5 vũ khí Việt Nam nên mua để bảo vệ chủ quyền
Máy bay tuần tra P-3C, tàu tên lửa lớp Hsun Hai, tàu đổ bộ lớp Makassar… là những vũ khí mà theo nhà báo Kyle Mizokami, VN nên mua để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền.
Nhà báo quốc phòng Kyle Mizokami, từng cộng tác với các tạp chí nổi tiếng như Foreign Policy, Diplomat mới đây có bài viết phân tích về sức mạnh của quân đội Việt Nam, trong đó gợi ý 5 loại vũ khí mà Việt Nam nên trang bị để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
1. Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion
Với đường bờ biển dài gần 3.300 km, việc tuần tra toàn bộ vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế chỉ có thể được thực hiện một cách hiệu quả từ trên không. Chỉ cần một đội máy bay quy mô tương đối nhỏ vẫn có thể đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tuần tra, giám sát chủ quyền biển đảo.
Lựa chọn tối ưu cho Việt Nam hiện nay là những chiếc P-3C Orion. Tuy không còn mới nhưng chúng hiện vẫn là máy bay chủ lực của hải quân Mỹ cho vai trò tuần tra, săn tàu ngầm, với hiệu năng đã được chứng minh qua quá trình vận hành lâu dài. Orion có thể hoạt động 12 giờ liên tục, và đã có 272 chiếc được sản xuất cho hải quân Mỹ. Hơn phân nửa con số này đã ngừng hoạt động, và số còn lại sẽ sớm được thay thế bằng P-8 Poseidon.
Theo các nguồn tin quốc tế, nhiều khả năng Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam, và P-3C phi vũ trang có thể sẽ là mặt hàng đầu tiên được đề xuất bán cho Việt Nam. Những máy bay này sẽ không có ngư lôi và tên lửa diệt hạm như trang bị thông thường.
Tuy nhiên, ngay cả khi không được vũ trang, Orion vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra, giám sát với hệ thống các cảm biến của mình. Radar đa chức năng sẽ cho phép Việt Nam theo dõi những phương tiện xâm nhập trái phép vùng biển của mình. Còn thiết bị cảm biến sự thay đổi của từ trường và những phao sonar thả từ máy bay được dùng để phát hiện tàu ngầm đối phương. Hệ thống trinh sát điện tử trên Orion có thể thu thập và xử lý thông tin liên lạc qua vô tuyến cũng như tín hiệu radar của Trung Quốc. Những thông tin này có thể được chia sẻ với phía Mỹ để sử dụng hoặc phân tích thêm.
2. Tàu tên lửa lớp Hsun Hai hoặc PKG-A
Video đang HOT
Trong thời gian qua, năng lực tác chiến mặt biển của hải quân Việt Nam đã được nâng cấp đáng kể với những hợp đồng mua tàu hộ tống Gepard từ Nga và tàu hộ tống SIGMA từ Hà Lan. Chúng là những chiến hạm có hỏa lực mạnh, nhưng đồng thời cũng khá đắt đỏ. Hải quân Việt Nam có thể bổ sung cho những chiến hạm cỡ lớn này bằng những tàu phóng tên lửa cỡ nhỏ, tính cơ động cao.
Một lựa chọn tốt có thể là tàu lớp Hsun Hai do Đài Loan chế tạo. Với thiết kế tàu 3 thân, nó có thể đạt tốc độ 38 hải lý/giờ (70 km/h). Tàu trang bị tên lửa diệt hạm Hùng Phong 2 và Hùng Phong 3, và được truyền thông Đài Loan gọi bằng cái tên “sát thủ tàu sân bay.” Tầm hoạt động 3.200 km cho phép Hsun Hai di chuyển theo suốt chiều dài bờ biển Việt Nam. Tàu có sàn đáp cho phép trực thăng có thể cất và hạ cánh.
Tàu tên lửa lớp Hsun Hai
Một lựa chọn khác là lớp PKG-A (một phân lớp của lớp Gumdoksuri) Hàn Quốc. Nhỏ hơn tàu Hsun Hai, PKG-A được vũ trang pháo 76mm và 4 tên lửa diệt hạm Hae Sung. Nó có tốc độ tối đa 20 hải lý/giờ và không có bãi đáp cho trực thăng. Tuy nhiên, với mức giá khoảng 38 triệu USD một chiếc, PKG-A có thể là một giải pháp vừa túi tiền cho hải quân Việt Nam.
Tàu tên lửa lớp PKG-A
3. Chiến đấu cơ thế hệ 5 PAK-FA
Không quân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng chống lại không quân Mỹ với ưu thế hoàn toàn áp đảo trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, không quân Việt Nam vẫn cần thêm chiến đấu cơ để củng cố thêm sức mạnh của mình.
Với nhiều tính năng hiện đại, khả năng tàng hình cao, chiến đấu cơ thế hệ năm là một sự lựa chọn mới cho Việt Nam. Vấn đề lớn nhất là giá bán, nhưng điều này có thể được giải quyết nhờ vào mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Ấn Độ và Việt Nam. Việt Nam có thể mua FGFA, phiên bản PAK-FA dành riêng cho Ấn Độ, với chi phí thấp hơn so với mua PAK-FA trực tiếp từ Nga.
Điều này cũng đồng thời có lợi cho Ấn Độ. FGFA vẫn đang trong giai đoạn phát triển, và một hợp đồng có giá trị lớn từ Việt Nam có thể giúp chi trả một phần trong phần ngân sách phát triển trị giá 6 tỷ USD mà Ấn Độ đóng góp trong chương trình này.
FGFA với thiết kế tàng hình, khả năng siêu hành trình, cảm biến thế hệ mới, và hỏa lực rất mạnh, gồm tên lửa không đối không tầm xa R-77, tên lửa không đối không tầm gần RV-MDD, tên lửa không đối hạm Kh-35UE.
4. Tàu đổ bộ lớp Makassar
Việt Nam cần có khả năng đổ bộ lên những đảo của mình ở Biển Đông, để tăng cường lực lượng phòng thủ hoặc để giành lại đảo. Trang bị hai tàu hỗ trợ đổ bộ là bước đi cần thiết để đạt được khả năng này.
Một quốc gia khác có quyền lợi ở Biển Đông hiện đang đóng một loại tàu như vậy. Tàu lớp Makassar được Indonesia thiết kế cho lực lượng thủy quân lục chiến của mình. Makassar có lượng giãn nước đầy tải 11.300 tấn, chỉ bằng một nửa loại tàu tương tự của hải quân Mỹ, San Antonio. Tuy nhiên, với khu vực Biển Đông thì như vậy là đủ.
Makassar có thể chở theo 354 binh sĩ, 35 xe cơ giới, bao gồm cả xe tăng chủ lực. Nó cũng có thể thực hiện nhiệm vụ tiếp tế, cứu trợ khu vực bị thiên tai. Binh sĩ và phương tiện có thể đồng thời được triển khai từ tàu bằng trực thăng hay tàu đổ bộ. Tàu có bãi đáp trực thăng, và khoang dành cho tàu đổ bộ và xuồng hơi. Makassar cũng vừa được Philippines chọn mua cho chương trình tàu hải vận chiến lược của mình.
5. Pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch
Pháo phản lực BM-30 Smerch của Nga có hỏa lực rất đáng nể. Hệ thống gồm 12 ống phóng rocket cỡ nòng 300mm đặt trên khung gầm xe cơ giới. Một tổ hợp Smerch bao gồm: đạn 9M55, 9M528 trong ống phóng, xe phóng BM 9A52-2, xe chở đạn TZM 9T234-2, xe chỉ huy, kiểm soát hỏa lực 1K123 Vivary, xe bảo dưỡng PM-2-70 MTO-V cùng các hệ thống huấn luyện khác.
BM-30 Smerch có thể bắn được nhiều loại đạn khác nhau trong đó có một số loại đạn rocket như: 9M55K (chống người), 9M55K1 (chống tăng), 9M55K4 (đạn rải mìn chống tăng),… Các loại đạn thuộc dòng 9M55 có tầm bắn tối đa 70km, trong khi với đạn 9M528 thì tầm bắn tối đa lên đến 90km.
Ngoài ra, hệ thống pháo phản lực BM-30 Smerch có thời gian triển khai chỉ 3 phút, thu hồi 2 phút đảm bảo tính bất ngờ khi tấn công mục tiêu.
Ở chế độ bắn loạt, BM-30 Smerch có khả năng bắn hết 12 phát đạn trong vòng 38 giây, thời gian nạp đạn là 20 phút.
Với uy lực của mình, BM-30 Smerch sẽ giúp Việt Nam nâng cao hỏa lực pháo binh để bảo vệ biên giới, đặc biệt là những vùng có địa hình đồi núi hiểm trở.
Theo Tri Thức