5 vũ khí mạnh nhất giúp quân đội Israel bất bại trước mọi cuộc chiến
Lục quân Israel ngày nay là lực lượng đáng gờm bên cạnh không quân, giúp Israel chiến thắng nhiều cuộc chiến tranh tranh chấp lãnh thổ trong quá khứ.
Một nữ binh sĩ Israel đang kiểm tra súng trường Tavor.
Quân đội Israel không phải là lực lượng đông đảo nhưng được tổ chức tốt, trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại. Binh sỹ và sỹ quan Israel đều có năng lực và trình độ tác chiến cao.
Lục quân Israel ban đầu là các nhóm du kích vũ trang nhằm bảo vệ lợi ích của người Do Thái. Lực lượng này phát triển mạnh mẽ kể từ khi thành lập quốc gia Israel vào năm 1948.
Trong lịch sử chưa đầy 100 năm, lục quân Israel đã tham gia vào tất cả các cuộc chiến tranh với các quốc gia Hồi giáo láng giềng. Bất lợi về quân số khiến Israel theo đuổi chính sách lấy chất lượng bù số lượng.
Dưới đây là những vũ khí mạnh nhất giúp lục quân Israel chiến thắng trước mọi cuộc chiến, theo National Interest.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava
Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava IV của Israel.
Merkava là niềm tự hào của Israel. Người Israel tự phát triển mẫu xe tăng này để phù hợp với học thuyết quân sự riêng. Merkava có hình dáng thấp, được trang bị hỏa lực mạnh, động cơ được đặt ở phía trước, giúp khả năng bảo vệ cho kíp lái.
Merkava được coi là mẫu xe tăng phòng thủ tốt nhất, rất phù hợp để chống đỡ các đợt tấn công của lực lượng tăng thiết giáp Ai Cập từ bán đảo Sinai hoặc quân đội Syria thông qua cao nguyên Golan.
Phiên bản đầu tiên cửa Merkava sử dụng pháo 105mm, tương tự như loại từng trang bị cho M1 Abrams của Mỹ. Các phiên bản Merkava sau này sử dụng pháo nòng trơn 120mm, có khả năng bắn chính xác mục tiêu ở khoảng cách 2km bằng đạn nổ (HEAT) hoặc đạn xuyên giáp (AP).
Merkava có khả năng phóng tên lửa LAHAT ngay từ pháo nòng trơn với tầm bắn 9km. Hỏa lực phòng vệ cho xe tăng bao gồm 1 súng máy 12,7mm, 2 súng máy 7,62mm và 1 súng cối 60mm.
Merkava là mẫu xe bọc thép đầu tiên được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động, chống lại tên lửa dẫn đường của đối phương. Ước tính Israel đã chế tạo hơn 2.000 chiếc Merkava, trong khi mẫu mới nhất là Merkava IV.
Tên lửa chống tăng Spike
Tên lửa chống tăng Spike do Isreal tự nghiên cứu và sản xuất.
Spike tên lửa chống tăng thế hệ 4 do Israel tự nghiên cứu và chế tạo. Mẫu tên lửa này có thể phóng từ máy bay, tàu chiến, xe bọc thép và dùng cho bộ binh cá nhân.
Spike hoạt động theo cơ chế “bắn và quên”. Phiên bản trang bị cho bộ binh sử dụng hệ thống bắn một lần không nạp đạn, tương tự như LAW của Mỹ.
Phiên bản tầm trung hoạt động tương tự như Javelin của Mỹ, với tầm bắn 2.5km. Phiên bản tầm xa lại giống tên lửa Hellfire của Mỹ, với tầm bắn 4km. Spike NLOS là tên lửa chống tăng có tầm bắn xa nhất thế giới, ước tính lên tới 25km.
Xe bọc thép chở quân Namer
Xe bọc thép chở quân Namer được phát triển dựa trên khung gầm Merkava IV.
Video đang HOT
Israel là quốc gia có số dân khiêm tốn. Do đó, họ tập trung vào việc nâng cao khả năng bảo vệ binh sĩ chiến đấu trên chiến trường. Đó là lý do dẫn tới sự phát triển của Namer.
Mẫu xe bọc thép chiến đấu bộ binh này được phát triển trên khung gầm xe tăng Merkava IV, đưa nó trở thành xe bọc thép chở quân (APC) hạng nặng nhất thế giới, tăng tối đa khả năng bảo vệ.
Namer có kíp lái 3 người, bao gồm chỉ huy, lái xe và pháo thủ. Mẫu APC này ngoài ra nó có thể mang theo 9 binh sĩ bộ binh.
Súng trường tấn công Tavor
Mẫu súng trường tấn công Tavor của Israel được nhiều quốc gia tin dùng.
Tavor là vũ khí do Israel tự sản xuất và là mẫu súng trường tiêu chuẩn của bộ binh nước này. Tavor được thiết kế theo dạng bullpup, với tổng chiều dài 70cm nhưng riêng nòng súng là 46cm, băng đạn được đặt sau cò súng.
Giải pháp này giúp giảm chiều dài tổng thể của súng, trong khi vẫn đảm bảo độ dài của nòng súng để có thể bắn được xa. Tavor có thiết kế hiện đại, độ tin cậy cao và dễ bảo trì. Súng sử dụng đạn 5,56mm với hộp tiếp đạn 30 viên theo chuẩn NATO.
Pháo phản lực phóng loạt Smasher
Smasher là vũ khí Israel nhập khẩu hoàn toàn từ đồng minh Mỹ.
Israel không phát triển các loại pháo phản lực phóng loạt ( MRLS) mà nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ. Smasher thực chất là MRLS M270 của Mỹ.
Mỗi pháo phản lực phóng loạt Smasher được trang bị 12 đạn rocket 227mm, tầm bắn được nâng cấp lên tới 150km. Một trung đội Smasher, gồm 3 xe phóng có thể tiêu diệt mọi mục tiêu mềm trong phạm vi 1 km2.
Với tầm bắn được mở rộng lên tới 150km, Israel có thể sử dụng pháo phản lực phóng loạt Smasher để tấn công các mục tiêu ngay tại thủ đô Damascus của Syria.
Theo Danviet
Quốc gia "nghèo rớt" vươn mình thành cường quốc sau 70 năm
Nhà nước Israel chỉ mới được thành lập cách đây gần 70 năm nhưng quốc gia này đã trở thành cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.
Binh sĩ quân đội Israel.
Theo New York Post, năm 1950, chỉ 2 năm sau khi lập quốc, Israel đã cử phái đoàn kinh tế đầu tiên đến Nam Mỹ.
Israel ở thời điểm đó rất cần đối tác thương mại. Không giống như những kình địch Ả Rập, quốc gia Do Thái này không có nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên cho tham vọng phát triển kinh tế. Israel từ những năm 1950 không hề có dầu mỏ hay khoáng sản.
Phái đoàn đến Nam Mỹ năm đó thu xếp được vài cuộc họp nhưng hầu hết kết thúc trong thất bại. Người Israel muốn bán cam, bếp dầu và cả răng giả. Đối với quốc gia Nam Mỹ như Argentina, vốn có thể tự trồng cam và có mạng lưới điện quy mô, lời đề nghị của Israel trở thành trò hề.
Bất chấp những khó khăn chồng chất, Israel sau gần 70 năm đã trở thành quốc gia hoàn toàn khác biệt. Ngày nay, Israel trở thành cường quốc công nghệ và là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, đạt doanh thu 6,5 tỷ USD mỗi năm.
Kể từ năm 1985, Israel trở thành quốc gia xuất khẩu máy bay không người lái lớn nhất thế giới, chiếm 60% thị phần toàn cầu. Mỹ chỉ xếp thứ 2 với 25%. Khách hàng cũng khá đa dạng, từ Nga, Hàn Quốc, Úc, Pháp, Đức và Brazil.
Năm 2010, 5 quốc gia châu Âu dùng máy bay không người lái Israel cho các chiến dịch quân sự ở Afghanistan.
Nhưng vì sao một quốc gia có tuổi đời non trẻ như vậy lại nhanh chóng sở hữu công nghệ quân sự hàng đầu, làm thay đổi cục diện chiến trường?
Câu trả lời nằm ở chiến lược phát triển tài tình của giới lãnh đạo Israel. Quốc gia này có số dân khiêm tốn, tập trung 4,5% GDP cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Trong số này, 30% dành cho phát triển quân sự. Ngay cả các quốc gia như Đức, Mỹ cũng không dành tỷ lệ ngân sách lớn như vậy để nghiên cứu và phát triển quốc phòng.
Một yếu tố khác là sự đổi mới và sáng tạo trong văn hóa Israel. Người dân nước này sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn các quốc gia khác. Vì trên lý thuyết, kể từ khi lập quốc, Israel chưa từng ngớt tiếng súng. Người Israel buộc phải nhanh nhạy, sáng tạo ra những vũ khí mới để tồn tại trước vòng vây của các quốc gia Ả Rập.
Dưới đây là những vũ khí nổi bật nhất làm nên tên tuổi Israel:
Đội quân robot tuần tra biên giới
Robot tự hành tuần tra biên giới của Israel.
Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới dùng đội quân robot tự hành (UGV) thay thế cho lính biên phòng. UGV hiện đang đảm nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở khu vực biên giới với Syria ở phía bắc và Dải Gaza ở phía nam.
Robot tự hành này được trang bị nhiều cảm biến, camera và vũ khí. UGV có thể được vận hành bởi binh sĩ ngồi tại căn cứ hoặc được thiết lập chế độ tự động hoàn toàn.
Việc sử dụng robot tuần tra đem đến nhiều lợi ích. Binh sĩ cần nghỉ ngơi, thức ăn, nước uống. Nhưng UGV có thể hoạt động cả ngày, miễn là được cung cấp đủ nhiên liệu.
Đối mặt với khủng bố dùng đường hầm xuyên biên giới, UGV giống như một con rắn lẻn vào những đường hầm này để ghi hình và truy tìm kẻ thù.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra trên biển. Israel đã chế tạo được các tàu chiến tự hành mang tên Protector. Các tàu này đóng vai trò bảo vệ cảng biển chiến lược và tuyến đường biển ở Địa Trung Hải.
Chương trình tên lửa Arrow
Hệ thống phòng không Arrow.
Năm 2000, không quân Israel tiếp nhận tổ hợp phòng không Arrow đầu tiên, đưa quốc gia Do Thái này trở thành nước đầu tiên sở hữu hệ thống đánh chặn tên lửa đối phương.
Tổ hợp phòng không của Israel là một ý tưởng mang tính đột phá. Quốc gia nhỏ bé này luôn phải đề phòng trước tên lửa đạn đạo từ Syria, Iraq và Iran.
Chương trình càng được đẩy nhanh vào năm 1991, khi quân Iraq phóng 39 quả tên lửa Scud vào lãnh thổ Israel.
Chưa dừng lại ở đó, Israel ngày nay sở hữu hệ thống phòng không 3 lớp, được coi là tối tân nhất thế giới. Tổ hợp Arrow đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa. David Sling đánh chặn tên lửa tầm trung, tên lửa hành trình và Iron Dome chuyên đánh chặn tầm gần.
Hệ thống Iron Dome đã ngăn chặn hàng trăm rocket Katyusha phóng vào lãnh thổ nước này từ Dải Gaza, trong nhiều năm qua.
Vệ tinh do thám
Israel là quốc gia đi đầu trong công nghệ vệ tinh do thám.
Năm 1988, Israel là quốc gia đầu tiên phóng vệ tinh do thám lên quỹ đạo, trở thành một trong 8 quốc gia có khả năng phóng vệ tinh độc lập.
30 năm trôi qua và ngày nay Israel trở thành cường quốc vệ tinh, khi sở hữu 8 vệ tinh do thám khác nhau trên quỹ đạo.
Đây được coi là yếu tố then chốt để Israel nắm rõ hoạt động quân sự của đối phương, đặc biệt là Iran. Vệ tinh do thám Israel cũng hết sức gọn nhẹ, chỉ nặng 300kg so với thiết bị 25 tấn của Mỹ.
Đa số vệ tinh này được trang bị camera hiện đại với độ phân giải cao, đủ khả năng phân biệt vật thể nhỏ cỡ 50cm cho từ độ cao hàng trăm km. Những vệ tinh khác được trang bị cảm biến tối tân, có thể vẽ ra bức ảnh kỹ thuật số với chất lượng không hề thua kém camera thông thường.
Công nghệ này giúp Israel chiếm ưu thế lớn về quân sự. Nếu như camera không thể nhìn xuyên mây hay sương mù thì radar lại hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết.
Nhiều quốc gia trên thế giới tìm đến vệ tinh Israel. Năm 2005, Pháp ký hợp đồng chiến lược với Israel để thiết kế vệ tinh riêng. Năm 2012, Ý chi 182 triệu USD mua vệ tinh trinh sát Israel.
Các quốc gia khác như Singapore và Ấn Độ đã bày tỏ sự quan tâm đến vệ tinh Israel trong nhiều năm qua.
Máy bay không người lái
Máy bay không người lái Heron TP có sải cách tương đương Boeing 737.
Israel là quốc gia sở hữu máy bay không người lái lớn nhất thế giới. Chiếc Heron TP có sải cánh tương tự máy bay chở khách Boeing 737. Nó có thể hoạt động liên tục trong 24 giờ và mang theo vũ khí nặng 1 tấn.
Israel cũng là quốc gia đầu tiên đưa máy bay không người lái vào môi trường tác chiến thực tế. Các hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong việc vô hiệu hóa mạng lưới phòng thủ của Ai Cập, Liban hay Syria.
Năm 1986, Israel bán cho Mỹ máy bay không người lái Pioneer. Chiếc máy bay này đã làm nên lịch sử khi bay qua đầu binh sĩ Iraq trong cuộc chiến năm 1991.
Binh sĩ Iraq khi đó liền cởi áo, gửi thông điệp đầu hàng. Đây cũng là lần đầu tiên máy bay không người lái khiến các binh sĩ đối phương phải quỳ gối.
Xe tăng bí mật
Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava của Israel.
Ngày nay, xe tăng Merkava là một trong những dự án tối mật hàng đầu của Israel. Đây được coi là mẫu xe tăng mạnh nhất và tốt nhất trên thế giới.
Trong giai đoạn những năm 1970, Anh và các nước khác từ chối bán xe tăng cho Israel. Quốc gia Do Thái này ngay lập tức bắt tay vào dự án chế tạo xe tăng riêng.
Phiên bản mới nhất mang tên Merkava Mk-4 có thể đạt tốc độ tối đa 64 km/giờ. Lớp giáp của Merkava Mk-4 có thể được tùy biến, tùy thuộc vào mục đích sử dụng trên chiến trường.
Năm 2012, Merkava nhận gói nâng cấp lớn nhất từ trước đến nay, khi được trang bị hệ thống phòng thủ mới mang tên Trophy. Hệ thống này bao gồm radar cực nhạy với tên lửa chống tăng đối phương và phóng ra đám mây kim loại để đánh chặn.
Trophy cũng giúp nhận điện các mối đe dọa từ xa, giúp cho kíp lái xe tăng kịp thời phản ứng và tấn công phủ đầu đối phương.
Theo Danviet
Vũ khí Nga chính xác như laser gieo kinh hoàng cho khủng bố ở Syria Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa gửi thông điệp cứng rắn đến phần còn lại của thế giới. Theo Daily Star, Bộ Quốc phòng Nga mới đây công bố video quân đội thử nghiệm lựu pháo sử dụng hệ thống dẫn đường bằng laser. Đoạn video cho thấy đạn pháo 2K25 Krasnopol phiên bản nâng cấp được thử nghiệm ở trường...