5 tuyến phòng thủ giúp tàu sân bay Mỹ bất khả chiến bại
Các hệ thống phòng thủ đa tầng, được kết nối mạng hiện đại kết hợp với chiến thuật linh hoạt giúp tàu sân bay Mỹ chống lại gần như tất cả mọi mối đe dọa.
Tiêm kích cất cánh từ tàu sân bay USS John C. Stennis của hải quân Mỹ. Ảnh: USAF
Với kích thước đồ sộ, các tàu sân bay Mỹ được cho là dễ trở thành mục tiêu của các loại vũ khí diệt hạm ngày càng hiện đại và chính xác. Tuy nhiên, khả năng các đối thủ có thể đánh chìm các “pháo đài nổi” này của Mỹ mà không dùng tới vũ khí hạt nhân gần như bằng không, theoNational Interest.
Loren B. Thomson, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu phi lợi nhuận Lexington, cho rằng các tàu sân bay Mỹ hiện nay sở hữu 5 tuyến phòng thủ giúp chúng trở nên bất khả chiến bại trên đại dương.
Trước hết, các tàu sân bay của Mỹ có độ cơ động và linh hoạt cao so với kích thước khổng lồ của chúng. Các con tàu hàng trăm nghìn tấn này có thể di chuyển với vận tốc lên tới hơn 56 km/h, khiến các tàu ngầm chạy chậm hơn rất khó phát hiện và theo dõi, và chỉ trong 30 phút sau khi bị đối phương phát hiện, phạm vi hoạt động của tàu sân bay được nới rộng lên hơn 1.800 km vuông, và sau 90 phút, nó có thể ở bất cứ đâu trong diện tích 15.500 km vuông.
Ngoài ra, các tàu sân bay lớp Nimitz và lớp Ford hiện nay thường có 25 tầng, cao 76 m, lượng giãn nước 100.000 tấn. Với hàng trăm khoang chống nước và lớp vỏ thép cực dày, không một ngư lôi hoặc thủy lôi thông thường nào có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho tàu.
Thứ hai, tàu sân bay Mỹ được trang bị các hệ thống phòng thủ uy lực, tích hợp công nghệ chủ động và thụ động với tầm bắn mở rộng để tiêu diệt các mối đe dọa như các tên lửa hành trình tầm thấp và các tàu ngầm đối phương.
Các hệ thống phòng thủ này bao gồm một loạt các thiết bị cảm biến nhạy bén, các tên lửa dẫn đường bằng radar và các pháo Gatling 20 mm có tốc độ bắn cực nhanh 50 viên mỗi giây.
Phi đội 60 máy bay trên tàu gồm một đội máy bay trang bị radar cảnh báo sớm có thể phát hiện các mối đe dọa đang tiếp cận từ khoảng cách rất xa, trong khi các trực thăng săn ngầm có thể đối phó hiệu quả với tàu ngầm đối phương. Các hệ thống cảm biến và vũ khí phòng thủ của tàu sân bay đều được kết nối mạng với một trung tâm chỉ huy trên boong để phối hợp tiêu diệt kẻ thù.
Thứ ba, các tàu sân bay Mỹ không hoạt động độc lập, mà thường được triển khai theo cụm tác chiến gồm nhiều tàu khu trục tên lửa dẫn đường được trang bị AEGIS, hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không hiện đại nhất thế giới, có khả năng tiêu diệt mọi mối đe dọa tiềm tàng, kể cả tên lửa đạn đạo.
Hệ thống AEGIS được kết nối với các hệ thống tấn công và phòng thủ khác trên các tàu chiến mặt nước Mỹ để tiêu diệt tàu ngầm, tàu mặt nước và thủy lôi trên biển, hoặc vô hiệu hóa các hệ thống cảm biến dẫn đường tên lửa tấn công của địch.
Video đang HOT
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường đi theo hộ tống tàu sân bay hải quân Mỹ. Ảnh:USAF
Khi kết hợp với không đoàn trên tàu sân bay, đội tàu chiến hộ tống này có thể nhanh chóng loại bỏ các hệ thống dẫn đường tấn công của đối phương. Các cụm tàu sân bay Mỹ cũng thường được biên chế thêm một hoặc nhiều tàu ngầm tấn công tàng hình để tiêu diệt các mối đe dọa dưới lòng biển và trên mặt nước.
Thứ tư, chiến thuật linh hoạt có thể giúp tàu sân bay tối ưu hóa khả năng sống sót trước các mối đe dọa. Chiến thuật tác chiến của các tàu sân bay đã được phát triển trong thời gian dài để giảm thiểu rủi ro, đồng thời giúp tàu duy trì khả năng phát động đòn tấn công theo kế hoạch.
Chẳng hạn, một tàu sân bay sẽ không tiến vào vùng biển chứa nhiều thủy lôi cho tới khi chúng được tàu quét mìn dọn sạch toàn bộ. Các tàu sân bay cũng có xu hướng hiện diện ở vùng biển mở thay vì tiếp cận các vùng biển kín, nơi tàu chiến địch có thể lẫn vào các tàu bè thông thường.
Trên biển rộng, tàu sân bay sẽ liên tục di chuyển để khiến đối phương khó phát hiện và theo dõi. Tàu sân bay Mỹ cũng được kết nối với các khí tài khác từ đáy biển cho đến vệ tinh tầm thấp để tiếp nhận các thông tin cảnh báo sớm cụ thể.
Thứ năm, sự ra đời của các công nghệ mới giúp tàu sân bay Mỹ tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
Hải quân Mỹ gần đây đã đầu tư ồ ạt vào các công nghệ phòng thủ và tấn công hiện đại cho tàu sân bay để đối phó với các mối đe dọa mới. Tiến bộ công nghệ quan trọng nhất gần đây là công nghệ kết nối tất cả các hệ thống, khí tài của hải quân trong một khu vực để tối đa hóa hiệu quả tác chiến. Các sáng kiến như chương trình Kiểm soát hỏa lực – phòng không tích hợp (NIFCA) giúp kết nối mọi hệ thống chiến đấu hiện có vào một màn hình phòng thủ phản ứng nhanh, thông suốt mà kẻ thù khó có thể thâm nhập vào hệ thống.
Một loạt công nghệ mới khác đang được áp dụng, từ khả năng trinh sát thâm nhập của các tiêm kích tàng hình cho đến các thiết bị gây nhiễu trên tàu có thể đánh lừa hệ thống dẫn đường tên lửa tối tân.
“Các tuyến phòng thủ giúp tàu sân bay Mỹ sống sót khiến không nhiều quốc gia có thể gây ra mối đe dọa thực sự đến các chiến hạm đắt giá nhất của Mỹ, trừ khi sử dụng vũ khí hạt nhân. Với tầm hoạt động không giới hạn và sự linh hoạt nhờ chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu sân bay có thể giúp Mỹ thực thi lợi ích ở mọi nơi trên thế giới. Điều này vẫn đúng trong nhiều thập kỷ tới trong bối cảnh hải quân Mỹ hiện vẫn đang đầu tư vào các công nghệ chiến tranh mới”, Thomson nhất mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Tàu sân bay - công cụ Mỹ răn đe Trung Quốc ở Biển Đông
Bất chấp mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc, tàu sân bay vẫn là vũ khí uy lực để Mỹ phát đi thông điệp quan trọng trên Biển Đông.
Tàu sân bay USS Jonh C. Stennis của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy
Ngày 5/6, tàu sân bay USS John C. Stennis của hải quân Mỹ rời Biển Đông, một trong những vùng biển tiềm ẩn nguy cơ xung đột lớn nhất thế giới hiện nay, để tham gia một cuộc diễn tập với Philippines.
Tàu Stennis đã hiện diện trên Biển Đông gần ba tháng liên tục, thực hiện những chuyến tuần tra nhằm thể hiện cam kết "tái cân bằng" của Mỹ đối với các nước trong khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những hành động quyết liệt hơn trên vùng biển này, theo Navy Times.
Trong suốt thời gian đó, tàu Stennis thường xuyên bị các tàu hải quân của Trung Quốc bám theo, và hiển nhiên sự hiện diện của biểu tượng sức mạnh quân sự Mỹ trên Biển Đông đã khiến nhà chức trách Bắc Kinh cảm thấy khó chịu. Hồi tháng 5, chính quyền Trung Quốc đã từ chối cho phép chiếc tàu sân bay này cập cảng Hong Kong, cho rằng hành động ghé thăm này là "bất tiện".
Sau khi rời khỏi Biển Đông, tàu sân bay Stennis không đi đâu xa, mà tham gia vào một màn phô diễn lực lượng hoành tráng cùng tàu sân bay USS Ronald Reagan trên biển Philippines, cách không xa Biển Đông.
Hải quân Mỹ cho biết sự xuất hiện của hai siêu tàu sân bay đồng thời ở gần Biển Đông là hành động đã được tính toán về thời điểm, ngay trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" phi lý do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên vùng biển này. Đồng thời, họ cũng nhấn mạnh đây là sự thể hiện "khả năng độc đáo của Mỹ vận hành nhiều cụm tàu sân bay chiến đấu ở cạnh nhau".
Sau khi tàu sân bay Stennis rời đi, tàu khu trục Spruance, một chiến hạm trong cụm tàu chiến hành động ở tây Thái Bình Dương, đã được giao nhiệm vụ triển khai tới Biển Đông từ ngày 8/6 và tuần tra ở khu vực này.
Theo giới quan sát, trong ba tháng hiện diện ở Biển Đông, tàu sân bay Stennis đã trở thành biểu tượng cho phản ứng của Mỹ đối với các hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, ồ ạt bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo và triển khai nhiều vũ khí, khí tài xuống Biển Đông. Nhà Trắng coi những hành động này của Trung Quốc là "chiến thuật đe dọa" nhằm uy hiếp các nước láng giềng, đe dọa đến tự do hàng hải trong khu vực.
Để có thể phô diễn tối đa sức mạnh của mình, trong quá trình tuần tra trên Biển Đông, tàu Stennis đã tham gia vào các cuộc diễn tập với lực lượng phòng vệ Nhật Bản và hải quân Ấn Độ, sau đó tham gia phối hợp cùng với tàu sân bay Reagan. "Đây là cơ hội tốt để chúng tôi luyện tập trong bối cảnh sát với thực tế. Chúng tôi phải tận dụng cơ hội này để luyện các kỹ năng chiến đấu cần thiết trong các chiến dịch hải quân hiện đại", chuẩn đô đốc John Alexander, chỉ huy cụm tàu sân bay chiến đấu Reagan, cho biết.
Hải quân Mỹ sử dụng tàu sân bay để phô diễn lực lượng và phát đi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc trong bối cảnh ngày càng có nhiều quân sự lo ngại rằng tàu sân bay Mỹ đang ngày càng đánh mất dần vai trò và vị thế của mình trước các loại tên lửa diệt hạm giá rẻ uy lực lớn của Trung Quốc.
Tàu Stennis và tàu Reagan phối hợp tuần tra trên biển Philippines. Ảnh: US Navy
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh hiện nay, tàu sân bay vẫn là công cụ hữu hiệu nhất của Mỹ để vừa trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vừa để răn đe các hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Không thể khuất phục
Gần đây, Trung Quốc đã trình làng nhiều loại vũ khí diệt hạm tầm xa mới, trong đó nổi bật là tên lửa đạn đạo DF-21D, được quảng bá là có thể lao xuống mục tiêu với vận tốc nhanh kỷ lục, đồng thời có thể tự chuyển hướng để né tránh tên lửa đánh chặn. Được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay", DF-21D có thể là mối đe dọa thực sự đối với khả năng sống sót của các tàu sân bay Mỹ.
Các học giả quân sự Trung Quốc tin rằng sự hiện diện của các loại tên lửa diệt hạm như DF-21D và và DF-26 sẽ khiến các chiến lược gia Mỹ phải cân nhắc và suy nghĩ rất kỹ trước khi triển khai tàu sân bay đến các điểm nóng, đặc biệt là ở Biển Đông. Việc để mất một tàu sân bay vì tên lửa diệt hạm sẽ là thiệt hại nặng nề không thể chịu đựng nổi cả về vật chất lẫn ý chí chiến đấu đối với quân đội Mỹ.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar của National Interest cho rằng mối đe dọa từ các loại tên lửa đạn đạo diệt hạm Trung Quốc đã bị thổi phồng quá mức, và trong tương lai, tàu sân bay Mỹ vẫn có thể giữ vững vị thế không thể khuất phục của mình.
Theo đó, dù các loại tên lửa diệt hạm Trung Quốc một khi được triển khai có thể gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với các tàu sân bay Mỹ, những khó khăn trong việc áp dụng thành công chiến lược "chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực" (A2/AD) mà Trung Quốc đang theo đuổi là điều đáng chú ý.
"Tôi cho rằng chiến lược A2/AD sẽ giúp đối phương có khả năng tấn công tầm xa chính xác, thế nhưng chiến lược này mang tính khát vọng nhiều hơn, bởi việc thực thi nó trên thực tế không hề dễ dàng", Đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Mỹ, phát biểu trong một hội thảo do Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) tổ chức hôm 20/6.
Đô đốc Richardson chỉ ra rằng chiến lược A2/AD đã hình thành từ rất lâu, và cái mới mà Trung Quốc đang áp dụng là phối hợp các năng lực tình báo, do thám, trinh sát (ISR) với các loại vũ khí chính xác tầm xa lên một cấp độ mới, và Mỹ "cần phải đáp trả".
Tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D của Trung Quốc. Ảnh: Chinanews
Tuy nhiên để có thể phát huy hiệu quả trong việc tiêu diệt tàu sân bay đối phương, tên lửa diệt hạm của Trung Quốc cần dựa vào một "chuỗi tiêu diệt" quy mô lớn, gồm các cảm biến ISR, các mạng dữ liệu, hệ thống chỉ huy, kiểm soát cùng nhiều hệ thống khác. "Chuỗi tiêu diệt" với rất nhiều thành tố, bộ phần này có thể bị tấn công và cắt đứt bằng chế áp điện tử, tác chiến mạng và các biện pháp khác. "Cách đáp trả của chúng tôi là gây ra rất nhiều cản trở cho hệ thống đó khiến chuỗi tiêu diệt bị gián đoạn", ông Richardson nói.
Khi bàn về chiến lược A2/AD, bán kính tên lửa có thể tấn công mục tiêu xâm nhập, chẳng hạn như tàu sân bay trên biển, được gọi là "vùng cấm". Tuy nhiên theo quan điểm của hải quân Mỹ, họ có thể thoải mái hoạt động trong "vùng cấm" này, miễn là áp dụng các chiến thuật khác.
Để có thể duy trì một "vùng cấm" đáng tin cậy, tất cả hệ thống cảm biến, radar, vệ tinh, liên lạc của Trung Quốc phải hoạt động trong điều kiện hoàn hảo, điều "rất khó xảy ra trong thực tế", theo ông Richardson.
"Dù sao, các tên lửa đạn đạo diệt hạm và năng lực A2/AD của Trung Quốc vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng, nhưng mối đe dọa đó không phải là không thể vượt qua, và sẽ không ngăn cản được các siêu tàu sân bay của Mỹ phô diễn sức mạnh của mình trong tương lai gần", Majumdar nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Trung Quốc theo dõi tàu sân bay Mỹ đi qua Biển Đông Ít nhất một chiếc tàu của Bắc Kinh cuối tuần đã đi theo một trong hai tàu sân bay của Washington khi nó qua Biển Đông để tham gia cuộc diễn tập. Tàu sân bay của Mỹ USS John C.Stennis. Ảnh: AP Chiếc tàu sân bay bị theo dõi là USS John C. Stennis, một trong hai chiếc được Hải quân Mỹ điều...