50.000 học sinh Bình Định không còn sách vở đến trường sau lũ
Ngày chủ nhật (18-12), nhiều trường học ở Bình Định đang nỗ lực dọn dẹp để có thể dạy và học ngay đầu tuần.
Thầy Nguyễn Bá Hậu, hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định) cùng nữ hiệu phó thẫn thờ trước đống sách vở của học sinh bị lũ tràn vào làm hư hại. Ngôi trường này thiệt hại gần như 100% thiết bị, tài liệu, sách vở trong đợt lũ vừa qua – Ảnh: BÁ DŨNG
Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều trường ngập sâu trong lũ, chưa thể mở cửa trở lại, trong khi đợt kiểm tra học kỳ 1 đến rất gần.
Nỗ lực mở cửa trường trở lại
Hơn 12g, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hải – hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Cát Trinh (xã Cát Trinh, huyện Phù Mỹ) cùng bảy cô giáo tranh thủ ngồi ăn cơm ngay tại một phòng học còn ngổn ngang sách vở, đầy bùn đất.
Các cô giáo này đang cố gắng dọn dẹp để kịp sáng thứ hai đón học sinh trở lại lớp.
“Trường ngập nặng từ mấy ngày nay, học sinh phải nghỉ học. Chúng tôi dọn trường ngay từ lúc nước bắt đầu rút nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Khắp trường, ở đâu cũng thấy sách vở bục ướt, bàn ghế bê bết bùn” – cô Hải nói.
Theo các cô giáo, lũ về quá nhanh, hầu hết hồ sơ, sổ sách, tài sản của trường đều không kịp dọn nên hư hỏng nặng.
“Chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày thi học kỳ nhưng bị lũ gây thiệt hại nặng như thế này quả thật chúng tôi chưa biết phải xoay xở làm sao” – cô Hải buồn bã.
Hai ngày qua, toàn bộ giáo viên của Trường Cát Trinh đều tập trung về trường để dọn dẹp đống đổ nát, các nữ giáo viên mỗi người tới trường thì cầm một… máy sấy tóc để sấy tài liệu, sách vở.
Trên trần nhà và ở các dãy phòng làm việc, máy tính, thiết bị và dụng cụ học tập giăng ngổn ngang, quạt trần bật hết công suất để hong khô máy móc, thiết bị điện tử với hi vọng sẽ còn vớt vát được đôi chút.
Video đang HOT
Ba ngày sau khi lũ quét qua, sân Trường tiểu học số 2 Cát Tài (huyện Phù Cát) vẫn nhầy nhụa bùn non, sách vở bị nước cuốn vương vãi, các cô giáo phải đi nhặt từng chiếc một, gom lại rồi ngồi bên lạch nước để rửa.
Các cô giáo cùng học sinh của Trường THPT số 1 Tuy Phước (huyện Tuy Phước) cũng đang lau chùi, quét dọn từng phòng học khi nước lụt còn ngập sân trường.
“Trường phải nghỉ học mất khoảng 10 ngày. Các em chưa học xong chương trình theo kế hoạch, lại cứ phải chạy lũ hoài, rất khó để các em đạt kết quả tốt trong kỳ thi kiểm tra học kỳ dự kiến tổ chức vào ngày 26-12 tới” – thầy hiệu phó Đỗ Minh Châu lo lắng.
50.000 học sinh không còn sách vở
Cho đến trưa qua, dòng lũ vẫn phăng phăng chảy tràn trên đường vào Trường THCS Nhơn Hòa (P.Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn). Bà Nguyễn Thị Khánh Ngọc tuổi ngoài 60 tất tả lội bì bõm dọc các con đường trong làng, hỏi thăm mấy người láng giềng để tìm cặp sách cho cháu nội là em Nguyễn Võ Quốc Trương (học sinh lớp 6 Trường THCS Nhơn Hòa).
Ba mẹ đi làm ở tỉnh xa, gửi Trương lại cho ông bà nội nuôi nấng. Tối 16-12, khi Trương cùng ông bà nằm trên rầm nhà tránh lụt thì lũ làm bung các cánh cửa, cuốn đi tất cả sách vở cùng nhiều vật dụng khác của gia đình.
“Hôm qua giờ cháu khóc, nói gần thi mà không có gì để ôn tập. Nó buồn đến mức không muốn ăn. Suốt sáng nay tôi cố đi tìm cặp sách của cháu nhưng không thấy” – bà Ngọc nói.
Không chỉ mình em Trương, sau những trận lũ lớn liên tục ập đến, hàng vạn học sinh ở Bình Định đều lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Ông Đào Đức Tuấn, giám đốc Sở Giáo dục – đào tạo tỉnh, cho biết có đến hơn 50.000 học sinh bị lũ cuốn mất sách vở. Lũ cũng làm tám học sinh chết, hư hỏng hàng ngàn bộ bàn ghế, hơn 2.000 bộ máy vi tính và nhiều tài sản khác, tổng thiệt hại ước tính khoảng 31 tỉ đồng.
“Chúng tôi mới đi khảo sát các địa bàn bị lũ, nước vẫn còn ngâm đường, ngâm trường nên chưa thể cho học sinh đi học lại, do đó ngày thứ hai 19-12 nhiều trường chưa thể tổ chức dạy và học” – ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, để đảm bảo kiến thức cho học sinh, Sở Giáo dục – đào tạo chỉ đạo cho các trường phải dạy bù, tăng cường ôn luyện để học sinh vùng lũ theo kịp kiến thức chương trình, đồng thời lùi thời điểm kiểm tra học kỳ lại một tuần so với kế hoạch trước đây.
Đề nghị miễn học phí học kỳ 2
Ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết sáng 18-12 ông điện thoại cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề nghị bộ hỗ trợ sách, vở, đồ dùng học tập cho hàng vạn học sinh của tỉnh.
“Chúng tôi cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép Bình Định miễn học phí học kỳ 2 năm học này cho toàn bộ học sinh. Sau lũ nhiều gia đình kiệt quệ, không còn tiền để đóng học phí” – ông Dũng nhấn mạnh.
(Theo Tuổi Trẻ)
Hứng chịu 5 trận lũ liên tiếp, Bình Định kêu gọi cứu trợ khẩn cấp
Phải hứng chịu 5 đợt lũ liên tiếp trong vòng 1 tháng, người dân ở Bình Định không còn gì để ăn hoặc phải ăn mì tôm. Tỉnh đang kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp lương khô, nước uống, đồ ăn sẵn cứu dân.
Mưa lớn liên tiếp đổ xuống Bình Định trong vòng 1 tháng qua khiến nhiều địa bàn trong tỉnh bị chia cắt, cô lập.
Chỉ trong vòng 1 tháng qua, Bình Định đã phải liên tiếp hứng chịu 5 cơn lũ đổ về. Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho toàn tỉnh. Người dân nơi đây đang gặp vô vàn khó khăn, kiệt quệ do không còn lương thực tích trữ.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai sáng nay (17/12) tại Hà Nội, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, đợt lũ từ 12-16/12, toàn tỉnh có 11 huyện, thành phố thì tất cả đều bị ngập trong lũ.
Tỉnh đang hết sức khó khăn và đã huy động tổng lực để cứu trợ người dân. Trong đợt lũ vừa qua, nếu không có lực lượng công an, quân sự hỗ trợ thì thiệt hại về người với tỉnh sẽ là rất lớn.
Nhiều tài sản của người dân bị cuốn theo cơn lũ, thiệt hại rất nặng nề.
Tính tới thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Định có tới 31 người chết, trong đó 5 người vẫn chưa tìm được thi thể. Nhiều nhà dân vẫn ngập rất sâu trong nước, giao thông đình trệ, tài sản hư hỏng. 14 hồ có nước chảy qua đập có nguy cơ bị vỡ...
Trong buổi sáng nay, Bộ Quốc phòng đã cứu trợ khẩn cấp 5 tấn lương khô cho người dân Bình Định.
Để người dân không bị đói, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tiếp tục đề xuất: "Trước mắt, Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ về lương khô và nước uống cho người dân bởi, người dân không ăn được mì tôm nữa, cũng không có nước sôi mà nấu mì tôm.
Những hộ dân ở vùng trũng thấp đang phải di chuyển lên vùng cao để tránh trú.
Với 50.000 học sinh trong vùng lũ không còn sách vở đi học, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời hỗ trợ sách vở và miễn học phí kỳ II cho con em vùng lũ. Kiến nghị Bộ Y tế cấp 1.000 cơ số thuốc cho người dân để phòng chống dịch bệnh..."
Về giải pháp lâu dài để khắc phục cơ sở hạ tầng và ứng phó với thiên tai ở các địa phương miền Trung, ông Dũng kiến nghị Thủ tướng dành một gói ODA để tái thiết các tỉnh miền Trung.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hôm nay mưa lớn tại các tỉnh miền Trung đã giảm dần, phổ biến 40-80mm. Nhưng từ 18-20/12 mưa lớn có thể gia tăng trở lại từ Quảng Nam - Ninh Thuận với cường độ từ 100-150mm, thậm chí 200mm. Việc này sẽ khiến lũ rút chậm, gây ngập lụt kéo dài.
Hàng ngàn học sinh phải nghỉ học, trường lớp, sách vở bị lũ cuốn trôi.
Đáng lo ngại khác, từ khoảng 23-24/12, theo nhận định xa, một vùng áp thấp phía Đông Phillipines nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới Trung và Nam Trung bộ của Việt Nam. Vùng áp thấp kết hợp với khối không khí lạnh đi xuống có khả năng sẽ xảy đợt mưa lũ tiếp từ 26/12.
"Lượng mưa dự tính từ 200-300mm sẽ gây đợt lũ mới, hy vọng không kéo dài và khắc nghiệt như đợt lũ hiện tại", ông Cường chia sẻ.
Từ giữa tháng 10/2016 đến nay, mưa lũ đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương. Hơn 316.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại; 42.804 ha lúa, 4.703 ha mạ và 39.261 ha hoa màu bị ngập hư hại... Tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng. Riêng đợt mưa lũ từ ngày 12/12 đến ngày 16/12 đã làm 15 người chết, mất tích. Hơn 111.000 ngôi nhà bị ngập nước; hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi... Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ở Việt Nam làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Theo Triệu Quang (Dân Việt)
Lũ xuất hiện trên các sông, nhiều nơi bị ngập úng, sạt lở Chiều 30/11, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh Bình Định cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn, một số khu vực trong tỉnh bị sạt lở và ngập úng. Hiện gần 700 ha lúa mới gieo sạ của bà con nông dân bị ngập úng, nhiều khu dân cư bị chia cắt......