6 cách hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Với 6 cách đơn giản này có thể hạn chế tối đa lượng thuốc bảo quản cũng như độc tố trong hoa quả, thực phẩm sử dụng hàng ngày.
1. Vệ sinh từ nhà bếp
Bạn đừng nghĩ rằng chỉ có nhà vệ sinh hay nhà tắm mới là nơi “bẩn” nhất. Nhà bếp, nơi bạn chế biến thức ăn hàng ngày mới là moi trường lý tưởng để “thu hút” các vi khuẩn sinh sôi và nảy nở. Ngay trong bát đũa, khăn lau, bông rửa… cũng có tới cả tỷ con vitrùng gây bệnh đang trú ngụ và đe dọa sức khỏe gia đình bạn.
Vì vậy, để đảm bảo vệ sinh cho món ăn trong quá trình nấu nướng, bạn nên giữ cho căn bếp của mình luôn sạch sẽ và khô thoáng để vi khuẩn không có cơ hội để phát triển và gây bệnh. Hãy thường xuyên vệ sinh bồn rửa bằng nước tẩy, thay khăn lau thường xuyên. Bát đũa nên sấy khô và bảo quản chỗ khô ráo sau khi sử dụng.
2. Thức ăn nên dùng ngay sau khi chế biến
Video đang HOT
Bạn chỉ nên sử dụng thức ăn ngay sau khi đã chế biến hoặc chậm nhất là sau từ 24-48h. Thức ăn lưu cữu lâu ngày cũng đồng nghĩa với số lượng vi khuẩn ra tăng. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những món ăn để lâu ngày là rất lớn.
Hãy bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh ngay sau bữa ăn. Thức ăn cũ chỉ nên sử dụng lại một lần, hạn chế không đun đi đun lại nhiều lần. Việc hâm nóng thức ăn tốt nhất là bằng lò vi sóng vì khi đung lại trên lửa, hàm lượng vitamin và các khoáng chất có trong thức ăn sẽ gần như mất đi hoàn toàn.
3. Lưu ý tới đôi tay
Có thể nói, đôi tay là nơi chứa đựng nhiều vi khuẩn nhất vì không chỉ chạm vào thực phẩm khi chế biến món ăn, mà đôi tay của chúng ta còn là vật “đa di năng” tiếp xúc với vô số các đồ vật khác trong các hoạt động hàng ngày. Vì vậy, đôi tay là nơi truyền vi khuẩn vào thực phẩm dễ dàng nhất. Nếu dùng một đôi tay bẩn và mất vệ sinh vào chế biến món ăn, bạn đã vô tình “nạp” vào các món ăn hàng triệu con vi trùng, từ đó có thể gây nên ngộ độc hoặc đau bụng khi ăn.
Để hạn chế tình trạng này, khi chế biến thức ăn, chúng ta cần vệ sinh đôi tay thật sạch sẽ. Nhất là khi thái hoặc trộn các món ăn chín, các món salat…., bạn cần có găng tay hoặc đồ vật chuyên dụng để chế biến. Tránh tuyệt đối không dùng thẳng tay để nhào, trộn hoặc bốc thức ăn. Trước bữa ăn, hãy hình thành cho mình thói quen rửa tay thật kỹ với xà phòng và nước ấm. Bạn cần chú ý rửa sạch các kẽ và khe giữa các ngón tay vì đó là nơi tập trung nhiều vi khuẩn nhất.
4. Không dùng chung đồ dùng khi chế biến thức ăn sống và chín
Bạn cần đặc biệt lưu ý tới các dụng cụ nấu nướng khi chế biến các đồ ăn sống và chín, đặc biệt là bát, đũa, dao, thớt… 1 dụng cụ dùng chung cho cả 2 loại thức ăn sẽ là nguồn lây nhiễm vi khuẩn dễ dàng và nguy hiểm nhất.
5. Chọn mua và bảo quản thực phẩm đúng cách
Hãy bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình bằng cách chọn mua các loại thực phẩm tươi ngon và có nguồn gốc rõ ràng. Tuyệt đối không vì rẻ mà mua những loại thực phẩm đã hết hoặc gần hết hạn sử dụng.
Thực phẩm ngay sau khi mua về cần bảo quản ngay trong tủ lạnh để đảm bảo sự tươi ngon cũng như lượng vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm. Nếu để ở nhiệt độ thường quá lâu, thực phẩm sẽ dễ bị ôi thiu và phân hủy, từ đó dễ gây nên các độc tố gây ngộ độc cho cơ thể.
Các thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh cần được bọc kín và để riêng thức ăn sống và chín để tránh sự nhiễm khuẩn.
6. Đặc biệt lưu ý với các món ăn chế biến từ hải sản
Không ai có thể phủ nhận được sự hấp dẫn từ các món ăn hải sản nhưng chúng ta cũng cần biết rằng, đó cũng chính là nguy cơ gây ngộ độc hàng đầu cho cơ thể nếu không có cách chế biến hợp lý.
Bạn chỉ nên lựa chọn các loại hải sản tươi sống để chế biến các món ăn, tuyệt đối không chọn hải sản đã chết, ôi thiu hoặc bảo quản lâu ngày vì các vi khuẩn sinh ra trong quá trinh phân hủy sẽ gây nên tình trạng đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy… dài ngày, rất nguy hiểm. Vì vậy, cũng không nên dùng hải sản để chế biến các món gỏi.
Theo Thu Lan
Nguồn: Dân trí