6 đơn vị bí mật nhất trong lịch sử quân đội Mỹ
Dù Lầu Năm Góc ít nhiều thừa nhận sự tồn tại của các đơn vị đặc nhiệm bí mật, nhiều nhiệm vụ của họ vẫn được giữ kín hàng thập kỷ.
Đặc nhiệm Mỹ hoạt động ở Iraq. Ảnh: US Army
Để đảm bảo tính bí mật trong tác chiến tại nhiều điểm nóng trên toàn cầu, quân đội Mỹ buộc phải tổ chức các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ chuyên thực hiện các nhiệm vụ tối mật. Dù các đơn vị này đã giải thể hay còn tồn tại, người dân Mỹ vẫn biết rất ít về các hoạt động của họ. Dưới đây là 6 đơn vị bí mật nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, theo Scout.com.
Đội đặc nhiệm Bóng tối
Đội đặc nhiệm Bóng tối hay Đặc nhiệm 88 là những tên gọi mà các phương tiện truyền thông đặt cho đơn vị tiến hành những cuộc đột kích vào các tổ chức khủng bố ở Iraq và Afghanistan trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh tại đây.
Thông thường, đơn vị này được mô tả là một lực lượng hỗn hợp Anh – Mỹ bao gồm những thành viên ưu tú nhất đến từ SEAL Team 6 hải quân Mỹ, đặc nhiệm Delta Force và đặc nhiệm không quân hoàng gia Anh (SAS). Đặc nhiệm 88 được thành lập sau vụ khủng bố 11/9, được mô tả là một lực lượng “tìm diệt khủng bố”. Sự tồn tại và hoạt động bí mật của đơn vị được cho là bị lộ sau một cuộc đột kích qua biên giới Syria năm 2008 để tiêu diệt trùm phiến quân Abu Ghadiya.
Hiện đơn vị này còn duy trì hoạt động hay không, vẫn còn là câu hỏi lớn. Có thông tin cho rằng, đội đặc nhiệm Bóng tối có thể vẫn đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ trong chiến dịch tiêu diệt các phần tử cực đoan thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Không đoàn bay thử nghiệm số 6943/Phi đội bay thử nghiệm số 6594
Không đoàn 6943 đang thực hiện nhiệm vụ thu thập phim được gắn vào dù. Ảnh:Scout warrior
Video đang HOT
Đây là các đơn vị trực thuộc không quân Mỹ tồn tại trong giai đoạn 1958-1986 để thực hiện nhiệm vụ có mật danh “thu giữ những vì sao rơi”. Các đơn vị này khởi hành từ Hawaii để thu giữ những hộp phim rơi xuống từ các vệ tinh do thám đầu tiên của Mỹ trong chương trình Corona.
Theo đó, các vệ tinh này sẽ bay quanh trái đất và chụp các bức ảnh do thám trên lãnh thổ Liên Xô, sau đó thả hộp đựng phim gắn dù xuống Thái Bình Dương, nơi có lực lượng không quân Mỹ đợi sẵn để thu thập từ trên không.
Trong quá trình thu thập, một máy bay gắn móc lớn ở dưới đuôi sẽ cố gắng móc vào chiếc dù chứa hộp đựng phim khi nó rơi. Trong trường hợp móc trượt và hộp phim rơi xuống biển, đội thợ lặn của đơn vị sẽ nhập cuộc vớt chúng khỏi mặt nước.
Trong 27 năm thực hiện nhiệm vụ, đơn vị này đã thu thập được 40.000 hộp đựng phim, còn đội thợ lặn cứu hộ vớt được 60 hộp.
Đặc nhiệm Delta Force
Các đặc nhiệm Delta của Mỹ. Ảnh: Scout warrior
Kể từ khi thành lập năm 1977, đội đặc nhiệm Delta Force từng trải qua vài lần thay đổi tên gọi để đảm bảo tính bí mật. Ngoài tên gọi đặc nhiệm Delta, còn một số tên gọi khác như Đội Chiến đấu Ứng dụng (CAG) hay các Nhân tố Chuyên biệt của Quân đội Mỹ (ACE). Đây là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, chuyên thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố.
Lịch sử hoạt động của đội đặc nhiệm Delta có sự khởi đầu không thuận lợi khi hứng chịu thất bại nặng nề ngay lần đầu ra quân trong chiến dịch “Vuốt đại bàng” nhằm giải cứu 52 con tin Mỹ bị Iran bắt giữ. Sau đó, đơn vị đã khẳng định được mình trong chiến đấu từ cuộc chiến Panama đến chiến tranh Vùng Vịnh hay những cuộc săn lùng trùm khủng bố Osama Bin Laden. Do đơn vị này vẫn đang hoạt động nên cơ cấu tổ chức và nhiều nhiệm vụ của họ vẫn được giữ kín.
Đội đặc nhiệm SEAL Team 6
Đội SEAL Team 6 chuyên thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố, trinh sát đặc biệt, giải cứu con tin và các sứ mệnh bảo vệ tầm gần. Kể từ sau vụ khủng bố 11/9, ngân sách hoạt động và quân số của đội được tăng cường với 1.800 thành viên, trong đó có một số nữ binh sĩ thực hiện các nhiệm vụ tình báo.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ năm 1981, thành tích nổi trội nhất của đội là tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden và giải cứu thuyền trưởng Richard Phillips của con tàu Maersk Alabama khỏi những tên cướp biển Somali năm 2009.
Đơn vị số 7781
Hoạt động ở Berlin, Đức giai đoạn 1956-1984, đội đặc nhiệm mũ nồi xanh của lục quân Mỹ này còn có tên gọi là đội đặc nhiệm biệt phái số 39. Nhiệm vụ của lực lượng này là bảo vệ và “phát động kháng chiến” nếu Tây Berlin bị Liên Xô “chiếm đóng”. Ngoài việc được huấn luyện các kỹ năng gián điệp cổ điển, lực lượng này còn được trang bị các vũ khí tối tân như súng bật lửa và thuốc nổ C-4.
Phòng Tình báo Chiến lược (OSS)
Phòng Tình báo Chiến lược (OSS), tiền thân của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA), được thành lập năm 1942 với nhiệm vụ rất rộng là thu thập và phân tích các thông tin chiến lược cũng như tiến hành các chiến dịch đặc biệt bí mật.
Do chỉ có vài cơ quan có điệp viên hoạt động trong Thế chiến 2, nên đơn vị này phải đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ như tiến hành đột kích, chống buôn lậu vũ khí và phản gián, hỗ trợ các nhóm kháng chiến chống lại phe Trục và thu thập thông tin tình báo. OSS chính là đơn vị đầu tiên sử dụng biệt kích trên biển, trên không và trên bộ trong lịch sử nước Mỹ.
Duy Sơn
Theo VNE
Tân binh SEAL tự tử vì áp lực huấn luyện
Danny DelBianco nhảy từ tầng 22 xuống đất sau khi bỏ cuộc khỏi chương trình huấn luyện đặc nhiệm tinh nhuệ của hải quân Mỹ.
Hôm 5/4, Danny, 23 tuổi, rút khỏi chương trình huấn luyện của Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL) mà anh mơ ước được tham gia tại San Diego. Anh đặt chiếc mũ bảo hộ của mình cạnh mũ của những người từng bỏ cuộc trước đó và đi về phía doanh trại.
Vài giờ sau, Danny được tìm thấy tử vong vì nhảy xuống từ một khách sạn gần đó. Hải quân Mỹ cho hay lần đầu tiên trong lịch sử chương trình huấn luyện có một tân binh tự tử.
Danny DelBianco. Ảnh: Facebook
Ông Steve DelBianco, cha của anh, cho biết con trai ông đã kiệt sức vì trải qua 50 giờ không ngủ để hoàn thành một loạt bài huấn luyện khắc nghiệt.
Ông Steve nói rằng cái chết của con trai khiến gia đình rất đau đớn và ông muốn hải quân Mỹ phải thay đổi chương trình để đảm bảo rằng không có gia đình nào mất con theo cách này nữa, NBC cho hay.
Hải quân Mỹ chưa đồng ý với đề xuất của ông. Lực lượng này cho biết Danny nhẽ ra không bao giờ được phép rời khỏi buổi huấn luyện. Tuy nhiên, họ sẽ áp dụng một chính sách mới là giám sát các tân binh 24 giờ sau khi họ rút lui.
Theo hải quân Mỹ, khoảng 80% những người tham gia cuộc huấn luyện không vượt qua được các thử thách, trong đó có nhiều vận động viên hàng đầu từng đạt thành tích tốt. Những người bỏ cuộc hoặc không đủ điều kiện để tiếp tục huấn luyện sẽ làm việc tại căn cứ ở Coronado, gần San Diego.
SEAL là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ bậc nhất của Mỹ, từng tham gia vào nhiều chiến dịch lớn, trong đó có cuộc đột kích và tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011.
Danh tiếng của SEAL thu hút nhiều tân binh thi tuyển vào lực lượng này, trong khi chương trình huấn luyện ngày càng khó hơn. Có 200 - 250 binh sĩ SEAL được đào tạo ra mỗi năm.
Anh Ngọc
Theo VNE
Đặc nhiệm SEAL thiệt mạng khi huấn luyện Một đặc nhiệm SEAL tập sự thiệt mạng trong tuần đầu tiên tham gia huấn luyện cơ bản ở thành phố Coronado, bang California. Seaman James "Derek" Lovelace. Ảnh: US Navy. Seaman James "Derek" Lovelace, 21 tuổi, được đưa ra khỏi bể bơi ngày 6/5 sau khi anh có dấu hiệu di chuyển khó khăn khi mặc đồ ngụy trang, mặt nạ lặn,...