50 năm chụp ảnh dạo cho khách, cụ ông U80 lần đầu được tặng album ảnh
Cụ ông dành cả đời để chụp cho mọi người đã vô cùng xúc động khi được nhóm bạn trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh chụp tặng bộ ảnh.
Cụ ông U80 vẫn cầm máy chụp ảnh dạo
Những năm trở lại đây, nghề chụp ảnh dạo đã không còn giữ được thời hoàng kim như trước đó do sự phát triển của điện thoại, công nghệ mới.
Đã có thời, chụp ảnh dạo là một nghề “hot”, nhưng giờ đây nhiều nhiếp ảnh đã phải từ bỏ công việc này. Nói đến cái nghề đang dần dần mai một, ế ẩm, giới cầm máy không khỏi cảm thấy chạnh lòng, xót xa.
Xuất phát từ cảm xúc ấy, nhiếp ảnh trẻ Đoàn Minh Thông, 31 tuổi, đến từ thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ lên trang Tiktok của mình đoạn clip ghi lại câu chuyện anh tặng một món quà đặc biệt cho cụ ông U80 làm nghề chụp ảnh dạo.
Theo Minh Thông, vốn dĩ cũng là một nhiếp ảnh, anh hiểu được niềm đam mê, niềm vui với nghề cùng những nỗi vất vả khi theo đuổi công việc này.
May mắn tiếp cận được công nghệ, trang thiết bị máy móc hiện đại nên công việc của anh tại studio khá ổn định.
Nhưng cũng từ đây, anh thấu hiểu được sự khó khăn, chật vật của những người làm nghề nhiếp ảnh dạo.
Trong một buổi tối đi dạo ở quận 1, anh Minh Thông tình cờ gặp được ông Lê Quang Liêm (77 tuổi, trú quận Bình Thạnh), là người theo nghề chụp ảnh dạo đã 50 năm nay.
Người đàn ông dành cả đời chụp mọi người đã được người khác chụp ảnh
Anh quyết định tặng cụ ông món quà đặc biệt: “Hôm đó mình đi dạo buổi tối thì bắt gặp chú, mình thấy chú đi quanh chỗ Diamond Plaza, mời mọi người chụp hình nhưng ai cũng từ chối vì mọi người đều có điện thoại, máy ảnh riêng để tự chụp cho nhau rồi.
Chú cứ đi một hồi mà không có khách nào, mình tiến đến nhờ chú chụp giúp một tấm ảnh rồi đề nghị tặng lại chú bộ ảnh.
Khi biết studio của mình cũng gần nhà chú, chú đồng ý ngay và rất vui. Mình hẹn chú sáng mai đến studio mình vì lúc đó trời tối rồi”.
Cụ chia sẻ, lý do nhận lời anh Minh Thông là “cả đời chú toàn chụp ảnh cho người khác, không khi nào có ngày lại có người chụp cho mình”.
Ngày sáng hôm sau (20/11), cụ Lê Quang Liêm đến studio và được anh Thông cùng bạn bè chào đón. Vị khách đặc biệt được nhận xét là rất yêu đời, nhiệt tình.
Anh Thông giúp ông mặc áo vest, cầm thêm phụ kiện là chiếc máy ảnh – người bạn đồng hành suốt 50 năm của ông.
50 năm chụp ảnh dạo cho khách, cụ ông lần đầu được tặng bộ ảnh đầy xúc động
Bộ ảnh được chụp theo phong cách cổ điển, chứa đựng nhiều cảm xúc đã ra đời, nhận về vô số lời khen ngợi.
Toàn bộ clip ghi lại quá trình anh Minh Thông gặp gỡ, chuyện trò và chụp tặng cụ ông bộ hình cũng được ghi lại và chia sẻ trên trang Tiktok cá nhân của anh. Đoạn clip thu về hơn 3 triệu lượt xem cùng hàng nghìn tương tác.
“Khi nào phải chống gậy, tôi mới buông máy ảnh ra”
Đó là tâm sự của cụ Lê Quang Liêm khi nói về công việc của mình. Chính sự đam mê, lòng quyết tâm theo đuổi nghề đã truyền đến nhiều năng lượng, cảm hứng tích cực cho nhiếp ảnh Minh Thông.
Được biết, cụ ông bắt đầu đến với nghề nhiếp ảnh từ năm 1970. Suốt 50 năm qua, công việc này giúp ông nuôi được 6 người con khôn lớn trưởng thành.
Chỉ đến khi nào không thể đi được nữa, ông mới chịu ngừng làm việc, cất máy ảnh vào để giữ kỷ niệm.
Ngay sau khi đoạn clip được lan toả rộng rãi trên mạng xã hội, cụ Liêm rất vui và bất ngờ khi được mọi người nhận ra, tìm đến giúp đỡ, chụp hình ủng hộ.
Anh Minh Thông cho hay, vài ngày sau, anh đã trở lại tìm gặp cụ để tặng cụ bức ảnh được in ra và đóng khung cực kỳ trang trọng. Anh cũng được nghe cụ chia sẻ về niềm vui của mình:
“Mấy hôm nay công việc của chú tốt hơn, nhiều khách thương, đến ủng hộ. Nhiều bạn trẻ không chụp vì có điện thoại nhưng vẫn đến hỏi thăm, còn tặng phong bao lì xì nữa, chúc xúc động lắm, ít nhiều gì thì cái tình người mới là quan trọng nhất”
Cụ ông chụp ảnh dạo ở Bưu điện TP mòn mỏi đợi khách và câu chuyện ấm áp tình người giữa đại dịch Covid-19
Bất ngờ nổi tiếng sau khi phải rao bán chiếc xe Dream để trả nợ, cầm cự trong mùa dịch Covid-19, cuộc sống của cụ ông chụp ảnh dạo trước Bưu điện TP đã có sự thay đổi khi được nhiều người tìm đến giúp đỡ, hỗ trợ.
Có ông cụ chụp ảnh mòn mỏi đợi khách mỗi ngày...
Một ông thợ chụp ảnh, dù bất kể trời mưa hay nắng, vẫn không quản ngại khó khăn, miệt mài chạy xe từ quận 8 sang Bưu điện TP với hi vọng chụp được vài bức ảnh có tiền lo cơm ngày 3 bữa. Nhưng rồi đại dịch Covid-19 bùng phát, cái nghề chụp ảnh dạo đã ế nay lại ế hơn khiến ông Diên phải buộc lòng rao bán chiếc xe Dream cũ để trả nợ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng trong những ngày đầu tháng 7/2021.
Ông Diên - người thợ chụp ảnh dạo còn sót lại trước cổng Bưu điện TP.HCM
Lần theo địa chỉ được chia sẻ trên mạng, chúng tôi tìm đến hẻm đường Tạ Quang Bửu (quận 8), nơi ông Nguyễn Văn Diên (79 tuổi, quê Bình Định) sinh sống.
Gần 5 tháng gặp lại ông thợ chụp ảnh dạo, dáng người nhỏ thó, ông Diên nở một nụ cười hiền hậu khi đã "vượt Covid-19" an toàn sau chuỗi ngày giãn cách xã hội.
Gắn bó với nghề gần 30 năm, chưa bao giờ cuộc sống của ông Diên lại bấp bênh đến vậy...
Ngồi một góc trong căn trọ chưa đầy 10m2, ông Diên cặm cụi sắp xếp lại "đồ nghề", lấy chiếc máy ảnh cũ bỏ vào túi, hồ hởi nói: "Mấy ngày nay chú đi chụp ảnh lại rồi, con có ai quen muốn chụp ảnh lưu niệm, giới thiệu cho chú nghen".
Dù đã 79 tuổi nhưng mỗi ngày, ông Diên vẫn đeo máy ảnh, trên chiếc xe Dream cũ để đến khu vực Bưu điện TP, Nhà thờ Đức Bà để chụp hình dạo cho khách du lịch.
Hớp ngụm trà, ông Diên tặc lưỡi, trầm trư: " Coi bộ nghề này hết thời rồi cháu nhỉ, cái máy ảnh này cũ rồi, giờ người ta đâu cần thợ chụp nữa".
Những tấm ảnh thiếu người nhận còn lại trong túi máy ảnh của ông thợ già
Nói đoạn, ông Diên lấy từ cặp xách cũ ra khoảng 20 tấm ảnh khách đã chụp nhưng không tới lấy. Có người đã trả tiền, có người vẫn chưa, tất cả đều được ông Diên cất gọn một góc trong cặp, biết đâu đó một ngày, chủ nhân của những tấm ảnh sẽ quay lại...
Theo ông Diên, gắn bó với nghề ảnh dạo gần 30 năm, ông chưa bao giờ cảm thấy cái nghề mình chọn lại "khổ" như thời điểm hiện tại. Lúc trước khi điện thoại smartphone chưa phổ biến, những người chụp ảnh dạo như ông đắt khách khi ai cũng cần đến, từ đám cưới hỏi, tiệc tùng đến chụp ảnh lưu niệm tại các khu vui chơi, du lịch. Nhưng rồi thời vàng son cũng qua mau cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ hiện đại dần dần khiến những "phó máy dạo" như ông rơi vào cảnh ế ẩm, thu nhập bấp bênh.
Chiếc xe máy cũ là phương tiện giúp ông Diên di chuyển từ quận 8 sang quận 1. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, ông phải rao bán để trang trải chi phí
"Lúc trước một ngày chú chụp cả 50-70 tấm hình, giờ thì chỉ 1-2 tấm, có ngày chả có tấm nào. Ai rồi cũng bỏ nghề vì không sống được, mỗi năm lại thấy bớt đi vài người chụp, riết rồi chỉ còn chú ở Bưu điện TP nhưng cũng không có khách", ông Diên tâm sự.
Đầu tháng 6, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Sài Gòn bắt đầu giãn cách, ông Diên rơi vào cảnh khốn cùng. Thời điểm đó, vì đau ốm bệnh tật, lại không có tiền trang trải thuốc men, sinh hoạt phí, ông Diên rao bán chiếc xe Dream cũ để cầm cự qua ngày. Thương cho hoàn cảnh của ông thợ chụp ảnh "hết thời", nhiều người đã tìm đến giúp đỡ.
Chiếc máy ảnh cũ và máy in ảnh được ông đặt trên xe máy trước cổng Bưu điện TP
Sài Gòn tốt lắm!
Chỉ vào chiếc xe Dream được dựng sát vách tường, ông Diên hồ hởi khoe "con ngựa chiến" của mình vẫn còn đó nhờ vào sự yêu thương, hỗ trợ của rất nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm.
Ông Diên cho biết nếu không nhờ có mọi người hỗ trợ, chủ trọ miễn tiền thuê nhà nhiều tháng liền, có lẽ ông đã không cầm cự nổi qua mùa giãn cách xã hội.
Công việc chụp ảnh dạo đã đi qua thời vàng son...
"Mọi người tốt lắm, có mấy đứa nhỏ cũng đến chụp hình, chụp 3 tấm đưa luôn 100 ngàn không lấy tiền thối. Nếu không nhờ mọi người giúp đỡ, chú không biết tính sao", ông Diên xúc động.
13h chiều, sau khi ăn vội hộp cơm bình dân, ông Diên dắt chiếc xe máy cũ rời phòng trọ để vào Bưu điện TP. Vượt qua chặng đường gần 10km, ông để xe nép gọn vào sát tường cổng bưu điện, bắt đầu lấy máy ảnh ra để đợi khách.
25.000 đồng/tấm, ông Diên vẫn mòn mỏi đợi khách mỗi ngày
Với mỗi bức ảnh chụp và rửa liền với giá 25.000 đồng, ông Diên cho biết nếu ngày nào may mắn chụp được 5-6 tấm, ông cũng đủ tiền mua cơm mắm qua ngày sau khi trừ chi phí giấy, mực in.
"Cả ngày hôm qua chú chụp được có 3 tấm à, sáng nay thì được 4 tấm rồi, chỉ mong chiều nay thêm vài tấm nữa, có tiền để trang trải thêm chi phí. Giờ là đỡ lắm rồi, từ khi chú được lên mạng gì đó, chứ trước kia cả ngày được 1-2 tấm thôi. Con thấy đó, ai cũng có điện thoại, máy ảnh, mấy ai chịu chụp hình chỗ chú đâu. Nói ra thì mọi người thương, nên ủng hộ ông già này", ông Diên trầm ngâm.
Hình ảnh ông Diên lạc lõng, cô đơn giữa một góc Sài Gòn
Một vài vị khách đã ghé đến ủng hộ ông thợ già
Nói đoạn, ông Diễn cầm máy ảnh đi về phía Nhà thờ Đức Bà, mời những người khách vãng lai. May mắn, một gia đình đã đồng ý chụp 2 bức ảnh để làm kỷ niệm, ông thợ chụp mừng ra mặt, hí hoáy chọn góc máy để tác nghiệp.
Có lẽ, ở độ tuổi gần đất xa trời, ông Diễn chẳng còn trông mong gì hơn khi mỗi ngày được cầm máy chụp vài ba tấm hình cho du khách, kiếm vài chục ngàn để đắp đổi qua ngày. Ẩn sâu trong đôi mắt của ông thợ U80, những nét đẹp xưa cũ, hoài niệm về một thời vàng son của nghề chụp ảnh dạo vẫn còn đó.
Việc công nghệ phát triển, lớp trẻ đã quen với việc sử dụng máy ảnh, điện thoại hiện đại khiến những người thợ chụp như ông Diên "thất nghiệp"
Thời gian có thể làm thay đổi giá trị của một số ngành nghề trong cuộc sống, nhưng dù ở thời điểm nào đi chăng nữa, dẫu cho có gặp bao nhiêu khó khăn, thử thách thì mảnh đất Sài Gòn vẫn ôm lấy, yêu thương tất cả mọi người.
Ông Diên - người chụp ảnh duy nhất ở Bưu điện TP sẽ không bám trụ nổi bằng chính cái nghề mình đã chọn nếu như không có sự giúp đỡ, cưu mang của người Sài Gòn. Cảm ơn những con người xa lạ, không hề quen biết đã vẽ thêm những điều tuyệt vời, ý nghĩa dành cho ông thợ chụp ở những năm tháng cuối đời!
Nếu có dịp ghé ngang trung tâm thành phố, đừng ngần ngại gửi chút yêu thương đến ông thợ chụp bằng 1-2 bức ảnh kỷ niệm, bạn nhé. Bởi biết đâu chừng, một vài năm nữa, Sài Gòn lại lạc mất ông!
Cụ ông U80 chụp ảnh cho người bạn đời và hành động siêu đáng yêu của cụ bà khiến tất cả "tan chảy" Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc hạnh phúc của cụ ông cụ bà ở Vũng Tàu đã nhận về hàng chục nghìn lượt yêu thích, được dân mạng mệnh danh là một trong những khoảnh khắc tình yêu đẹp và ngọt ngào nhất. Ngày nay chúng ta yêu nhau bằng ứng dụng chat, bằng những nút "thả tim" trên mạng xã hội, còn...