6 bộ phim đề tài LGBT nhất định phải xem một lần
Nếu là một “tín đồ” phim LGBT, bạn chắc hẳn đã từng xem qua những bộ phim này.
1. Imagine me and you (Một nửa sự thật, 2005)
Trong ngày lễ thành hôn trước bàn thờ chúa, cô dâu Rachel bị “tiếng sét ái tình” đánh trúng. Người mang lại cho cô những cảm xúc chưa từng có không phải là chú rể, càng không phải là một chàng trai, mà lại là một cô gái.
Đó chính là Iuce, chủ sở hữu một cửa hàng hoa ở Bắc London, cũng là người cung cấp hoa cưới cho ngày trọng đại của Rachel và Heck.
Cảm giác xốn xang kỳ lạ mà cô gái đồng tính mới gặp khiến Rachel như bị Iuce hớp hồn. Cả 2 bị cuốn vào nhau trong một mối quan hệ không tên.
Bộ phim hài hước, lãng mạn này là cái tên không thể thiếu trong danh sách phim ưa thích của bất cứ cô nàng đồng tính nào.
2. Blue is the warmest colour (Màu xanh nồng ấm, 2013)
Blue is the warmest colour là tác phẩm đồng tính nữ giành Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes 2013 gây tranh cãi bởi nhiều cảnh nóng nhưng cũng là bộ phim tạo được nhiều khoái cảm nhất trong vài năm trở lại đây.
Bối cảnh diễn ra tại nước Pháp, xoay quanh cuộc sống của Adele, cô nữ sinh 17 tuổi loay hoay với bản năng của mình. Cuộc sống của Adele đang loay hoay mất phương hướng thì cô vô tình gặp Emma – một cô gái học mỹ thuật có mái tóc xanh nổi loạn.
Vật lộn giữa bản năng giới tính và các mối quan hệ xã hội, Adele vẫn quyết định dấn thân, khám phá và nếm trải mối tình đồng tính này từng bước một, giống như mọi chuyện tình yêu trên thế gian.
Bộ phim là sự hòa quyện tuyệt vời của tình yêu và nghệ thuật trên hành trình đi tìm tình yêu, đi tìm chính mình của Adele.
Video đang HOT
3. The kids are alright (Lũ trẻ đều ổn, 2010)
Khác với những bộ phim đồng tính khác, The kids are alright kể về cặp đôi đồng tính nữ Nic và Jules, họ đã có với nhau một gia đình hạnh phúc với 2 đứa con trưởng thành.
Một ngày nọ, Paul – người cha đã hiến tặng tinh trùng đột nhiên xuất hiện tại gia đình của 2 người phụ nữ và làm đảo lộn cuộc sống yên bình của họ.
Tuy là câu chuyện về một cặp đôi đồng tính nữ, nhưng những gì xảy ra trong gia đình họ cũng không khác gì bao gia đình khác. Họ cũng gặp phải những mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình, những tranh cãi vụn vặt và cả những giây phút yêu thương sâu lắng.
Bộ phim là một thông điệp nhẹ nhàng, tích cực về tình cảm gia đình. Dù bạn là ai, dù gặp phải bất cứ tình cảnh nào, gia đình vẫn luôn là mái ấm vững chãi nhất.
4. Beautiful thing (Điều tuyệt vời, 1996)
Beautiful thing là một câu chuyện kể về quãng thời gian tăm tối nhất của 2 chàng thiếu niên đồng tính Jamie và Steven, nhưng cũng là một chuyện tình lãng mạn giữa mùa hè miền đông nam London.
Jamie là một chàng trai không thích tới trường, ham mê thể thao và thường xuyên bị cha và anh trai đánh đập. Trong khi đó, Steven cũng bị hạo hành trong chính căn nhà của mình.
Sandra – mẹ của Jamie – đã đưa Steve sang ở chung với con trai của mình nhằm tránh né người cha say xỉn của cậu. Để rồi tình cảm nảy nở giữa Jamie và Steve đi cùng với vô vàn rắc rối cho những người xung quanh họ.
Tuy không có những cảnh quay đẹp hoàn hảo và triết lý sâu sắc, bộ phim vẫn thành công trong việc chạm đến trái tim người xem bằng lời thoại ngọt ngào và diễn xuất tự nhiên.
Với cái kết đầy mãn nguyện, Beautiful thing được đánh giá là một trong những bộ phim đồng tính nam hay nhất thập niên 90.
5. Brokeback mountain (Chuyện tình sau núi, 2005)
Brokeback mountain là bộ phim tình cảm xoay quanh hai chàng cao bồi Jack Twist và Ennis Del Mar. Họ gặp nhau vào mùa hè năm 1963 khi cùng được thuê đến vùng núi Wyoming để chăm nom một đàn cừu khổng lồ khỏi bọn thú dữ.
Jack và Ennis phát hiện ra nhiều cảm xúc lạ mà mình dành cho đối phương. Trong một đêm trời giá lạnh, cả hai đã không kiềm chế được cảm xúc và thật sự kinh ngạc lẫn thích thú với những cảm giác mà họ chưa từng trải qua.
Tình cảm thầm kín giữa họ vẫn tiếp tục kéo dài đến tận 20 năm sau, khi mà cả 2 đều đã cưới vợ và có một cuộc sống gia đình riêng.
Brokeback Mountain là một trong 10 câu chuyện tình yêu buồn nhất của lịch sử điện ảnh. Bộ phim mạng đậm tính nhân văn, không chỉ nói về tấn bi kịch của một mối tình đồng giới mà đằng sau nó còn là tấn bi kịch của những mối tình vấp phải rào cản phi lý của xã hội.
6. I killed my mother (Tôi đã giết mẹ tôi, 2009)
Phim I killed my mother kể về mối quan hệ đầy khó khăn giữa Hubert – cậu bé đồng tính 16 tuổi và mẹ của mình.
Cậu và mẹ luôn có những tranh cãi, bất đồng về mọi thứ khiến cho mối quan hệ của hai mẹ con càng ngày càng tệ. Hubert cảm thấy không thích mẹ mình từ những điều nhỏ nhặt như việc bà để thức ăn dính trên miệng, tô son khi lái xe rồi vượt đèn đỏ.
Hubert ghét mẹ mình như những điều cậu nói ngay từ đầu phim “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi yêu thương nhau. Tôi vẫn yêu mẹ. Vẫn có thể nhìn ngắm bà ấy, nói chuyện với bà ấy, ở bên cạnh bà ấy. Nhưng… Tôi không thể làm con trai của bà ấy. Tôi có thể làm con trai của bất kì ai, nhưng không phải là bà ấy.”
Thế nhưng tình cảm của hai mẹ con dành cho nhau là vô cùng to lớn. Cuối phim, cảnh 2 mẹ con ôm nhau và nhớ lại trước kia, khi Hubert còn nhỏ. Mọi thứ như chỉ là một giấc mơ vậy. Giấc mơ về một quá khứ đẹp đẽ hay giấc mơ về hiện tại.
Theo giadinhmoi.vn
The Cakemaker: một bộ phim về LGBT của Israel mà bạn không thể bỏ qua
"The Cakemaker" ("Người làm bánh") - một câu chuyện truyền cảm hứng về tình yêu, mất mát và tất nhiên, những chiếc bánh ngọt vô cùng hấp dẫn.
"The Cakemaker" (tạm dịch: người làm bánh) là một bộ phim tình cảm, kịch tính của Israel - Đức, ra mắt năm 2017. Bộ phim nhẹ nhàng, hấp dẫn này được viết và đạo diễn bởi Ofir Raul Graizer - người đồng tính nam công khai. Dàn diễn viên mang đến không ít cảm xúc cho phim có thể kể đến như Tim Kalkhof, Sarah Adler, Roy Miller,....
The Cakemaker bộ phim hài tình cảm
Ngay từ khi được ra mắt, bộ phim đã được giới chuyên môn đánh giá rất cao nên không quá bất ngờ khi "The Cakemaker" được đề cử đến 9 hạng mục và thắng 6 giải tại Ophir (được xem như giải Oscar tại Israel) bao gồm: Kịch bản xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Bộ phim hay nhất,....
Hai nhân vật chính trao nhau tình cảm
"The Cakemaker" là câu chuyện về Thomas, chàng trai trẻ, tài năng người Đức, đem lòng yêu Oren - người đàn ông Israel thường bay đến Berlin vì công việc. Oren không may đã mất trong một vụ tai nạn xe hơi ở Israel. Thomas bắt đầu chuyến hành trình của mình đến Jerusalem để tìm kiếm câu trả lời về cái chết của Oren, cũng chính là câu trả lời cho bản thân mình. Anh chàng bắt đầu thâm nhập vào cuộc sống của Anat, goá phụ của người anh yêu, chủ của một của hàng cà phê nhỏ. Những chiếc bánh ngọt thơm ngon của Thomas đã giúp nơi này trở thành điểm thu hút của thành phố. Nhận thấy bản thân đang ngày càng lún sâu vào cuộc sống của Anat, Thomas sẽ phải kéo dài lời nói dối của mình.....đến mãi mãi.
Những chiếc bánh ngọt qua bàn tay tài năng của Thomas
Thomas giữ bí mật cho riêng mình và bước vào cuộc đời của Anat
Bộ phim này không đề cập quá sâu vào xu hướng tính dục của các nhân vật, nó tập trung khai thác về những mối liên hệ mật thiết mà họ họ tạo ra. Đạo diễn cho khán giả thấy được cuộc sống của Thomas và Anat như thế nào sau cái chết của Oren.
Một trong những cảnh được cho là đắt giá nhất bộ phim chính là lúc Thomas mặc quần áo của Oren, cả anh và Anat đều cảm thấy một xúc cảm khó tả về người đàn ông mà cả hai người đều yêu thương và đánh mất.
Đừng vội đánh giá bộ phim qua trailer hay tóm tắt, bạn chỉ có thể cảm nhận được tinh thần, cảm xúc của bộ phim mang lại khi chính bạn cho nó một cơ hội.
Theo Saostar.vn
Brad Pitt và Leonardo DiCaprio từng từ chối 'Brokeback Mountain' Hai ngôi sao hàng đầu Hollywood là những người đầu tiên mà đội ngũ của bộ phim đồng tính "Brokeback Mountain" tìm đến. Nhưng họ đã từ chối dự án bị cho là nhạy cảm. Trong cuộc trò chuyện mới đây với trang Indiewire, đạo diễn Gus Van Sant hồi tưởng về quá trình ông phát triển bộ phim đồng tính Brokeback Mountain...