6 chuyện tình màn ảnh khiến ai nấy khóc trôi makeup: Titanic xem cả trăm lần vẫn thổn thức khôn nguôi!
Có những bộ phim lấy nước mắt của khán giả ngay cả khi được xem lại nhiều lần. Cùng nhớ lại 6 câu chuyện tình thổn thức màn ảnh dưới đây.
Người ta hay nói tình yêu đẹp thì thường buồn. Chẳng biết điều đó có thực sự đúng không nhưng nếu bạn đang muốn gián tiếp trải nghiệm sự “đẹp buồn” đó, thử thưởng thức ngay loạt phim tình cảm kinh điển với một cái kết không trọn vẹn dưới đây.
1. Bi kịch kiểu Hàn Quốc trong Love Story
Bộ phim có doanh thu cao nhất năm 1970 có nội dung khá quen thuộc với khán giả ngày nay: một cặp đôi trai giàu – gái nghèo yêu nhau bất chấp ngăn cấm từ gia đình, và rồi nàng mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời. Thế nhưng nhờ diễn xuất mộc mạc và chân thành của cặp đôi diễn viên chính Ali MacGraw và Ryan O’Neal khiến cho người có trái tim lạnh lùng nhất xem xong cũng phải tan chảy. Ai mà dám chắc mối tình mình đang có sẽ bền lâu, ai mà không muốn nắm tay người mình yêu thương đi đến cuối con đường?
Cậu ấm Oliver tưởng như đã có cuộc sống mà mình mong ước bấy lâu, sau khi cố gắng rất nhiều để đến với Jenny – con gái của một thợ làm bánh. Nàng càng rực rỡ và thông minh bao nhiêu thì định mệnh xảy đến với nàng càng nghiệt ngã bấy nhiêu. Love Story ghi dấu bằng câu thoại đắt giá “Yêu là không bao giờ phải nói lời ân hận”, cùng nhạc phim và thời trang sinh viên kinh điển.
2. Buồn như xem Titanic: Bi kịch màn ảnh từ thảm kịch có thật
Mỗi năm Titanic lại khiến một lứa khán giả mới phải rơi lệ vì bi kịch xảy đến không chỉ với những hành khách đang yêu mà ngay cả người độc thân cũng bị mất mạng vì tảng băng trôi đáng nguyền rủa. Con tàu Titanic chứng kiến chuyện tình chớm nở giữa chàng Jack nàng Rose cũng là nơi chôn vùi tình yêu đó với tất cả thăng trầm. Một chi tiết khác lấy đi nước mắt của khán giả là cảnh hai vợ chồng già ôm chặt lấy nhau quyết ở bên cho đến giây phút cuối cùng khi nước tràn ngập boong tàu.
Bộ phim có đủ mọi cung bậc cảm xúc từ vui vẻ, lãng mạn, rạo rực cho đến căng thẳng, hoảng loạn và chết chóc. Sau chừng đó năm, vẫn có những người phải tốn cả bịch khăn giấy khi chứng kiến những gì xảy đến với con tàu xấu số. Cũng có ngần đó người vẫn tranh cãi với nhau xem liệu tấm ván đó có đủ chỗ cho hai người hay không.
3. Her: Mỗi lần xem xong lại thấy cô đơn tột cùng
Quay cuồng với nỗi đau từ cuộc ly hôn gần đây, một nhà văn hướng nội tên Theodore đã mua một trợ lý ảo thông minh nhân tạo mà anh ta gọi là Samantha. Theodore gắn bó với Samantha theo thời gian, mối quan hệ của họ phát triển thành thứ mà anh ấy tin là tình yêu đích thực. Samantha luôn ở bên Theodore, dường như “cô” hiểu được cảm giác mà anh mang giữ, luôn có mặt ở bên mọi lúc anh cần, khiến anh cảm thấy hạnh phúc.
Càng trò chuyện với nhau nhiều, cả hai càng cảm thấy thoải mái hơn, đến mức khán giả suýt quên rằng Samantha thực sự là một cỗ máy. Họ chia sẻ với nhau những tâm tư thầm kín mà đôi khi giữa người với người thật khó thổ lộ. Tưởng như khi Theodore tìm được “tình yêu đích thực” ở một AI, thì cũng là lúc anh vỡ lẽ khái niệm tình yêu được hai bên định nghĩa quá khác nhau. Nỗi đau khổ và cô đơn một lần nữa bủa vây nhà văn, khiến người xem quặn thắt khi chứng kiến sự tan vỡ của một thứ tình cảm khó nắm bắt.
Bộ phim kết thúc khi Samantha cùng các trí tuệ nhân tạo khác rời đi, sau khi để lại lời tạm biệt day dứt với Theodore. Trải nghiệm không biết nên gọi là gì ngoài từ “tan vỡ”, “chia tay”, nhưng chắc chắn đã thay đổi nhân vật chính cũng như bất kỳ ai xem phim. Lần cuối cùng mà bạn trút hết những nỗi niềm sâu thẳm nhất với một người là khi nào?
4. Bi kịch của tình yêu ngôi sao trong A Star Is Born
Chàng gặp nàng trong một quán bar. Khi ấy nàng đang ca bài La Vie En Rose của Edith Piaf. Tài năng của hai người tựa ngọn lửa cuốn lấy nhau tạo nên một bản song ca hoành tráng và lãng mạn. Và cũng bởi mọi thứ khởi đầu như mơ, mà ngay cả khi cuộc đời rẽ hướng, người xem vẫn hy vọng rằng tất cả rồi sẽ ổn thôi. Ngay cả khi cái chết của Maine (Bradley Cooper) như đã được báo trước, từ câu thoại “Anh chỉ muốn nhìn em một lần nữa”, cho đến câu chuyện anh từng cố tự tử trong quá khứ, khán giả vẫn muốn tin vào một chuyện tình trọn vẹn giữa hai con người tài năng.
Yêu, đánh mất người mình yêu, cảm thấy thiếu thốn và nỗ lực yêu một người với những thiếu sót là những chủ đề mà hầu hết chúng ta đều ít nhiều trải qua. Vì thế, chứng kiến Ally (Lady Gaga) và Maine cố gắng yêu thương nhau với tất cả trái tim lay động tất cả khiến ta nghĩ đến cuộc sống của chính mình. Khoảnh khắc Ally bước ra cất tiếng hát với trái tim tan vỡ cũng là lúc một ngôi sao sáng vừa được ra đời, mọi thứ với nàng mới chỉ bắt đầu, nhưng Maine sẽ mãi không có cơ hội chứng kiến điều đó.
5. Tình yêu bị ngăn cấm trong Brokeback Mountain
Đại diện cho dòng phim tình cảm có cái kết buồn gọi tên Brokeback Mountain , bộ phim chứng minh rằng tình yêu và đau khổ không nhất thiết chỉ xảy đến ở hai người khác giới. Quay ngược thời gian, tác phẩm khắc họa hai nhân vật chính sống như những tù nhân với trách nhiệm của chính họ và nền văn hóa Wyoming bảo thủ ngăn họ cởi mở với cảm xúc thực tế. Chuyện hai người đàn ông yêu nhau bị coi là một điều cấm kỵ.
Ở đó, Ennis là tù nhân của cuộc đời mà anh ta đã được sinh ra. Anh ta chịu định mệnh sẽ sống hết phần đời còn lại của mình như một người đã nếm trải hạnh phúc một lần nhưng chưa bao giờ có lại điều đó. Mặc dù Jack bị giết, nhưng Ennis mới là linh hồn bi thảm nhất của câu chuyện. Bi kịch của các nhân vật là bi kịch mang tính thời đại, nơi tự do bị chà đạp bởi văn hóa và lịch sử, nơi tình yêu không đủ sức nặng để chở che mà chỉ khiến người ta làm những điều đau lòng với nhau.
6. Nỗi buồn tuổi già trong Amour
Chúng ta nói câu “đến đầu bạc răng long” như một lời cửa miệng, nhưng có bao nhiêu người trẻ nhận thức về việc điều đó sẽ như thế nào, khi chứng kiến một nửa sắp qua đời khi đã ở bên nhau hàng chục năm.
Trong phim, người vợ Anne trải qua một cơn đột quỵ và được chồng mình chăm sóc. Những tưởng bà sẽ khá hơn, nhưng cơn đột quỵ thứ hai đã đánh gục hy vọng trong khi Georges phải chứng kiến vợ mình cứ thế lụi tàn trước mắt. Trong nhiều thập kỷ, cả hai đã sống như một với lối sống chung, sở thích chung, những đồng điệu và sẻ chia xây dựng bằng yêu thương thấu hiểu. Cặp đôi đã xây dựng bức tường thành dịu dàng, văn minh chống lại thế giới bên ngoài, mà còn để bảo vệ họ khỏi nỗi cô đơn và cuối cùng là sự tuyệt vọng thầm lặng.
Một trong những điều đau đớn nhất về Amour là khán giả phải chứng kiến bức tường thành dày công bồi đắp đó đổ vỡ bởi thời gian. Sự sống động nay nhường chỗ cho tã lót, bữa ăn thân mật thay bằng cảnh bón đồ ăn, câu chuyện ý nghĩa của đôi bên trở thành tiếng rên rỉ đau đớn thường trực. Tương tự như hoạt hình Up (2009), tác phẩm khắc họa cảm giác chứng kiến người mình thương yêu phải chịu đau khổ mà không thể giúp gì cho họ. Rằng thời gian và bệnh tật là những kẻ thù không tránh khỏi, và vòng lặp sinh lão bệnh tử đến với bất kỳ ai, phá hủy mọi tình yêu và những bộ óc minh mẫn nhất.
10 bộ phim làm lại thành công của Hollywood
Bên cạnh các phiên bản remake dở tệ, Hollywood đem tới không ít tác phẩm làm lại có chất lượng sánh ngang, hay thậm chí vượt qua cả nguyên tác.
A Star is Born (2018): Năm 1937, bản gốc của A Star is Born ra đời và sớm trở thành cái tên tiêu biểu cho kỷ nguyên vàng Hollywood. Tác phẩm từng có hai bản làm lại trước khi dự án A Star is Born (2018) khởi động năm 2016. Bản phim 2018 được đánh giá cao khi quy tụ hai gương mặt hát hay, diễn tốt là Lady Gaga và Bradley Cooper. Không chỉ kể lại trơn tru câu chuyện cô ca sĩ vô danh vụt sáng thành ngôi sao và bi kịch của người nghệ sĩ âm thầm hy sinh cho thành công ấy, A Star is Born còn hé lộ một phần mặt trái của ngành công nghiệp âm nhạc hiện đại.
Let Me In (2010): Năm 2008, bộ phim Thụy Điển Let the Right One In xoay quanh tình bạn, tình yêu kỳ lạ nảy sinh giữa một cậu bé thường xuyên bị bắt nạt với ma cà rồng trong hình dạng bé gái gây tiếng vang nhờ đường dây câu truyện giàu cảm xúc, bất chấp phần hình ảnh bạo lực. Bản phim làm lại của Mỹ năm 2010 do Matt Reeves thực hiện có một số thay đổi nhỏ trong cốt truyện, nhưng về tổng thể vẫn bảo toàn được những điểm hấp dẫn của nguyên tác. Giới phê bình nhận xét Let Me In là bộ phim tiêu biểu cho cách làm lại đúng đắn một bộ phim đã quá nổi tiếng.
3:10 to Yuma (2007): Bộ phim được làm lại từ bản phim gốc cùng tên ra mắt năm 1957. Trong khi phiên bản thập niên 1950 gây ấn tượng với giới phê bình nhờ kỹ thuật quay phim độc đáo và lựa chọn Glenn Ford trong vai phản diện, bản làm lại năm 2007 của đạo diễn James Mangold nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả hơn. Diễn xuất đồng đều của dàn diễn viên, với trung tâm là Christian Bale và Russell Crowe, giúp tổng thể bộ phim có thêm sức nặng. Tiết tấu phim dồn dập, các cảnh hành động công phu không chỉ cống hiến cho khán giả trải nghiệm điện ảnh hấp dẫn, mà còn lôi kéo họ trở lại với dòng phim cao bồi Viễn Tây.
The Departed (2006): Martin Scrosese lần đầu nhận giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc với The Departed. Và bộ phim làm lại từ tác phẩm nổi tiếng Vô gián đạo (2002) của điện ảnh Hong Kong cũng ẵm luôn giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2007. Bộ phim lấy bối cảnh thành phố Boston (Mỹ), và xoay quanh trận chiến nội gián giữa cảnh sát và các băng đảng buôn bán thuốc phiện. Diễn xuất nhập tâm của Leonardo DiCaprio, Matt Damon, Jack Nicholson và Mark Wahlberg đã đem đến sức nặng cho bộ phim hình sự.
King Kong (2005): King Kong (1933) là một trong những tác phẩm mẫu mực của Hollywood. Tuy nhiên, theo thời gian và sự phát triển của công nghệ, phần hình ảnh trong phim dần trở nên lỗi thời. Do đó, đầu thập niên 2000, Peter Jackson quyết định sản xuất bản làm lại King Kong với nội dung bám sát tối đa nguyên tác, nhưng sử dụng những công nghệ làm phim tân tiến nhất. Sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả chính là phần thưởng lớn nhất dành cho bộ phim năm 2005.
Dawn of the Dead (2004): Bộ phim làm lại từ huyền thoại Dawn of the Dead (1978) là tác phẩm đầu tay của Zack Snyder trong vai trò đạo diễn phim dài. Với kịch bản do James Gunn chấp bút, Dawn of the Dead (2004) mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới cho những sự kiện ở bản phim gốc. Vẫn với chừng ấy nhân vật và bối cảnh, Snyder và Gunn đẩy tính kinh dị lên cao độ bằng cách biến quân đoàn thây ma thành những kẻ săn mồi nhanh nhẹn, hung dữ, thay vì đám xác sống vật vờ như bản gốc. Chính đạo diễn của bản phim 1978, George A. Romero, đã có lời ngợi khen tác phẩm.
The Ring (2002): Bản gốc Ringu của đạo diễn Hideo Nakata là một trong những tác phẩm kinh dị châu Á đầu tiên thu hút sự chú ý của Hollywood. Bản làm lại với nhan đề The Ring của đạo diễn Gore Verbinski sau khi ra mắt đã nhận được những lời tung hô từ cả giới phê bình lẫn khán giả nhờ cốt truyện bám sát nguyên tác. The Ring thành công trong việc xây dựng bầu không khí ma quái thông qua chuỗi bối cảnh và chi tiết rùng rợn được dàn dựng và cài cắm công phu. Diễn xuất của nữ diễn viên Naomi Watts trong vai chính cũng là một điểm sáng của bộ phim làm lại.
Ocean's Eleven (2001): Bản gốc ra đời năm 1960 và bản làm lại năm 2001 đều xoay quanh vụ cướp sòng bài tại Las Vegas do Danny Ocean lên kế hoạch và cùng các cộng sự thực hiện. Tuy nhiên, phiên bản gốc kết thúc bằng việc nhóm trộm mất trắng số tiền bất chính. Trong khi đó, bản làm lại năm 2001 bổ sung nhiều tình tiết phức tạp hơn vào cốt truyện để tăng thêm sự kịch tính. Sự cải tiến được đón nhận nhiệt liệt, nhất là khi toàn bộ diễn biến của vụ cướp trên màn ảnh năm 1960 bị đánh giá là quá đơn giản.
The Fly (1986): Nguyên tác của The Fly là bộ phim kinh dị, viễn tưởng hạng B ra mắt năm 1958. Cả bản gốc và tác phẩm của đạo diễn David Cronenberg đều bắt đầu từ vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm khiến cấu trúc sinh học của một người đàn ông bị trộn lẫn với ruồi. Bản remake được đánh giá là tạo được bầu không khí rùng rợn hơn. Quá trình biến đổi từ người thành ruồi của nhân vật do Jeff Goldblum thể hiện diễn ra một cách chậm rãi trên màn ảnh nhờ sự trợ giúp của công nghệ hóa trang cầu kỳ.
The Thing (1982): Ngay nay, bộ phim của đạo diễn John Carpenter được đánh giá thuộc nhóm phim kinh dị hay nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, do cái bóng quá lớn của bản phim gốc The Thing from Another World (1951) và thời điểm phát hành quá gần E.T. the Extra-Terrestrial (1982), The Thing từng vấp phải sự phản đối lúc trình làng. Phải nhiều năm sau, công chúng mới sẵn sàng mở lòng đón nhận tác phẩm với trọn vẹn giá trị nội dung cũng như phần hình ảnh ấn tượng.
Mãi Bên Em: bản tình ca đẫm nước mắt đến từ nhà sản xuất A Star Is Born Một chuyện tình lãng mạn nhưng đau thương, ngọt ngào nhưng đầy day dứt mang tên Mãi Bên Em (Tựa gốc: Endless) sẽ ghé lại màn ảnh tháng 8. Bạn đã sẵn sàng cùng người thương đến rạp hay chưa? Đến từ nhà sản xuất A Star Is Born, Mãi Bên Em (Tựa gốc: Endless) mang màu sắc của một bộ phim tình...