6 diễn viên tên tuổi của làng phim Hoa Ngữ từng để lại dấu ấn sâu đậm tại kinh đô điện ảnh Hollywood
Hollywood là kinh đô điện ảnh thế giới, nơi bất cứ diễn viên nào cũng muốn được đặt chân tới dù chỉ một lần. Hẳn nhiên, những ngôi sao đến từ làng giải trí Hoa Ngữ cũng không phải ngoại lệ.
Có thể nói rằng, Hollywood là miền đất hứa, là nơi tạo dựng tiếng tăm cho rất nhiều diễn viên đến từ đất nước cờ hoa cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vậy nên, việc được tham gia vào một tác phẩm cộp mác Hollywood cũng là ước mơ của nhiều ngôi sao thuộc làng giải trí Hoa Ngữ. Cho dù họ có thể chỉ được đảm nhận một vai phụ bình thường trong đó mà thôi.
Nói như vậy, không có nghĩa rằng Trung Quốc chưa từng có gương mặt nào được công nhận tài năng tại Hollywood. Sắp tới đây, tiểu hoa đán Lưu Diệc Phi cũng sẽ chính thức bước chân vào kinh đô điện ảnh thế giới với vai nữ chính trong dự án live-action Mulan của Disney. Tuy nhiên, thành tích của cô hẳn chưa thấm vào đâu so với những bậc tiền bối đi trước – họ mới là lớp diễn viên mang về cho giới điện ảnh xứ Trung niềm tự hào đích thực.
1. Thành Long
Thành Long xuất hiện tại Hollywood lần đầu tiên khi góp mặt trong phim điện ảnh Náo Loạn Phố Bronx (1995). Kể từ đó, Thành Long đã gây ấn tượng với khán giả quốc tế cũng như tạo nên thương hiệu riêng cho mình nhờ lối diễn xuất hài hước rất có duyên cùng những pha hành động mạo hiểm.
Thành Long kết hợp ăn ý với Chris Tucker trong “Giờ Cao Điểm”
Những tác phẩm tiếp theo mà ông tham gia hợp tác với các ngôi sao thế giới phải kể đến: Giờ Cao Điểm (đóng cùng Chris Tucker), Hiệp Sĩ Thượng Hải và Trưa Thượng Hải(đóng cùng Owen Wilson), 80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới (đóng cùng Steve Coogan, Arnold Schwarzenegger)…
Hài hước trong “Trưa Thượng Hải” khi “cặp kè” với Owen Wilson
Với những đóng góp và thành công tạo dựng được trên đất Mỹ, Thành Long đã được gắn sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood và là diễn viên gốc Hoa đầu tiên nhận được giải thưởng Oscar danh dự của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ Thuật Điện ảnh Mỹ.
Thành Long – “anh cả” của nền điện ảnh Hoa Ngữ
Những cống hiến và hy sinh hết mình vì nghệ thuật cùng những thành tựu mà ông đã đạt được trở thành mục tiêu phấn đấu cũng như tấm gương sáng cho thế hệ diễn viên hậu bối sau này.
Nam tài tử của Bến Thượng Hải những năm 1980 – Châu Nhuận Phát – là một trong những diễn viên xuất sắc đến từ Hồng Kông, Trung Quốc. Sở hữu gương mặt điển trai đậm chất lãng tử cùng ngoại hình cao ráo, ông đã gây ấn tượng với người xem bằng những vai diễn góc cạnh, có chiều sâu về tâm lý nhân vật lẫn những pha hành động đẹp mắt.
Nhân vật kinh điển Hứa Văn Cường trong tác phẩm “Bến Thượng Hải” gắn liền với Châu Nhuật Phát
Vào thời kỳ cuối những năm 90, Châu Nhuận Phát có vai diễn chính tại Hollywood trong tác phẩm điện ảnh Replacement Killers (1998) cùng người đẹp Mira Sorvino và The Corruptor (1999) kết hợp cùng siêu sao Mark Wahlberg. Cả hai đều là phim hành động nhưng thành tích lại không mấy vẻ vang khi thất bại về mặt doanh thu.
Châu Nhuận Phát cùng Mark Wahlberg trong “The Corruptor”
Phải đến khi tham gia vào tác phẩm Anna and the King cùng nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar – Jodie Foster, Châu Nhuận Phát mới thực sự đạt được thành công trong quá trình Hollywood tiến của mình. Năm 2000, Ngọa Hổ Tàng Long trở thành đòn bẩy giúp Châu Nhuận Phát khẳng định khả năng diễn xuất với giới nghệ thuật tại Mỹ.
Châu Nhuận Phát cùng Jodie Foster viết nên câu chuyện tình lãng mạn” Anna and the King”
Qua đó, Châu Nhuận Phát nhận lời mời mời tham gia các tác phẩm cộp mác Hollywood khác như: Pirates of the Caribbean: At World’s End, The Children Of Huang Shi, Dragon Ball: Evolution. Dù chỉ góp mặt với vai trò diễn viên khách mời hoặc vai phụ, ông vẫn cống hiến hết mình để khẳng định năng lực của người Châu Á trên thị trường điện ảnh rộng lớn này.
Dương Tử Quỳnh xuất thân là hoa hậu Malaysia, được coi là một trong những đả nữ xuất sắc của điện ảnh Châu Á. Lối diễn xuất mạnh mẽ, diễn tả nội tâm sâu sắc cùng biểu cảm gương mặt đa dạng đã giúp bà trở thành sao hạng A với những dự án phim lớn.
Dương Tử Quỳnh sánh vai cùng Pỉerce Brosnan trong “Tomorrow Never Dies”
Dương Tử Quỳnh đến với Hollywood khi sánh vai cùng tài tử Pierce Brosnan trong phần phim 007 mang tên Tomorrow Never Dies. Ở tác phẩm này, bà đã thoát bỏ các mác “bình hoa di động, người đẹp làm nền” khi thể hiện những pha hành động nguy hiểm, dứt khoát; rất mạnh mẽ mà không kém phần duyên dáng. Qua đó, Dương Tử Quỳnh đã tạo dấu ấn đặc biệt và trở thành một trong những kiều nữ đáng nhớ của loạt phim biểu tượng về điệp viên 007 này.
“Ngọa hổ tàng long” đã giúp nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh tỏa sáng tại Hollywood
Năm 2000, với diễn xuất xuất thần cùng những màn múa đao kiếm mãn nhãn trong Ngọa Hổ Tàng Long của đạo diễn Lý An, Dương Tử Quỳnh một lần nữa khiến Hollywood rúng động. Biểu cảm dằn vặt, đau khổ trong tình yêu của nhân vật Du Tú Liên đã được bà lột tả một cách chân thật và vô cùng xuất sắc.
Đả nữ Dương Tử Quỳnh, biểu tượng phim hành động của Trung Quốc
Năm 2007, Dương Tử Quỳnh góp mặt trong tác phẩm khoa học viễn tưởng Sunshine, hợp tác cùng các ngôi sao như Chris Evans, Cillian Murphy và Rose Byrne. Hóa thân thành một nhà thực vật học, Dương Tử Quỳnh một lần nữa thể hiện sự kiên cường của người phụ nữ khi đối mặt với bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào – và ở đây là thảm họa diệt vong.
Vốn nổi tiếng với việc tự mình đóng những cảnh mạo hiểm, năm 2008, Dương Tử Quỳnh được trang Rotten Tomatoes đánh giá là một trong nữ diễn viên hành động vĩ đại nhất mọi thời đại. Dương Tử Quỳnh không chỉ là một diễn viên bản lĩnh, mà còn là biểu tượng của Châu Á trong dòng phim hành động.
4. Lý Liên Kiệt
Xuất thân là “thần đồng võ thuật” nên lối diễn xuất của Lý Liên Kiệt chủ yếu tập trung vào việc phô diễn những pha hành động đậm chất thiếu lâm, in đậm giá trị võ thuật Trung Hoa. Qua những tác phẩm kinh điển như: Thiếu Lâm Tự, Hoàng Phi Hồng, Tinh Võ Anh Hùng, Hoắc Nguyên Giáp,…ông đã trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất của nền điện ảnh Hoa Ngữ.
Lý Liên Kiệt đóng chính trong “Romeo Must Die”
Lý Liên Kiệt trong vai Yin Yang của “Biệt Đội Đánh Thuê”
Sau thành công của Hoàng Phi Hồng (1991), Lý Liên Kiệt bắt đầu đặt chân đến miền đất hứa Hollywood khi tham gia tác phẩm điện ảnh Romeo Must Die (2000). Gần đây nhất, Lý Liên Kiệt hợp tác cùng các siêu sao Jason Statham, Bruce Willis, Arnold Schwarzenegger, Terry Crews…trong tác phẩm Biệt Đội Đánh Thuê.
Mặc dù khi tiến thân vào thị trường Hoa Kỳ, lối diễn của Lý Liên Kiệt bị “đồng hóa” theo phong cách phim Mỹ, các tác phẩm không có cú nổ lớn về mặt doanh thu, nhưng ông vẫn để lại ấn tượng trong lòng khán giả về một diễn viên luôn xả thân để hoàn thành trọn vẹn những cảnh hành động một cách đẹp xuất sắc nhất. Trong sự ngiệp diễn xuất của mình, Lý Liên Kiệt đã giúp củng cố hình tượng người anh hùng võ thuật đậm nét Trung Quốc.
5. Chương Tử Di
Nàng “đại hoa đán” của Trung Quốc – Chương Tử Di – được biết đến và thành danh qua vai người thôn nữ trong phim Đường Về Nhà của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Với gương mặt khả ái, diễn xuất tinh tế đầy sức hấp dẫn, Chương Tử Di đã trở thành một trong những nữ diễn viên xuất sắc nhất điện ảnh Châu Á.
Ngọc Kiều Long, nữ phụ xuất sắc của “Ngọa Hổ Tàng Long”
Cơ duyên đầu tiên của cô đến với Hollywood là vai phụ trong phim Giờ Cao Điểm của Thành Long. Sau đó, Chương Tử Di thật sự gây chú ý với khán giả quốc tế khi hóa thân thành Ngọc Kiều Long trong tác phẩm Ngọa Hổ Tàng Long. Vai diễn xuất sắc này đã tạo tiền đề để năm 2005, Chương Tử Di lần nữa tỏa sáng khi vào vai chính Sayuri trong phim điện ảnh Hồi Ức Của Một Geisha. Tác phẩm đã giúp cô nhận được đề cử tại Giải Quả cầu vàng, giải BAFTA và giải SAG ở hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”.
Chương Tử Di đã khẳng định được bản thân với “Hồi ức của một Geisha”
Chương Tử Di là diễn viên được nhiều đạo diễn nổi tiếng ưu ái, khen ngợi, là gương mặt đại diện của Trung Quốc trong các liên hoan phim danh giá nhất thế giới. Tại quê nhà Trung Quốc, nữ diễn viên được khán giả gọi với biệt danh “Chương Quốc Tế”. Biệt danh này thể hiện tầm ảnh hưởng cũng như khẳng định những thành tựu mà Chương Tử Di đạt được đã vượt xa khỏi phạm vi xứ Trung.
6. Củng Lợi
Khó có thể tin được rằng, minh tinh Củng Lợi từng ba lần thi trượt vào Học viện Hý Kịch Trung Ương. Thành danh từ phim điện ảnh Cao Lương Đỏ của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, diễn xuất của Củng Lợi nhanh chóng được khán giả cùng giới phê bình chú ý tới. Năm 1990, cái tên Củng Lợi ngày một vươn xa hơn khi tác phẩm Cúc Đậu mà cô thủ vai chính nhận được một đề cử ở hạng mục “Phim nước ngoài xuất sắc nhất” tại lễ trao giải Oscar danh giá.
Những phim điện ảnh tiếp theo như: Đèn Lồng Đỏ Treo Cao (1991), Thu Cúc Đi Kiện (1992), Bá Vương Biệt Cơ (1993) trở thành bàn đạp, giúp Củng Lợi nâng cao danh tiếng trên đấu trường quốc tế. Năm 2005, cô góp mặt trong phim điện ảnh Hồi Ức Của Một Geisha với vai Hatsumomo.
Sau đó, Củng Lợi tiếp tục tham gia hai tác phẩm cộp mác Hollywood là Miami Vice cùng Hannibal Rising. Năm 2016, nữ diễn viên tái ngộ với khán giả quê nhà trong tác phẩm điện ảnh giải trí Tây Du Ký: Tôn Ngộ Không Ba Lần Đánh Bạch Cốt Tinh. Dù rằng, chuyện đời tư của Củng Lợi khiến không ít người dè bỉu khi cô là người thứ ba xen vào hạnh phúc gia đình đạo diễn Trương Nghệ Mưu, thế nhưng thành tựu của Củng Lợi với tư cách một diễn viên sáng giá vẫn được khán giả đánh giá cao.
Theo Trí Thức Trẻ
Lắng lòng với bản tình ca buồn mênh mang của Đường Tam Tạng trong "Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc"
Được đầu tư lên đến 1900 tỉ đồng Việt Nam, "Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc" thực chất lại là một cuốn phim diễm tình, một bản tình ca buồn mênh mang của Đường Tam Tạng và Nữ vương Tây Lương.
Tây Du Ký là một tác phẩm kể về hành trình trưởng thành của Đường Tam Tạng qua sứ mệnh đi đến Tây Thiên thỉnh kinh. Thế nên không có gì lạ khi các tác phẩm phim ảnh chuyển thể thường khai thác khía cạnh tình cảm, tâm tư của nhân vật để nói lên sự trưởng thành của họ, đồng thời là giác ngộ lý tưởng của Phật Giáo.
Đã có quá nhiều phiên bản Tây Du Ký chuyển thể từ quê nhà Trung Quốc đến các nước khác, dù câu chuyện luôn là chuyến đi qua 81 kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng nhưng ở mỗi phiên bản về sau, các chi tiết càng được vận công sáng tạo nhiều hơn.
Nếu Tây Du Giáng Ma ( Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện) của Châu Tinh Trì là một biến thể lạ nhất về Đường Tam Tạng; Đại thoại Tây Du (cũng là của Châu Tinh Trì) lại là một tác phẩm tuyệt vời về những điều mềm yếu bên trong Tôn ngộ Không thì series Tây Du Ký của đạo diễn Trịnh Bảo Thụy vẫn khá sát với nguyên tác, nhưng ở mỗi phần phim lại có những nét chấm phá rất thú vị để khắc họa rõ nét hơn tâm tư của các nhân vật.
Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc được đầu tư khủng về bối cảnh, kĩ xảo
Trong nguyên tác, trường đoạn ở Tây Lương Nữ Nhi Quốc là một trải nghiệm khó quên của bốn thầy trò Đường Tam Tạng, lần đầu tiên họ thấy một nơi toàn nữ giới. Cũng là lần đầu tiên Đường Tam Tạng suýt thì đã động lòng trước nữ quốc vương tài sắc vẹn toàn. Và cũng là lần duy nhất các thầy trò Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng... có thai. Cả một chuỗi những kinh hỉ được tác giả Ngô Thừa Ân xâu chuỗi lại, hòng ẩn chứa những triết lý rất nhân văn và đầy Phật tính.
Viết Phật pháp giữa thảo nguyên, một cách xây dựng tình cảm rất tinh tế của đạo diễn
Nhắm đến việc khai thác trường đoạn này một cách mới mẻ, đạo diễn Trịnh Bảo Thụy đã cải biên cốt truyện ở một số chỗ. Sau khi thoát khỏi ma trảo của Bạch Cốt Tinh, thầy trò Đường Tăng đi qua Vong Xuyên Hà, vì chọc giận Hà thần mà lạc vào Tây Lương Nữ Quốc. Khi đến nơi, mọi người mới phát hiện quốc gia này chỉ có phụ nữ, từ khi lập quốc đến nay chưa từng có người đàn ông nào đặt chân tới.
Theo tịch thư của tiên tổ, người dân Tây Lương Nữ Quốc xem đàn ông như kẻ địch không đội trời chung, một loại độc dược không thể giải. Trong tích xưa còn có lời tiên đoán, rằng một ngày kia, sẽ có một vị hòa thượng từ Đông Thổ Đại Đường dẫn theo một con khỉ, một con heo và một người đàn ông đến đây. Ngày họ đến, cũng là lúc Nữ nhi quốc đi vào con đường diệt vong.
Lời dặn dò của tổ tiên đã khiến tình cảm sét đánh của Nữ Vương (Triệu Lệ Dĩnh) dành cho Đường Tăng (Phùng Thiệu Phong) bị ngăn cấm. Nhưng cũng chính những thử thách đó, mà cả hai hiểu ra tình cảm dành cho nhau và trưởng thành hơn. Cái kết của phim thể hiện hợp lý quá trình phát triển tâm lý của hai nhân vật chính này.
Hai người đã vẽ nên một mối tình buồn rười rượi
Sở hữu cốt truyện thú vị so với nguyên tác, nhưng kịch bản phim không sa đà vào việc tạo sự giật gân, phá cách. Trái lại, đạo diễn Trịnh Bảo Thụy đã tôn trọng khung sườn Phật pháp mà Ngô Thừa Ân đã viết ra. Tài tình hơn, ông xâu chuỗi chúng và giải thích qua những lời thoại rất tinh tế để giúp khán giả dễ hiểu hơn, thấm thía hơn triết lý nhà Phật.
Chẳng hạn như trong tác phẩm gốc, ba đồ đệ Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng là đại biểu cho Tinh Khí Thần của Đường Tăng thì trong Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc, hành động của họ thể hiện sự dao động của bản tâm Đường Tăng cũng như sự trấn tĩnh của lý trí. Những suy nghĩ, quyết định của ba đồ đệ thoạt trông thì rất hoạt kê, nhưng lại chính là sự đấu tranh tâm lý của vị đại sư đang trên con đường giác ngộ chân kinh.
Một chi tiết khác là việc uống nước thần để phá thai. Nếu trong bản phim truyền hình, Đường Tam Tạng chỉ đơn thuần là uống nước thần để phá bỏ cái thai ngoài ý muốn, thì trong bản phim này, đó là kết quả của rất nhiều tâm tư, cũng như sự cứng rắn của Ngộ Không - biểu tượng của lí trí bên trong Tam Tạng mà đôi lúc chính ông cũng khiến nó mềm đi.
Còn rất nhiều tình tiết khác mà nếu bạn đã đọc qua nguyên tác của Ngô Thừa Ân, bạn sẽ thấy rằng chúng được khai thác rõ ràng, bình dân hơn để người xem phổ thông có thể hiểu hết những thứ ấy tượng trưng cho điều gì trong quá trình giác ngộ. Rất đơn giản và trực quan, câu chuyện của Tây Du Ký 3 là một sự giải thích về những đối lập của yêu - hận, khổ đau - hạnh phúc trong trái tim con người, những thứ ta không thể nhìn thấy mà chỉ có thể cảm nhận.
Đường Tăng của Phùng Thiệu Phong là một vai diễn có chiều sâu và dấu ấn rất riêng trong những phim về Tây Du Ký
Với một cốt truyện phải đảm bảo cân bằng giữa triết lý và cảm xúc thông thường, thì sức nặng đổ lên vai dàn diễn viên là không nhỏ chút nào. Nhân vật gây tranh cãi nhất, Triệu Lệ Dĩnh, vẫn còn gượng gạo ở đôi chỗ. Dẫu biết vai Nữ Vương là một thiếu nữ tách biệt với cuộc đời, nhưng biểu cảm của cô vẫn hơi thiếu tự nhiên.
Những người còn lại, Phùng Thiệu Phong, Quách Phú Thành và dàn diễn viên phụ đã hỗ trợ rất tốt cho Triệu Lệ Dĩnh. Cá nhân người viết đánh giá cao diễn xuất của Phùng Thiệu Phong. Từ một Tam Tạng chân thành nhưng lạc lối, đến một Tam Tạng giác ngộ ra Đại Ái, hành trình đó được Phùng Thiệu Phong thể hiện qua ánh mắt và nét mặt một cách tinh tế.
Nếu bạn chưa xem phim, hãy để ý ánh nhìn của Đường Tăng dành cho Nữ Vương ở đầu phim và ở đoạn cao trào cuối phim. Cả một trường biến cố đổi thay số phận và tư duy của một người đàn ông đều dồn hết vào trong đôi mắt ấy. Có lẽ chính sự nhập tâm đó đã khiến diễn xuất của Triệu Lệ Dĩnh tốt hơn hẳn trong những đoạn cuối phim.
Vai Nữ Vương được cải biên này khá thú vị, công bằng mà nói thì Triệu Lệ Dĩnh đã làm tốt
Bên cạnh Phùng Thiệu Phong diễn xuất thần là một Quách Phú Thành rất hiểu ý. Không phải vì anh là một ngôi sao lâu năm của điện ảnh xứ Cảng Thơm mà phải lên gân, cường điệu để chiếm lấy sự chú ý của khán giả. Tôn Ngộ Không của Quách Phú Thành thể hiện sự đáng tin của một chiến hữu lâu năm, sự cương quyết của lý trí mà vẫn tôn trọng tình cảm của người thầy, người bạn đồng hành.
Nét riêng rất đáng yêu này của Ngộ Không có lẽ đến từ sự thấu hiểu nhân vật và tôn trọng vai diễn của Quách Phú Thành. Có thể nói, Tây Du Ký 3 là lần đầu tiên bạn thấy một Ngộ Không không xung đột gay gắt với Đường Tăng, mà còn chấp nhận hy sinh rất nhiều điều vì sư phụ của mình.
Cốt truyện ổn và diễn xuất tốt, kĩ xảo lẫn âm nhạc đều được trau chuốt cực kì mãn nhãn. Thế nhưng điểm trừ của phần này chính là ở trận đánh lớn cuối cùng. Cả phần một lẫn phần hai đều rất được đầu tư kĩ xảo, sự hoành tráng ở trận đánh với Ma Vương và Bạch Cố Tinh. Còn phần này vì tập trung vào chuyện tình yêu, "trùm cuối" cũng liên quan đến chuyện tình yêu nên hơi... hiền, thành thử ra cảm giác lẫn hình ảnh của trận đánh cuối không được dữ dội và quyết liệt so với hai phần trước.
"Nữ Nhi Quốc" - Trương Lương Dĩnh & Lý Vinh Hạo. Nguồn: Dạ Yết
Có thể nói Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc là phần phim dịu dàng nhất trong cả ba phần đã được sản xuất. Những chi tiết, ẩn dụ sáng tạo trong câu chuyện thực sự tạo cảm giác vừa tình vừa buồn, mênh mang như Đại Hải không tìm được nơi cập vào bờ. Nói quá lên một chút thì phần này thực chất là một bộ phim ngôn tình lồng trong cái khung của Tây Du Ký, một bộ phim ngôn tình được đầu tư lên đến 550 triệu nhân dân tệ, thật sự rất đáng để thưởng thức.
Phim đang có sneakshow và chính thức ra rạp từ ngày 16/2/2018, tức mùng Một Tết Nguyên đán.
Theo Trí Thức Trẻ
Chưa đến mùng Một Tết, "Tróc Yêu Ký 2" đã được khán giả Trung "bao thầu" kín rạp Dù còn chưa chính thức ra rạp, thế nhưng, "Tróc Yêu Ký 2" (Truy Lùng Quái Yêu 2) đã sở hữu lượng doanh thu "khủng" nhờ việc cho khán giả đặt vé trước. Kỳ nghỉ Tết luôn là thời điểm làm ăn thuận lợi mà không một nhà sản xuất phim điện ảnh nào muốn bỏ qua. Nguyên nhân là bởi nhu cầu...