5 vũ khí hàng đầu Nhật Bản uy hiếp Trung Quốc
Đối đầu với sức mạnh quân sự đang trỗi dậy của Trung Quốc, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã chuẩn bị sẵn sàng những quả đấm thép.
Quan hệ Trung – Nhật đã xấu đi kể từ năm 2010. Cái gọi là sự sỉ nhục đối với một ngư dân Trung Quốc bị bắt do đánh cá trong vùng biển Nhật Bản đã leo thang thành một loạt sự cố khó chịu giữa hai nước, phần lớn là tại và xung quanh quần đảo Senkaku cơ bản là không có người ở và phần lớn là không có gì hấp dẫn.
Hiện tại, phần lớn sự cố bị hạn chế ở mức các hành động phô trương của lực lượng bảo vệ bờ biển hai bên và các vụ đối đầu máy bay quân sự. Mỗi năm, quan hệ Trung – Nhật ngày càng xấu đi. Nếu không được kiểm soát, một ngày nào đó, một điều xem ra là chuyện khó chịu thường xuyên xảy ra có thể leo thang thành hành động quân sự. Dưới đây là 5 loại vũ khí của Nhật Bản khiến Bắc Kinh cần tính toán cho kỹ nếu có ý định tiến hành các hoạt động quân sự:
1. Tàu ngầm diesel-điện lớp Soryu
Các tàu ngầm lớp Soryu của Nhật là những tàu ngầm thông thường tiên tiến nhất trên thế giới. Có lượng giãn nước 4.100 tấn khi lặn, các tàu ngầm này có thể chạy nổi với tốc độ 13 hải lý/h và chạy ngầm với tốc độ 20 hải lý/h. 4 hệ thống động cơ không cần không khí (AIP) Stirling cho phép lớp Soryu lặn lâu hơn hầu hết các tàu ngầm diesel-điện khác.
Lớp Soryu được trang bị 6 ống phóng lôi ở mũi tàu với tổng cộng 20 ngư lôi tự dẫn cao tốc Type 89 và các tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ. Các tàu ngầm Nhật còn có thể là phương tiện mang phóng tên lửa hành trình nếu như khái niệm tấn công phủ đầu mà giới chính trị Nhật đang tranh luận trở thành hiện thực.
Hiện Nhật có 7 tàu ngầm lớp Soryu, ngoài ra còn nhiều tàu khác cùng lớp đang được đóng. Đáp lại sự gia tăng căng thẳng với Trung Quốc và hạm đội tàu ngầm đang mở rộng của quân đội Trung Quốc, năm 2010 Nhật đã quyết định tăng lực lượng tàu ngầm của mình từ 16 lên 22 chiếc.
Học thuyết tàu ngầm thời hậu chiến của Nhật tập trung vào một số tuyến đường then chốt xâm lược Nhật: eo biển Tsugaru, eo biển Tsushima, eo biển Kanmon và eo biển Soya. Sự tập trung này là tàn dư từ thời chiến tranh Lạnh, khi mà Nhật Bản từng trù tính khả năng Liên Xô xâm lược Nhật Bản khi nổ ra chiến tranh. Một kế hoạch triển khai tập trung vào Trung Quốc hơn, nhất là với các trọng tâm là quần đảo Senkaku và Ryukyu, có thể trù tính việc triển khai nhiều lực lượng phía trước hơn xa về phía biển Hoa Đông và biển Nhật Bản.
Hạm đội tàu ngầm Nhật là mối đe dọa cực kỳ khủng khiếp đối với Trung Quốc bởi vì điểm yếu truyền kiếp của Bắc Kinh chính là khả năng tác chiến chống ngầm. Trung Quốc không hề có kinh nghiệm tác chiến chống ngầm thực tế trong chiến tranh và non yếu cả về kỹ năng lẫn vũ khí phương tiện. Trái lại, Nhật Bản lại từng sử dụng tàu ngầm trong nhiều thập kỷ, dạn dày kinh nghiệm từ thời Thế chiến II. Các thủy thủ đoàn tàu ngầm Nhật được huấn luyện rất tốt ngang các đối tác Mỹ của họ.
Video đang HOT
Tiếp theo là loại máy bay chủ lực đặc sắc – tiêm kích giành ưu thế trên không F-15J của Không quân Phòng vệ Nhật Bản. Tiêm kích hai động cơ F-15J là biến thể Nhật Bản của tiêm kích Mỹ F-15 Eagle, với những khác biệt nhỏ và do Mitsubishi Heavy Industries sản xuất tại Nhật.
F-15J được trang bị tên lửa không đối không tự dẫn hồng ngoại AAM-5 tương tự như Sidewinder của Mỹ, loại tên lửa mà nó thay thế. Tăng cường cho nó sẽ là AAM-4B, một loại tên lửa tầm trung dẫn bằng radar và là một trong số ít tên lửa trên thế giới sử dụng đầu dò radar mạng pha chủ động. Việc sở hữu các tên lửa dẫn bằng radar mạng pha chủ động mà Trung Quốc không hề có sẽ tạo ra ưu thế nổi bật của F-15J so với các địch thủ Trung Quốc.
Hơn 200 chiếc F-15J đã được chế tạo. Để duy trì cho các máy bay đã hơn 30 năm tuổi này có thể đối địch với thế hệ tiêm kích mới của Trung Quốc, hàng năm có khoảng 1 tá F-15J được nâng cấp bằng các hệ thống đối phó điện tử mới (hệ thống tác chiến điện tử tích hợp Mitsubishi), khả năng quan sát hồng ngoại phía trước và sục sạo/bám hồng ngoại.
F-15J nằm ở tuyến một của tiềm lực phản ứng quân sự của Nhật đối với lực lượng quân sự nước ngoài. Năm 2013, Không quân Phòng vệ Nhật đã thực hiện 567 lần ngăn chặn trên không đối với các máy bay nước ngoài tiếp cận không phận Nhật Bản, một kỷ lục mới. Một phi đội 20 chiếc F-15J đóng ở Okinawa và bao quát các quần đảo Senkaku và Ryukyu sẽ được tăng cường bằng 1 phi đội F-15J nữa, còn khả năng trú đóng một đơn vị nhỏ trên đảo Yonaguni cũng đang được nghiên cứu.
Tuy là một thiết kế đã cũ, F-15J vẫn là một thách thức đáng gờm đối với không quân Trung Quốc và sau hơn 30 năm phục vụ, nó vẫn được coi là có tính năng không kém bất cứ tiêm kích nào trong trang bị của Trung Quốc. Trên thế giới, F-15 đã nổi danh là tiêm kích đặc biệt nguy hiểm với thành tích tiêu diệt 104 máy bay mà chưa bị tổn thất gì.
3. Khu trục hạm Aegis Atago
Hai tàu khu trục lớp Atago là các chiến hạm nổi tính năng mạnh nhất của Nhật Bản, chở theo các kho vũ khí ghê gớm thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Với lượng giãn nước toàn tải 10.000 tấn, tàu khu trục Atago có trọng lượng lớn như các tuần dương thời Thế chiến II của Nhật. Hệ thống radar Aegis do Mỹ thiết kế biến tàu chiến này thành hệ thống phòng không cơ động mạnh mẽ, có khả năng bắn hạ cả máy bay lẫn tên lửa đường đạn.
Các tàu khu trục Atago được trang bị 96 ống phóng tên lửa thẳng đứng Mk.41, mỗi ống phóng có thể chứa 1 tên lửa hạm đối không SM-2, tên lửa chống tên lửa đường đạn SM-3 hay tên lửa chống ngầm ASROC. Vũ khí chống hạm của tàu gồm 8 tên lửa SSM-1B có tính năng tương đương tên lửa Harpoon của Mỹ, còn vũ khí phụ gồm một khẩu pháo 127 mm và 2 hệ thống vũ khí phòng vệ tầm gần Phalanx. Cuối cùng, mỗi tàu khu trục Atago đều có thể tham gia tác chiến chống ngầm với 1 trực thăng SH-60 Seahawk và 6 ngư lôi chống ngầm Type 73 lắp trên mặt boong.
Atago là biến thể nâng cao của lớp khu trục hạm Kongo trước đó, được trang bị bổ sung thêm 6 cụm ống phóng tên lửa thẳng đứng và một nhà chứa trực thăng. Cả hai lớp tàu đều được trang bị hệ thống radar phòng không Aegis, tuy nhiên các tàu Atago ban đầu không được trang bị khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis. Trước mối đe dọa tên lửa đường đạn của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, Nhật sẽ đóng thêm 2 tàu lớp Atago và cả 4 tàu sẽ được trang bị gói phần mềm nâng cấp phòng thủ tên lửa đường đạn. Như vậy, Nhật Bản sẽ có tổng cộng 8 tàu khu trục có khả năng tác chiến chống tên lửa đường đạn.
Lớp Atago, một khi được nâng cấp, sẽ trở thành một phương tiện phòng không đáng sợ. Trong một kịch bản chiến tranh, Trung Quốc dự kiến có thể phóng ồ ạt tên lửa đường đạn tầm ngắn và tầm trung vào các tàu, căn cứ không quân và cơ sở quân sự của Nhật Bản và Mỹ.
Đội tàu Aegis của Nhật Bản sẽ tạo thành một hàng rào chống lại các cuộc tấn công này. Một hàng rào các tàu khu trục Atago cũng có thể tạo thành một mạng lưới phòng không mạnh mẽ bên trên các quần đảo Senkaku và Ryukyu. Được trang bị tên lửa phòng không SM-2 Block IIIB với tầm bắn 90 hải lý, một tàu khu trục lớp Atago cũng có thể khống chế một không phận 565 hải lý vuông.
4. “Khu trục hạm mang trực thăng” lớp Izumo
Có lượng giãn nước toàn tải 27.000 tấn và dài 243,84 m, tàu khu trục chở trực thăng Izumo là lớp tàu hải quân lớn nhất mà Nhật Bản đóng sau chiến tranh. Với danh nghĩa “tàu hộ tống/khu trục chở trực thăng”, Izumo được đóng tại xưởng đóng tàu của hãng Japan Marine United ở Yokohama và dự kiến gia nhập hạm đội vào tháng 3/2015. Hai tàu khu trục Izumo sẽ được đóng, tuy nhiên tàu thứ hai vẫn còn chưa được đặt tên.
Giống như lớp tàu khu trục chở trực thăng trước đó nhưng nhỏ hơn là lớp Hyuga, lớp Izumo rất giống với tàu sân bay. Izumo được Hải quân Phòng vệ Nhật gọi là tàu đa năng. Với boong bay dài và nhà chứa máy bay lớn, mỗi tàu Izumo có thể mang và phục vụ hoạt động cho 14 trực thăng. Được trang bị các trực thăng chống ngầm SH-60, mỗi tàu Izumo đều có thể sục sạo săn tàu ngầm trên một vùng biển rộng lớn.
Các tàu khu trục chở trực thăng mới của Nhật Bản có thể dùng cho vai trò đổ bộ. Trong năm 2013, cuộc tập trận chung Mỹ – Nhật Dawn Blitz, tàu JS Hyuga đã hoạt động như một tàu sân bay cho các trực thăng vận tải CH-47 Chinook và trực thăng tấn công AH-64 Apache của Lục quân Phòng vệ Nhật. Khi cần, Izumo có thể chở lực lượng tương đương một tiểu đoàn của Lữ đoàn 1 hoặc Trung đoàn bộ binh lục quân miền tây (chuyên đổ bộ đường biển, bảo vệ đảo xa) vận chuyển đến bờ biển bằng trực thăng.
Cuối cùng, người ta đoán Nhật Bản có thể đặt hàng một lô thứ hai máy bay tiêm kích F-35, lần này là biến thể F-35B mà Thủy quân lục chiến Mỹ và Hải quân Hoàng gia Anh đã quyết định mua sắm và triển khai. F-35B có thể hoạt động từ tàu khu trục lớp Izumo và thậm chí từ lớp Hyuga, nhưng việc đó sẽ đòi hỏi sửa đổi lớn, kể cả việc hỗ trợ cho máy bay cánh cố định và gia cường mặt boong để có thể chịu được nhiệt độ cao tạo ra khi máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng. Đây sẽ là một động thái tốn kém và mạo hiểm về chính trị chỉ để bố trí một lượng nhỏ máy bay trên biển, nhưng nếu Nhật Bản tin rằng đó là cần thiết để bảo vệ khu vực quần đảo Senkaku và Ryukyu thì nó có thể xảy ra.
Trung Quốc sợ hãi lớp Izumo bởi vì nó là một phương tiện linh hoạt. Với tư cách tàu chống ngầm, nó có thể sục sạo và càn quét các khu vực rộng lớn khỏi các tàu ngầm Trung Quốc. Với tư cách tàu đổ bộ, nó mạng lại cho Nhật Bản khả năng triển khai binh sĩ tới các hòn đảo xa xôi. Và với tư cách một tàu sân bay chuyên dụng, nó có thể đưa một số ít các tiêm kích tàng hình thế hệ 5 lên một phương tiện cơ động trên biển Hoa Đông.
5. Quân đội Mỹ
Sự hiện diện của quân đội của một nước nào khác trong danh sách này có thể hơi bất thường, nhưng chúng ta hãy đối mặt với nó: Hiệp ước Hợp tác và và an ninh tương trợ Nhật – Mỹ có nghĩa là Nhật Bản có quân đội hùng mạnh nhất thế giới hậu thuẫn họ.
Sự tham gia của Mỹ vào bất kỳ cuộc xung đột Trung – Nhật nào tất nhiên sẽ là phải trong điều kiện khắt khe nào đó. Nhật Bản sẽ phải là nạn nhân của cuộc tấn công vũ trang và yêu cầu sự trợ giúp quân sự của Mỹ. Nhưng một khi điều đó được thực hiện và các điều kiện của hiệp ước đã được đáp ứng đầy đủ, điều đó sẽ có nghĩa là hầu như toàn cỗ máy quân sự Mỹ, từ các tàu ngầm hạt nhân tấn công tại Guam đến các máy bay ném bom chiến lược B-2 đóng ở Missouri sẽ được cam kết tham chiến giúp Nhật Bản.
Sự hỗ trợ tận tình như vậy cho một đồng minh là điều đáng ngưỡng mộ và liên minh Mỹ – Nhật là một trong những thành công vĩ đại của thời kỳ hậu chiến. Đồng thời, liên minh này được thiết kế để chống lại Liên Xô trong một cuộc chiến tranh tổng lực, chứ không phải để hỗ trợ Nhật Bản trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Việc Mỹ nhảy vào một cuộc xung đột Trung – Nhật gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc đại chiến quyền lực. Một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm mờ nhạt bất kỳ tranh cãi nào giữa Nhật Bản và Trung Quốc, sẽ gây ra những hậu quả kinh tế toàn cầu và liên quan đến hai cường quốc hạt nhân. Trong khi tranh chấp lãnh thổ của Nhật Bản đang chực chờ phát tác và Nhật Bản vẫn khăng khăng hạn chế chi tiêu quốc phòng ở mức chỉ 1% GDP thì khả năng Mỹ có thể bị lôi kéo vào một cuộc khủng hoảng cục bộ leo thang thành một cuộc chiến tranh lớn là rất thực tế.
Kyle Mizokami là cây bút ở San Francisco, đã viết bài trên The Diplomat, Foreign Policy, War is Boring và The Daily Beast. Năm 2009, ông đồng sáng lập ra blog quốc phòng và an ninh Japan Security Watch.
Theo Tri Thức