5 vấn đề quan trọng giúp vượt qua thách thức ở Biển Đông
Tại Hội thảo Biển Đông lần 12, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu ra 5 vấn đề quan trọng, đặc biệt việc chủ động phòng tránh nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn trên Biển Đông.
Phát biểu tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 hôm 16/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, mặc dù có nhiều nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn thách thức khó lường đối với hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.
Theo đó, việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, làm suy giảm ý nghĩa, sự toàn vẹn và giá trị thống nhất và phổ quát của UNCLOS 1982, không chỉ tác động đến nền móng của hòa bình ổn định ở Biển Đông, mà còn là mầm mống có thể tác động, dẫn tới việc xói mòn trật tự biển, cũng như hòa bình, ổn định toàn cầu.
Bên cạnh đó, cạnh tranh địa chính trị và quân sự hóa Biển Đông tiếp tục làm thay đổi nguyên trạng trên biển, làm tình hình trên thực địa thêm phức tạp, cản trở tiến trình ngoại giao. Ngoài ra, các thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, ô nhiễm môi trường biển, tội phạm xuyên quốc gia trên biển, nước biển dâng,… tiếp tục thách thức người dân trong khu vực và thế giới.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, để vượt qua các thách thức đó, các nước trong và ngoài khu vực cần cùng nhau nỗ lực tìm kiếm, thực hiện các biện pháp hiệu quả, làm sâu sắc hơn nữa đối thoại, thúc đẩy hợp tác, cùng tìm các giải pháp hòa bình cho các vấn đề khác biệt, tranh chấp.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh 5 vấn đề quan trọng.
Video đang HOT
Đầu tiên, cần xây dựng và duy trì môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác. Để làm điều này, đầu tiên cần củng cố lòng tin chiến lược giữa các nước trong và ngoài khu vực trong vấn đề Biển Đông. Đồng thời, có nhiều biện pháp để tạo dựng lòng tin, song quan trọng nhất là sự minh bạch trong chính sách, sử tuân thủ nghiêm túc các quy định có liên quan của Luật pháp quốc tế và hành xử có trách nhiệm, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Thứ hai, cần chủ động phòng tránh nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn trên biển. Việc xây dựng quy tắc ứng xử và chuẩn mực hành vi cho các lực lượng hoạt động tren biển, bao gồm các lực lượng quân sự, dân sự và thực thi pháp luật trên biển là một ưu tiên cao, không chỉ giữa các nước ven Biển Đông, mà cả các nước ngoài khu vực đang thực thi các quyền hợp pháp ở Biển Đông.
Đối thoại và hợp tác nhằm hướng tới Bộ quy tắc ứng cử chung ở Biển Đông sẽ góp phần giảm thiểu việc gửi đi các tín hiệu sai, giảm thiểu hiểu nhầm chiến lược và nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn.
Thứ ba , cần thúc đẩy hợp tác nhằm phục hồi kinh tế và cùng phát triển. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều đình trệ, khu vực Ấn Độ Dương – Thai Bình Dương cần một đầu tàu hỗ trợ kinh tế thế giới phục hồi, trong đó Biển Đông cần là không gian kết nối lợi ích của các nước trong và ngoài khu vực, thúc đẩy giao thương toàn cầu,bảo đảm chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, nhất là đối với hàng hóa chiến lược.
Thứ tư , cần hợp tác nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tăng cường nghiên cứu khoa học biển và phát triển bền vững ở Biển Đông. Việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học càng có ý nghĩa trong thập kỷ Liên hợp quốc về khoa học đại cương và phát triển bền vững 2021-2030.
Theo đó, Việt Nam sẵn sàng cùng các nước láng giềng và các nước ngoài khu vực hợp tác cùng phát triển, sử dựng hiệu quả tài nguyên, đồng thời bảo vệ môi trường biển trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thứ năm , không ngừng hướng tới giải quyết hòa bình các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông. Theo đó, các bên có liên quan cần tăng cường đối thoại, trên tinh thần xây dựng, hòa giải và bao dung để thu hẹp các khác biệt, tranh chấp biển. Việt Nam sẵn sàng cùng các bên liên quan sử dụng khuôn khổ hợp tác song phương hoặc đa phương như ASEAN, Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF), nhằm thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, mở rộng hợp tác.
Biển Đông là phép thử của các thể chế đa phương trong khu vực
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Biển Đông là phép thử về vai trò của các thể chế đa phương trong khu vực, nhất là của ASEAN.
Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 có chủ đề "Duy trì hòa bình và hợp tác trong môi trường có nhiều biến động" diễn ra sáng 16/11 tại Hà Nội.
Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông năm 2020 do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam (VLA) và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) tổ chức là chuỗi hội thảo thường niên nhằm thúc đẩy đối thoại và trao đổi học thuật về quản lý, giải quyết tranh chấp và các vấn đề liên quan tại Biển Đông.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia biển, luôn khát vọng hòa bình và hợp tác. Do đó Việt Nam luôn thúc đẩy để Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định và phồn thịnh. Đồng thời gắn kết lợi ích các quốc gia trong khu vực và ngoài khu vực, cùng chung sống hòa bình, theo chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Điều này cũng được thể hiện trong quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Minh Tuấn)
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, lòng tin trong quan hệ quốc tế đang chịu tác động mạnh mẽ, hòa bình, ổn định giữa các quốc gia đang bị suy giảm. Biển Đông tiếp tục là mối quan tâm chung của các nước trong khu vực và quốc tế. Bởi đây là phép thử cho khả năng duy trì đối thoại, hợp tác vì lợi ích chung.
Theo đó, Biển Đông là phép thử về vai trò của các thể chế đa phương trong khu vực, nhất là của ASEAN trong việc quản lý căng thẳng, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và tạo dựng môi trường khu vực thuận lợi, để giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, trong vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước, tăng cường vai trò của các thể chế đa phương, thúc đẩy vai trò của ASEAN. Từ đó khắc phục khó khăn chung, thúc đẩy hợp tác, chủ động xử lý hài hòa quan điểm và lợi ích của các nước có liên quan.
Thứ trưởng nhắc lại, tuyên bố ngày 8/8 của các ngoại trưởng ASEAN về quyết tâm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, ổn định và trung lập. Đồng thời kêu gọi tất cả các nước kiềm chế, không tiến hành làm phức tạp, leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình khu vực. Không đe dọa sử dụng vũ lực và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình bằng luật pháp quốc tế.
Các đại biểu chụp ảnh tại buổi khai mạc Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần 12. (Ảnh: Minh Tuấn)
" Chúng tôi tin tưởng rằng, với uy tín của diễn đàn về Biển Đông trong khu vực được gây dựng hơn 10 năm qua, với sự quy tụ các chuyên gia, học giả hàng đầu khu vực, với sự ủng hộ chân thành của cộng đồng quốc tế, Hội thảo này là dịp tốt để thể hiện tinh thần đối thoại, hợp tác ở Biển Đông. Qua đó, đóng góp thêm nhiều ý tưởng, sáng kiến mới cho việc tăng cường hợp tác đối thoại Biển Đông trong thời gian tới ", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Theo Ban tổ chức, năm 2020, Hội thảo Biển Đông thu hút khoảng 250 đại biểu tham dự trực tiếp, bao gồm các diễn giả, học giả quốc tế và Việt Nam có uy tín, ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, có hơn 60 diễn giả tham dự hội thảo dưới hình thức trực tuyến và hàng nghìn khác mời đăng kí tham dự online.
Hội thảo diễn ra với 8 phiên lớn và 1 phiên đặc biệt. Các chủ đề trọng tâm trong năm 2020 bao gồm: Đánh giá chung tình hình Biển Đông trong tình hình thế giới biến động; Đánh giá vai trò của ASEAN với tầm nhìn sau năm 2025; Cuộc tranh luận Công hàm; Cuộc canh tranh về các câu chuyện kể về Biển Đông và vai trò của báo chí; Làm thế nào để xây dựng các quy tắc ứng xử để tránh va chạm tại Biển Đông; Cá, nghề cá và bảo vệ tài nguyên cá; Nghiên cứu khoa học biển; và Phát triển tài nguyên biển bền vững.
Đặc biệt, hội thảo lần này có thêm một phiên dành riêng cho các nhà lãnh đạo trẻ, nhằm nuôi dưỡng, kết nối thế hệ tương lai để góp phần thúc đẩy trật tự pháp lý, duy trì hòa bình và hợp tác trên biển trong tương lai.
RCEP là gì, quan trọng ra sao với ASEAN? RCEP - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - sẽ được ký kết tại HNCC ASEAN 37 theo đúng kỳ vọng của các nước thành viên sau 6 năm đàm phán. RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 6 đối tác bao gồm Trung Quốc,...