6 điểm mới cần biết về bằng lái xe ôtô trong năm 2022
6 thay đổi quan trọng về bằng lái xe ôtô năm 2022 mọi người cần biết trước khi thi bằng lái xe hoặc điều khiển ôtô.
Tăng mức phạt sử dụng bằng lái xe quá hạn
Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông nêu rõ, từ ngày 1.1.2022, mức phạt áp dụng đối với hành vi sử dụng bằng lái xe ôtô quá hạn tăng mạnh.
Cụ thể, sử dụng bằng lái xe hết hạn dưới 3 tháng thì bị phạt 5 – 7 triệu đồng.
Sử dụng bằng lái xe hết hạn từ 3 tháng trở lên thì sẽ bị phạt 10 – 12 triệu đồng.
Quản lý chặt việc học bằng lái xe ôtô nhờ thiết bị giám sát
Khoản 12 Điều 1 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT quy định: “Cơ sở đào tạo sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ôtô từ ngày 31.12. 2021; trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ôtô từ ngày 1.1.2022; trang bị và sử dụng ca bin học lái xe ôtô để đào tạo lái xe ôtô từ ngày 1.7.2022.
Bằng lái xe ôtô và 6 điểm mới cần biết trong năm 2022. Ảnh: Thanh Phong
Theo đó, năm 2022, việc học lái xe ôtô trên đường của học viên sẽ được kiểm soát chặt hơn về cả thời gian và quãng đường học lái xe bởi các thiết bị giám sát. Do vậy, học viên phải tham gia đầy đủ khóa học thì mới được đăng ký thi sát hạch cấp bằng lái xe ôtô.
Video đang HOT
Từ 1.7.2022, học lái xe ôtô với cabin mô phỏng
Khoản 12 Điều 1 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT quy định, từ ngày 1.7.2022, học viên sẽ được thực hành trên cabin học lái xe ôtô.
Thời gian học được quy định cụ thể tại Khoản 9 và khoản 10 Điều 1 Thông tư 38 như sau: Chương trình đào tạo lái xe hạng B1, B2, C là 3 giờ; chương trình đào tạo nâng hạng lái xe (nâng hạng từ B1 tự động số lên B1 thì không phải học) là 1 giờ.
Thêm môn học nhưng giữ nguyên tổng thời gian đào tạo lái xe ôtô
Số giờ học đang được thực hiện đã bao gồm: thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và thực hành trên cabin học lái xe.
Từ ngày 1.7.2022, khi bổ sung thêm nội dung học thực hành trên cabin tập lái thì tổng giờ học đối với chương trình đào tạo lái ô tô cũng sẽ không thay đổi.
Thêm nội dung thi bằng lái xe ôtô từ 1.6.2022
Khoản 12 Điều 2 Thông tư 01/2021 quy định, từ ngày 1.6.2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải cùng Trung tâm sát hạch lái xe sẽ đồng loạt sử dụng phần mềm mô phỏng sát hạch lái xe ôtô các hạng. Theo đó, học viên phải thi thêm thi sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; thi sát hạch trong cabin ô tô mô phỏng.
Thay đổi trình tự công nhận kết quả thi bằng lái ôtô
Căn cứ Khoản 16 Điều 1 Thông tư 38, việc công nhận kết quả thi đối với người thi bằng lái xe ôtô các hạng được thực hiện như sau:
Trường hợp không đạt lý thuyết thì người thi không được thi lái ôtô bằng phần mềm mô phỏng.
Trường hợp thi không đạt nội dung lái ôtô bằng phần mềm mô phỏng thì người thi được thi thực hành trong hình.
Trường hợp nếu không đạt nội dung thực hành trong hình thì không được thi sát hạch lái xe trên đường.
Trường hợp đạt nội dung lý thuyết, phần mềm mô phỏng, thực hành trong hình nhưng không đạt kết quả nội dung lái xe trên đường thì được bảo lưu kết quả trong 01 năm.
Còn trường hợp đạt cả lý thuyết, lái ôtô bằng phần mềm mô phỏng và thực hành lái xe (trong hình và trên đường) thì được công nhận trúng tuyển và cấp bằng lái xe.
Đề nghị tiếp tục thử nghiệm các thiết bị quản lý đào tạo lái xe
Với việc đưa vào ứng dụng các thiết bị quản lý đào tạo lái xe, công tác sát hạch lái xe đầu ra sẽ được đảm bảo nâng cao về chất lượng cho học viên.
Học viên thi sát hạch lái xe trên sa hình ở một trung tâm sát hạch lái xe tại Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam )
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ đề nghị tiếp tục thực hiện thử nghiệm các thiết bị phục vụ quản lý đào tạo lái xe.
Thời gian qua, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số địa phương đã tạm dừng công tác đào tạo lái xe dẫn đến việc thử nghiệm thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe và thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe ôtô-cabin học lái của Tổng cục Đường bộ bị gián đoạn.
Để đảm bảo lộ trình trang bị các thiết bị phục vụ quản lý đào tạo lái xe theo quy định, Tổng cục Đường bộ đề nghị các Sở Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện quá trình thử nghiệm đến tháng 9/2021 đối với thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe và tháng 12/2021 đối với thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe ôtô-cabin học lái xe ôtô; đảm bảo nhận dạng, giám sát thời gian, quãng đường học thực hành lái xe của tối thiểu 50 học viên (trong đó, có ít nhất 3 học viên hoàn thành khóa học) đối với thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe và sử dụng cabin học lái xe để thử nghiệm dạy môn học thực hành lái xe cho học viên của các khóa học mới khai giảng.
Các Sở Giao thông Vận tải phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị đánh giá, báo cáo quá trình triển khai, nội dung thử nghiệm, ưu nhược điểm của thiết bị và đề xuất (nếu có) gửi về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 5/8 để tổng hợp và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.
Được biết, Thông tư 01/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (chính thức có hiệu lực từ ngày 15/3/2021) cho phép lùi thời điểm bắt buộc cơ sở đào tạo lái xe trang bị và sử dụng ca-bin học lái, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên thêm một năm.
Theo đó, thời điểm bắt buộc cơ sở đào tạo lái xe trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2022 và trang bị, sử dụng cabin học lái ôtô để đào tạo lái xe ôtô từ ngày 1/7/2022.
Trước đó, để thống nhất các quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, tại Điều 3 Thông tư 38/2019 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành có hiệu lực từ ngày 1/12/2019 quy định các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe.
Cụ thể, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe; ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ôtô (trừ hạng B1) theo lộ trình quy định. Dữ liệu giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên làm tài liệu quản lý đào tạo...
Ngoài ra, thông tư còn bổ sung hai nội dung các học viên phải học khi tham gia đào tạo lái xe hạng B1, B2 và C gồm đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; Học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông./.
Những nguyên tắc vàng khi lái xe dưới trời mưa Lái ôtô dưới trời mưa bão luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn và các sự cố dẫn tới xe ngập nước, chết máy, hỏng động cơ... Dưới đây là những nguyên tắc vàng bạn cần lưu ý. Luôn giữ sự tập trung Không chỉ mùa mưa mà người lái xe cần giữ sự tập trung ở tất cả mọi thời điểm....