm. Lợi thế của lục quân La Mã là sức dẻo dai, khả năng quay trở lại và giao tranh liên tục bất kể có bị thất bại đến thế nào. Người La Mã phô bày điều này trong các cuộc chiến tranh Carthago. Thời đó bất chấp thiếu thốn thông tin và nguồn lực, người La Mã vẫn đánh bại được người Carthago bằng cách đợi cho đối phương lộ diện, sau đó dùng chiến thuật bất ngờ.
Quân đội La Mã có nhiều cách khuyến khích binh sĩ chiến đấu một cách mạnh mẽ và quyết tâm. Đối với các quân nhân nghèo, chiến thắng trong chiến tranh sẽ mang lại cho họ đất đai. Đối với các địa chủ, chiến thắng sẽ củng cố các quyền lợi đã có của họ, đồng thời giúp họ giàu có thêm. Đối với toàn quốc gia La Mã, chiến thắng trong chinh chiến sẽ bảo đảm an ninh cho đế chế này.
Tất cả các sáng kiến trên thúc đẩy người lính La Mã chiến đấu mãnh liệt hơn. Tinh thần chiến đấu luôn là một yếu tố rất quan trọng trong năng lực tác chiến của lục quân.
Một yếu tố quan trọng tương tự là việc La Mã sử dụng đội hình chiến thuật nhiều hàng, điều này giúp quân La Mã có thêm lợi thế. Khi đối phương đã kiệt quệ trước các lớp chiến binh tuyến đầu, thì những binh sĩ khỏe mạnh tung vào trận ở các tuyến sau sẽ dễ dàng hạ gục đối phương.
Với các vị tướng tài, quân đội La Mã cũng biết sử dụng yếu tố cơ động để giành lợi thế trước đối phương, nhất là trước các kẻ thù thường thiên về phòng ngự.
Kết quả là trong khoảng 300 năm, La Mã đã bành trướng từ một cường quốc ở khu vực Italy trở thành một đế chế làm chủ toàn bộ Địa Trung Hải và các dải đất xung quanh. Các đội quân lê dương của La Mã – các sư đoàn lục quân La Mã bao gồm các binh sĩ chuyên nghiệp phục vụ trong 25 năm – được huấn luyện tốt và được vũ trang mạnh. Các đội quân này được bố trí tại các vị trí chiến lược trong toàn đế chế La Mã, vừa để giữ sự thống nhất của đế chế vừa để ngăn kẻ thù từ bên ngoài. Quân đội La Mã, dù có một số nhược điểm nhất định, thực sự không có đối thủ ngang hàng sức mạnh trong vùng của mình.
Lục quân Mông Cổ
Hình ảnh quân đội Mông Cổ trên đường hành quân. Ảnh: deadliestblogpage.wordpress.com.
Người Mông Cổ – có số lượng tối đa chỉ 1 triệu người khi họ bắt đầu các cuộc chinh phạt vào năm 1206 – đã cố gắng đánh chiếm và chinh phục hầu hết lục địa Á-Âu trong 100 năm. Họ đã đánh bại các đội quân và quốc gia đông gấp hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần dân số Mông Cổ. Quân đội Mông Cổ về cơ bản là một lực lượng không thể cản bước, xuất hiện bất thình lình để rồi thống trị cả Trung Đông, Trung Quốc và Nga.
Thành công của người Mông Cổ phần nhiều là do các chiến thuật và chiến lược của nhân vật Thành Cát Tư Hãn, người đã sáng lập ra đế chế Mông Cổ. Thế mạnh số một của người Mông Cổ là tính cơ động và sự bền bỉ. Chính lối sống du mục của người Mông Cổ đã giúp họ điều động được các đội quân lớn vượt qua một khoảng cách lớn trong thời gian ngắn đáng kinh ngạc. Trong quá trình di chuyển, người Mông Cổ có thể sống dựa vào đàn gia súc và máu từ chính các con ngựa mà họ cưỡi.
Thực sự thì sức cơ động cao của người Mông Cỏ dựa phần lớn vào kỵ mã của họ. Mỗi kỵ binh Mông Cổ nuôi 3 đến 4 con ngựa để không ngừng tiếp sức cho họ. Các kỵ binh mang theo cung tên để vừa cưỡi ngựa vừa bắn, khiến quân Mông Cổ có thể lợi thế rõ rệt trước lực lượng bộ binh trong quá trình giao tranh. Tính kỷ luật nghiêm khắc của người Mông Cổ cộng với tính cơ động từ các chú ngựa đã giúp người Mông Cổ phát triển nhiều chiến thuật sáng tạo, bao gồm lối đánh bất ngờ rồi rút lui và một hình thức sơ khai của chiến tranh chớp nhoáng.
Quân Mông Cổ cũng dùng nhiều đến “ngón đòn” khủng bố, cố tình gây ra những thiệt hại và thương vong thật lớn cho các kẻ thù thất trận nhằm đập tan ý chí của các kẻ thù khác.
Video đang HOT
Lục quân của đế chế Ottoman
Hình ảnh lục quân Ottoman. Ảnh: saracennegative.deviantart.com.
Quân đội Ottoman đã chinh phục hầu hết Trung Đông, vùng Balkan, và Bắc Phi trong thời kỳ hoàng kim của đế chế Ottoman. Gần như lúc nào đội quân Ottoman cũng áp đảo lực lượng quân sự của người Kitô giáo cũng như Hồi giáo ở các nước láng giềng. Lục quân Ottoman đã chinh phục một trong những thành phố khó công phá nhất trên thế giới – thành Constantinople, vào năm 1453. Trong vòng 500 năm, quân đội Ottoman là nhân tố cơ bản trên sân khấu chính trị của một khu vực mà trước đó gồm tới hàng chục quốc gia.
Bí quyết của lục quân Ottoman là sử dụng hiệu quả đại bác và súng hỏa mai trước các kẻ thù đa phần vẫn chiến đấu bằng các vũ khí từ thời trung cổ. Điều này mang lại cho Ottoman lợi thế có tính quyết định khi họ mới chỉ là một đế chế non trẻ. Pháo đã giúp họ hạ được thành Constantinople và đánh bại người Ba Tư cùng người Mamluk của Ai Cập.
Một lợi thế quan trọng khác của Ottoman là họ sử dụng các đơn vị bộ binh tinh nhuệ mà họ gọi là Janissary. Các Janissary này được huấn luyện làm chiến binh từ khi còn trẻ và do vậy vừa rất mực trung thành vừa rất thiện chiến trên chiến trường.
Lục quân Đức Quốc xã
Lục quân Đức Quốc xã. Ảnh: www.strangenotions.com
Sau thế bế tắc kéo dài trên chiến trường Thế chiến thứ 1(cuộc chiến nổi tiếng với hình thế trận địa chiến – hai bên đều cầm chừng do nếu xung phong lên dù cả bằng kỵ binh thì đều dễ dàng trở thành mồi ngon cho súng máy bắt đầu được sử dụng rộng rãi vào thời kỳ đó – ND), sang Thế chiến thứ 2, lục quân Đức Quốc xã (có tên gọi Wehrmacht) đã gây sốc cho cả châu Âu và thế giới bằng việc nhanh chóng đánh chiếm hàng loạt quốc gia Trung và Tây Âu chỉ trong có vài tháng. Có thời điểm người ta tưởng chừng quân bộ Đức đã đánh chiếm được toàn bộ Liên Xô rộng lớn.
Lục quân Đức có khả năng đạt được các chiến công lớn đó là nhờ đưa vào áp dụng một khái niệm chiến tranh mới là “chiến tranh chớp nhoáng” (Blitzkrieg trong tiếng Đức). Hình thức tác chiến này sử dụng các công nghệ mới về vũ khí và liên lạc, kết hợp tốc độ, yếu tố bất ngờ và sử dụng tập trung lực lượng để tạo ra hiệu quả đáng sợ. Cụ thể, các đơn vị bộ binh cơ giới hóa và được trang bị xe thiết giáp, lại được yểm trợ bằng không quân tầm gần, có năng lực chọc thủng phòng tuyến đối phương và bao vây tiêu diệt quân địch.
Trong giai đoạn mở màn Thế chiến 2, lực lượng đối phương của Đức thường bị sốc và áp đảo hoàn toàn đến mức họ hầu như chỉ chống cự một cách yếu ớt.
Tiến hành các cuộc tấn công chớp nhoáng kiểu này đòi hỏi phải có các lực lượng thiện chiến được huấn luyện kỹ, mà điều này thì người Đức lại dư thừa. Sử gia Andrew Roberts từng nhận xét: “Từng người lính Đức cho đến các vị tướng của họ đều vượt trội người Anh, người Mỹ và người Nga trong cả công lẫn thủ cùng nhờ một yếu tố nổi bật trong suốt Thế chiến 2″.
Tuy nhiên cuối cùng lục quân Đức Quốc xã cuối cùng đã thất bại do nước Đức thiếu cả nhân lực và các nguồn lực khác. Hệ tư tưởng Quốc xã cũng góp phần làm quân đội Đức chiến bại.
Lục quân Liên Xô
Tái hiện hình ảnh Hồng quân Liên Xô trên quảng trường Đỏ. Ảnh: blogs.ft.com
Quân đội Xô viết (trước năm 1946 được gọi là Hồng quân) đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi cục diện Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Thực sự thì, trận Stalingrad kết thúc bằng sự đầu hàng của toàn bộ Tập đoàn quân số 6 của Đức – gần như được toàn thế giới coi là bước ngoặt chính của mặt trận châu Âu trong Thế chiến thứ 2.
Chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến 2 và năng lực của nước này trong việc gây áp lực đối với phần còn lại của châu Âu trong 4 thập kỷ tiếp theo sau khi cuộc chiến kết thúc, một phần nhỏ là nhờ ưu thế về công nghệ (ngoại trừ vũ khí hạt nhân) và thiên tài quân sự (thực tế giai đoạn đầu Thế chiến 2, Hồng quân Liên Xô bị thiệt hại nặng và phải thoái lui nhiều, do nhiều tướng tài bị loại bỏ trong các cuộc thanh trừngtrước đó).
Lục quân Liên Xô là một lực lượng vô địch, một phần quan trọng là nhờ quy mô khủng của nước này xét về diện tích, dân số và nguồn lực công nghiệp.
Sử gia Richard Evans, chuyên nghiên cứu về Đức Quốc xã, giải thích: “Theo ước tính của riêng Liên Xô, Hồng quân Liên Xô đã chịu các tổn thất tổng cộng lên tới hơn 11 triệu lính, trên 100.000 máy bay, hơn 300.000 khẩu pháo, và gần 100.000 xe tăng và pháo tự hành. Một số nguồn khác đưa ra con số tổn thất nhân sự quân sự cao hơn nữa, có thể cao tới 26 triệu binh sĩ”.
Sau trận Stalingrad máu lửa, quân Liên Xô tiếp tục phải đổ thêm nhiều máu trong trận công phá Berlin, sào huyệt của phát xít Đức.
Về mặt công nghệ, Liên Xô có xe tăng T-34 nổi tiếng, với đóng góp không nhỏ vào chiến thắng chung. Về mặt chỉ đạo quân sự, về sau Stalin đã mạnh dạn trao quyền cho một số chỉ huy có năng lực.
Sau năm 1945, ngoài việc sở hữu vũ khí hạt nhân, lục quân Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn sở hữu lợi thế quân đông và nguồn lực quốc gia khổng lồ. Do vậy Mỹ và NATO đã lên kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân sớm nếu xảy ra xung đột ở châu Âu.
Lục quân Mỹ
Lính Mỹ ở Afghanistan. Ảnh: Reuters.
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Hoa Kỳ thường tránh duy trì một lực lượng lục quân đông đảo. Đấy là do Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ yêu cầu Quốc hội xây dựng và duy trì hải quân thường trực, và chỉ cho phép Quốc hội xây dựng và hỗ trợ lục quân khi cần thiết.
Mỹ đã áp dụng mô hình này cho đến khi kết thúc Thế chiến 2. Trong thời kỳ đó, Mỹ hình thành các đội quân trên bộ có quy mô lớn trong thời chiến rồi khi chiến tranh qua đi, họ nhanh chóng giải tán các lực lượng lục quân có quy mô lớn.
Dẫu vậy từ đầu thế kỷ 20, lục quân Mỹ vẫn hiệu quả cao, đặc biệt là trong các cuộc chiến chống lại các quốc gia-dân tộc. Việc Mỹ tham gia vào Thế chiến 1 và 2 đã góp phần làm nghiêng cán cân lợi thế về phe đồng minh. Lục quân Mỹ cũng đã làm tan rã quân đội của Saddam Hussein ở Kuwait năm 1991 và ở Iraq năm 2003.
Lục quân Mỹ ấn tượng ở chỗ họ có khả năng triển khai một lực lượng lớn một cách nhanh chóng và hiệu quả. So với các đội quân đông về số lượng như Liên Xô, lục quân Mỹ thành công nhờ chủ yếu vào mức độ huấn luyện cao và ưu thế vượt trội về công nghê. Đã vậy, lục quân Mỹ lại được tiếp sức bởi lực lượng không quân và hải quân cũng là mạnh nhất thế giới.
(Bài viết phản ảnh quan điểm của hai nhà báo Mỹ, Zachary Keck và Akhilesh Pillalamarri).
Trung Hiếu Dịch từ National Interest
Theo_VOV
Vì sao Hồng quân thất trận trong ngày đầu Thế chiến II?
Đã biết trước thời điểm quân Đức tấn công và đã chuẩn bị đối phó, nhưng Hồng quân Liên Xô vẫn thất trận trong những ngày đầu Thế chiến II.
Biết trước thời điểm quân Đức tấn công và đã chuẩn bị đối phó, nhưng Hồng quân Liên Xô vẫn thất trận đau đớn trong những ngày đầu Thế chiến II.
Nguyên nhân thất bại của Hồng quân Liên Xô một phần là do ưu thế của quân Đức về quân số, vũ khí và chiến thuật "đánh nhanh thắng nhanh".
Chiến sĩ Hồng quân trong phim "Pháo đài Brest".
Nguyên nhân chủ quan là Hồng quân vẫn còn áp dụng học thuyết quân sự lỗi thời, trình độ tác chiến và trang bị vũ khí quá lạc hậu so với quân Đức. Các cấp chỉ huy của Hồng quân Liên Xô - từ sĩ quan cấp thấp đến Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng đến Tổng Tư lệnh tối cao Stalin - đều không dự đoán nổi chiến thuật, cường độ, mật độ tấn công mãnh liệt ngay từ giờ phút đầu chiến tranh của quân Đức.
Liên Xô đã chuẩn bị đối phó từ lâu
Ban lãnh đạo Liên Xô biết chiến tranh với Đức chẳng sớm thì muộn sẽ nổ ra nhưng cho rằng không thể sớm hơn năm 1942. Khi được Thủ tướng Anh Winston Churchill cảnh báo về việc Đức tấn công Liên Xô, Tổng Tư lệnh tối cao Stalin chỉ trả lời ngắn gọn: "Tôi biết chiến tranh sẽ nổ ra, nhưng tôi tin sẽ có thể làm nó chậm lại nửa năm nữa".
Việc Anh, Pháp từ chối liên minh với Liên Xô và còn ký với Đức Hiệp ước Mnchen (tháng 9/1938) bỏ mặc đồng minh Tiệp Khắc cho Đức tiêu diệt khiến Liên Xô thấy rằng phương Tây không hề thực tâm trong việc ngăn chặn Hitler, mà chỉ tìm cách lợi dụng cỗ máy chiến tranh Đức để tiêu diệt Liên Xô.
Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Molotov ký Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau Xô-Đức (Hiệp ước Molotov-Ribbentrop).
Chính vì vậy Liên Xô phải tìm cách hòa hoãn ký kết với Đức Quốc xã Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau Xô-Đức, còn gọi là Hiệp ước Molotov-Ribbentrop (tên của hai Ngoại trưởng Xô-Đức thời đó).
Đây chỉ là sự lợi dụng lẫn nhau nhất thời giữa hai kẻ thù không đội trời chung. Liên Xô muốn tranh thủ hòa hoãn để có thêm thời gian củng cố quân đội và công nghiệp quốc phòng. Trong giai đoạn hai năm hòa hoãn với Đức Quốc xã, công nghiệp quốc phòng của Liên Xô có bước phát triển vượt bậc. Kể từ 1/1/1939 tới 22/6/1941, Hồng quân Liên Xô đã được trang bị hơn 7.000 xe tăng, tăng quân số 2,3 lần, pháo và súng cối tăng 2,1 lần và máy bay chiến đấu tăng 2,4 lần.
Biết trước thời điểm quân Đức tấn công
Tháng 12/1940, Richard Sorge - điệp viên lừng danh thế giới được cài cắm ở thủ đô Tokyo - báo về một thông tin chấn động: phát xít Đức đã lên kế hoạch tấn công Liên Xô sau khi kết thúc chiến sự ở Tây Âu. Giám đốc Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô (GRU), Đô đốc Filipp Golikov, vội vàng báo cáo Stalin. Tuy nhiên, tin tình báo chiến lược này lại không được Đại nguyên soái Stalin tin tưởng.
"Nhà tình báo vĩ đại" Richard Sorge, Anh hùng Liên Xô.
Đến ngày 15/6/1941, "nhà tình báo vĩ đại" Richard Sorge lại báo cáo thời điểm cụ thể là quân Đức sẽ mở màn chiến dịch Barbarossa tấn công Liên Xô vào ngày 22/6/1941. Thông tin này ngay lập tức được cấp báo về Moscow. Ngày 17/6/1941, điệp viên mật danh "Rado" cũng gửi về Mátxcơva một tin tình báo có nội dung tương tự.
Ngày 21/6/1941, tại hội nghị do Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô triệu tập, Đô đốc Golikov báo cáo tình hình tập hợp lực lượng của quân đội phát xít Đức ở khu vực biên giới Xô-Đức. Lúc này, Đô đốc Golikov đã có trong tay không chỉ phiên hiệu, mà cả tên của từng viên chỉ huy những đơn vị quân Đức tập kết tại khu vực sát biên giới Liên Xô. Tuy nhiên, Đô đốc Golikov lại khẳng định rằng quân Đức chưa chuẩn bị đầy đủ để tấn công Liên Xô vì còn thiếu...6 triệu áo lông cừu để đối phó với mùa đông nước Nga.
Chưa đầy 10 tiếng đồng hồ sau tuyên bố của Đô đốc Golikov, quân Đức đã mở màn chiến dịch tấn công Liên Xô.
Chỉ trong vòng một tuần lễ sau khi Đức mở màn tấn công Liên Xô ngày 22/6/1941, cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Đức đã bao vây và tiêu diệt gần hết lực lượng của Phương diện quân Tây của Hồng quân Liên Xô.
Phương diện quân Tây đã rơi vào hai vòng vây lớn và mau chóng bị tiêu diệt. Ngày 29/6/1941 thủ đô Minsk của Belarus thất thủ. Ngày 30/6 phần lớn lực lượng Hồng quân Liên Xô bị bao vây đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Trong một tuần chiến tranh đầu tiên, Phương diện quân Tây đã mất 42 vạn binh sĩ tại Belarus, chỉ còn hơn 20 vạn thoát khỏi vòng vây để lập tuyến phòng thủ mới.
Nguyên nhân thất bại
Thất bại nặng nề của Hồng quân Liên Xô ở Belarus trước hết là do Bộ chỉ huy Đức xác định đây là mũi tấn công chính và đã tập trung binh lực dày đặc. Trên mặt trận này ưu thế về quân số và vũ khí của Đức đều quá vượt trội so với Hồng quân Liên Xô. Hai tập đoàn quân xe tăng Đức như hai gọng kìm thép đã tiến hành tiến công thọc sâu vũ bão, chia cắt và bao vây gây cho Hồng quân Liên Xô những tổn thất cực kỳ to lớn. Ngoài ra, Hồng quân Liên Xô còn bộc lộ nhiều nhược điểm chết người trước chiến thuật "đánh nhanh thắng nhanh" hiện đại của đối phương.
Thứ nhất, Kế hoạch Barbarossa tấn công tiêu diệt Liên Xô được Hitler phê chuẩn ngày 18/12/1940 đã huy động 3/4 quân số của quân đội Đức Quốc xã (cùng với quân đội nhiều nước đồng minh tại Châu Âu), chỉ để lại 1/4 quân số ở Tây Âu và Bắc Phi. Tổng cộng, phía Đức và đồng minh có khoảng 5 triệu binh sĩ, 190 sư đoàn, 5.000 xe tăng và 4.950 máy bay. Nhiệm vụ đặt ra của quân Đức Quốc xã là trong năm 1941 phải bao vây và tiêu diệt quân chủ lực Hồng quân Liên Xô, không cho rút sâu vào nước Nga. Đến trước mùa đông năm 1941, quân đội Đức phải hoàn tất việc đánh bại Liên Xô trong vòng bốn tháng.
Thứ hai, trình độ tác chiến và trang bị vũ khí của Hồng quân Liên Xô quá lạc hậu so với quân Đức. Lớp sĩ quan chỉ huy Hồng quân Liên Xô sau đợt thanh trừng hồi những năm 1930 chưa tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức và bản lĩnh chỉ huy. Trong báo cáo mật trình bày trước Đại hội 22 ĐCS Liên Xô năm 1956, Tổng Bí thư Nikita Khrushchev cho biết 3 trong 5 vị Nguyên soái đầu tiên của Hồng quân Liên Xô, 12/15 tư lệnh Tập đoàn quân, 57/85 tư lệnh quân đoàn và 110/195 sư đoàn trưởng đã bị thanh trừng trong những năm 1930.
Thứ ba, các cấp chỉ huy của Hồng quân Liên Xô từ sĩ quan cấp thấp đến Tổng tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, đến Tổng tư lệnh tối cao đều không thể dự đoán nổi tính chất, cường độ, mật độ tấn công mãnh liệt ngay từ giờ phút đầu của quân Đức Quốc xã... và vẫn nghiêng về trận địa chiến.
Tứ tư, quan điểm sai lầm trong việc xây dựng các khu vực phòng thủ: Các khu phòng thủ quá sát biên giới, dàn hàng ngang không có chiều sâu nên rất dễ dàng bị đối phương đánh thọc sâu bọc sườn và bao vây ngay từ đầu. Hình thế chiến dịch bất lợi này đã được Bộ Tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô nhiều lần khuyến cáo, nhưng Tổng Tư lệnh tối cao Stalin và đặc biệt Bộ trưởng Quốc phòng Kliment Voroshilov đã không ra lệnh bố trí lại.
Thứ năm, học thuyết quân sự của Liên Xô thời đó đề cao quá mức yếu tố tinh thần-chính trị, không đánh giá đúng vai trò cực kỳ quan trọng của chiến thuật-vũ khí hiện đại. Học thuyết quân sự này đòi hỏi Hồng quân Liên Xô "đánh trực diện" thay vì tiến hành các mũi thọc sâu bao vây chia cắt tiến tới tiêu diệt quân địch như quân Đức Quốc xã đã thực hiện rất thành công trong Kế hoạch Babarossa.
Minh Châu (TH)
Theo_Kiến Thức
Anh đón tàu sân bay "khủng" của Mỹ Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt ngày 22/3 đến Anh trong hành trình nhằm biểu dương sức mạnh quân sự Mỹ và hiện không thể cập cảng nước bạn vì kích thước tàu quá lớn. Chuyến thăm được thực hiện giữa lúc đang có nhiều lo ngại về việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của Anh. Tàu sân bay USS Theodore...