58 người chết, mất tích do bão số 12: Chính quyền và người dân đều chủ quan?
Tính đến chiều qua (5/11), bão số 12 đã làm 29 người chết, 29 người mất tích. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn về người là do nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn.
Bão số 12 làm 29 người chết, 29 người mất tích (Ảnh: Viết Hảo).
Trước đó, ngày 2/11, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 12 năm 2017 (tên quốc tế là Damrey – Con Voi). Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định, bão số 12 rất mạnh, càng vào bờ cường độ bão càng tăng lên.
Đến 6h ngày 4/11, bão số 12 đổ bộ vào đất liền tỉnh Khánh Hòa với cấp độ 12, giật cấp 15. Bão vào đúng thời điểm khu vực này có không khí lạnh tăng cường mạnh nên làm cho bão càng mạnh thêm, gây mưa lớn, gió mạnh ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ.
Sau nhiều giờ quần thảo trên đất liền, bão di chuyển dần sang khu vực Tây Nguyên và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới ở trên đất Campuchia.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tính đến chiều ngày 5/11, bão số 12 đã làm 29 người chết (Quảng Ngãi 2 người, Bình Định 3 người, Khánh Hòa 16 người (con số thống kê của Khánh Hòa là 27 người chết – PV), Lâm Đồng 3 người, Đăk Lắk 1 người, 4 người sự cố tàu vận tải); 29 người mất tích (Bình Định 4 người, Phú Yên 1 người và 24 người do sự cố tàu vận tải, (Khánh Hòa thống kê có 5 người mất tích));
Nhà sập đổ: 1.015 nhà, tăng 389 nhà so với báo cáo nhanh sáng 5/11 (Bình Định 81 nhà, Phú Yên 113 nhà, Khánh Hòa 691 nhà, Đăk Lắk 113 nhà, Đắk Nông 14 nhà, Lâm Đồng 3 nhà).
Video đang HOT
Nhà tốc mái, hư hỏng: 43.611 nhà, tăng 3.907 nhà so với báo cáo nhanh sáng 5/11 (Quảng Ngãi 74 nhà, Bình Định 95 nhà, Phú Yên 12.577 nhà, Khánh Hòa 29.382 nhà, Ninh Thuận 46 nhà, Gia Lai 44 nhà, Đắk Lắk 1.321 nhà, Đắk Nông 12 nhà, Lâm Đồng 69 nhà).
Tàu cá bị chìm, hư hỏng: 228 tàu (Bình Định 2 tàu, Phú Yên 114 tàu, Khánh Hòa 112 tàu); Diện tích lúa bị ngập: 4.425 ha (Bình Định 379ha, Phú Yên 113 ha, Khánh Hòa 3.748 ha, Gia Lai 25 ha, Đắk Lắk 60 ha, Lâm Đồng 100 ha).
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, nguyên nhân thiệt hại lớn về người: Đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào khu vực nhưng nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn.
Việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định còn nhiều bất cập, hạn chế; Phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là phương án sơ tán, di dời dân ở những nơi không an toàn; Lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa phù hợp với thực tế; bố trí sắp xếp neo đậu tàu làm công tác cứu hộ, cứu nạn chưa hợp lý nên khi có sự cố cần tổ chức cứu nạn thì chưa kịp thời, không di chuyển được do không có đường ra phía biển.
Nguyên nhân thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, tàu thuyền: Mức bảo đảm thiết kế của công trình đê điều, hệ thống điện, thông tin thấp hơn cường độ bão xảy ra; Nhiều khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão bất cập, quá tải, không đủ cho các tàu thuyền vào tránh trú, đặc biệt là tàu vãng lai, tàu vận tải; Thông tin, kiểm soát tàu thuyền vận tải ở rất nhiều đợt bão, lũ còn hạn chế nên thường gây rất nhiều thiệt hại.
Nguyên nhân về công tác chỉ đạo điều hành: Năng lực các của cơ quan tham mưu phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương trong khu vực còn rất nhiều hạn chế cả về số lượng, kinh nghiệm cán bộ, trang thiết bị, phương tiện; Công tác phối hợp đôn đốc, chỉ huy thực hiện ứng phó, khắc phục sự cố gặp hạn chế và không kịp thời do không được thường xuyên tập huấn, diễn tập; Việc tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, nhất là với bão mạnh của các địa phương còn xa rời thực tế, không áp dụng được khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Ảnh hưởng bão số 12: Đã có 20 người chết và 17 người mất tích
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17h ngày 4.11, bão số 12 đã làm 20 người chết (18 người tại các tỉnh và 2 người do sự cố tàu vận tải); 17 người mất tích (6 người tại các tỉnh và 11 người do sự cố tàu vận tải); 531 nhà sập đổ; 23.755 nhà tốc mái, hư hỏng.
Căn nhà tại thôn Long Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, bị lũ cuốn đổ sập, đè chết 2 người phụ nữ. (Ảnh: Chu Quốc Hùng-Đặng Anh Tuấn/TTXVN)
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17h ngày 4.11, bão số 12 đã làm 20 người chết (18 người tại các tỉnh và 2 người do sự cố tàu vận tải); 17 người mất tích (6 người tại các tỉnh và 11 người do sự cố tàu vận tải); 531 nhà sập đổ; 23.755 nhà tốc mái, hư hỏng.
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công thương, tính đến 16h ngày 4.11, toàn bộ trạm biến áp 110kV đã được khôi phục và cấp điện tại tỉnh Bình Định; tại tỉnh Phú Yên là 3/7 trạm biến áp; tại Khánh Hòa là 9/11 trạm biến áp 110kV; 3/9 trạm biến áp 110kV tại Gia Lai; 2/9 trạm biến áp 110kV tại Đắk Lắk. Hiện tại lưới điện trung thế, hạ thế tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đang mất hoàn toàn.
Về sự cố tàu vận tải, có 7 tàu bị chìm gồm Biển Bắc 16 (mang cấp VR-SB, 10 thuyền viên), Hoa Mai 68 (tàu hàng, 11 thuyền viên), Sơn Long 8 (tàu hàng, 12 thuyền viên), tàu Jupiter (tàu khách, 7 thuyền viên), Hà Trung 98 (10 thuyền viên trên tàu), Nam Khánh 26 (tàu hàng, 11 thuyền viên), các thuyền viên đã rời tàu, Fei Yue 9 (15 thuyền viên).
Tổng cộng có 76 thuyền viên trên các tàu. Tàu An Phú 168 (tàu hàng, 7 thuyền viên) gặp sự cố, hiện đã cứu được 7 thuyền viên.
Theo báo cáo sơ bộ ban đầu đến thời điểm 17h ngày 4.11, đã có 2 thuyền viên bị thiệt mạng, 11 thuyền viên còn mất tích, các lực lượng chức năng đã cứu được 70 thuyền viên.
Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có 1 tàu BĐ 95184TS/02 LĐ trên đường về tránh bão bị hỏng máy, thả trôi. Hiện nay Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Nhơn, Đài Radio Quy Nhơn đang liên lạc với các tàu trong tổ đội đến giúp đỡ.
Tàu hàng bị sóng biển đánh trôi dạt vào bờ biển Quy Hòa, Quy Nhơn. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
Theo báo cáo nhanh số 151 ngày 4.11 của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi có 2 tàu bị mất liên lạc, cụ thể, tàu QNg 90478 TS với 16 ngư dân do ông Lưu Đình Dũng ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn làm thuyền trưởng; tàu QNg 95249 TS với 13 ngư dân do ông Nguyễn Văn Minh ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn làm thuyền trưởng. Hiện đã liên lạc được với Đoàn nghề cá Bình Châu và đang ở Trường Sa an toàn.
Tỉnh Bình Định (trên quốc lộ 1D) có 10 vị trí sạt lở taluy dương (trong đó có 1 vị trí tràn lấp 1/2 mặt đường) khoảng 700m3.
Trên Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên có 5 vị trí nước tràn 1/2 mặt đường từ (0,3-0,5m) bên phía phải tuyến thượng lưu (nước không tràn qua bên trái tuyến do vướng dải phân cách giữa). Đơn vị quản lý bảo trì đang điều tiết để xe lưu thông 2 chiều bên trái tuyến và tiến hành tháo dỡ tạm dải phân cách giữa để thoát nước...
Tỉnh Khánh Hòa, tại Đèo Cả trên Quốc lộ 1, nhiều vị trí có đá rơi, sụt trượt với khối lượng 200m3 gây tắc đường, nhiều cây đổ. Cơ quan chức năng đang khắc phục để đảm bảo giao thông 1 làn. Quốc lộ 27C sụt taluy dương gây tắc đường tại Km 53 900.
Tỉnh Quảng Nam, tại Km 1404 100 đường Hồ Chí Minh, bị sạt taluy dương lấp mặt đường gây tắc đường hoàn toàn. Các đơn vị đang khắc phục và điều tiết giao thông để đảm bảo giao thông một làn.
Trên tuyến giao thông đường sắt, nhiều tàu hàng, tàu chở khách phải tạm dừng như tàu khách SE7 dừng ga Diêu Trì với 392 khách; tàu SE2 dừng ga Phong Thạnh với 410 khách; tàu SQN4 dừng ga Nha Trang với 416 khách; tàu SE4 dừng ga Nha Trang với 54 khách; tàu SE5 dừng dọc đường với 267 khách; tàu SNT4 dừng ga Tháp Chàm, tàu SNT2 dừng ga Cây Cầy. Hành khách được cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống và đảm bảo an toàn.
Theo Thắng Trung (Vietnamplus)
Căng thẳng tình trạng các hồ thủy điện, thủy lợi đều đầy nước Tình hình thiên tai ở miền Trung đang rất căng thẳng. Mưa lớn những ngày qua đã làm tất cả hồ thủy điện lẫn hồ thủy lợi đều trong tình trạng đầy nước. Nhiều lưu vực sông đã trên mức báo động 3, thậm chí tiếp cận mức lũ lịch sử năm 1997. Nước lũ đã làm nhiều khu vực ở hạ du...