50 triệu căn hộ bỏ trống – ‘bom hẹn giờ’ cho ngành bất động sản Trung Quốc
Tỷ lệ nhà trống trung bình trên khắp Trung Quốc đại lục là 12,1%, tương đương 50 triệu căn hộ không có người ở, gấp 16 lần tổng số lượng nhà ở Hong Kong.
Hàng chục triệu căn hộ không có người ở Trung Quốc. Ảnh: AFP
Liu Hong và cha mẹ có 4 ngôi nhà ở các thành phố khác nhau trên khắp Trung Quốc. Trong phần lớn thời gian, họ có đến 3 căn nhà không có người ở.
Cô gái 36 tuổi, làm kiểm toán viên ở Thượng Hải, đã mua một căn hộ ở quê nhà Cáp Nhĩ Tân, phía Bắc tỉnh Hắc Long Giang cách đây 13 năm với giá 320.000 nhân dân tệ. Căn hộ này chỉ cách nơi ở của cha mẹ cô hai dãy nhà.
“Bố mẹ tôi khăng khăng tôi nên có nhà riêng vì họ tin rằng chắc chắn rằng một ngày nào đó tôi sẽ quay lại và sống ở Cáp Nhĩ Tân, hoặc tôi có của hồi môn trước khi kết hôn. Tuy nhiên, những điều mà bố mẹ tôi mong đợi đều không xảy ra. Nửa năm nay, cả hai ông bà đều lên Thượng Hải sống cùng tôi sau khi đã nghỉ hưu”, cô Liu chia sẻ.
Liu mua cho mình căn hộ 2 phòng ngủ tại Thượng Hải với giá 2,6 triệu nhân dân tệ sau khi quyết định an cư lập nghiệp tại đây.
Vì cả Cáp Nhĩ Tân và Thượng Hải đều rất lạnh trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 4, cha mẹ cô thường về một căn nhà nghỉ dưỡng nhỏ của gia đình tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam.
“Không dễ để tìm được người thuê hoặc người mua ở Cáp Nhĩ Tân. Vì vậy, chúng tôi bỏ trống hai căn hộ ở đó. Về mặt lý thuyết, một mình gia đình chúng tôi có tới 2, 3 căn nhà mà không ai ở suốt cả năm”, cô Liu nói.
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Beike (BRI) – một tổ chức tư vấn bất động sản của Trung Quốc, có đến hàng chục triệu căn hộ đang bị bỏ trống tại quốc gia này. Tổ chức này cảnh báo tình trạng dư thừa nhà ở sẽ khiến giá nhà giảm hơn nữa trong bối cảnh thị trường nhà của Trung Quốc vốn dĩ gặp nhiều khó khăn.
“Những ngôi nhà không có người ở trở thành một nguồn cung tiềm năng lớn. Khi những kỳ vọng về thị trường nhà đất không được như mong đợi, một lượng lớn nhà trống sẽ được tung ra thị trường và có thể đè nặng thêm áp lực giảm giá nhà”.
Theo báo cáo mà BRI công bố vào đầu tháng này, tỷ lệ nhà trống trung bình trên khắp Trung Quốc là 12,1%, trong khi tỷ lệ ở Mỹ và Australia lần lượt là 11,1% và 9,8%. Tỷ lệ này cũng đồng nghĩa với việc hiện có khoảng 50 triệu căn hộ không có người ở, gấp 16 lần tổng số lượng nhà ở Hong Kong.
Capital Economics – một công ty nghiên cứu và tư vấn có trụ sở tại London – còn đưa ra con số thực tế cao hơn rất nhiều. Theo ước tính năm ngoái, Trung Quốc có khoảng 30 triệu căn hộ/ngôi nhà chưa bán được, trong khi khoảng 100 triệu bất động sản khác có khả năng đã được mua nhưng chưa thể sử dụng.
Tất cả những thông tin trên đều trở thành một điều bất lợi cho những người bán. Các chủ nhà trên khắp Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc tìm người mua cho các căn hộ trống trong bối cảnh cơn sốt thị trường nhà ở đã hạ nhiệt.
Sunshine Li, một đại lý bất động sản ở Nam Xương, thủ phủ của tỉnh Giang Tây, giải thích: “Một số căn hộ trống là kết quả từ cơn sốt bất động sản năm 2016-2018, thời điểm mọi người đổ xô đi mua nhà để đầu tư”. Theo BRI, hiện khoảng 1/5 số nhà ở Nam Xương không có người ở, khiến thành phố này đứng đầu trong bảng danh sách 28 thành phố lớn có nhiều tài sản bất động sản bỏ trống.
Video đang HOT
Feng He (26 tuổi) – một giáo viên cấp hai – cho biết gia đình cô sở hữu một ngôi nhà 3 tầng, liền kề ở Côn Sơn, một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô. Căn nhà này không có người ở từ năm 2017 và được để dành như một khoản tiết kiệm khi bố mẹ cô nghỉ hưu.
“Nếu có bất trắc về tài chính xảy ra trong tương lai, bạn có thể bán căn nhà lấy tiền”, Feng nói. Là con một, Feng tin rằng về sau mình sẽ tiếp quản cả 4 ngôi nhà do gia đình mình đứng tên.
Trong nhiều năm, những người như gia đình Liu và Feng tin rằng việc mua thêm một căn nhà bất cứ lúc nào ở bất cứ đâu cũng chẳng có nguy hại gì, ngay cả khi họ không cần gấp. Nhưng hiện cơn sốt bất động sản đã qua, những ngôi nhà không sử dụng bắt đầu trở thành gánh nặng.
Gia đình Liu đang tìm cách bán một trong những căn hộ bỏ trống. “Căn hộ cũ của chúng tôi ở Cáp Nhĩ Tân cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ vị khách nào ngỏ ý mua trong năm nay. Tôi hơi lo lắng rằng một ngày nào đó những căn hộ trống có thể trở thành gánh nặng nếu chúng tôi mắc kẹt với những căn hộ này trong nhiều năm và phải trả phí bảo trì, thuế”, Liu chia sẻ.
Khoảng 21 công ty đầu tư và phát triển bất động sản lớn ở Trung Quốc đã vỡ nợ hồi năm ngoái. Hàng nghìn người mua nhà đã tham gia vào một cuộc tẩy chay thế chấp vào tháng trước, làm nghiêm trọng thêm tình hình. Niềm tin vào lĩnh vực này cũng dần trở nên lung lay vì chính quyền trung ương chưa đưa ra các biện pháp cứu trợ rõ ràng và cụ thể.
S&P Global Ratings dự đoán doanh số bán bất động sản ở Trung Quốc trong năm nay sẽ giảm 1/3 so với năm ngoái, xuống còn 12.000 – 13.000 tỷ nhân dân tệ, trong khi giá nhà trung bình có thể giảm 7%.
Vì sao thế giới lo lắng về cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc?
Trong tháng này, lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc đã phải hứng chịu thêm một đòn nữa khi những người mua nhà thất vọng và ngừng thanh toán thế chấp với các căn hộ ở các dự án chưa hoàn thành.
Cuộc tẩy chay diễn ra với nhiều nhà phát triển bất động sản đang chật vật xoay sở với hàng núi nợ và lo ngại khủng hoảng có thể lan sang phần còn lại của nền kinh tế Trung Quốc cũng như toàn cầu.
Ngành bất động sản của Trung Quốc lớn thế nào?
Khổng lồ. Bất động sản và các ngành công nghiệp liên quan ước tính đóng góp khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Lĩnh vực này đã thành công sau khi cải cách thị trường vào năm 1998. Có sự bùng nổ xây dựng ngoạn mục do nhu cầu từ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, vốn coi bất động sản là tài sản gia đình và biểu tượng địa vị quan trọng.
Thị trường bất động sản được thúc đẩy bởi khả năng tiếp cận các khoản vay dễ dàng, trong đó các ngân hàng sẵn sàng cho cả nhà phát triển và người mua vay càng nhiều càng tốt.
Theo báo cáo của hãng ANZ Research tháng này, các khoản vay thế chấp chiếm gần 20% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng của Trung Quốc.
Nhiều nhà phát triển dựa vào "tiền bán hàng", với việc người mua trả tiền thế chấp cho các căn hộ trong các dự án chưa được xây dựng.
Các ngôi nhà chưa hoàn thiện ở Trung Quốc chiếm tới 225 triệu m2, trang Bloomberg News đưa tin.
Các nhà chức trách Trung Quốc đang thực hiện các bước để cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng trong đại dịch - Ảnh: AFP
Tại sao ngành bất động sản Trung Quốc lại lâm vào khủng hoảng?
Khi các công ty bất động sản phát triển mạnh mẽ, giá nhà đất cũng tăng theo. Điều đó khiến chính phủ Trung Quốc lo lắng, khi đã lo ngại về rủi ro do các nhà phát triển bất động sản nợ nần chồng chất gây ra.
Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành cuộc đàn áp vào năm ngoái, với việc ngân hàng trung ương giới hạn tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản so với tổng cho vay của các ngân hàng để cố gắng hạn chế mối đe dọa đến toàn bộ hệ thống tài chính.
Điều này khiến nguồn tài chính bị thắt chặt với các nhà phát triển vốn đang gặp khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ của họ.
Một làn sóng vỡ nợ xảy ra sau đó, đáng chú ý nhất là Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đang chìm trong khoản nợ hơn 300 tỉ USD.
Ngoài ra, các công ty bất động sản Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng trong đại dịch - tình trạng kinh tế không chắc chắn đã buộc nhiều người mua nhà phải suy nghĩ lại về kế hoạch mua nhà của họ.
Người mua nhà phản ứng thế nào?
Cuộc khủng hoảng của Evergrande đã làm dấy lên các cuộc phản đối từ người mua nhà và các nhà thầu ở thành phố Thâm Quyến vào tháng 9.2021.
Hồi tháng 6.2022, một hình thức phản đối mới đã xuất hiện: Tẩy chay thế chấp.
Những người đã mua căn hộ trong các dự án còn dang dở thông báo sẽ ngừng thanh toán cho đến khi việc xây dựng tiếp tục trở lại.
Trong vòng một tháng, cuộc tẩy chay lan rộng đến người mua nhà tại hơn 300 dự án tại 50 thành phố trên khắp Trung Quốc.
Nhiều dự án chưa hoàn thành tập trung ở tỉnh Hà Nam, nơi các cuộc biểu tình phản đối gian lận ngân hàng nông thôn nổ ra và bị dập tắt.
Các nhà cho vay Trung Quốc vào tuần trước nói các khoản thế chấp bị ảnh hưởng chỉ chiếm chưa đến 0,01% các khoản thế chấp nhà ở còn tồn đọng. Thế nhưng, một số nhà phân tích cho rằng nỗi lo sợ là các cuộc tẩy chay sẽ lan rộng ra sao.
Tại sao có sự quan tâm toàn cầu?
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với các liên kết thương mại và tài chính toàn cầu sâu rộng.
Các nhà phân tích nhận định, nếu cuộc khủng hoảng tài sản lan sang hệ thống tài chính của Trung Quốc thì cú sốc sẽ vượt xa biên giới nước này.
" Nếu các vụ vỡ nợ leo thang, có thể có những tác động kinh tế, xã hội rộng rãi và nghiêm trọng", cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings viết trong một ghi chú hôm 18.7.
Điều này lặp lại cảnh báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho biết vào tháng 5 rằng trong khi Trung Quốc đã cố gắng kiềm chế lạm phát đến nay, cuộc khủng hoảng tài sản tồi tệ hơn cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của nước này.
Cuộc khủng hoảng có thể lan rộng và tác động đến thương mại toàn cầu cùng tâm lý rủi ro, Fed cho biết trong Báo cáo ổn định tài chính tháng 5.2022.
Trung Quốc làm gì để khắc phục vấn đề?
Các nhà phân tích nói rằng một gói cứu trợ hoặc giải cứu cho toàn bộ lĩnh vực bất động sản khó có thể xảy ra, ngay cả khi các cuộc tẩy chay thế chấp gia tăng, vì điều đó đồng nghĩa chính phủ đang thừa nhận quy mô của cuộc khủng hoảng.
Một gói cứu trợ lớn cũng có thể khuyến khích các nhà phát triển và người mua nhà tiếp tục với những quyết định rủi ro vì họ sẽ thấy chính phủ cùng các ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Song áp lực đã và đang gia tăng lên các ngân hàng Trung Quốc để giúp xoa dịu tình hình. Cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc thông báo sẽ giúp đảm bảo rằng các dự án được hoàn thành và các căn hộ được bàn giao cho người mua.
Một số sự can thiệp đã xảy ra ở cấp địa phương tại tỉnh Hà Nam, nơi quỹ cứu trợ được thành lập với sự hợp tác của một nhà phát triển bất động sản được nhà nước hậu thuẫn để giúp đỡ các dự án căng thẳng.
Chen Shujin tại tổ chức tài chính Jefferies Hong Kong cho biết chính quyền địa phương, nhà phát triển và chủ sở hữu nhà cũng có thể thương lượng việc miễn lãi và tạm dừng thanh toán thế chấp trong một thời gian nhất định tùy từng trường hợp.
Tấn công bằng dao tại nhà trẻ ở Trung Quốc, ít nhất 3 người thiệt mạng Ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong một vụ tấn công bằng dao xảy ra ngày 3/8 tại một nhà trẻ ở tỉnh Giang Tây, Đông Nam Trung Quốc. Theo mạng xã hội Weibo, cảnh sát địa phương cho biết một nhóm người đội mũ và đeo khẩu trang đã xông vào một nhà trẻ tư...