50.000 tài khoản khách hàng VNPT rơi vào tay hacker
Một nhóm hacker đã tung lên mạng thông tin về mã số, địa chỉ, số điện thoại… của hàng chục nghìn khách hàng thuộc đơn vị thành viên trong Tập đoàn VNPT.
Trang chuyên về bảo mật SecurityDaily cho hay, nhóm hacker DIE Group đã công khai lên một website chia sẻ tệp tin trực tuyến danh sách 50.000 thông tin tài khoản của các thuê bao cố định và di động thuộc đơn vị thành viên VNPT Sóc Trăng. Nhóm này cho biết trước đó họ đã gửi cảnh báo về lỗ hổng bảo mật nhưng không nhận được phản hồi từ đơn vị chủ quản website và lỗ hổng đó cũng không được khắc phục.
Các thông tin rơi vào tay hacker gồm mã số khách hàng, họ tên, địa chỉ, số điện thoại (di động và cố định), tài khoản đăng nhập, mật khẩu đăng nhập (mật khẩu chưa mã hoá). Đồng nghĩa, bất cứ ai có những thông tin này đều có thể đăng nhập vào tài khoản của người dùng trên website của VNPT. Tuy nhiên, để tránh bị lợi dụng thì nhóm hacker đã để ẩn phần dữ liệu này.
DIE Group hay họ đã công bố hơn 10.000 thông tin nhưng qua phân tích SecurityDaily phát hiện con số này lên đến 50.000 thông tin tài khoản.
Phần lớn thông tin cá nhân bị tiết lộ vẫn đang “sống”, tức vẫn hoạt động và có thể dùng để đăng nhập. “Việc để lộ các thông tin này chứng tỏ website của VNPT đang tồn tại lỗ hổng nguy hiểm cho phép hacker có thể kiểm soát và lấy được hầu hết thông tin trong cơ sở dữ liệu. Rất có thể tài khoản quản trị cũng đã bị đánh cắp. Lỗ hổng này có thể là SQL Injection – một lỗ hổng rất nguy hiểm và phổ biến trong các hệ thống website và đã được tin tặc khai thác rất nhiều”, SecurityDaily nhận định.
Kẻ tấn công có thể lợi dụng để đăng nhập vào hệ thống và chiếm quyền của người dùng, thực hiện các bước tấn công leo thang đặc quyền khác. Ngoài ra, thông tin bị lộ kèm theo địa chỉ sẽ là miếng “mồi ngon” cho những kẻ phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đến người dùng các đầu số thuê bao này.
Video đang HOT
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm CNTT – Ban IT-VAS của VNPT đã sớm kiểm tra và nhận thấy khả năng bị hack qua một modul phần mềm tra cứu thông tin khách hàng tại một chi nhánh của VNPT Sóc Trăng.
Hiện Trung tâm đã phối hợp với VNPT Sóc Trăng xử lý dứt điểm, bảo đảm an toàn các tài khoản và dữ liệu của khách hàng.
Châu An
Theo VNE
Tết ta bàn chuyện điện thoại ta
Điện thoại Việt chưa đủ sức cạnh tranh trên sân nhà nhưng đã có tín hiệu tích cực từ VNPT hay BKAV, những nhà sản xuất thể hiện sự nghiêm túc trong việc tạo ra sản phẩm made in VN.
Việt Nam - thị trường 90 triệu dân - đang bị thống trị bởi các hãng sản xuất di động nước ngoài. Nhìn sang một số nước lân cận, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines... đều có những nhà sản xuất nội tạo được dấu ấn trên thị trường. Trung Quốc thì đang vươn mình trở thành đất nước có những hãng điện thoại lớn nhất thế giới, với sự phát triển không ngừng của những Xiaomi, Huawei, ZTE, Lenovo.
Trong khi đó, những chiếc smartphone được gọi là "thương hiệu Việt" hiện bày bán trên thị trường phần lớn được đặt hàng từ Trung Quốc, chỉ thay đổi nhãn mác và đóng tên thương hiệu Việt. Các sản phẩm từ Q-Mobile, Mobiistar, FPT, Viettel trước đây ít nhiều gây được sự chú ý đối với người dùng nhờ giá rẻ, đánh vào nhóm khách hàng nâng cấp từ điện thoại phổ thông lên smartphone với mức giá xấp xỉ 1,5 - 3 triệu đồng.
VIVAS Lotus S2 - chiếc smartphone được lắp ráp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi các nhà sản xuất lớn nhìn ra tiềm năng của phân khúc smartphone giá rẻ, Nokia, Samsung, Asus lần lượt nhảy vào cuộc với những chiếc Lumia, Galaxy, Zenfone giá siêu rẻ, chất lượng đảm bảo, nhà sản xuất trong nước lập tức gặp vô vàn khó khăn.
Họ than khó, than người dùng Việt chưa ủng hộ hàng Việt nhưng họ nên trách bản thân trước. Niềm tin, sự ủng hộ phải được gây dựng từ bản thân chất lượng sản phẩm chứ không phải từ những lời hô khẩu hiệu. Người dùng có quyền chọn cho họ những sản phẩm tốt nhất. Sự lựa chọn của họ cũng là câu trả lời rõ ràng nhất cho việc, sản phẩm của bạn có đủ tốt hay không. Điều này đồng nghĩa với việc, dưới con mắt người dùng: điện thoại Việt chưa đủ tốt.
Tuy nhiên, người dùng Việt có lý do để kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn trong thời gian tới. Cuối năm 2014, VNPT Technology giới thiệu bộ đôi smartphone Vivas Lotus S2 và S2 Eco. Mặc dù còn nhiều hạn chế về thiết kế và cấu hình nhưng rõ ràng, việc VNPT xây dựng 2 nhà máy để lắp ráp sản phẩm cho thấy, họ thể hiện sự nghiêm túc trong việc sản xuất smartphone. VNPT hiện đã làm chủ khâu lắp ráp, làm chủ việc phát triển phần mềm. Thứ họ còn thiếu chỉ là khâu thiết kế kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm, để tạo ra một model khác biệt trên thị trường. Tất nhiên, khâu thiết kế nói trên chính là khâu khó nhất bởi ngay cả những hãng sản xuất lớn như Apple, Samsung đôi khi vẫn tỏ ra thiếu ý tưởng về thiết kế và bị chê te tua.
VNPT cần thời gian và cả kinh nghiệm sản xuất để vươn mình trở thành một nhà OEM (Original Equipment Manufacturer - nhà sản xuất thiết bị gốc) thứ thiệt.
Ở khâu thiết kế sản phẩm, người ta lại đang kỳ vọng vào BKAV. Hãng sản xuất nổi tiếng với phần mềm diệt virus Bkav và nhà thông minh SmartHome bất ngờ đem trưng bày bản mẫu chiếc smartphone (được đồn đoán có tên Bphone) tại triển lãm CES danh tiếng.
BKAV thể hiện một chiến dịch truyền thông cực kỳ chuyên nghiệp với chiếc smartphone bí ẩn của mình. Sản phẩm này được cho là ra mắt vào cuối tháng 3. Ảnh: Vnreview.
Những hình ảnh rò rỉ từ nhà máy của BKAV cũng cho thấy, đây là một chiếc smartphone được đầu tư nghiêm chỉnh về thiết kế với vỏ nhôm nguyên khối. Cái cách BKAV rò rỉ sản phẩm, dẫn dắt dư luận cho thấy, họ đã có một kế hoạch dài hơi cho sản phẩm này. Việc lãnh đạo BKAV úp mở tuyên bố đây sẽ là một model cao cấp, cạnh tranh với những smartphone hàng đầu thế giới là một bước đi táo bạo khác. Từ trước đến nay, các mẫu smartphone thương hiệu Việt chủ yếu nhắm vào phân khúc giá rẻ. Smartphone của BKAV có thể là sản phẩm đầu tiên phá vỡ truyền thống này.
Tất nhiên, vẫn còn vô số câu hỏi cần được giải đáp cho chiếc smartphone của BKAV bởi từ việc tạo ra một chiếc smartphone tốt cho đến thành công trên thị trường là một chặng đường dài.
Thành Duy
Theo Zing
'Người Việt luôn nghi ngờ điện thoại made in VN' Đại diện VNPT cho biết, họ đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích và cách nhìn tiêu cực về những sản phẩm smartphone đầu tiên sản xuất trong nước. Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc marketing sản phẩm của VNPT Technology cho biết: "Chúng tôi phải chịu rất nhiều chỉ trích từ khi bắt đầu dự án sản xuất smartphone tại Việt...