6 chi tiết “ẩn thân” khó tìm ở TENET: Hội “nam tử hán” Người Dơi và James Bond được Nolan mời vào phim?
Bên cạnh nội dung “hack não”, TENET cũng đã được đạo diễn Christopher Nolan cài cắm rất nhiều chi tiết ẩn ý thú vị.
Các mọt phim điện ảnh, đặc biệt là những ai trót mê khối di sản chất lượng của Christopher Nolan hẳn chẳng quá xa lạ gì với phong cách làm phim lồng ghép vô vàn nút thắt và các lý thuyết khoa học phức tạp. Tuy nhiên, vị đạo diễn người Anh trứ danh cũng có sở thích thêm thắt các chi tiết thú vị nho nhỏ để các “hội thánh soi” tha hồ tìm kiếm và suy đoán.
TENET lần này cũng không phải ngoại lệ. Bom tấn về nghịch đảo thời gian cũng có nhiều easter egg (các chi tiết, thông điệp thú vị tưởng chừng không liên quan nhưng lại được lồng ghép ý nhị vào phim). Chúng mang nhiều tầng nghĩa sâu xa, đồng thời tinh tế vinh danh những dự án “anh chị em” đi trước từng khiến Nolan phải tự hào.
1. Tựa phim TENET được lấy cảm hứng sâu sắc từ Ô vuông Sator
Sator Square (Ô vuông Sator) là một hình vuông gồm 5 hàng và 5 cột chứa đựng 5 từ, mỗi từ gồm 5 chữ cái. Khi đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải hay ngược lại thì chúng vẫn không đổi ý nghĩa. Năm từ này gồm SATOR, OPERA, TENET, AREPO và ROTAS. Trong đó, TENET là từ nằm giữa tạo nên sự đối xứng hoàn hảo.
TENET được lên ý tưởng từ Ô vuông Sator
Nolan đặt tên phim là TENET từ ý nghĩa trên, thể hiện việc nếu con người có đi xuôi hay ngược dòng thời gian thì nguyên nhân và kết quả vẫn không thay đổi. Bốn từ còn lại cũng đều xuất hiện trong tác phẩm, như SATOR – tên nhân vật phản diện do Kenneth Branagh thủ vai, OPERA chính là rạp hát ở Kiev đầu phim, AREPO là kẻ bán tranh giả cho Kat ( Elizabeth Debicki) còn ROTAS là tên công ty quản lý Cảng Tự do ở Oslo, Na Uy.
Tựa phim TENET chứa ẩn ý thú vị
2. Việc nhân vật chính “vô danh” không hề là sự ngẫu nhiên
Khi xem TENET, khán giả sẽ ngay tức khắc nhận ra rằng nhân vật của John David Washington không hề có tên mà chỉ được gọi là The Protagonist (Nhân vật chính, Người hùng). Chi tiết này nhằm gợi ý rằng anh có vai trò to lớn và bí ẩn hơn chứ không chỉ đơn giản như những gì ta thấy. Về cuối, bộ phim tiết lộ rằng chính anh cũng là người đứng sau toàn bộ kế hoạch và tổ chức TENET.
Nhân vật chính có nét tương đồng với Borden của Christian Bale trong The Prestige
Ngoài ta, trong cuộc đối thoại với Priya (Dimple Kapadia), anh tự nhận mình là “người hùng” trong câu chuyện này. Tuy nhiên, tay trùm buôn vũ khí lại cho rằng: “ Cậu chỉ là một Người hùng mà thôi“. Câu này ám chỉ rằng trong thời điểm đó có đến hai phiên bản của Nhân vật chính cùng tồn tại. Chi tiết này còn gợi nhắc đến The Prestige (2006) của Nolan khi Alfred Borden (Christian Bale) thực tế là hai anh xem song sinh hoán đổi vị trí cho nhau liên tục.
3. Hai màu xanh – đỏ vui mắt ám chỉ cả một “bầu trời” ý nghĩa
Trong đoạn cuối phim, TENET tổ chức một trận đánh “gọng kìm thời gian” với phe đỏ là những người xuôi dòng thời gian còn phe xanh thì ngược dòng. Ý nghĩa màu sắc này cũng được Nolan sử dụng trong các phân cảnh trước. Cụ thể trong vụ cướp của Tallinn, Estonia, Nhân vật chính trong trạng thái xuôi dòng thời gian xuất hiện trong căn phòng ánh sáng đỏ, Sator ở phía bên kia tấm gương thì ngược dòng trong căn phòng màu xanh.
Xanh và đỏ là màu sắc chủ đạo để phân biệt dòng thời gian trong TENET
4. TENET có thể là phần tiền truyện của Interstellar
Trước khi ra rạp, nhiều người cho rằng TENET là phần hậu truyện của Inception (2010). Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai. Song, tác phẩm lại có thể là phần tiền truyện của Interstellar (2014) bởi nhiều điểm tương đồng. Đầu tiên, con người trong Interstellar cũng đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu đến mức phải rời khỏi Trái đất nếu không muốn tuyệt chủng.
Phải chăng đây là công nghệ nghịch đảo thời gian được Interstellar sử dụng?
Đây chính là lý do khiến con người tương lai muốn hủy diệt quá khứ trong TENET. Tiếp theo, nhân loại trong Interstellar cuối cùng cũng sống sót nhờ công thức từ tương lai gửi về cho Murph (Jessica Chastain) giúp họ có thể du hành không gian. Phải chăng đây chính là Thuật toán tạo ra vật chất nghịch đảo thời gian như trong TENET?
5. Tri ân liên tục thương hiệu 007, anh Bond sướng thôi rồi!
Nhân vật của John David Washing được xây dựng giống với James Bond
Christopher Nolan nhiều lần tự nhận là fan cứng và muốn tái hiện loạt phim James Bond trong tác phẩm của mình. Do đó, nhiều fan sẽ dễ dàng nhận ra những điểm giống nhau giữa TENET và phiên bản 007 do Daniel Craig thủ vai.
Hình tượng quý ông James Bond được Nolan thể hiện không ít lần trong TENET
Cả Nhân vật chính và James Bond đều mặc những bộ vest sang trọng trong các cảnh hành động. Laura (Clémence Poésy) giống như Q (Ben Whishaw) – người cung cấp vũ khí và giải thích công nghệ, còn Michael Crosby ( Michael Caine) không khác gì “sếp” M (Judi Dench) khi tài trợ tiền bạc và hướng dẫn nhiệm vụ.
6. Nhiều nét thân quen “nhẹ” từ các bom tấn trước của Nolan
TENET được cho là tác phẩm tổng hợp toàn bộ sự nghiệp của Nolan trước đó. Phim sử dụng nhiều kỹ thuật từng được vị đạo diễn người Anh áp dụng. Đầu tiên, việc nhân vật chính không có tên giống với Following (1998) khi vai diễn của Jeremy Theobald chỉ được gọi là Người đàn ông trẻ (The Young Man).
TENET là sự tổng hợp các sản phẩm trước của Nolan
Cảnh đối đầu giữa Nhân vật chính với phiên bản nghịch đảo tại Oslo khá giống với phân đoạn chiến đấu trong mơ của Arthur (Joseph Gordon-Levitt). Cảnh đoàn xe truy cướp Plutonium lại như được tổng hợp giữa đoạn Joker (Heath Ledger) cố gắng giết Harvey Dent (Aaron Eckhart) trong xe bọc thép ở The Dark Knight (2008) và đoạn truy đuổi trên phố trong Inception.
Cảnh đối đầu trong TENET
Cảnh hành lang “thần thánh” của Inception
Ngay cả hơi thở của The Dark Knight cũng nhè nhẹ len lỏi vào TENET
TENET đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Cẩm nang bỏ túi giúp xem TENET không bị tiền đình: Thủ sẵn combo Lý - Hóa kèm thuốc bổ não nha mấy bồ!
Với màn "nhả từ" thâm sâu về các thể loại công thức khoa học ở TENET, bạn có chắc mình đủ tỉnh táo để hiểu hết bộ phim?
BÀI VIẾT TIẾT LỘ MỘT PHẦN NỘI DUNG PHIM, CÂN NHẮC TRƯỚC KHI ĐỌC!
Sau nhiều tháng lao đao vì tình hình dịch bệnh, TENET cuối cùng cũng mạnh mẽ ra rạp với sứ mệnh quan trọng là tái sinh nền điện ảnh thế giới. Tác phẩm thứ 11 của đạo diễn tài ba Christopher Nolan đang được giới mộ điệu điện ảnh háo hức mong chờ khi đánh mạnh vào đề tài "hack não", lần này là ở khía cạnh thời gian.
John David Washington và Robert Pattinson trong TENET
Bộ phim sẽ xoay quanh hành trình của Nhân Vật Chính (John David Washington) để tìm ra nguồn gốc của TENET - một học thuyết khoa học cao siêu được tạo ra để phục vụ cho Thế Chiến III. Thế nhưng, để đồng hành với anh chàng trong chuyến du ngoạn ngoằn ngoèo và chông gai này, khán giả cũng nên trang bị bản thân thật đầy đủ với bộ cẩm nang chống "tiền đình" sau để không bị bỏ rơi giữa chừng.
1. "Nghịch đảo thời gian" là học thuyết chính của phim, không phải xuyên không đâu!
Sau khi xem xong loạt trailer của TENET, nhiều khán giả dễ lầm tưởng đây cũng chỉ là một chuyến du hành thời gian ngược về quá khứ như Avengers: Endgame hay Doraemon. Thế nhưng, học thuyết chính được sử dụng xuyên suốt phim lại hoàn toàn khác, thậm chí phức tạp hơn rất nhiều lần.
Thông qua màn biểu diễn với những viên đạn, nhà khoa học Laura (Clémence Poésy) đã mang đến khái niệm "đảo ngược sự hỗn loạn" trong một vật thể thông qua chuỗi phản ứng phân hạch để khiến nó trông như đang "đi lùi về vài giây trước". Điều này có nghĩa, một vật thể được chọn để "nghịch đảo" sẽ có góc nhìn khác với cả thế giới, giống như đang "đi ngược lại đám đông" vậy. Thế nhưng, nó xảy ra ngay trước mắt chúng ta, ngay ở hiện tại chứ không phải đưa chúng ta trở về quá khứ. Ngược lại, chính chúng ta, những con người đang chứng kiến hiện tượng "nghịch đảo" của vật thể ấy, lại là quá khứ của nó.
2. Chuẩn bị tinh thần "bổ não" trước loạt nghịch lý, định lý xoay quanh thời gian
Nghe vụ "nghịch đảo thời gian" có vẻ vui tai, thế nhưng nó vốn được tạo ra với một mục đích ghê rợn: phục vụ cho chiến tranh và sự huỷ diệt. Vì thế, nhân vật Neil (Robert Pattinson) đã phải cắt nghĩa thật sâu sắc để các nhân vật hiểu được cái tầm của dự án TENET này thông qua một loạt các định luật "lắt léo".
Ban đầu, anh dùng hai bàn tay đan xen vào nhau để chỉ ra sự chồng chéo của các vật thể khi bị "nghịch đảo". Càng nhiều vật "dính lời nguyền" thế giới càng hỗn loạn, từ đó dễ dẫn đến sự tận diệt. Đồng thời, anh chàng suy diễn đến khả năng học thuyết là một thứ do thế hệ tương lai tạo ra để trừng phạt tổ tiên. Ở thế giới "ngày mai", thiên nhiên bị tàn phá nặng nề, con người lại đối mặt với tận thế nên họ chỉ còn cách dùng TENET để đảo ngược quá trình "xuống cấp" của tạo hoá.
Neil cũng đề cập đến nghịch lý ông nội nổi tiếng, cho rằng nếu ta quay về quá khứ để "khử" ông nội mình thì sẽ dẫn đến việc không có ai sinh ra ta. Đây là nghịch lý không thể giải thích được, nhưng những người ở tương lai họ chỉ có thể dùng TENET như một "phép thử" cuối cùng nhằm cứu lấy hành tinh xanh, dù cho đó là phải hạ sát những thế hệ tiền nhân.
Anh nói hơi nhiều nhưng bỏ qua vì anh đẹp!
3. Muốn hiểu phim của Nolan? Hãy tập trung nghe thoại và chăm đọc Vietsub!
Một trong những tinh tuý của dòng phim Nolan đó là sự dụng tâm ở khâu kịch bản và ý tưởng. Đạo diễn của những Inception, Memento, Interstellar đã mất tận 6 năm để hoàn thành cốt truyện của TENET. Vì vậy, có thể nói những điều cốt lõi mà khán giả cần nắm đều nằm trong những con chữ.
Nolan sẽ dồn hết mọi thứ cần hiểu vào phần thoại, vì thế tập trung đọc phụ đề nhé!
Nếu đã từng xem Inception nhiều lần thì chắc chắn các fan sẽ rút được kinh nghiệm quý báu. Hãy tập trung vào những lời diễn giải, trình bày từ chuyên gia hay bất cứ nhân vật am hiểu nào (như cô nghiên cứu sinh Laura thích chơi súng ở đầu phim, hay suy luận của Neil,...). Việc "căng mắt" đọc phụ đề chắc chắn sẽ giúp bạn nắm được lượng thông tin khổng lồ của TENET trước khi bước vào chu trình kế tiếp là hiểu được và tiếp thu được. Ngoài ra, các cảnh trên phim sẽ không có gì gây cười như ở lời thoại, một số câu nói của nhân vật chắc chắn sẽ khiến bạn trầm trồ hay tạm thời thư giãn vì khá "điêu" đấy!
Cứ xem đi rồi bạn sẽ bất ngờ với số tiền mà chị đẹp Elizabeth Debicki bỏ ra để du lịch "sương sương" ở Việt Nam đấy!
4. Chuẩn bị sẵn ví tiền để đi xem n lần nữa, một lần không đủ!
Nếu đã định bụng sẽ ra rạp xem TENET hay bất cứ phim nào của Nolan chỉ trong một lần duy nhất thì đó sẽ là thiệt thòi dành cho bạn. Những tác phẩm "xoắn não" trước giờ của vị đạo diễn tài ba là một trải nghiệm phim ảnh độc nhất vô nhị, nhưng cũng là một nguồn tư liệu quý giá để khán giả có dịp bàn luận và bóc tách dần dần.
TENET khiến người xem bàn tán và tranh cãi
Vì vậy, xem TENET một lần chỉ đủ để người xem nắm được khái quát về "nghịch đảo thời gian" hay tình huống hiện tại của các nhân vật. Để có thể nắm trọn quá trình áp dụng học thuyết vào các phi vụ nhằm chống lại kẻ phản diện chính (nhiều khả năng là tên trùm Sator do Kenneth Branagh thủ vai), tốt nhất bạn nên chuẩn bị để kỹ càng tinh thần và trí óc cho những lần thứ 2, lần thứ 3,... kế tiếp.
Chắc chắn bạn còn gặp hai anh dài dài nếu muốn hiểu tường tận TENET!
TENET là một tựa phim cam go và thử thách nếu bạn chỉ muốn tìm kiếm sự thư giãn nhất thời. Thế nhưng, đây chắc chắn sẽ là trải nghiệm hấp dẫn và mới lạ để "tái khởi động" mùa chiếu phim sau hơn nửa năm 2020 chìm trong những điều tiêu cực. Phim cũng tinh tế nhấn mạnh vào tầm quan trọng của môi trường, sự thăng hoa của tình bạn, tình thân và lên án sâu sắc khía cạnh bạo lực gia đình.
Xem qua trailer chính thức của TENET
TENET chính thức công chiếu vào ngày 28/8 tại các rạp trên toàn quốc.
6 hạt sạn nhức mắt ở TENET: Tranh tỷ đô được bảo vệ quá sơ sài, người nghịch đảo về tương lai ra sao? Vậy còn Robert Pattinson và Elizabeth Debicki quá đẹp khiến người xem phân tâm thì có tính là sạn của TENET không nhỉ? (Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim. Các bạn cân nhắc trước khi đọc.) Nhờ ý tưởng độc đáo về nghịch đảo thời gian, TENETđã tạo ra một vòng lặp trọn vẹn và không có kẽ hở....