5 thiết giáp hạm “khủng” nhất trong lịch sử thế giới
Thiết giáp hạm từng là biểu tượng hùng mạnh của hải quân các quốc gia trong thế kỷ 20 cho đến giai đoạn cuối Thế chiến 2.
Thiết giáp hạm xuất hiện nổi bật nhất trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
Theo National Interest, thiết giáp hạm là những chiến hạm lớn nhất từng được chế tạo trên thế giới. Ngoài lớp giáp giày, chúng còn được trang bị những khẩu pháo cỡ nòng lớn, tầm bắn xa hàng chục km. Một loạt đạn chính xác là đủ để đánh chìm bất cứ tàu chiến nào trong tầm ngắm.
Tuy nhiên dù mạnh mẽ đến mức nào thì thiết giáp hạm vẫn chỉ là một cỗ máy, cần đến sự vận hành của con người. Những thủy thủ và sĩ quan trên tàu mới là người đề ra chiến thuật, khai hỏa vũ khí để ghi dấu ấn thiết giáp hạm trong lịch sử.
Có thể nói, thiết giáp hạm là một phần không thể thiếu giúp làm nên lịch sử. Dưới đây là 5 thiết giáp hạm hùng mạnh nhất theo đánh giá của James Holmes, Giáo sư về chiến lược tại Học viện Hải chiến Mỹ.
Thiết giáp hạm Bismarck.
Thiết giáp hạm Bismarck là niềm kiêu hãnh của hải quân Đức trong Thế chiến 2. Chiến hạm này chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn là chủ đề bàn luận cho đến ngày nay.
Được đánh giá là thiết giáp hạm mạnh mẽ nhất hoạt động ở Đại Tây Dương, Bismarck đánh chìm chiến hạm HMS Hood, tàu chiến mang tính biểu tượng của Hải quân Hoàng gia Anh, chỉ sau một loạt đạn.
Con tàu cho đến nay vẫn là chiến hạm lớn nhất từng phục vụ trong hải quân Đức. Bismarck có lượng giãn nước lớn hơn mọi tàu chiến của châu Âu, ngoại trừ HMS Vanguard, thiết giáp hạm cuối cùng được chế tạo trên thế giới.
Bismarck được trang bị hỏa lực mạnh mẽ gồm 8 khẩu pháo cỡ nòng 380 mm, 12 khẩu 150 mm cùng 16 pháo phòng không SK-C/33.
Năm 1939, Đô đốc hải quân phát xít Đức, Erich Raeder đã dự đoán rằng, hạm đội tàu chiến Đức không tránh khỏi số phận “chết trong danh dự”, và Bismarck cũng không phải ngoại lệ.
Trong quá trình phục vụ vỏn vẹn 8 tháng và dưới quyền chỉ huy của Đại tá Hải quân Ernst Lindemann, Bismarck tham gia chiến dịch duy nhất mang tên Rheinbung.
Sau khi đánh chìm tàu tuần dương hạng nặng HMS Hood, Bismarck đã bị hàng chục máy bay, tàu chiến Anh truy đuổi suốt nhiều ngày.
Ngày 27.5.1941, các tàu chiến Anh đã nã hàng trăm viên đạn cùng ngư lôi cho đến khi niềm kiêu hãnh của hải quân Đức chìm xuống biển, kéo theo hàng nghìn thủy thủ.
Thiết giáp hạm Yamato trong một lần chạy thử nghiệm.
Thiết giáp hạm Yamato là tàu chiến lớn nhất từng phục vụ trong hải quân Nhật Bản. Yamato được hạ thủy vào ngày 8.8.1940. Tàu có lượng giãn nước lớn hơn bất kỳ thiết giáp hạm nào khác trong lịch sử.
Thiết kế của Yamato thiên về sức mạnh tấn công và phòng thủ thay vì tốc độ. Thiết giáp hạm Nhật Bản được trang bị 9 khẩu pháo lớn, cỡ nòng lên đến 460 mm, tầm bắn tối đa 46km. Cho đến năm 1944, Yamato còn sở hữu 6 khẩu pháo 155mm, 24 khẩu 127mm và 162 súng phòng không 25mm.
Con tàu có thể di chuyển với tốc độ tối đa 50 km/giờ, thấp hơn so với các thiết giáp hạm Mỹ. Giống như Bismarck, Yamato được ghi nhớ bởi quãng thời gian tồn tại khá ngắn.
Trong trận hải chiến lớn nhất lịch sử năm 1944, Yamato nằm trong hạm đội Nhật Bản chống lại đợt tấn công quy mô của hải quân Mỹ ở vịnh Leyte. Đây cũng là lần duy nhất con tàu có cơ hội giao chiến với tàu nổi của đối phương. Yamato bắn trúng một tàu sân bay hộ tống, một tàu khu trục và một tàu khu trục hộ tống của Mỹ.
Video đang HOT
Trong khi giao chiến trên biển Sibuyan, Yamato trúng 3 quả bom xuyên thép từ máy bay của tàu sân bay Essex của Hải quân Mỹ. Con tàu buộc phải rút chạy trước sự truy đuổi từ các máy bay phóng ngư lôi.
Ngày 7.4.1945, thủy thủ trên tàu Yamato nhận nhiệm vụ tự sát, khi hành quân ra khơi mà không có các máy bay yểm trợ. Kết quả là siêu thiết giáp hạm Nhật hứng chịu đợt tấn công của 280 máy bay Mỹ.
Con tàu trúng 10 quả ngư lôi, 7 quả bom khiến cho hầm đạn phát nổ. Đám khói bốc lên từ vụ nổ cao đến 6,4 km. Thiết giáp hạm đáng sợ nhất thế giới vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương.
Thiết giáp hạm Missouri là chiến hạm chủ lực của hải quân Mỹ trong Thế chiến 2.
USS Missouri là chiến hạm thuộc lớp Iowa của hải quân Mỹ và cũng là thiết giáp hạm cuối cùng mà Mỹ chế tạo.
Con tàu tham gia pháo kích yểm trợ trong nhiều chiến dịch đổ bộ của Mỹ ở Thái Bình Dương trong Thế chiến 2.
Với hệ thống hỏa lực mạnh mẽ, con tàu từng được coi là pháo đài trên biển. chiến hạm Missouri gồm 9 pháo hạng nặng cỡ nòng 406 mm, 20 pháo hạm 127 mm, 80 khẩu pháo phòng không 40 mm, 49 pháo phòng không 20 mm.
USS Missouri là thiết giáp hạm chủ lực của Hải quân Mỹ trong Thế chiến 2. Con tàu tham gia các trận đánh Iwo Jima và Okinawa tại mặt trận Thái Bình Dương, chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và cuộc chiến vùng Vịnh.
Con tàu được ghi nhớ chủ yếu vì mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là chiến đấu. Thiết giáp hạm lớp Iowa là nơi Đế quốc Nhật ký văn kiện đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện.
Sau Thế chiến 2, con tàu tiếp tục đóng vai trò sứ giả ngoại giao. Hiện diện tại Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian dài, USS Missouri là lời cảnh báo mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Harry Truman với Liên Xô. Con tàu ngừng hoạt động vào ngày 31.3.1992.
Trải qua nhiều lần phục chế, Mikasa trở thành bảo tàng nổi ở Yokohama, Nhật Bản.
Mikasa là thiết giáp hạm của Hải quân Đế quốc Nhật được chế tạo tại Anh vào đầu thế kỷ 20. Nó từng tham gia các trận chiến Hoàng Hải ngày 10.8.1904 và trận Tsushima ngày 27.5.1905 trong chiến tranh Nga-Nhật. Tên của nó được đặt theo núi Mikasa tại Nara, Nhật Bản. Mikasa có trọng tải 15,140 tấn, chiều dài 131,67 mét, rộng 23,23 mét. Con tàu được coi là chiến hạm tốt nhất trong những thập niên cuối của thế kỷ 19, nhờ sự cân bằng giữa hỏa lực, tốc độ và khả năng phòng vệ.
Các khẩu pháo chính được bố trí thành nhóm tháp pháo bọc thép ở vị trí trung tâm, cho phép phần còn lại của con tàu được bảo vệ bằng những tấm thép giáp Krupp hạng nặng.
Nhờ thiết kế này, Mikasa đã chịu được một lượng lớn phát bắn trúng trực tiếp. Tháng 9.1905, con tàu bị chìm bởi một đám cháy và vụ nổ hầm đạn. Sự cố cướp đi sinh mạng của 339 thủy thủ, gấp ba lần số người hy sinh trong chiến đấu.
Một năm sau, con tàu được trục vớt và sửa chữa nhưng không tham gia thêm một trận chiến nào nữa. Mikasa ngày nay đã trở thành bảo tàng nổi, phục vụ khách du lịch.
HMS Victory là chiến hạm cổ xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay.
HMS Victory là tàu chiến được trang bị 104 khẩu pháo của Hải quân Hoàng gia Anh, hạ thủy từ thế kỷ 18.
HMS Victory nổi tiếng trong trong trận đại chiến chống hạm đội Pháp-Tây Ban Nha ở ngoài khơi Trafalgar năm 1805 dưới sự chỉ huy của Đô đốc Nelson.
Con tàu từng chinh chiến trong 3 thập kỷ và trải qua nhiều cuộc chiến như cách mạng Pháp, các trận đánh của Napoleon. Năm 1922, Hải quân Hoàng gia Anh chuyển HMS Victory tới một bến tàu ở Portsmouth, đóng vai trò như một bảo tàng.
HMS Victory là tàu hải quân cổ nhất thế giới còn tồn tại. Đáng chú ý, con tàu vẫn nằm trong biên chế Hải quân Hoàng gia Anh.
Các thủy thủ và sĩ quan không làm việc trên tàu mà được giao công việc khác, trong khi vẫn được ghi nhận là thành viên của HMS Victory. Con tàu thu hút khoảng 350.000 khách du lịch đến tham quan mỗi năm.
Theo Danviet
Trận hải chiến lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại
12 tàu sân bay, hàng trăm tàu chiến, 2.200 máy bay đã được huy động trong trận hải chiến lớn nhất lịch sử chiến tranh hiện đại giữa hải quân Mỹ và hải quân Đế quốc Nhật Bản ở vịnh Leyte, Philippines.
Ảnh minh họa.
Chiến tranh Thế giới lần hai là cuộc chiến rộng khắp và thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Cuộc chiến kéo dài 6 năm đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 70 triệu người trên toàn thế giới; kéo theo hàng loạt những phát minh về quân sự như vũ khí nguyên tử, máy bay phản lực... Quyết định cục diện Thế Chiến 2 bao gồm những trận đánh đã đi vào lịch sử với số lượng khổng lồ trang thiết bị vũ khí của các bên tham chiến.
Trận chiến vịnh Leyte (hải chiến Philippines lần 2) được các nhà sử học đánh giá là cuộc đối đầu trên biển lớn nhất trong chiến tranh hiện đại dựa trên tiềm lực quân sự của hai bên. Khí tài quân sự hiện đại Mỹ và Nhật Bản đổ vào chiến trường rộng lớn tới 260.000 km2.
Đây được coi là một trong những trận chiến quan trọng nhất trong Thế chiến 2, quyết định sức mạnh hải quân Mỹ và Nhật Bản cũng như khả năng kiểm soát Thái Bình Dương. Trận chiến vịnh Leyte bao gồm 4 trận đánh tại biển Sibuyan, biển Surigao, Cape Engao và Samar từ ngày 23-26.10.1944.
Bối cảnh lịch sử
Từ tháng 8.1942 đến đầu năm 1944, hải quân Mỹ đã đánh bật lực lượng Nhật Bản ra khỏi các đảo ở phía Nam và miền trung Thái Bình Dương. Giữa năm 1944, hải quân Mỹ đã chiếm được một số đảo quan trọng, bàn đạp cho máy bay ném bom B-29 xuất kích tấn công các đảo chính của Nhật Bản.
Ban đầu, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thiên về giải pháp cô lập lực lượng Nhật tại Philippines và tấn công Đài Loan. Nhưng Đại tướng Lục quân Douglas MacArthur lại muốn tấn công vào Philippines, cắt ngang con đường tiếp tế chiến lược của Nhật Bản.
Để lại Philippines trong tay quân Nhật sẽ là một đòn đánh vào thanh thế của Mỹ và là một sự sỉ nhục vào danh dự cá nhân của MacArthur. Bởi năm 1942 ông đã phát biểu câu nói nổi tiếng: "Tôi sẽ trở lại", ám chỉ rằng sẽ trở lại Philippines.
Sau khi xem xét các yếu tố chiến lược, hải quân Mỹ quyết định mở cuộc tấn công vào Philippines nhằm cắt đứt tuyến vận tải biển chiến lược của Nhật Bản qua vịnh Leyte.
Đại tướng lục quân Mỹ Douglas MacArthur (giữa).
Theo kế hoạch, quân đội do tướng MacArthur chỉ huy sẽ đổ bộ lên đảo ở bờ đông Leyte. Các kỹ sư quân sự sẽ xây dựng một sân bay tạm thời để quân đội Mỹ làm bàn đạp tấn công sâu hơn vào Philippines. Hạm đội 7 đóng vai trò yểm trợ đổ bộ và chiến đấu trực tiếp với hải quân Nhật. Ngoài ra, Mỹ còn hạm đội 3 do Đô đốc William F. Halsey, Jr đóng vai trò yểm trợ gần bờ nếu tàu chiến Nhật áp sát.
Việc thiếu tổng chỉ huy làm cho sự phối hợp giữa các lực lượng không đồng nhất, khiến hải quân Mỹ chiến đấu không hiệu quả như kế hoạch. May mắn rằng lực lượng Nhật Bản với 3 chỉ huy riêng biệt, cũng không có tổng chỉ huy chung.
Hàng trăm tàu chiến Mỹ và Nhật Bản đã tham gia vào hải chiến lớn nhất lịch sử ở vịnh Leyte.
Đến ngày 20.10, hải quân Mỹ đã huy động đến vịnh Leyte 8 tàu sân bay cỡ lớn, 8 tàu tuần dương hạng nhẹ, 18 tàu tuần dương hộ tống, 12 thiết giáp hạm, 24 tàu tuần dương, 141 tàu khu trục và khoảng 1.500 máy bay. Trong khi đó, lực lượng Nhật Bản chỉ có 4 tàu sân bay, 9 thiết giáp hạm, 19 tàu tuần dương, 34 tàu khu trục và 700 máy bay.
Điểm mạnh của hải quân Nhật lúc đó là hai thiết giáp hạm lớn nhất và mạnh nhất, bao gồm Yamato và Mushashi. Hải quân Mỹ dựa vào ưu thế của các tàu sân bay cỡ lớn cùng 1.500 máy bay.
Chôn vùi 300.000 tấn sắt thép
Để chuẩn bị cho trận hải chiến quyết định, từ ngày 12.10, hạm đội 3 tấn công các sân bay ở đảo Đài Loan và quần đảo Ryukyu nhằm tiêu diệt lực lượng không quân Nhật Bản tại đây, dọn đường cho cuộc đổ bộ vào Leyte. Chiến dịch này kéo dài đến ngày 16.10 với chiến thắng của quân đội Mỹ.
Hai ngày sau đó, lực lượng Mỹ chiếm đảo Homonhon và Dinagat, mở đường tiến vào vịnh Leyte. Nhật Bản chuyển sang chiến lược Sho-1. Phó đô đốc Jisabur Ozawa chỉ huy mũi tấn công phía Bắc làm nhiệm vụ thu hút lực lượng Mỹ ra khỏi vịnh Leyte.
Nhóm tàu này làm nhiệm vụ mồi nhử trong khi đó các tàu chiến ở phía Nam do Phó đô đốc Shoji Nishimura chỉ huy tấn công vào khu vực eo biển Surigao. Nhóm tàu chiến ở tâm do Phó đô đốc Takeo Kurita chỉ huy đột kích qua eo biển San Bernardino.
Thủy thủ trên tàu sân bay Zuikaku thực hiện nghi lễ chào cờ cuối cùng sau khi nó bị trúng đạn nghiêng hẳn sang một bên và nhanh chóng bị chìm sau đó.
Trong trận hải chiến vịnh Leyte, lần đầu tiên các phi công Nhật Bản dùng đòn tấn công cảm tử (kamikaze) một cách có tổ chức. Ngày 20.10.1944, hải quân Mỹ bắt đầu đổ bộ lên đảo Leyte khá dễ dàng. Cho đến cuối ngày, 100.000 tấn hàng tiếp tế đã được chuyển đến Leyte.
Cuộc chạm trán giữa hải quân đôi bên lên đến đỉnh điểm của sự ác liệt với quy mô chưa từng có kéo dài 3 ngày, từ ngày 23.10. Một ngày trước đó, 4 hạm đội Nhật Bản lấn lướt hướng về phía hải quân Mỹ để nghênh chiến.
Ngày 23.10, hải quân Mỹ sớm chiếm lợi thế nhờ uy lực của tàu ngầm, đánh đắm hai tàu tuần dương Nhật thuộc quyền chỉ huy của Phó đô đốc Takeo Kurita. Tàu tuần dương thứ ba hư hỏng nặng và phải trở về Brunei.
Thiết giáp hạm Yamato sau khi trúng một quả bom.
Sáng ngày 24.10, Nhật phản công nhờ 200 máy bay cất cánh trên đảo Luzon, vô hiệu hóa tàu sân bay hạng nhẹ Princeton. Tàu sân bay của Phó đô đốc Jisabur Ozawa dùng hai phần ba máy bay tấn công hạm đội 3 Mỹ do Đô đốc William F. Halsey, Jr nhưng không thành công. Các phi công trên tàu sân bay Nhật vẫn còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Ở phía nam, tàu chiến Nhật tấn công hạm đội 7 Mỹ nhưng cũng thất bại, thậm chí còn mất 70 máy bay.
Chống đỡ thành công đợt tấn công của Nhật, hải quân Mỹ đồng loạt phản công, 5 đợt không kích suốt từ sáng đến chiều đã đánh chìm thiết giáp hạm Musashi, một trong hai niềm kiêu hãnh của hải quân Nhật.
Tâm điểm của trận chiến diễn ra vào ngày 25.10 khi các phi công dày dạn kinh nghiệm của Mỹ đánh chìm toàn bộ 4 tàu sân bay Nhật do Phó đô đốc Jisabur Ozawa chỉ huy. Tình cảnh phía nam thậm chí còn tồi tệ hơn khi Phó đô đốc Shoji Nishimura để mất gần như toàn bộ tàu chiến, chỉ còn một tàu khu trục quay trở về.
Đế quốc Nhật chỉ giành được ưu thế ở khu vực trung tâm, khi sức mạnh từ thiết giáp hạm đã đánh chìm một tàu sân bay Mỹ. Hướng đến vịnh Leyte, hạm đội do Phó Đô đốc Takeo Kurita chỉ huy còn đánh chìm tàu sân bay hộ tống Gambier Bay và 3 tàu khác. Lực lượng Nhật cũng tổn thất 3 tàu tuần dương và 1 chiếc bị hư hại nặng. Suốt cả ngày 25.10, Phó Đô đốc Kurita cố gắng truy đuổi hạm đội Mỹ trong vô vọng và chấp nhận bỏ cuộc vào lúc 6 giờ chiều.
Tàu sân bay hạng nhẹ USS Princeton bốc cháy sau khi trúng bom từ máy bay Nhật Bản.
Đến ngày 26.10, trận chiến vịnh Leyte gần như đã kết thúc khi hạm đội 3 Mỹ chỉ truy đuổi và đánh chìm được một tàu tuần dương Nhật trong khi các tàu Nhật đang rút chạy khỏi khu vực.
Kết thúc trận chiến, hải quân Nhật thiệt hại nặng nề, tổn thất 3 thiết giáp hạm (bao gồm niềm kiêu hãnh Musashi), 4 tàu sân bay, 10 tàu tuần dương và 9 tàu khu trục. Tổng cộng 300.000 tấn sắt thép chìm xuống biển. Hải quân Mỹ chỉ thiệt hại tương đương 37.000 tấn, bao gồm 1 tàu sân bay hạng nhẹ và 2 tàu sân bay hộ tống cùng một vài tàu chiến khác.
Trong khi Mỹ dễ dàng bù đắp thiệt hại thì hải quân Nhật mất hoàn toàn năng lực chiến đấu. Hải quân Mỹ từ đây có thể tiến thẳng đến chính quốc Nhật Bản mà không gặp phải bất cứ sự phản kháng đáng kể nào trên biển. Trong nhiệm vụ cuối cùng, thiết giáp hạm Yamato đã bị đánh chìm trên đường đến Okinawa.
Đô đốc Yonai, Bộ trưởng Hải quân Nhật khi đó nhận ra rằng thất bại ở Leyte "tương đương với việc để mất Philippines. "Tôi nghĩ rằng đó là lúc cuộc chiến đến hồi kết thúc".
Sau này, Đô đốc Nhật Bản Ozawa chia sẻ: "Kể từ sau trận chiến này, các tàu chiến Nhật Bản gần như tê liệt hoàn toàn, đế quốc Nhật chỉ còn biết dựa vào lực lượng trên bộ và các đợt tấn công cảm tử trên bầu trời".
Thiệt hại quá lớn cùng với sự sụt giảm nghiêm trọng về sản xuất quốc phòng do thiếu nguyên liệu sản xuất dẫn đến hạm đội Liên hợp Nhật Bản và quân đội Nhật Bản dần mất sức chiến đấu rồi bị đánh bại hoàn toàn.
________________
Trận không chiến ở Anh đầy ác liệt năm 1940 là chiến dịch đầu tiên trong lịch sử mà hai lực lượng quân sự chỉ đối đầu nhau bằng máy bay trên không. Mời bạn đọc bài tiếp theo xuất bản sáng sớm 2.11 về cuộc đối đầu vô tiền khoáng hậu giữa lực lượng không quân Hoàng gia Anh và lực lượng cực mạnh của trùm phát xít Hitler.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)
Trận hải chiến hạ gục thiết giáp hạm lớn nhất của phát xít Đức Hải quân Anh đã phải huy động cụm tàu đông đảo và các máy bay ném ngư lôi để tiêu diệt chiếc thiết giáp hạm khổng lồ của phát xít Đức. Thiết giáp hạm Bismarck của phát xít Đức. Ảnh: Greatmilitarybattles Từ cuối thế kỷ 19 cho đến thời kỳ sau Thế Chiến II, khi máy bay hải quân và tên lửa diệt...