5 thủ lĩnh Taliban sa lưới
Tân Hoa Xã dẫn một số nguồn tin tình báo chưa được xác nhận cho hay sáng 30-5, NATO đã bắt 5 thủ lĩnh Taliban ở vùng Gorvait, Bắc Waziristan, Pakistan. Liền sau đó, 2 trực thăng của NATO đã đưa họ tới Afghanistan.
Nguồn tin yêu cầu được giấu tên cho hay, chiến dịch lần này của NATO lại một lần nữa “vượt mặt” chính phủ Pakistan. Tân Hoa Xã đánh giá đây được coi là một chiến dịch kiểu Abbottabad thứ 2, thực hiện ngay trên đất Pakistan mà phía Pakistan không hề hay biết.
Bắc Waziristan, khu vực bộ lạc ở Tây Bắc Pakistan được coi là thành trì của các lực lượng phiến quân của Pakistan
Các đặc vụ thuộc Bắc Waziristan cũng xác nhận thông tin 5 thủ lĩnh Taliban đã bị NATO bắt giữ.
Tuy nhiên, hiện chưa có thông báo chính thức nào về chiến dịch sáng 30-5 của lực lượng NATO. Vùng Bắc Waziristan, khu vực bộ lạc ở Tây Bắc Pakistan, được coi là thành trì của các lực lượng phiến quân của đất nước này, thường xuyên “làm phiền” lực lượng NATO ở Afghanistan bằng các cuộc tấn công qua biên giới.
Theo Người Lao Động
Mỹ 'cầu Chúa phù hộ' cho thủ lĩnh Taliban?
Không chỉ các thành viên của Taliban mà ngay bản thân chính quyền Obama cũng hết sức lo lắng cho sự sống của thủ lĩnh Mullah Omar bởi nhân vật này là "mắt xích" quan trọng cho tiến trình triệt thoái khỏi Afghanistan của Mỹ.
Video đang HOT
Tồn tại hay không tồn tại?
Thông tin trái chiều về cái chết của thủ lĩnh Taliban tại Afghanistan Mullah Mohammad Omar đang lan truyền khắp giới truyền thông thế giới.
Omar, 52 tuổi, là người bảo trợ cho Osama bin Laden ở Afghanistan trong khi trùm khủng bố al Qaeda lên kế hoạch vụ khủng bố 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ. Nhân vật này bị treo giải 25 triệu USD và là mục tiêu số 1 sau khi bin Laden bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại Paksitan hồi đầu tháng này.
Đài truyền hình tư nhân TOLO ở Afghanistan đưa tin, thủ lĩnh Taliban bị thành viên của cơ quan tình báo Pakistan triệt hạ trong khi đang được chuyển từ thành phố Quetta của Pakistan tới Bắc Waziristan với sự trợ giúp của cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Pakistan Hamid Gul.
Một nguồn tin giấu tên khác lại nói rằng, Omar bị mất tích 11 ngày sau một cuộc họp với một cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) và ban lãnh đạo Taliban hiện rất lo lắng.
Sau cái chết của bin Laden là thông tin về hồi kết cuộc đời của Mullah Mohammad Omar (phải).
Cơ quan tình báo Afghanistan cũng xác nhận, thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammad Omar "biến mất khỏi nơi trú ẩn" ở Pakistan, song không thể xác định liệu nhân vật này có bị sát hại hay không.
Người phát ngôn của Cơ quan tình báo Afghanistan Mashal nhấn mạnh: "Omar biến mất khỏi nơi trú ẩn từ bốn đến 5 ngày qua nhưng hiện nay chúng tôi không thể xác minh thông tin đối tượng này bị sát hại"
Thủ lĩnh Omar, vốn bị mất một mắt, hiếm khi xuất hiện trước các phương tiện thông tin đại chúng và được cho là đang lẩn trốn tại thị trấn Quetta của Pakistan, sau khi lực lượng Taliban bị chính quyền Afghanistan, dưới sự hậu thuẫn của quân đội Mỹ hất khỏi Kabul vào cuối năm 2001. Nơi trú ấn của Omar được gọi là "Quetta shura," trong đó "shura" có nghĩa là hội đồng lãnh đạo.
Trong khi đó, người phát ngôn của Taliban Zabihllah Mujahid lại một mực bác bỏ thông tin này. Nhân vật này gọi đây là "luận điệu tuyên truyền" nhằm làm suy yếu Taliban trong bối cảnh trùm khủng bố Osama bin Laden vừa bị biệt kích Mỹ tiêu diệt và khẳng định Omar "vẫn chỉ huy ở Afghanistan".
"Chúng tôi kịch liệt bác bỏ thông tin xuyên tạc cho rằng Mullah Mohammad Omar bị giết. Đây là luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch hòng làm lung lạc tinh thần của các chiến binh", đại diện của Taliban khẳng định.
Giá trị đích thực của Mullah Omar
Dù một mực phủ nhận thông tin về cái chết của thủ lĩnh nhưng lực lượng Taliban lại chưa đưa được ra bất cứ bằng chứng nào về sự tồn tại của Mullah Omar.
Vì vậy, không ít người mường tượng ra một kết cục bi thảm của Mullah Omar, tương tự như trùm khủng bố bin Laden. Nếu quả thực thủ lĩnh Taliban bị thủ tiêu, không chỉ lực lượng này lo ngại mà cả Mỹ cũng phải "nuối tiếc".
Theo nhà phân tích Ahmed Rashid, một số tổ chức và quốc gia, trong đó có Mỹ vô cùng lo lắng cho tính mạng của Mullah Omar. "Washington muốn thủ lĩnh Taliban sống hơn ai hết bởi nhân vật này có một giá trị đích thực", ông Ahmed Rashid bình luận.
Mullah Mohammad Omar (thứ 3 từ trái sang) có ảnh hưởng lớn trong giới khủng bố.
Dù Taliban lâu nay cương quyết khước từ lời đề nghị chia tay al Qaeda nhưng kết cục bi thảm của bin Laden có thể tạo cớ cho Omar, thủ lĩnh của Taliban tự tách mình ra khỏi bin Laden mà không bị mất mặt trước các cận vệ của mình bởi nhân vật này từng đưa ra lời đề nghị cách đây 10 năm rằng sẽ "bảo kê" cho riêng bin Laden, chứ không phải toàn bộ mạng lưới khủng bố.
Ngoài ra, không giống như các tổ chức khác, Taliban dưới sự chỉ đạo của Mullah Omar chưa từng "thề thốt" sẽ hết mực trung thành với al Qaeda.
Theo ông, Mullah Omar là chìa khóa cho sự thành công của các vòng đàm phán sắp tới với Taliban, tạo tiền đề cho Mỹ rút quân khỏi Afghanistan một cách hòa bình.
Chuyên gia này lý giải, Mỹ đang dồn mọi tâm huyết cho các nỗ lực đàm phán với Taliban, trong đó Mullah Omar đóng vai trò tối quan trọng. Báo giới Mỹ mới đây đưa tin, Tayyab Agha, phát ngôn viên và cũng là thư ký riêng của Mullah Omar có thể là đại diện của Taliban trong các cuộc đối thoại sắp tới.
Nhiều nguồn tin còn cho rằng, sau chiến dịch sát hại bin Laden của Mỹ, thủ lĩnh Taliban có nhiều lý do để thuận theo ý Washington tiến hành đối thoại.
Và một khi Mullah Omar chấp thuận đàm phán thì các chỉ huy "sừng sỏ" khác của Taliban cũng sẽ buộc phải "gật đầu" đối với bất cứ điều khoản nào trong thỏa thuận đàm phán, đặc biệt là điều kiện chấm dứt mọi mối bang giao với al Qaeda hay tổ chức khủng bố nào khác.
Ngoài ra, một số lãnh đạo khủng bố khác của Afghanistan như Jalaluddin Haqqani, nhân vật chỉ huy mạng lưới khủng bố tại Pakistan và con trai của hắn là Sirajuddin, cũng như cựu chỉ huy tại Afghanistan Gulbuddin Hekmatyar đều rất trung thành với Mullah Omar. Họ sẵn sàng nghe theo mọi ý chỉ của thủ lĩnh Taliban.
Vì vậy, nếu Mullah Omar không còn tồn tại, mạng lưới của Taliban sẽ "chia đàn xẻ nghé". Khi đó, Mỹ sẽ phải đối mặt với không chỉ một mà rất nhiều cái đầu với những quan điểm khác nhau.
Nói cách khác, để kết thúc ván cờ sa chân ở Afghanistan, Mỹ không còn cách nào khác là cầu nguyện cho sự sinh tồn của thủ lĩnh Taliban.
Theo Báo Đất Việt