500 tàu ở Hạ Long dừng hoạt động, hàng nghìn khách mắc kẹt
Sáng 10/6, phản đối quyết định siết chặt quản lý tàu thuyền chở khách tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), khoảng 500 tàu du lịch đã ngừng hoạt động khiến hàng nghìn khách thăm vịnh bị mắc kẹt tại cảng Bãi Cháy.
Theo các chủ tàu, họ ngừng hoạt động là nhằm chấp hành quyết định 716 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc siết chặt quản lý tàu thuyền hoạt động chở khách trên vịnh Hạ Long, có hiệu lực từ ngày 10/6.
Hàng trăm tàu ngừng hoạt động, neo đậu xa bờ. Ảnh: Lê Thanh.
Theo quyết định này, nhân viên phục vụ trên tàu phải tốt nghiệp THPT, diện tích buồng ngủ đạt 8 m2, nhà vệ sinh rộng 2,5 m2…. Đối với các tàu đăng ký nghỉ đêm trên vịnh cần đạt tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó giám đốc Công ty du lịch Bài Thơ, nhận xét sau vụ chìm tàu du lịch Trường Hải làm 12 người chết, việc tỉnh đưa ra các quy định này đều nhằm làm cho hoạt động du lịch tốt hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên một số quy định chưa thể đáp ứng ngay.
“Yêu cầu về phòng cháy chữa cháy là quá cao, khó có thể đáp ứng ngay”, ông Đức dẫn chứng và lý giải để đạt tiêu chuẩn này, tàu nghỉ đêm trên vịnh phải trang bị máy bơm van khóa kiểu gạt, họng nước phun xa được 35 m… Để lắp đặt loại bơm này không chỉ tốn diện tích mà còn rất tốn kém. Mỗi hệ thống bơm sẽ tốn hơn 100 triệu đồng.
Video đang HOT
Du khách chờ tàu cập bến. Ảnh: Lê Thanh.
Trước việc tàu du lịch đồng loạt ngừng hoạt động, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh đã gọi các chủ tàu lên và cho phép hoạt động mà chưa cần áp dụng ngay quyết định 716. “Ngày mai, tàu Bài Thơ chúng tôi vẫn có tour và tiếp tục ra khơi. Tuy nhiên, tôi không rõ các tàu khác liệu có tiếp tục dừng hoạt động hay không”, ông Đức cho biết.
Trước đó khoảng 3h sáng 17/2, tàu du lịch chở 21 du khách quốc tế đang hoạt động ở khu vực đảo Ti Tốp (vịnh Hạ Long, Quảng Ninh) đã bị chìm. 12 người tử nạn, trong đó có 10 du khách nước ngoài.
Cơ quan công an đã xác định lỗi là do thủy thủ đoàn. Cụ thể, khi tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, các van ở hai bên mạn tàu không được đóng. Trong khi đó, thủy thủ đoàn bỏ trực, nước tràn vào gần đắm tàu mới phát hiện nên không kịp xử lý.
Theo VNExpress
Du lịch chở khách trên hồ Hoà Bình: Đánh đu cùng... "hà bá"
Áo phao chỉ để đối phó với cơ quan chức năng. Tàu du lịch kết cấu giống hệt tàu chở hàng, chẳng may chìm thì chỉ có... chết!
Nhân viên cảng vụ, CSGT chỉ nhắc nhở hành khách khi "có động"... Đây là thực tế tại bến tàu Bích Hạ (TP Hòa Bình), nơi mỗi ngày hàng ngàn du khách rời bến lên tàu đi du ngoạn ở lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Áo phao... "loè" cảng vụ
7h30 sáng 26/5, khi PV Báo GĐ&XH có mặt tại bến tàu Bích Hạ, xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình (Hòa Bình) thì phía cuối đường dẫn xuống bến đã có hàng chục chiếc ô tô xếp hàng "nhả" khách. Trên bến, nhiều đoàn khách đã lên tàu. Trong khi chủ thuyền đang hối hả hoàn tất "mớ" giấy tờ xuất bến, hành khách tuỳ nghi di tản lên tàu. Hai phần ba số khách trong đoàn gần 30 người chen nhau trên hai hàng ghế được "gá" một cách chênh vênh trên boong. Ai trong số họ cũng muốn thưởng ngoạn vẻ đẹp của lòng hồ nên chẳng mấy người tuân thủ quy định của cảng vụ là phải ngồi trong khoang khách dưới thân tàu. Chỉ đến khi chúng tôi giơ máy ảnh ghi lại cảnh mất an toàn này, nhân viên cảng vụ mới "nháy mắt" với chủ tàu yêu cầu hàng chục hành khách đang ngồi trên boong xuống khoang theo quy định. Lập tức, nhóm hành khách tỏ sự bất bình: "Đi tham quan lòng hồ mà ngồi trong boong tàu kín mít thì còn gì mà thưởng ngoạn"! Chủ tàu hạ giọng: "Các bác thông cảm, đây là quy định an toàn". Thế nhưng, tình trạng "an toàn" nêu trên chỉ tồn tại được trong chốc lát, sau khi tàu rời bến, hành khách lại kéo nhau lên boong hóng gió. Dĩ nhiên, những hành khách này đều không mặc áo phao và tuyệt nhiên cũng chẳng nhận được sự nhắc nhở nào từ phía "nhà tàu".
Khi rời bến, hành khách đứng, ngồi lố nhố trên boong tàu và không nhận được sự nhắc nhở nào của lái tàu và CSGT đường thủy. Ảnh: CT
Những nguy cơ tai nạn giao thông thuỷ tại lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình còn đến từ cấu tạo bất hợp lý của hàng chục chiếc tàu tại đây. Đa phần, chúng có cấu tạo giống tàu chở hàng hơn tàu chở khách. Thế nên, các du khách cho rằng, khi bỏ tiền đi du lịch thì họ cần có dịch vụ tương ứng. Việc "bị nhốt" trong những khoang tàu kín mít ầm ầm tiếng động cơ đã khiến nhiều người bất chấp nguy hiểm "bò" lên boong. Chị Đinh Thị Lan, một du khách đến từ Ninh Bình cho biết: "Nếu chấp hành đúng theo yêu cầu của cảng vụ thì hành khách đi du lịch chẳng khác nào bị... "hành" trong hầm. Nếu nhà tàu thiết kế đúng khoang tàu để chở khách, thay cửa sắt bằng cửa kính thì du khách vừa có thể ngồi trong khoang tàu ngắm cảnh lòng hồ thơ mộng vừa có thể thoát nạn khi gặp bất trắc".
Có sự cố là... chết!
Theo quan sát của chúng tôi, những lo lắng của hành khách không phải không có lý. Việc các tàu phục vụ du lịch nhưng được thiết kế không khác tàu chở hàng ở lòng hồ thủy điện Hòa Bình tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro. Phần lớn tàu khách đều được thiết kế na ná nhau, thân tàu được quây kín bằng tôn. Hệ thống cửa sổ cũng làm bằng tôn khung sắt. Việc thiết kế tàu nêu trên vô hình trung đã "biến" khoang tàu, nơi bảo đảm tính mạng của hàng chục con người thành... cái hộp sắt. Khi xảy ra tai nạn chìm tàu, dù du khách có được trang bị áo phao đầy đủ cũng bó tay chịu chết vì không biết thoát thân bằng đường nào. Đây cũng là lý do khiến nhiều hành khách ái ngại, thậm chí chống đối trước yêu cầu "vào khoang" của nhà tàu. Anh Trần Văn Đức, du khách đi tàu tại bến cảng Bích Hạ khi được hỏi cho biết: "Yêu cầu du khách xuống thân tàu chẳng khác gì nhốt họ vào cái thùng sắt. Tàu chở khách du lịch thì cửa sổ phải làm bằng kính đằng này họ lại đóng bằng tôn, nếu không may chìm tàu thì chúng tôi chỉ còn nước chết".
Khi được hỏi về việc tại sao các nhà tàu không làm cửa sổ bằng kính để du khách dễ bề thoát nạn, một nhân viên cảng vụ tại đây cho rằng, nếu làm bằng kính thì tàu va chạm khi ra vào cảng sẽ... vỡ hết!
Về xuất xứ của những chiếc tàu chở khách tại hồ thuỷ điện Hoà Bình, các chủ tàu ở cảng Bích Hạ cho biết phần lớn được đóng tại các xưởng ngay tại khu vực lòng hồ. Cứ 1 năm đăng kiểm lại một lần, 3 năm tàu được lên đà kiểm tra toàn bộ. Nhân viên đăng kiểm trực tiếp lên lòng hồ, tới các tàu để kiểm định. Thế nhưng, về việc kiểm tra và cấp phép của cơ quan đăng kiểm, một chủ tàu cho biết chỉ bị "soi" phần khung xương. "Nếu khung không đạt chuẩn thì có thể phải dỡ ra làm lại. Phần thiết kế thì tuỳ ý chủ tàu, muốn đóng theo kiểu nào thì yêu cầu xưởng là xong" - một chủ tàu cho biết.
Trách nhiệm... chẳng của ai?!
Trước thực tế mất an toàn giao thông thuỷ trên lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, ông Nguyễn Xuân Thành, Trưởng phòng Kinh doanh, chi nhánh Tổng công ty vận tải thuỷ tại Hoà Bình cho biết: "Trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình trạng an toàn giao thông khi tàu xuất bến thuộc quyền của CSGT. Cảng vụ chỉ chịu trách nhiệm trong địa phận cảng khi tàu xuất, cập bến. Khi xuống tàu, hành khách không được phép ngồi trên boong mà phải xuống ngồi trong khoang tàu. Để hành khách tụ tập trên boong, lái tàu sẽ bị CSGT thuỷ phạt nặng".
Đối chiếu khẳng định của ông Thành với thực tế tham gia, điều khiển giao thông thuỷ tại lòng hồ Hoà Bình mà chúng tôi trực tiếp được kiểm chứng cho thấy, việc quản lý của cơ quan chức năng liên quan không diễn ra như vậy. Rất nhiều chủ tàu vẫn để khách đứng ngồi trên boong. Thậm chí cả khi CSGT tuần tra bắt gặp thì cả hành khách và chủ tàu vẫn... bình an vô sự! Họ không nhận được bất kỳ sự nhắc nhở hay xử phạt nào như vị đại diện cảng vụ nói. Phải chăng, chỉ đến khi xảy ra những thảm hoạ chết người như vụ chìm tàu du lịch ở vịnh Hạ Long hồi tháng 2 hay vụ chìm tàu Dìn Ký mới đây ở Bình Dương thì các cơ quan chức năng liên quan tỉnh Hoà Bình mới rà soát, kiểm tra, xử phạt những đơn vị vận tải thuỷ?
"Mùa mưa bão ở lòng hồ sợ nhất là giông tố. Những cơn gió rít trên mặt nước như muốn nhấc bổng cả chiếc thuyền nặng hàng chục tấn lên cao rồi thả "tõm" xuống lòng hồ. Có lần tôi chở đoàn khách người Hàn Quốc đi du lịch. Khi về gặp phải cơn lốc, tôi bẻ lái vào mé hồ, cột tàu vào trụ đá lớn thế mà gió giật tàu lôi cả tảng đá xuống sông đánh rầm như bị bỏ bom. Cũng may lốc xoáy chỉ diễn ra trong chốc lát nên cả đoàn mới thoát khỏi miệng hà bá".
Chị Dịu, một chủ tàu du lịch ở cảng Bích Hạ
Theo Gia Đình
Lại thêm một tàu du lịch bị chìm ở vịnh Hạ Long Khoảng 15h chiều 8/5, một tàu du lịch đã bị đâm chìm trên vịnh Hạ Long. Trên chuyến tàu có 8 du khách người Pháp và một số khách người Việt. Tai nạn xảy ra khi du khách trên tàu đang lên thăm hang Sửng Sốt. Chiếc tàu bị chìm theo đăng kiểm có 14 cabin với 8 thủy thủ. Hiện trường vụ...